Sâu răng: Cách nhận biết, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Sâu răng là tình trạng tổn thương mất mô cứng của răng do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng và hình thành các lỗ nhỏ trên răng. Sâu răng do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm vi khuẩn trong miệng, ăn vặt thường xuyên, đồ uống có đường và vệ sinh răng miệng không kỹ.

Sâu răng là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trên thế giới, đặc biệt đối với trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tuổi. Nhưng bất cứ ai có răng đều có thể bị sâu răng, kể cả trẻ sơ sinh.

Video răng sâu nên xử lý thế nào?

Nếu sâu răng không được điều trị thì sẽ tiến triển lớn hơn và ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của răng. Hậu quả có thể dẫn đến đau răng, nhiễm trùng nghiêm trọng và mất răng. Các thói quen như thăm khám nha khoa thường xuyên, đánh răng và dùng chỉ nha khoa là những cách bảo vệ tốt nhất để chống lại sâu răng.

Triệu chứng của sâu răng

Sâu răng có thể gây đau răng - đau khi ăn uống hoặc đau xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng Sâu răng có thể gây đau răng - đau khi ăn uống hoặc đau xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng

Các dấu hiệu và triệu chứng của sâu răng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ và vị trí của chúng. Khi sâu răng mới bắt đầu, bạn có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi sâu phát triển lớn hơn thì có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Đau răng có thể đau khi ăn uống hoặc đau tự phát, không có nguyên nhân rõ ràng
  • Răng nhạy cảm
  • Đau nhẹ đến đau khi ăn hoặc uống thứ gì đó ngọt, nóng hoặc lạnh
  • Nhìn thấy lỗ hổng trên răng
  • Nhuộm màu nâu, đen hoặc trắng trên bất kỳ bề mặt nào của răng
  • Đau khi cắn

Khi nào đến gặp nha sĩ

Người bệnh có thể không biết rằng mình đang bị sâu răng. Đó là lý do tại sao việc kiểm tra và làm sạch răng thường xuyên rất quan trọng, ngay cả khi chúng ta cảm thấy răng miệng của mình ổn. Tuy nhiên, nếu bị đau răng miệng thì bạn nên đi khám nha sĩ càng sớm càng tốt. 

Nguyên nhân của sâu răng

Sâu răng là một quá trình xảy ra theo thời gian. Sau đây là cách sâu răng hình thành và phát triển:

  • Mảng bám răng là một lớp màng dính trong suốt bao phủ răng – hình thành do ăn nhiều đường, tinh bột và không vệ sinh răng miệng kỹ. Khi đường, tinh bột không được làm sạch khỏi răng sẽ hình thành mảng bám và vi khuẩn sẽ nhanh chóng bắt đầu ăn chúng. Mảng bám trên răng có thể cứng lại ở dưới hoặc trên đường viền nướu tạo thành cao răng (vôi răng). Cao răng khiến mảng bám khó loại bỏ hơn và tạo lá chắn cho vi khuẩn.
  • Các axit trong mảng bám ăn mòn các khoáng chất trong lớp men cứng bên ngoài của răng. Sự xói mòn này gây ra các lỗ trên men răng – đây là giai đoạn đầu tiên của sâu răng. Một khi men bị mất đi, vi khuẩn và axit có thể tiến đến lớp tiếp theo được gọi là ngà răng – lớp này mềm hơn men và ít chịu axit hơn. Ngà răng có các ống cực nhỏ (ống ngà) kết nối trực tiếp với dây thần kinh của răng gây ra sự nhạy cảm.
  • Khi sâu răng tiến triển, vi khuẩn và axit tiếp tục di chuyển qua răng đến phần tủy răng có chứa thần kinh và mạch máu. Tủy răng sẽ bị sưng viêm và kích ứng do vi khuẩn. Bởi vì phần ngoài là mô cứng nên khi tủy răng bị viêm, sưng sẽ chèn ép dây thần kinh và gây đau.  

Yếu tố nguy cơ của sâu răng

Thực phẩm bám dễ bám vào răng - như sữa, kem, mật ong, đường, soda, trái cây sấy khô, kẹo, bánh, ngũ cốc…- có nhiều khả năng gây sâu răng. (nguồn: alliancedental.ca)Thực phẩm bám dễ bám vào răng - như sữa, kem, mật ong, đường, soda, trái cây sấy khô, kẹo, bánh, ngũ cốc…- có nhiều khả năng gây sâu răng. (nguồn: alliancedental.ca) Mọi người có răng đều có nguy cơ bị sâu răng, nhưng các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ:

  • Vị trí răng. Sâu răng thường xảy ra nhất ở răng phía sau (răng hàm và răng tiền hàm). Những răng này có nhiều hố rãnh nên dễ lưu lại thức ăn và khiến chúng khó được giữ sạch hơn so với những chiếc răng cửa ở phía trước.
  • Một số loại thức ăn và đồ uống. Thực phẩm dễ bám vào răng - như sữa, kem, mật ong, đường, soda, trái cây sấy khô, kẹo, bánh, ngũ cốc…- có nhiều khả năng gây sâu răng hơn thực phẩm dễ bị rửa trôi bởi nước bọt.
  • Thường xuyên ăn vặt. Khi thường xuyên ăn vặt hoặc dùng đồ uống có đường, bạn sẽ cung cấp cho vi khuẩn trong miệng thêm nhiên liệu để tạo ra axit tấn công răng. Việc dùng đồ uống có tính axit trong suốt cả ngày sẽ tạo ra một lượng axit liên tục làm mòn răng.
  • Cho trẻ sơ sinh bú trước khi đi ngủ. Khi trẻ được cho bú bình sữa, nước trái cây hoặc các chất lỏng có đường khác trước khi đi ngủ, những đồ uống này sẽ lưu lại trên răng hàng giờ trong khi trẻ ngủ và là thức ăn cho vi khuẩn gây sâu răng. 
  • Đánh răng không đầy đủ. Nếu không làm sạch răng sớm sau khi ăn uống, mảng bám hình thành nhanh chóng và giai đoạn đầu của sâu răng có thể bắt đầu.
  • Không nhận đủ fluor. Fluor, là một khoáng chất tự nhiên, giúp ngăn ngừa sâu răng và thậm chí có thể đảo ngược được giai đoạn sớm nhất của sâu răng. Vì lợi ích của nó nên fluor được thêm vào nhiều nguồn cung cấp nước công cộng. Nó cũng là một thành phần phổ biến trong kem đánh răng và nước súc miệng. 
  • Trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi. Sâu răng có tỉ lệ gặp cao hơn ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và người lớn tuổi. Ở người lớn tuổi, răng có thể bị mòn và nướu có thể bị tụt xuống, khiến dễ bị sâu chân răng. Ngoài ra, người lớn tuổi cũng có thể sử dụng thêm các loại thuốc có tác dụng phụ giảm lưu lượng nước bọt – làm tăng nguy cơ sâu răng.
  • Khô miệng. Nước bọt giúp ngăn ngừa sâu răng bằng cách rửa sạch thức ăn và mảng bám trên răng. Các chất được tìm thấy trong nước bọt cũng giúp chống lại axit do vi khuẩn tạo ra. Do vậy tình trạng khô miệng sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng. Một số loại thuốc, bệnh lý, điều trị tia xạ vào đầu cổ hoặc một số loại thuốc hóa trị nhất định có thể làm giảm sản xuất nước bọt.
  • Vỡ miếng trám hoặc mão răng không khít. Qua nhiều năm, vật liệu trám răng có thể yếu đi, bắt đầu vỡ hoặc tạo ra các cạnh gồ ghề, cho phép mảng bám tích tụ dễ dàng và khó loại bỏ hơn. Các mão răng, cầu răng/khí cụ nha khoa có thể không khít, cho phép bắt đầu sâu bên dưới chúng.
  • Ợ nóng. Ợ nóng hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể khiến axit dạ dày trào vào miệng và làm mòn men răng, gây tổn thương răng đáng kể. Điều này làm cho ngà răng bị vi khuẩn tấn công nhiều hơn, tạo ra sâu răng. Nha sĩ có thể khuyên bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xem liệu trào ngược dạ dày có phải là nguyên nhân khiến bạn bị mòn men răng hay không.
  • Rối loạn ăn uống. Chán ăn và chứng ăn uống vô độ có thể dẫn đến mòn răng và sâu răng. Axit dạ dày do nôn nhiều lần sẽ bắt đầu hòa tan men răng. Rối loạn ăn uống cũng có thể cản trở sản xuất nước bọt.

Biến chứng của sâu răng

Sâu răng có thể gây ra các khối áp xe trong miệng. (nguồn: dentistchannel.online)Sâu răng có thể gây ra các khối áp xe trong miệng. (nguồn: dentistchannel.online)Sâu răng thường bị xem nhẹ nhưng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, lâu dài – ngay cả đối với những trẻ chưa mọc răng vĩnh viễn.

Các biến chứng của sâu răng có thể bao gồm:

  • Đau 
  • Áp xe răng
  • Sưng hoặc chảy mủ quanh răng
  • Hỏng hoặc gãy răng
  • Các vấn đề về nhai
  • Dịch chuyển vị trí của răng sau khi mất răng

Khi sâu răng trở nên nghiêm trọng, có thể bị:

  • Đau cản trở sinh hoạt hàng ngày
  • Giảm cân hoặc các vấn đề dinh dưỡng do ăn hoặc nhai bị đau hoặc khó khăn
  • Rụng răng, có thể ảnh hưởng đến ngoại hình cũng như sự tự tin và lòng tự trọng 
  • Trong một số trường hợp hiếm hoi, áp xe răng có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí đe dọa tính mạng 

Phòng ngừa sâu răng

Khám răng miệng thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm các vấn đề. (nguồn: nuvodental.ca)Khám răng miệng thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm các vấn đề. (nguồn: nuvodental.ca) Vệ sinh răng miệng tốt có thể giúp tránh được sâu răng. Dưới đây là một số mẹo giúp ngăn ngừa sâu răng, hãy tham khảo ý kiến của nha sĩ để biết những lời khuyên nào là tốt nhất cho bạn.
  • Đánh răng bằng kem đánh răng có fluor sau khi ăn uống. Đánh răng ít nhất 2 lần 1 ngày và lý tưởng nhất là sau mỗi bữa ăn, sử dụng kem đánh răng có chứa florua. Để làm sạch kẽ răng, hãy dùng chỉ nha khoa hoặc dùng dụng cụ làm sạch kẽ răng.
  • Súc miệng. Nếu nha sĩ cảm thấy bạn có nguy cơ cao bị sâu răng, họ có thể khuyến nghị bạn sử dụng nước súc miệng có chứa florua.
  • Đi khám nha sĩ thường xuyên. Làm sạch răng và khám răng miệng thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm các vấn đề. 
  • Trám răng. Đây là phương pháp được sử dụng để khôi phục lại những chiếc răng đã bị hư hỏng do sâu răng gây nên, đem lại chức năng bình thường như răng tự nhiên. Để thực hiện việc trám răng, đầu tiên người bệnh sẽ được nha sĩ loại bỏ các chất liệu gây sâu răng, làm sạch vùng bị ảnh hưởng, sau đó sẽ dùng chất trám chuyên dụng lấp kín vùng khoảng trống. Bằng cách đó sẽ ngăn cản được sự xâm nhập của vi khuẩn trên bề mặt răng. Trám răng giúp cải thiện tình trạng sâu răng, đưa răng trở về tình trạng ban đầu, hạn chế sâu răng quay lại. Phương pháp này không gây ảnh hưởng đến cấu trúc của răng cũng như hàm mặt, bởi không cần mài cùi hay chụp răng. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến nghị sử dụng chất trám răng cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học. Chất bịt kín có thể tồn tại trong vài năm trước khi phải được thay thế, nhưng chúng cần được kiểm tra thường xuyên.
  • Sử dụng nước máy có fluor. Nước đều có thêm fluor có thể giúp giảm sâu răng đáng kể. 
  • Tránh ăn vặt và uống nước ngọt thường xuyên. Ăn vặt hoặc uống nước ngọt thường xuyên sẽ giúp vi khuẩn trong miệng tạo ra axit gây phá hủy men răng. Nếu ăn nhẹ hoặc uống nước ngọt trong suốt cả ngày, răng sẽ bị tấn công liên tục.
  • Ăn thức ăn có lợi cho răng. Một số loại thực phẩm và đồ uống tốt cho răng hơn những loại khác. Tránh để thức ăn bám lâu ngày trong rãnh và kẽ răng, chải răng ngay sau khi ăn xong. Tuy nhiên, các loại thực phẩm như trái cây tươi và rau quả làm tăng lưu lượng nước bọt. Cà phê không đường, trà và kẹo cao su (không đường) giúp rửa sạch các mảnh vụn thức ăn.
  • Cân nhắc phương pháp điều trị bằng fluor. Nha sĩ có thể đề nghị phương pháp điều trị fluor định kỳ, đặc biệt nếu bạn không nhận đủ fluor thông qua nước uống có chứa fluor và các nguồn khác. Họ cũng có thể giới thiệu các khay làm theo khuôn răng của bạn để sử dụng florua theo đơn nếu nguy cơ sâu răng rất cao.
  • Hỏi về các phương pháp điều trị kháng khuẩn. Nếu bạn đặc biệt dễ bị sâu răng - ví dụ do một bệnh lý nào đó - nha sĩ có thể đề nghị súc miệng kháng khuẩn đặc biệt (như có chlorhexidine) hoặc các phương pháp điều trị khác để giúp giảm lượng vi khuẩn có hại trong miệng của bạn. 
  • Phương pháp điều trị kết hợp. Nhai kẹo cao su có chứa xylitol cùng với fluor theo đơn và nước súc miệng kháng khuẩn có thể giúp giảm nguy cơ sâu răng. 

Chẩn đoán sâu răng

Nha sĩ thường có thể phát hiện sâu răng bằng cách:

  • Hỏi về triệu chứng đau và ê buốt răng
  • Thăm khám miệng và răng 
  • Thăm khám răng bằng các dụng cụ nha khoa để kiểm tra lợi
  • Chụp X-quang nha khoa, có thể cho biết mức độ sâu răng 

Điều trị sâu răng

Đối với tình trạng răng bị sâu nhiều hoặc yếu, bạn có thể cần một mão răng - một lớp bọc toàn bộ thân răng cũ thay thế cho thân răng tự nhiên. (nguồn: west85thdental.com)Đối với tình trạng răng bị sâu nhiều hoặc yếu, bạn có thể cần một mão răng - một lớp bọc toàn bộ thân răng cũ thay thế cho thân răng tự nhiên. (nguồn: west85thdental.com)

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên có thể xác định sâu răng và các tình trạng răng miệng khác trước khi chúng gây ra các triệu chứng đáng lo ngại, hay dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn. Bạn càng phát hiện sớm thì càng có cơ hội đẩy lùi các giai đoạn sớm nhất của sâu răng và ngăn ngừa sự tiến triển của nó. 

Điều trị sâu răng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chúng và tình trạng cụ thể. Các lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Phương pháp điều trị bằng fluor. Nếu tình trạng sâu răng mới bắt đầu, phương pháp điều trị bằng fluor có thể giúp phục hồi men răng và đôi khi có thể đảo ngược tình trạng sâu răng trong giai đoạn đầu. Các phương pháp điều trị bằng fluor sẽ chứa nhiều fluor hơn lượng có trong nước máy, kem đánh răng và nước súc miệng. Phương pháp điều trị fluor có thể là chất lỏng, gel, bọt được chải lên răng hoặc được đặt trong một khay nhỏ vừa khít với răng của bạn.
  • Trám. Trám răng là lựa chọn chính khi sâu răng đã tiến triển hơn. Mối trám có thể được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau.
  • Mão răng. Đối với tình trạng răng bị sâu nhiều hoặc yếu, bạn có thể cần một mão răng - một lớp bọc toàn bộ thân răng thay thế cho thân răng tự nhiên. Mão răng có thể được làm bằng kim loại, sứ, hoặc kết hợp cả hai.
  • Điều trị tủy. Khi sâu đến tủy răng, bạn có thể cần lấy tủy răng. Đây là phương pháp điều trị để sửa chữa và cứu một chiếc răng bị nhiễm trùng hoặc hư hỏng nặng thay vì nhổ bỏ. Phần tủy răng bị bệnh được lấy ra. Thuốc đôi khi được đưa vào ống tủy để làm sạch nhiễm trùng. 
  • Nhổ răng. Một số răng bị sâu đến mức không thể phục hồi và phải nhổ bỏ. Việc nhổ một chiếc răng có thể để lại một khoảng trống cho phép các răng khác bị dịch chuyển. Nếu có thể, hãy cân nhắc đến việc làm cầu răng hoặc cấy ghép răng để thay thế chiếc răng đã mất. 

Nếu bạn cảm thấy đau hoặc ê buốt răng, hãy đi khám nha sĩ càng sớm càng tốt. Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn sẵn sàng cho cuộc hẹn với nha sĩ.

Bạn có thể làm gì để chuẩn bị cho lần thăm khám răng miệng

Trước cuộc hẹn của bạn, hãy lập danh sách:

  • Tất cả các loại thuốc, vitamin, thuốc thảo dược hoặc các chất bổ sung khác đang dùng và liều lượng
  • Bất kỳ dị ứng với thuốc hoặc phản ứng xấu mà bạn đã gặp phải khi gây tê 
  • Các câu hỏi để hỏi nha sĩ của bạn 

Các câu hỏi cơ bản để hỏi nha sĩ bao gồm:

  • Lỗ sâu của tôi có trám được không hay cần điều trị tủy / làm mão răng?
  • Sẽ mất bao nhiêu lần khám để điều trị răng này?
  • Khi nào thì hết đau?
  • Tôi có thể uống gì để giảm đau?
  • Tôi nên đợi bao lâu trước khi ăn uống sau thủ thuật này?
  • Tôi có thể thực hiện các bước nào khác để ngăn ngừa sâu răng không?
  • Nguồn cung cấp nước tại địa phương của tôi có chứa thêm fluor không?
  • Có bất kỳ tài liệu hay trang web nào tôi có thể đọc để tìm hiểu thêm không?

Đừng ngần ngại hỏi những câu hỏi khác trong cuộc hẹn của bạn với nha sĩ. 

Những câu hỏi có thể được nha sĩ đặt ra  

Nha sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi. Hãy sẵn sàng trả lời. Các câu hỏi có thể bao gồm:

  • Nhiệt độ hoặc thức ăn ngọt quá cao có làm bạn đau không?
  • Cắn xuống có làm cho cơn đau của bạn tồi tệ hơn không?
  • Bạn đánh răng bao lâu một lần?
  • Bạn xỉa răng thường xuyên như thế nào?
  • Bạn có sử dụng kem đánh răng có fluor không?
  • Bạn có hay ăn nhiều đồ ngọt hay uống nước ngọt không?
  • Bạn có thấy khô miệng không?
  • Bạn đang dùng thuốc gì? 

Bạn có thể làm gì trong thời gian chờ đợi

Nếu đang bị đau răng thì trong khi chờ đợi cuộc hẹn, bạn có thể thực hiện một số bước để giảm đau, như:

  • Uống thuốc giảm đau, như paracetamol
  • Sử dụng thuốc gây tê không kê đơn để làm dịu cơn đau.
  • Dùng nước ấm để đánh răng.
  • Sử dụng kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm.
  • Làm sạch kỹ tất cả các bộ phận của miệng và răng.
  • Tránh thức ăn hoặc đồ uống có tính nóng, lạnh, ngọt có thể kích hoạt cơn đau.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!