Nôn ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị

Trong hầu hết các trường hợp, trẻ nhỏ bị nôn không phải là tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, chất nôn bất thường hoặc bị nôn dai dẳng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý khác.

Thông thường, tình trạng nôn chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và sẽ ngừng sau vài giờ. Tuy nhiên, nôn nhiều hoặc nôn kéo dài có thể gây ra tình trạng mất nước. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các biến chứng do nôn. Nếu không được điều trị, tình trạng mất nước có thể đe dọa đến tính mạng.

Điều quan trọng là bạn phải phân biệt được giữa nôn và trớ. Trớ thường xảy ra ngay sau khi bú, thường kèm theo ợ hơi. Các chất trong dạ dày của trẻ sẽ trào ngược lên miệng một cách tự nhiên, chất này trông giống như nước dãi có màu trắng sữa.

Video Nôn trớ ở trẻ em, khi nào là nguy hiểm

Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để biết thêm về nguyên nhân gây nôn ở trẻ nhỏ, cách điều trị và thời điểm cần đưa trẻ đi khám.

Nguyên nhân gây nôn ở trẻ nhỏ

Những nguyên nhân gây nôn liên tiếp ở trẻ nhỏ bao gồm:

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nguồn ảnh: Eatright.orgTrào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nguồn ảnh: Eatright.org

Nếu trẻ quấy khóc nhiều trong những tháng đầu tiên mà không có các triệu chứng khác, trẻ có thể bị trào ngược dạ dày hoặc trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux disease – GERD).

Trẻ bị trào ngược dạ dày thường bị trớ sau khi ăn.

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh xảy ra do cơ thắt thực quản dưới chưa phát triển, làm thức ăn trào ngược lên thực quản.

Thông thường, cơ thắt sẽ phát triển dần và tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh sẽ tự thuyên giảm.

Một số biện pháp có thể cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày của trẻ như:

  • Bổ sung ít ngũ cốc vào sữa mẹ hoặc sữa công thức (nếu bác sĩ khuyến nghị)
  • Cho trẻ bú ít một và thường xuyên hơn, tránh cho trẻ bú quá nhiều trong một lần bú
  • Vỗ ợ hơi cho trẻ thường xuyên
  • Đặt trẻ ngồi thẳng lưng sau khi bú

Viêm dạ dày ruột

Theo Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (the American Family Physician), viêm dạ dày ruột là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ. Các vi sinh vật có hại xâm nhập vào dạ dày thường gây viêm dạ dày ruột.

Trẻ nhỏ tìm hiểu thế giới xung quanh bằng cách cho đồ vật vào miệng. Vì vậy, virus có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của trẻ. Trẻ nhỏ cũng có thể bị viêm dạ dày ruột do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm giống như người lớn.

Trẻ có thể bị nôn cho đến khi cơ thể loại bỏ hết chất độc. Tình trạng này thường hết sau một vài giờ. Có thể mất một vài ngày để trẻ hồi phục hoàn toàn.

Nếu trẻ bị nôn kéo dài, hãy chú ý đến các dấu hiệu mất nước.

Dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ thống miễn dịch coi một số loại thực phẩm là chất lạ đối với cơ thể.

Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bạn phải cho trẻ làm quen dần với từng loại thực phẩm mới trong ít ngày để xác định xem trẻ có bị dị ứng với loại thực phẩm đó không, ví dụ như sữa, đậu nành, gluten, các loại hạt hoặc cá.

Các triệu chứng phổ biến nhất của dị ứng thực phẩm là:

  • Phát ban, mẩn ngứa
  • Sưng mặt
  • Ngứa bên trong miệng, cổ họng hoặc tai
  • Nôn

Dị ứng thực phẩm có nhiều mức độ từ nhẹ đến rất nặng. Phản ứng nặng nhất là sốc phản vệ.

Trẻ bị sốc phản vệ sẽ bị rối loạn nhịp thở, có thể lơ mơ hoặc bất tỉnh. Hãy cho trẻ đi cấp cứu ngay nếu trẻ xuất hiện những triệu chứng này.

Hẹp môn vị

Hẹp môn vị là một bệnh lý hiếm gặp ở trẻ nhỏ, thường được chẩn đoán trong vài tuần đầu sau khi sinh.

Giữa dạ dày và ruột non có cơ thắt môn vị, cơ thắt này có vai trò giữ thức ăn trong dạ dày cho đến khi thức ăn sẵn sàng được chuyển xuống ruột non và tiếp tục quá trình tiêu hóa. Trong bệnh hẹp môn vị, cơ thắt môn vị dày và sưng lên, cản trở thức ăn xuống ruột non.

Hẹp môn vị có thể khiến trẻ bị nôn vọt, mất nước và sút cân. Trẻ bị hẹp môn vị luôn cảm thấy đói vì trẻ không thể tiêu hóa thức ăn.

Các triệu chứng của hẹp môn vị là nôn nhiều, đi tiểu ít, đi ngoài ít. Trẻ bị hẹp môn vị cần phải được phẫu thuật.

Nếu trẻ bị nôn nhiều trên 12 giờ, bạn phải đưa trẻ đi khám.

Viêm màng não

Trẻ quấy khóc không ngừng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não. Nguồn ảnh: Babycenter.com.auTrẻ quấy khóc không ngừng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm màng não. Nguồn ảnh: Babycenter.com.au

Ai cũng có thể bị viêm màng não nhưng bệnh lý này phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Đây là tình trạng nhiễm trùng lớp màng bảo vệ bao quanh não và tủy sống.

Viêm màng não có thể tiến triển nhanh chóng và đe dọa tính mạng. Tình trạng này có thể gây ra hội chứng nhiễm trùng – nhiễm độc hoặc tổn thương não.

Nôn thường là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm màng não, đi kèm với:

  • Sốt trên 37,5°C
  • Đau đầu dữ dội
  • Nhức mỏi chân tay

Trẻ nhỏ không thể cho bạn biết rằng trẻ bị đau, vì vậy hãy chú ý những thay đổi trong hành vi của trẻ. Ví dụ, trẻ bị đau đầu thường đưa tay lên đầu nhiều hơn.

Các triệu chứng khác của viêm màng não có thể là:

  • Phát ban đỏ
  • Cứng cổ
  • Sợ ánh sáng
  • Lơ mơ hoặc không phản ứng

Nếu trẻ có các triệu chứng của viêm màng não, trẻ sẽ quấy khóc nhiều và bạn sẽ không thể dỗ trẻ nín khóc.

Tổ chức Nghiên cứu Viêm màng não (The Meningitis Research Foundation) khuyến cáo nên đưa trẻ đi khám ngay nếu nghi ngờ trẻ bị viêm màng não. Phát ban không phải lúc nào cũng xuất hiện nên đừng đợi đến khi trẻ bị phát ban mới đưa trẻ đi khám.

Lồng ruột

Lồng ruột là tình trạng một đoạn ruột chui vào bên trong đoạn ruột khác, gây ra tình trạng tắc ruột. Nếu trẻ bị viêm ruột do virus, niêm mạc ruột sẽ bị sưng lên.

Lồng ruột thường gặp ở trẻ nhỏ từ 3 – 36 tháng tuổi và xảy ra với tỉ lệ khoảng 1/1.200 trẻ.

Các triệu chứng của lồng ruột bao gồm:

  • Đau bụng dữ dội thành từng đợt
  • Lơ mơ
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Chảy máu trực tràng (phân có màu đỏ)

Nếu trẻ bị đau bụng, trẻ có thể co chân lên để giảm đau.

Điều trị và chăm sóc trẻ bị nôn

Tiếp tục cho trẻ bú mẹ khi trẻ bị nôn để phòng ngừa tình trạng mất nước. Nguồn ảnh: Parents.comTiếp tục cho trẻ bú mẹ khi trẻ bị nôn để phòng ngừa tình trạng mất nước. Nguồn ảnh: Parents.com

Mất nước là một biến chứng phổ biến của nôn, xảy ra khi cơ thể bị mất nước nhiều hơn lượng đã hấp thu. Mất nước làm rối loạn cân bằng điện giải và đường, làm thay đổi hoạt động của cơ thể. Các dấu hiệu của mất nước bao gồm tiểu ít, khóc không ra nước mắt và khô miệng.

Các dấu hiệu mất nước ở trẻ là:

  • Khát nước
  • Nước tiểu sẫm màu và có mùi nồng
  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Mệt mỏi
  • Khô miệng, khô môi và khô mắt
  • Lượng nước tiểu giảm và đi tiểu ít hơn 4 lần/ngày
  • Thóp trũng
  • Lòng bàn tay, lòng bàn chân lạnh và có ban đỏ
  • Khóc không ra nước mắt
  • Mắt trũng

Nếu trẻ bị mất nước, hãy thường xuyên cho trẻ uống từng ngụm nước nhỏ. Không cho trẻ uống nước trái cây hoặc đồ uống có ga vì những loại đồ uống này không có lợi và có thể kéo dài các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày ruột như tiêu chảy.

Đối với trẻ bú mẹ, hãy tiếp tục cho trẻ bú vì sữa mẹ chứa các chất điện giải có thể ngăn ngừa tình trạng mất nước.

Đối với trẻ bú sữa công thức, bạn có thể cho trẻ sử dụng sữa công thức không chứa lactose. Nếu trẻ bị tiêu chảy, đường lactose có thể làm cho bệnh nặng hơn.

Trong hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ tự hồi phục sau khi hết nôn. Các phương pháp điều trị nôn khác sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Thời điểm cần đưa trẻ đi khám

Thông thường, khi trẻ quấy khóc, bạn không cần phải đưa trẻ đi khám ngay.

Nếu trẻ bị viêm dạ dày ruột hoặc trào ngược dạ dày, trẻ sẽ bú trở lại sau khi tình trạng nôn cải thiện. Vì vậy, trẻ có thể được điều trị tại nhà.

Bạn nên cho trẻ đi khám nếu trẻ:

  • Nôn nhiều sau khi bú
  • Nôn kéo dài trên 8 giờ
  • Nôn liên tục từ 12 giờ trở lên
  • Bị mất nước
  • Chất nôn có màu xanh lá hoặc lẫn máu
  • Chất nôn hoặc phân có máu

Cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay nếu trẻ quấy khóc nhiều, mệt lả hoặc li bì.

Kết luận

Trẻ nhỏ thường bị nôn, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, các triệu chứng thường cải thiện khá nhanh.

Trong một số trường hợp, tình trạng mất nước nhanh chóng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn. Bạn nên bù dịch cho trẻ càng sớm càng tốt.

Đôi khi, nôn là triệu chứng của một bệnh lý nghiêm trọng. Nếu bạn lo lắng về các triệu chứng của trẻ, hãy cho trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!