Hầu hết mọi người đều bị run nhẹ ở tay và đặc biệt dễ thấy được điều này khi ta đưa tay thẳng ra phía trước cơ thể.
'Video: Bệnh run tay chân và cách chữa
Run tay có nhiều mức độ và một số bệnh lý có thể gây run đáng kể.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những nguyên nhân phổ biến gây run tay và cách điều trị.
Đôi nét về tình trạng run tay
Run tay có thể xảy ra thi thoảng, thường xuyên hoặc liên tục. Tình trạng này có thể tự phát hoặc là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào đó.
Tay run có thể dẫn đến khó khăn khi viết, vẽ, cầm nắm và sử dụng các công cụ và đồ dùng thường ngày, chẳng hạn như dao kéo.
Có tới hơn 20 loại run, nhưng hầu hết chúng thuộc hai loại:
- Run khi nghỉ ngơi: xảy ra khi các cơ được thả lỏng, chẳng hạn như khi bạn đặt tay lên đùi.
- Run khi hoạt động: Phần lớn các loại run xảy ra trong lúc cơ thể hoạt động, khi các cơ bị co lại bởi các chuyển động tự nguyện.
Nguyên nhân của run tay là gì?
Các vấn đề ảnh hưởng đến não bộ thường là nguyên nhân gây ra run.
Bên cạnh những trường hợp không rõ nguyên nhân, run tay thường xảy ra do các bệnh lý thần kinh, rối loạn vận động hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Bệnh lý thần kinh
Một số bệnh lý thần kinh sau có thể gây run tay:
- Đa xơ cứng (MS): Nhiều bệnh nhân đa xơ cứng bị run ở một mức độ nào đó. Điều này thường xuất hiện khi bệnh làm tổn thương các đường dẫn truyền của hệ thống thần kinh trung ương kiểm soát chức năng vận động.
- Đột quỵ: Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, ngăn máu lên não. Tình trạng này có thể gây ra tổn thương lâu dài cho các đường truyền thần kinh và dẫn đến run.
- Chấn thương sọ não: Chấn thương thực thể ở não cũng có thể làm tổn thương các dây thần kinh có vai trò điều phối vận động, từ đó có thể gây ra run tay.
- Bệnh Parkinson: Hơn 25 phần trăm người mắc bệnh Parkinson bị run một hoặc cả hai bàn tay (phổ biến hơn là run khi nghỉ ngơi). Run thường bắt đầu ở một bên của cơ thể, và có thể lan sang bên kia. Run có thể trở nên rõ ràng hơn trong lúc căng thẳng hoặc xúc động mạnh.
Rối loạn vận động
Sau đây là các rối loạn vận động có thể gây run tay:
- Run vô căn: Đây là một trong những rối loạn vận động phổ biến nhất, và nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ. Bệnh thường ảnh hưởng đến cả hai bên của cơ thể, nhưng có thể dễ nhận thấy hơn ở bên tay thuận. Nó có xu hướng xảy ra khi người bệnh đang di chuyển cũng như khi đứng yên. Di truyền có thể là nguyên nhân cho khoảng một nửa các trường hợp run vô căn.
- Loạn trương lực cơ: Ở người bị loạn trương lực cơ, não bộ sẽ gửi các thông tin không chính xác, dẫn đến các cơ hoạt động quá mức, xuất hiện tư thế bất thường và các cử động kéo dài không mong muốn. Run do loạn trương lực cơ thường gặp nhất ở độ tuổi thanh niên và trung niên, và nó có thể xảy ra ở bất kỳ cơ nào.
Các vấn đề sức khỏe sau đây cũng có thể gây run tay:
- Vấn đề về tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương
- Các rối loạn thoái hóa di truyền, chẳng hạn như mất điều hòa vận động di truyền hoặc hội chứng fragile X
- Lạm dụng rượu hoặc cai nghiện rượu
- Nhiễm độc thủy ngân
- Cường giáp
- Suy gan, thận
- Lo âu hoặc hoảng sợ
Một số loại thuốc cũng có thể gây run tay, chẳng hạn như:
- Một số loại thuốc trị hen suyễn
- Amphetamine
- Caffeine
- Corticosteroid
- Thuốc sử dụng để điều trị một số rối loạn tâm thần và thần kinh
Làm thế nào để hạn chế run tay?
Nếu một tình trạng tiềm ẩn nào đó, chẳng hạn như cường giáp, là nguyên nhân gây run tay, run tay thường sẽ thuyên giảm khi cường giáp được điều trị. Nếu run tay là một tác dụng phụ của thuốc, nó thường sẽ hết khi người bệnh đổi thuốc.
Những biện pháp sau đây cũng có thể hữu ích:
Thay đổi lối sống
Hạn chế hoặc tránh các chất có thể gây run, chẳng hạn như caffeine và amphetamine, có thể làm giảm nhẹ hoặc loại bỏ tình trạng run tay.
Vật lý trị liệu
Phương pháp này có thể cải thiện khả năng kiểm soát, hoạt động và sức mạnh của cơ đồng thời tăng cường khả năng phối hợp và cân bằng. Các chuyên gia phục hồi chức năng có thể giúp những người đang phải sống chung với tình trạng run tay có thể tiếp tục tham gia vào các hoạt động hàng ngày.
Tâm lý trị liệu
Nếu lo âu hoặc hoảng sợ là nguyên nhân gây run tay, người bệnh có thể khắc phục tình trạng của bản thân bằng việc thực hành các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như các bài tập thở.
Các phương pháp điều trị
Hầu hết các trường hợp run tay không thể chữa khỏi và run tay nhẹ thường không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng run tay gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, có nhiều phương pháp điều trị dành cho bạn.
Các phương pháp điều trị run vô căn
Đối với chứng run vô căn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chẹn beta, chẳng hạn như propranolol, metoprolol hoặc nadolol. Thuốc chống co giật cũng có thể được chỉ định, chẳng hạn như primidone.
Các phương pháp điều trị bệnh Parkinson
Các bác sĩ thường kê các loại thuốc dành riêng cho căn bệnh này, chẳng hạn như levodopa và carbidopa, để kiểm soát các trường hợp nặng.
Điều trị đa xơ cứng
Thuốc chẹn beta, thuốc chống lo âu và thuốc chống co giật là một vài trong số những lựa chọn điều trị cho những người bị run do đa xơ cứng.
Run không có nguyên nhân rõ ràng
Nếu các bác sĩ không thể xác định nguyên nhân gây run, họ có thể kê cho bệnh nhân đơn thuốc an thần hoặc chỉ định tiêm độc tố botulinum (Botox), mặc dù những loại thuốc này có thể dẫn đến yếu các ngón tay.
Phương pháp điều trị thay thế
Nếu một người bệnh không đáp ứng với thuốc hoặc bị run nặng gây ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của họ, bệnh nhân có thể được chỉ định các biện pháp can thiệp như kích thích não sâu (DBS).
Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt một máy phát điện nhỏ dưới da ở vùng trên của ngực. Thiết bị này gửi tín hiệu điện đến các điện cực được cấy vào đồi thị. Đây là phần não điều phối và kiểm soát một số chuyển động không tự nguyện.
DBS thường được sử dụng để điều trị run có do bệnh Parkinson, run vô căn hoặc loạn trương lực cơ.
Tổng kết
Khi già đi, đôi bàn tay chúng ta có thể bị run nhiều hơn. Một số loại thuốc, các chất hóa học như caffeine và lo âu cũng có thể gây run tay.
Nếu tình trạng run của bạn kéo dài hoặc trở nên trầm trọng hơn và gây cản trở các hoạt động hàng ngày, hãy tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia y tế.
Xem thêm: