Tiếp xúc và nhiễm độc thủy ngân

Thủy ngân là một chất tự nhiên có trong trái đất, nhưng nó cũng được sản xuất trong công nghiệp với các mục đích khác nhau.

Video: [SKĐS] NHIỄM ĐỘC THỦY NGÂN LÀ GÌ VÀ NÓ NGUY HIỂM TỚI MỨC NÀO?

Trong môi trường của chúng ta, thủy ngân tồn tại ở ba dạng là:

  • Nguyên tố kim loại: Chẳng hạn như trong nhiệt kế thủy ngân và chất trám răng.
  • Hợp chất hữu cơ: Thủy ngân được vi khuẩn trong nước chuyển hóa thành metyl thủy ngân và chất này xâm nhập vào chuỗi thức ăn của cá.
  • Hợp chất vô cơ: Thủy ngân tồn tại tự nhiên trong than, thủy ngân được giải phóng vào không khí khi đốt cháy than để tạo ra điện năng. Thủy ngân cũng là một chất thải trong các quy trình công nghiệp khác nhau.

Phần lớn con người tiếp xúc với thủy ngân thông qua dạng thủy ngân hữu cơ (metylmercury) có trong chuỗi thức ăn và tích tụ ở mức cao trong các loài cá lớn. Nhiễm thủy ngân trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi hít phải thủy ngân ở dạng hơi. 

Do vậy việc ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tiếp xúc với thủy ngân trong môi trường là cách tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm độc thủy ngân

Thủy ngân trong môi trường 

Có một số nguồn thủy ngân phổ biến trong môi trường bao gồm:

  • Các loài cá lớn: Nếu ăn với số lượng lớn, có thể làm tăng lượng thủy ngân trong cơ thể bạn.
  • Bóng đèn huỳnh quang và bóng đèn năng lượng thấp: Nếu loại bóng đèn này bị vỡ, sẽ gây rủi ro khi hít phải hơi thủy ngân hoặc khi da tiếp xúc với thủy ngân.
  • Nhiệt kế thủy ngân: Thủy ngân nguyên chất từ nhiệt kế bị vỡ có thể gây nguy hiểm nếu hít phải hơi thủy ngân hoặc tiếp xúc da với thủy ngân.
  • Chất hàn răng: Trám răng bằng các loại hỗn hống thế hệ mới (hợp kim của thủy ngân có mức thủy ngân thấp), được coi là an toàn đối với hầu hết mọi người.
  • Pin: Một số loại pin có chứa thủy ngân có thể phát tán ra môi trường nếu chúng được chôn ở bãi rác. 
Một số vật dụng hàng ngày có chứa thủy ngân. Theo nguồn: barietoday.comMột số vật dụng hàng ngày có chứa thủy ngân. Theo nguồn: barietoday.com

Giảm tiếp xúc với thủy ngân

Có một số biện pháp phòng ngừa mà bạn có thể thực hiện để giảm thiểu việc tiếp xúc với thủy ngân đồng thời giảm lượng thủy ngân trong môi trường sống. 

Giảm tiếp xúc với thủy ngân từ cá 

Dưới đây là một số loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao. Chúng bao gồm:

  • Cá mập có vảy
  • Cá orange roughy
  • Cá kiếm
  • Cá marlin
  • Cá ngừ vây xanh phía nam 
  • Cá tuyết
  • Cá tuyết hồ

Một số loài cá nước ngọt ở Victoria – Úc có thể có hàm lượng thủy ngân cao. Điều này là do lịch sử khai thác vàng của Victoria. Quá trình khai thác vàng đã làm tăng mức thủy ngân trong trầm tích của lòng sông và điều này có nghĩa là cá hồi nâu lớn và cá ngừ vây đỏ ở phía bắc thị trấn Goulburn - Úc và Hồ Eildon - Úc (và các sông xung quanh) cũng có thể có hàm lượng thủy ngân cao. 

Tuy rằng hầu hết mọi người vẫn có thể ăn cá có hàm lượng thủy ngân cao, nhưng Tiêu chuẩn Thực phẩm Australia New Zealand (Food Standards Australia New Zealand) khuyến cáo rằng nên ăn chúng ít hơn các loài cá có hàm lượng thủy ngân thấp. Đặc biệt những người thuộc nhóm nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị bệnh thận) nên kiểm tra các khuyến cáo trước khi ăn những loại cá này. 

Các khuyến nghị về số lượng cá có thể ăn đối với phụ nữ mang thai và trẻ em là khác nhau so với những đối tượng khác. Phụ nữ có thai, cho con bú, phụ nữ có kế hoạch mang thai và trẻ em dưới 6 tuổi nên tránh cá có nhiều thủy ngân. 

Ngoài ra nhiều người bổ sung dầu cá để tăng lượng chất béo omega-3. Mặc dù việc bổ sung omega-3 từ cá tốt hơn là thực phẩm chức năng, nhưng nếu bạn vẫn muốn sử dụng viên nang dầu cá, hãy kiểm tra xem sản phẩm đã được kiểm tra nồng độ thủy ngân chưa. 

Giảm tiếp xúc với thủy ngân từ bóng đèn và bóng đèn huỳnh quang 

Năm 2010, các tiêu chuẩn mới đã được đưa ra đối với bóng đèn năng lượng thấp ở Úc. Điều này có nghĩa là số lượng bóng đèn năng lượng thấp đã tăng lên rất nhiều và những bóng đèn này chứa hàm lượng thủy ngân nhỏ. Bóng đèn chứa thủy ngân bao gồm đèn ống huỳnh quang và bóng đèn compact năng lượng thấp chủ yếu được sử dụng trong gia đình. 

Lượng thủy ngân trong một bóng đèn là rất nhỏ và không có khả năng gây hại cho con người. Do việc quảng cáo và chiếu sáng công cộng cần sử dụng nhiều loại đèn, nên đã có một chương trình tên là FluoroCycle được tổ chức, đây là một chương trình quốc gia tự nguyện nhằm tái chế đèn chứa thủy ngân cho chiếu sáng công nghiệp và công cộng. 

Để biết thông tin về các loại đèn được sử dụng tại nhà, bạn có thể liên hệ với các tổ quản lý môi trường địa phương để tìm hiểu cách tốt nhất để loại bỏ bóng đèn.

Các bóng đèn hoặc đèn tuýp bị hỏng có thể được làm sạch như sau:

  • Để phòng thông gió.
  • Đeo găng tay và loại bỏ tất cả các mảnh thủy tinh vỡ và bột huỳnh quang.
  • Cho tất cả phần bóng đèn bị vỡ vào một hộp kín và cứng.
  • Dùng băng dính để nhặt các mảnh thủy tinh nhỏ và bột còn sót lại.
  • Lau sạch khu vực bằng khăn giấy ẩm hoặc khăn ướt dùng một lần và cho vào lọ thủy tinh hoặc túi ni lông.
  • Tiếp tục để phòng thoáng khí từ 12 đến 24 giờ.
  • Vứt bỏ thủy ngân và bất kỳ vật dụng nào bị ô nhiễm vào thùng rác, không bỏ vào thùng tái chế.

Giảm tiếp xúc với thủy ngân từ nhiệt kế và các thiết bị khác

 Nhiệt kế điện tử hiện đã được sử dụng rộng rãi, nhưng một số người vẫn sử dụng nhiệt kế có chứa thủy ngân bạc. Về cơ bản, loại nhiệt kế này không nguy hiểm, nhưng khi bị vỡ có nguy cơ hít phải hơi thủy ngân và tiếp xúc với da. Vậy nên, những mảnh vỡ này cần được dọn dẹp cẩn thận. 

Quy trình xử lý bao gồm các bước sau:

  • Dọn dẹp phòng có nhiệt kế vỡ.
  • Thông gió phòng trong 15 phút (tắt hệ thống sưởi hoặc điều hòa trước khi dọn dẹp).
  • Không sử dụng máy hút bụi hoặc chổi.
  • Cởi bỏ đồ trang sức, đeo găng tay và mặc quần áo cũ mà bạn có thể vứt đi.
  • Làm sạch bằng cách sử dụng ống thuốc nhỏ mắt hoặc ống tiêm để lấy các giọt thủy ngân hoặc dùng bút hoặc thẻ để dẫn các giọt lên một miếng thẻ.
  • Dùng băng dính để nhặt các giọt thủy ngân nhỏ.
  • Cho các giọt thủy ngân vào một hộp nhựa có nắp đậy.
  • Giữ phòng thông gió trong 24 giờ.
  • Cho bất kỳ vật dụng nào (kể cả quần áo) tiếp xúc với thủy ngân vào một túi ni lông kín và cho vào thùng rác.
  • Thảm bị nhiễm bẩn và các vật dụng thấm thủy ngân khác cần loại bỏ và xử lý cẩn thận.
  • Thông tin chi tiết hơn có sẵn trong các quy trình làm sạch.

Các thiết bị khác xung quanh nhà có thể chứa hơn 30ml thủy ngân. Chúng bao gồm máy điều hòa nhiệt độ và một số thiết bị y tế (chẳng hạn như huyết áp kế - để đo huyết áp). Các sự cố tràn thủy ngân lượng nhiều cần được dọn dẹp một cách chuyên nghiệp, bạn nên thực hiện các bước sau đây:

  • Sơ tán khỏi khu vực có sự cố.
  • Thông khí khu vực đó.
  • Ngăn chặn sự cố tràn và gọi đến số cứu hỏa 114.
  • Làm sạch thủy ngân: việc này cần được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên về hóa chất nguy hiểm.

Giảm tiếp xúc với thủy ngân từ vật liệu hàn răng 

Vật liệu hàn răng được sử dụng để điều trị răng bị sâu hoặc mòn và có thể được làm bằng hỗn hống (hợp kim có chứa thủy ngân, bạc và thiếc). Hợp chất này được sử dụng vì độ bền của nó, đặc biệt là ở những răng sau chịu nhiều áp lực trong quá trình ăn nhai. Tuy nhiên, hợp chất thế hệ mới có hàm lượng thủy ngân thấp và được coi là an toàn cho hầu hết mọi người. 

Mặc dù các vật liệu làm trám răng khác có màu tương tự như màu răng và không chứa thủy ngân, nhưng chúng không bền như hỗn hống. Bạn có thể thay thế miếng trám hỗn hống bằng vật liệu này, nhưng nó sẽ không bền, đặc biệt là ở răng hàm. Hơn nữa việc thay thế vật liệu trám răng cũng có thể tốn kém. Nên hãy trao đổi với nha sĩ để tìm ra lựa chọn phù hợp. 

Một số người được khuyên nên tránh trám răng bằng hỗn hống mới và tránh loại bỏ hoặc thay thế hỗn hống hiện có, bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai: Vì thủy ngân có thể đi qua nhau thai và đi vào máu của bào thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Thủy ngân có thể truyền từ mẹ sang con thông qua sữa mẹ.
  • Trẻ em: Răng trẻ đang phát triển và nhạy cảm hơn với tác động của bất kỳ chất hóa học nào trong môi trường, kể cả thủy ngân.
  • Những người bị bệnh thận: Việc phơi nhiễm thủy ngân ở mức cao có thể ảnh hưởng đến thận, vì vậy những người này cần hạn chế tiếp xúc với thủy ngân.

Mặc dù hiện tại không có bằng chứng khoa học nào về sự liên quan trực tiếp của hỗn hống với sức khỏe hoặc dị tật bẩm sinh, nhưng những khuyến cáo này đã được đưa ra nhằm mục đích phòng ngừa.

Giảm tiếp xúc với thủy ngân từ pin

Không phải tất cả các loại pin đều chứa thủy ngân, nhưng các loại pin có thể hủy hoại môi trường nếu chúng bị chôn vùi trong bãi rác. Các tổ quản lý môi trường ở địa phương bạn có thể cho lời khuyên về cách loại bỏ pin an toàn. 

Những người có nguy cơ tiếp xúc với thủy ngân

Ảnh hưởng của việc tiếp xúc với thủy ngân phụ thuộc vào dạng tồn tại của thủy ngân. Nói chung, thủy ngân có xu hướng ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Điều này có nghĩa là trẻ sơ sinh và trẻ em có nhiều nguy cơ hơn vì hệ thần kinh của chúng đang phát triển. 

Những người có nguy cơ cao khi tiếp xúc với thủy ngân bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh.
  • Trẻ em từ 6 tuổi trở xuống.
  • Công nhân trong các cơ sở công nghiệp sử dụng thủy ngân hoặc sản xuất thủy ngân.
  • Những người mắc bệnh thận.
  • Những người sinh trước những năm 1950 đã tiếp xúc với thủy ngân trong các sản phẩm dành cho trẻ em và mắc bệnh hồng ban.

Phụ nữ mang thai nên tránh thủy ngân để nó không truyền sang thai nhi qua đường máu. Còn đối với phụ nữ mang thai, mức độ thủy ngân trong sữa mẹ thường không đủ cao để gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.

Bệnh hồng ban 

Trong nửa đầu thế kỷ XX, bột kích thích mọc răng và các sản phẩm khác dành cho trẻ sơ sinh có chứa thủy ngân và khiến một số trẻ mắc bệnh hồng ban. Khi mắc bệnh, bàn chân, bàn tay và đầu mũi của trẻ có màu hồng tươi. Ngoài ra các vấn đề về da khác hay tiêu chảy và thờ ơ cũng là các triệu chứng của bệnh. Tuy bệnh hồng ban ngày nay hiếm gặp, nhưng những người lớn mắc bệnh hồng ban thường nhạy cảm hơn với thủy ngân và có thể có một số vấn đề về sức khỏe khác.

Các triệu chứng của ngộ độc thủy ngân 

Các triệu chứng của ngộ độc thủy ngân phụ thuộc vào dạng thủy ngân mà người bệnh phơi nhiễm. Các triệu chứng ban đầu của ngộ độc thủy ngân có thể bao gồm có vị kim loại trong miệng, tê và ngứa ran ở bàn tay, bàn chân và mặt.

Các triệu chứng của ngộ độc thủy ngân từ cá

Hầu hết mọi người đều có một lượng thủy ngân trong cơ thể, nhưng chúng ở mức không gây ra các triệu chứng nguy hiểm. Khi lượng thủy ngân dư thừa, sẽ gây ảnh hưởng chủ yếu đến các triệu chứng thần kinh. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, điều này đặc biệt có hại bởi não bộ và hệ thần kinh của chúng đang phát triển. 

Ngộ độc thủy ngân hữu cơ có thể gây các rối loạn chức năng sau đây:

  • Thị trường thái dương (thị trường ngoại vi).
  • Rối loạn cảm giác, đặc biệt là bàn tay, bàn chân và miệng.
  • Khả năng phối hợp vận động và đi lại.
  • Ngôn ngữ và thính giác.
  • Cơ lực.

Các triệu chứng ngộ độc do thủy ngân nguyên tố 

Loại ngộ độc này rất dễ xảy ra nếu có sự cố tràn thủy ngân từ nhiệt kế hoặc thiết bị chứa thủy ngân khác. Ngộ độc thường do hít phải hơi thủy ngân, đặc biệt ở những nơi có hệ thống thông gió kém. Các triệu chứng bao gồm:

  • Run.
  • Đau đầu.
  • Khó ngủ.
  • Giảm cảm giác.
  • Yếu cơ và co giật.
  • Thay đổi cảm xúc (thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh, hồi hộp).
  • Tổn thương thận.
  • Khó thở gây tử vong.

Các triệu chứng ngộ độc do thủy ngân vô cơ 

Loại ngộ độc này có nhiều khả năng liên quan đến phơi nhiễm trong công nghiệp. Các triệu chứng của ngộ độc thủy ngân vô cơ bao gồm:

  • Tình trạng da (phát ban và viêm da).
  • Các vấn đề về hô hấp.
  • Thay đổi tâm trạng.
  • Các vấn đề về trí nhớ và sức khỏe tâm thần.
  • Giảm sức mạnh cơ bắp.

Chẩn đoán ngộ độc thủy ngân 

Đối với ngộ độc do thủy ngân hữa cơ, các triệu chứng có thể sau vài tuần hoặc vài tháng mới xuất hiện. Nhưng thủy ngân nguyên tố hoặc thủy ngân vô cơ có thể khiến bạn có các triệu chứng nhanh hơn.

Nhiễm độc thủy ngân được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm lượng thủy ngân trong máu và nước tiểu. Trong đó, mẫu nước tiểu có thể được được lấy trong vòng 24 giờ. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử phơi nhiễm của bạn và theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở của bạn.

Nếu nghi ngờ nhiễm độc thủy ngân, việc điều trị có thể tiến hành trước khi chẩn đoán xác định, do có thể mất một thời gian để bác sĩ nhận được kết quả xét nghiệm từ khi lấy mẫu. 

Điều trị ngộ độc thủy ngân 

Nếu nghi ngờ ngộ độc thủy ngân ở những người bệnh nặng, bác sĩ sẽ điều trị bằng liệu pháp thải sắt, bất kể dạng thủy ngân gây ra ngộ độc là gì. Liệu pháp này đưa các hợp chất đi vào máu và liên kết với thủy ngân sau đó nó được cơ thể đào thải ra ngoài. 

Tìm kiếm sự giúp đỡ

  • Các trung tâm hồi sức tích cực chống độc để được tư vấn khi ngộ độc hoặc nghi ngờ ngộ độc xảy ra và các biện pháp phòng ngừa ngộ độc.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Tham khảo ý kiến Nha sĩ.
  • Loại bỏ nguy cơ phơi nhiễm tại nhà: Hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để được tư vấn về năng lượng, chất thải và các đồ tái chế như đèn huỳnh quang.

Tổng kết

  • Có một số nguồn thủy ngân phổ biến trong môi trường của chúng ta.
  • Một số loài cá, đèn huỳnh quang và đèn năng lượng thấp, nhiệt kế có chứa thủy ngân, một số loại pin và chất hàn răng bằng hỗn hống có chứa thủy ngân.
  • Ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tiếp xúc với thủy ngân trong môi trường của bạn là cách tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm độc thủy ngân.
  • Phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh và trẻ em và những người bị bệnh thận cần đặc biệt tránh tiếp xúc với lượng lớn thủy ngân.
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!