Dầu dừa được biết đến với nhiều lợi ích đối với sức khỏe như khả năng chống nhiễm khuẩn và chống oxy hóa, cải thiện làn da và sức khỏe răng miệng cũng như hỗ trợ giảm cân.
Video: Lợi ích của dầu dừa đối với sức khỏe.
Dưới đây là 10 lợi ích của dầu dừa đối với sức khỏe đã được chứng minh và một số lưu ý đặc biệt khi sử dụng dầu dừa.
Thúc đẩy quá trình đốt mỡ
Dầu dừa chứa nhiều chất béo trung tính chuỗi trung bình, 1 dạng chất béo bão hòa.
Nói chung, chất béo bão hòa được chia thành 3 nhóm nhỏ, mỗi nhóm có tác dụng khác nhau đối với cơ thể con người. Các nhóm nhỏ này bao gồm:
- Chất béo trung tính chuỗi dài (Long-chain triglycerides – LCT)
- Chất béo trung tính chuỗi trung bình (Medium-chain triglycerides – MCT)
- Chất béo trung tính chuỗi ngắn (Short-chain triglycerides – SCT)
Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu về MCT, bao gồm cả MCT được tìm thấy trong dầu dừa vì những lợi ích tiềm năng của chúng đối với sức khỏe.
Một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng MCT có thể làm tăng quá trình đốt mỡ khi giảm cân.
Vì chất béo trong dầu dừa chứa 65% MCT nên dầu dừa có thể thúc đẩy quá trình đốt mỡ tương tự như MCT nguyên chất.
Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng xác thực nào về việc sử dụng dầu dừa sẽ làm tăng quá trình đốt mỡ.
Trên thực tế, khả năng giảm cân của MCT vẫn cần phải được đánh giá thêm bằng các nghiên cứu lớn và chuyên sâu hơn.
Mặc dù MCT có thể thúc đẩy quá trình đốt mỡ nhưng hãy nhớ rằng dầu dừa rất giàu calo và dễ gây tăng cân nếu sử dụng quá nhiều.
TÓM LẠI: Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng MCT – một loại chất béo bão hòa trong dầu dừa – có thể thúc đẩy quá trình đốt mỡ của cơ thể. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về khả năng này của dầu dừa.
Cung cấp năng lượng nhanh chóng
Các MCT trong dầu dừa có thể cung cấp năng lượng nhanh chóng.
Khi sử dụng LCT, các phân tử chất béo sẽ được vận chuyển từ máu đến các mô cần chúng như mô cơ hoặc mô mỡ.
Trong khi đó, MCT sẽ đi thẳng đến gan và trở thành nguồn cung cấp năng lượng nhanh chóng giống carbohydrate (nguồn cung cấp năng lượng chính của cơ thể).
Trên thực tế, MCT đã được sử dụng từ lâu trong các sản phẩm dinh dưỡng thể thao dành cho các vận động viên để bổ sung năng lượng nhanh và dễ hấp thu.
TÓM LẠI: Dầu dừa có chứa nhiều MCT. Đây là chất béo có cơ chế chuyển hóa khác so với LCT. MCT là nguồn cung cấp năng lượng nhanh chóng, dễ hấp thu và sử dụng hơn các loại chất béo bão hòa khác.
Ngăn ngừa nhiễm khuẩn
Dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn và kháng nấm do chứa MCT, trong đó có axit lauric.
Axit lauric là một axit béo cấu tạo khoảng 50% MCT có trong dầu dừa.
Nghiên cứu cho thấy axit lauric có tác dụng chống lại một số vi khuẩn gây bệnh như:
- Staphylococcus aureus
- Streptococcus mutans
- Streptococcus pyogenes
- Escherichia coli
- Helicobacter pylori
Các nghiên cứu cho thấy axit lauric có tác dụng kìm khuẩn. Các chất kìm khuẩn có khả năng ngăn vi khuẩn sinh sôi mà không tiêu diệt vi khuẩn. Trong một số trường hợp, nó cũng có khả năng diệt khuẩn. Ngoài ra, axit lauric cũng có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại cho cây trồng.
TÓM LẠI: Axit lauric trong dầu dừa có đặc tính kháng khuẩn, giúp chống lại nhiều loại vi khuẩn có hại.
Giảm cảm giác thèm ăn
Một trong những vai trò của MCT là làm giảm cảm giác thèm ăn, giúp hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể.
Điều này có thể là do việc chuyển hóa MCT trong cơ thể. Một lượng MCT mà cơ thể nạp vào sẽ được chuyển hóa thành xeton.
Xeton làm giảm cảm giác thèm ăn bằng cách tác động trực tiếp lên các thụ thể hóa học ở não hoặc làm thay đổi nồng độ các hormone kích thích cảm giác thèm ăn, ví dụ như hormone ghrelin.
Ngày nay, chế độ ăn Keto khá phổ biến. Những người đang ăn theo chế độ Keto thường không ăn nhiều carbohydrate nhưng họ sẽ ăn nhiều chất béo. Vì vậy, cơ thể của họ sẽ thích nghi với việc sử dụng xeton để làm nguồn cung cấp năng lượng.
Tuy nhiên, dù dầu dừa là một trong những nguồn giàu MCT tự nhiên nhất nhưng không có bằng chứng nào cho thấy dầu dừa làm giảm cảm giác thèm ăn hơn các loại dầu khác. Trên thực tế, một nghiên cứu báo cáo rằng dầu dừa không tạo cảm giác no lâu bằng dầu MCT nguyên chất.
TÓM LẠI: MCT có thể làm hạn chế lượng thức ăn mà bạn nạp vào bằng cách giảm cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã đưa ra bằng chứng cho thấy dầu dừa không có tác dụng tương tự.
Giảm tình trạng co giật
Từ lâu, chế độ ăn Keto (ăn rất ít carbohydrate và nhiều chất béo) đã được áp dụng để điều trị các rối loạn khác nhau, bao gồm cả bệnh động kinh kháng thuốc. Chế độ ăn Keto đã được chứng minh là giúp giảm tần suất xảy ra co giật.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, ở những người bị động kinh áp dụng chế độ ăn Keto, sự thiếu hụt glucose làm giảm nguồn năng lượng cung cấp cho các tế bào não, giúp hạn chế số lần co giật.
Tuy nhiên, về tổng thể, vẫn chưa có đủ bằng chứng về việc tác dụng của chế độ ăn Keto ở người lớn và trẻ sơ sinh mắc bệnh động kinh, vì vậy cần phải nghiên cứu thêm.
Giảm lượng carbohydrate nạp vào sẽ làm giảm nồng độ glucose trong máu và tăng lượng chất béo nạp vào sẽ làm tăng nồng độ xeton. Não có thể sử dụng xeton làm nguồn cung cấp năng lượng thay cho glucose.
Gần đây, nhiều trường hợp bị động kinh đã được cải thiện nhờ tuân theo chế độ ăn Keto sửa đổi, trong đó người bệnh sẽ sử dụng MCT trong chế độ ăn và lượng carbohydrat nạp vào ít bị hạn chế hơn.
Nghiên cứu cho thấy MCT trong dầu dừa được vận chuyển đến gan và chuyển hóa thành xeton.
TÓM LẠI: MCT trong dầu dừa có thể làm tăng nồng độ xeton trong máu, giúp giảm tần suất co giật.
Tăng cường sức khỏe của làn da
Ngoài là một loại thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, dầu dừa còn có nhiều công dụng khác. Nhiều người sử dụng nó cho mục đích làm đẹp để cải thiện làn da.
Các nghiên cứu cho thấy dầu dừa có thể tăng cường độ ẩm cho làn da khô. Nó cũng có thể cải thiện chức năng của da, giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước và bảo vệ da khỏi các yếu tố bên ngoài như các tác nhân gây viêm nhiễm, hóa chất độc hại và các chất gây dị ứng.
Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây đã xác định rằng việc thoa 6 – 8 giọt dầu dừa nguyên chất lên tay vào ban đêm có thể ngăn ngừa tình trạng khô da do thường xuyên sử dụng nước rửa tay chứa cồn.
Dầu dừa cũng có thể làm giảm các triệu chứng từ nhẹ đến vừa của bệnh viêm da dị ứng. Đây là một bệnh lý mạn tính của da, đặc trưng bởi tình trạng viêm da và mất chức năng của hàng rào bảo vệ da.
TÓM LẠI: Dầu dừa có thể dưỡng ẩm cho làn da và cải thiện chức năng của hàng rào bảo vệ da.
Bảo vệ mái tóc
Dầu dừa cũng có thể bảo vệ mái tóc khỏi tình trạng hư tổn.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dầu dừa có thể thấm sâu vào các sợi tóc, giúp tóc mềm mại và chắc khỏe hơn, ngăn ngừa tình trạng gãy rụng.
TÓM LẠI: Dầu dừa có thể giúp mái tóc trở nên chắc khỏe hơn, giảm tình trạng tóc gãy rụng.
Cải thiện sức khỏe răng miệng
Dùng dầu dừa làm nước súc miệng (gọi là dầu súc miệng) là một biện pháp tiết kiệm để vệ sinh răng miệng.
Dầu súc miệng có thể làm giảm số lượng vi khuẩn có hại trong miệng, đặc biệt là vi khuẩn S. mutans, so với nước súc miệng thông thường. Điều này có thể là do đặc tính kháng khuẩn của axit lauric.
Ngoài ra, axit lauric trong dầu dừa phản ứng với nước bọt để tạo thành một chất giống xà phòng, có tác dụng ngăn ngừa sâu răng, làm giảm các mảng bám tích tụ trên răng và giảm tình trạng viêm lợi.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho biết chưa có nhiều bằng chứng về tác dụng này và dầu súc miệng không thay thế được các biện pháp chăm sóc răng miệng thông thường. Cần có nhiều nghiên cứu hơn về tác dụng của dầu súc miệng đối với sức khỏe răng miệng.
TÓM LẠI: Dầu dừa có thể là một phương pháp hiệu quả để cải thiện sức khỏe răng miệng do chứa nhiều axit lauric.
Giảm các triệu chứng của bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng sa sút trí tuệ.
Khi bị Alzheimer, não của người bệnh sẽ giảm khả năng sử dụng glucose để tạo năng lượng. Các nhà nghiên cứu cho rằng xeton có thể làm giảm các triệu chứng sớm của bệnh Alzheimer ở mức độ nhẹ đến vừa bằng cách cung cấp nguồn năng lượng thay thế cho các tế bào não.
Vì vậy, các nhà khoa học đã và đang tiếp tục nghiên cứu tác dụng của các loại thực phẩm như dầu dừa đối với việc kiểm soát bệnh Alzheimer.
Tuy nhiên, vẫn cần các nghiên cứu lớn hơn để kết luận tác dụng này của dầu dừa.
TÓM LẠI: MCT trong dầu dừa có thể làm tăng đáng kể nồng độ xeton trong máu, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, vẫn cần các nghiên cứu chuyên sâu hơn về vai trò này.
Khả năng chống oxy hóa tốt
Dầu dừa chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt, giúp trung hòa các phân tử gốc tự do có hại. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa một số bệnh mạn tính và tình trạng lão hóa.
Một số chất chống oxy hóa có nhiều trong dầu dừa như:
- Tocopherols
- Tocotrienols
- Phytosterol
- Flavonoid
- Polyphenol
Các chất chống oxy hóa trong dầu dừa có khả năng chống viêm và bảo vệ não.
Một nghiên cứu khác cho thấy axit lauric trong dầu dừa có thể giảm các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
TÓM LẠI: Dầu dừa là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa dồi dào, có tác dụng chống viêm, ngăn ngừa biến chứng của đái tháo đường và bảo vệ não.
Một số lưu ý khi sử dụng
Trong những năm gần đây, dầu dừa đã được biết đến nhờ có lợi cho sức khỏe tim mạch vì một số nghiên cứu cho thấy nó có thể làm giảm nồng độ LDL – cholesterol (cholesterol xấu) và tăng nồng độ HDL – cholesterol (cholesterol tốt).
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về tác động của dầu dừa đối với nồng độ cholesterol trong máu.
Một nghiên cứu chuyên sâu hơn đã xác định rằng dầu dừa có thể làm tăng nồng độ LDL – cholesterol và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Sự mâu thuẫn giữa các kết quả có thể là do phương pháp nghiên cứu khác nhau. Một số nghiên cứu so sánh tác dụng của dầu dừa với các nguồn chất béo thực vật bão hòa khác. Trong khi đó, một số nghiên cứu lại so sánh dầu dừa với chất béo động vật bão hòa như bơ động vật.
So với chất béo thực vật, dầu dừa làm tăng cả nồng độ LDL – cholesterol và cholesterol toàn phần. Tuy nhiên, mức tăng này lại nhỏ hơn so với bơ động vật.
Việc tăng nồng độ HDL – cholesterol giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, vì vậy có nhiều người cho rằng rằng tác dụng làm tăng HDL – cholesterol của dầu dừa có thể ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch.
Tuy nhiên, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (The American Heart Association – AHA) đã xác định rằng sự gia tăng HDL – cholesterol do chế độ ăn hoặc do điều trị bằng thuốc không liên quan trực tiếp đến những thay đổi về nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Có thể thấy, dầu dừa có khả năng làm tăng nồng độ LDL – cholesterol rõ ràng hơn việc tăng nồng độ HDL – cholesterol. Vì vậy, AHA khuyến cáo không nên sử dụng dầu dừa để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch.
Dù vậy, điều này không có nghĩa là nên tránh hoàn toàn dầu dừa. Bạn chỉ cần hạn chế tối đa lượng chất béo bão hòa nạp vào theo khuyến nghị hiện tại (dưới 10% tổng lượng calo/ngày).
TÓM LẠI: Có nhiều tranh cãi về lợi ích của dầu dừa đối với sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, AHA khuyến cáo không nên sử dụng dầu dừa để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Cần hạn chế tiêu thụ chất béo ở mức dưới 10% tổng lượng calo/ngày.
Kết luận
Ngày nay, dầu dừa được biết đến với nhiều công dụng đối với sức khỏe và sắc đẹp.
Tuy nhiên, các tổ chức y tế khuyến cáo chỉ nên sử dụng dầu dừa ở mức độ vừa phải để tránh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Xem thêm: