Video Tại sao ăn không tiêu và có cảm giác buồn nôn
Tổng quát
Buồn nôn và nôn là gì?
Buồn nôn và nôn không phải là bệnh, đó là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau như viêm dạ dày ruột, ngộ độc thực phẩm, say tàu xe, ăn quá nhiều, tắc ruột, mệt mỏi, chấn động não hoặc chấn thương não, viêm ruột thừa và đau nửa đầu (Migraine). Buồn nôn và nôn đôi khi có thể là triệu chứng của các bệnh lý nghiêm trọng hơn như nhồi máu cơ tim, rối loạn chức năng thận hoặc gan, rối loạn hệ thần kinh trung ương, u não và một số loại ung thư.
Phân biệt giữa buồn nôn và nôn
Buồn nôn là cảm giác khó chịu của dạ dày, thường đi kèm với cảm giác muốn nôn nhưng không phải lúc nào cũng có thể nôn được. Nôn là tình trạng tống các chất trong dạ dày ra ngoài qua đường miệng một cách không tự chủ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nôn có thể bắt nguồn từ dạ dày và ruột (nhiễm trùng, chấn thương và dị ứng thức ăn), tai trong (chóng mặt và say tàu xe) hoặc não (chấn thương đầu, viêm não, u não và đau nửa đầu).
Yếu tố nguy cơ gây buồn nôn và nôn
Buồn nôn và nôn có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Những người đang điều trị ung thư bằng xạ trị hoặc hóa trị có thể bị buồn nôn và nôn. Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu cũng có thể xuất hiện buồn nôn và nôn, thường được gọi là “ốm nghén”. Người ta ước tính rằng có 50 – 90% phụ nữ mang thai bị buồn nôn, trong đó 25 – 55% trường hợp xuất hiện triệu chứng nôn.
Nguyên nhân gây buồn nôn và nôn
Nguyên nhân gây buồn nôn và nôn thường giống nhau. Buồn nôn có thể gây ra bởi một số nguyên nhân phổ biến như:
- Say tàu xe hoặc say sóng
- Những tháng đầu của thai kỳ
- Quá đau đớn
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại
- Rối loạn tâm lý (ví dụ như khi sợ hãi)
- Bệnh lý túi mật
- Ngộ độc thực phẩm
- Khó tiêu
- Một số loại virus
- Ngửi thấy mùi lạ
Nguyên nhân gây nôn sẽ khác nhau phụ thuộc vào độ tuổi. Đối với người lớn, nôn thường do nhiễm virus và ngộ độc thực phẩm, đôi khi là do say tàu xe hoặc sốt cao. Đối với trẻ em, nôn thường xảy ra do nhiễm virus, ngộ độc thực phẩm, say tàu xe, ăn hoặc bú quá no, ho và sốt cao. Trong một số trường hợp hiếm gặp, tắc ruột ở trẻ sơ sinh có thể gây nôn dữ dội.
Bình thường, buồn nôn và nôn thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, nó cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Chấn động não
- Viêm não
- Viêm màng não
- Tắc ruột
- Viêm ruột thừa
- Đau nửa đầu
- U não
Ngoài ra, tình trạng mất nước cũng là một biến chứng đáng lo ngại do nôn gây ra. Người lớn có nguy cơ bị mất nước thấp hơn trẻ em vì họ có thể tự phát hiện các triệu chứng mất nước (như khát nhiều, khô môi hoặc khô miệng). Trẻ em có nguy cơ bị mất nước nhiều hơn, đặc biệt nếu trẻ bị nôn kèm theo tiêu chảy, vì trẻ nhỏ không thể nói với người lớn về các triệu chứng của trẻ. Người chăm sóc trẻ bị bệnh cần lưu ý những dấu hiệu mất nước có thể nhìn thấy như sau:
- Khô môi và khô miệng
- Mắt trũng
- Thở nhanh, mạch nhanh
- Trẻ sơ sinh có thể xuất hiện tình trạng tiểu ít và thóp trũng
Điều trị và dự phòng tình trạng buồn nôn và nôn
Các biện pháp kiểm soát buồn nôn và nôn
Một số biện pháp dưới đây có thể kiểm soát hoặc làm giảm buồn nôn. Tuy nhiên, bạn cần đi khám nếu các triệu chứng không cải thiện sau khi áp dụng những biện pháp này. Khi bị buồn nôn, bạn có thể:
- Uống nước lạnh
- Ăn thức ăn nhạt, dễ tiêu hóa (như bánh quy mặn hoặc bánh mì)
- Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc nhiều đường
- Ăn chậm và chia nhỏ các bữa ăn
- Không ăn thức ăn nóng và lạnh cùng lúc
- Uống nước từ từ
- Tránh vận động sau khi ăn
- Tránh đánh răng sau khi ăn
- Ăn các loại thực phẩm mà bạn không bị dị ứng và dễ tiêu hóa
Điều trị nôn (với mọi lứa tuổi và nguyên nhân) bằng cách:
- Tăng dần lượng nước bổ sung
- Tránh ăn thức ăn đặc cho đến khi hết nôn
- Nghỉ ngơi
Tạm thời dừng sử dụng tất cả các loại thuốc đường uống vì chúng có thể gây kích ứng dạ dày, khiến tình trạng nôn mửa trở nên tồi tệ hơn.
Nếu nôn và tiêu chảy kéo dài hơn 24 giờ, bạn nên sử dụng dung dịch bù nước đường uống Oresol để ngăn ngừa và điều trị mất nước.
Nôn do phẫu thuật, xạ trị, thuốc chống ung thư, rượu và morphin có thể điều trị bằng một số loại thuốc khác. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể chỉ định các loại thuốc kê đơn và không kê đơn để kiểm soát tình trạng nôn do mang thai, say tàu xe và chóng mặt. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các phương pháp điều trị này.
Ngăn ngừa tình trạng buồn nôn
Buồn nôn có thể được ngăn ngừa bằng cách:
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì ăn 3 bữa lớn
- Ăn chậm, nhai kỹ
- Tránh các loại thức ăn khó tiêu hóa
- Ăn thức ăn nguội để tránh buồn nôn do mùi của thức ăn nóng
Nghỉ ngơi sau khi ăn và kê cao đầu khoảng 12 cm so với chân để giảm cảm giác buồn nôn.
Nếu bạn cảm thấy buồn nôn khi thức dậy vào buổi sáng, hãy ăn một ít bánh quy giòn trước khi ra khỏi giường hoặc ăn một bữa ăn nhẹ giàu protein (thịt nạc hoặc pho mát) trước khi đi ngủ. Uống nước giữa các bữa ăn (thay vì trong bữa ăn) và uống ít nhất 6 – 8 cốc nước/ngày (khoảng 230ml/cốc) để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Hãy ăn khi bạn thấy bớt buồn nôn.
Ngăn ngừa tình trạng nôn khi thấy buồn nôn
Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng nôn bằng các uống một ít nước ngọt như nước có ga, nước ép trái cây (trừ nước cam và nước bưởi vì chúng quá chua) hoặc ăn kem. Nước ngọt có thể làm dịu dạ dày tốt hơn các loại nước khác. Bạn nên ngồi nghỉ hoặc nằm nghiêng. Hoạt động sẽ làm tăng cảm giác buồn nôn và có thể dẫn đến nôn.
Trẻ nhỏ bị ho dai dẳng và sốt có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn. Để điều trị ngăn ngừa tình trạng say tàu xe khi sử dụng phương tiện giao thông, hãy cho trẻ nhìn thẳng về phía trước (quan sát chuyển động nhanh qua cửa sổ ở bên có thể khiến trẻ buồn nôn hơn).
Hạn chế cho trẻ ăn quà vặt, đặc biệt là không ăn quà vặt khi uống nước có ga. Không để trẻ vừa ăn vừa chơi. Cho trẻ ngồi nghỉ sau khi ăn xong.
Thời điểm cần đi khám
Thời gian diễn biến của buồn nôn hoặc nôn có thể gợi ý nguyên nhân gây ra những triệu chứng này. Buồn nôn hoặc nôn ngay sau bữa ăn có thể là dấu hiệu của rối loạn tâm thần hoặc loét dạ dày tá tràng. Buồn nôn hoặc nôn cách xa bữa ăn (từ 1 – 8 giờ) có thể là dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm. Một số bệnh gây ra do thức ăn như nhiễm Salmonella cần thời gian ủ bệnh trước khi xuất hiện triệu chứng.
Bạn nên đi khám nếu thấy buồn nôn kéo dài hơn 1 tuần hoặc nếu nghi ngờ có thai. Nôn thường giảm dần trong vòng 6 – 24 giờ và có thể được điều trị tại nhà.
Bạn cũng nên đi khám nếu điều trị tại nhà không hiệu quả hoặc xuất hiện dấu hiệu mất nước. Cần đi khám ngay nếu bị nôn do chấn thương đầu hoặc viêm não.
Bạn cần đưa trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi đi khám nếu trẻ:
- Nôn kéo dài trong vài giờ
- Nôn kèm tiêu chảy
- Có dấu hiệu mất nước
- Sốt cao trên 38oC
- Không đi tiểu từ 6 giờ trở lên
Đối với trẻ trên 6 tuổi, bạn nên đưa trẻ đi khám khi trẻ:
- Nôn kéo dài trong 1 ngày
- Tiêu chảy đi kèm với nôn kéo dài hơn 24 giờ
- Có dấu hiệu mất nước
- Sốt cao trên 38.5oC
- Không đi tiểu từ 6 giờ trở lên
Người lớn nên đi khám nếu bị nôn hơn 1 ngày, tiêu chảy kèm nôn từ 24 giờ trở lên hoặc nếu có dấu hiệu mất nước mức độ vừa.
Cần đi cấp cứu ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng dưới đây:
- Nôn ra máu, nôn ra chất giống bã cà phê
- Đau đầu dữ dội hoặc cứng cổ
- Hôn mê
- Lú lẫn
- Kém tỉnh táo
- Đau bụng dữ dội
- Nôn kèm theo sốt trên 38.5oC
- Nôn và tiêu chảy cùng lúc
- Thở nhanh hoặc mạch nhanh
Biến chứng do buồn nôn hoặc nôn kéo dài
Nôn liên tục kèm tiêu chảy có thể dẫn đến tình trạng mất nước. Trẻ nhỏ bị mất nước hoặc người lớn bị mất nước mức độ nặng cần được điều trị tích cực tại các cơ sở y tế.
Xem thêm: