Chấn thương sọ não: Phân loại, nguyên nhân, biến chứng và khả năng hồi phục

Chấn thương sọ não (Traumatic brain injury - TBI) là tổn thương não xảy ra khi có một tác nhân bên ngoài đột ngột tấn công. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tàn tật và tử vong ở người lớn.

Video Chấn thương sọ não: làm sao để nhanh hồi phục, tránh di chứng?

Chấn thương sọ não là một thuật ngữ rộng chỉ một loạt các tổn thương não. Tổn thương có thể khu trú (một vùng não) hoặc lan tỏa (nhiều vùng não). Mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não có thể từ nhẹ đến nặng dẫn đến hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

Phân loại chấn thương sọ não

Chấn thương não có thể được chia thành:

  • Chấn thương sọ não kín. Chấn thương sọ não kín xảy ra khi có một chấn thương không gây vỡ hộp sọ. Chấn thương sọ não kín là do sự tăng hoặc giảm tốc độ di chuyển của não hay bị rung lắc mạnh bên trong hộp sọ gây ra tụ máu và tổn thương nhu mô não và mạch máu. Chấn thương sọ não kín thường do tai nạn xe hơi, ngã, và ngày nay thường gặp nhiều hơn trong thể thao. Rung lắc em bé cũng có thể dẫn đến loại chấn thương này (được gọi là hội chứng rung lắc).
  • Vết thương sọ não. Tổn thương xuyên qua da hoặc vết thương hở ở da đầu khi có vỡ hộp sọ, như khi một viên đạn xuyên qua đầu.

Tổn thương sợi trục lan tỏa (DAI)

Tổn thương sợi trục lan tỏa là tình trạng tổn thương các sợi thần kinh của não (các sợi trục) bởi các lực xé khi chuyển động và xoay bên trong hộp sọ. Tổn thương sợi trụ lan tỏa thường gây hôn mê và tổn thương nhiều phần của não. Những thay đổi trong não thường ở dạng vi thể và có thể không rõ ràng trên chụp cắt lớp vi tính (CT- scanner) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Chấn thương sọ não nguyên phát và thứ phát 

Chấn thương sọ não nguyên phát là tình trạng tổn thương não đột ngột xảy ra ngay tại thời điểm va chạm. Chấn thương thường xảy ra vào thời điểm xảy ra tai nạn xe hơi, súng bắn hoặc bị ngã.

Chấn thương não thứ phát là những tổn thương tiến triển sau vài giờ đến vài ngày sau chấn thương sọ não nguyên phát. Cơ chế bao gồm các giai đoạn thay đổi tế bào, hóa học, mô hoặc mạch máu làm tổn thương mô não.

Nguyên nhân chấn thương sọ não

Có nhiều nguyên nhân gây ra chấn thương sọ não ở trẻ em và người lớn. Nguyên nhân phổ biến nhất là do tai nạn giao thông (khi đang lái xe hoặc bị va chạm với người đi bộ), bạo lực, ngã hoặc do rung lắc (như trường hợp bạo lực trẻ em).

Nguyên nhân tụ máu và tổn thương não

Khi có một cú đánh trực tiếp vào đầu, não bị tụ máu, tổn thương nhu mô và mạch máu bên trong là do một cơ chế gọi là tổn thương đối bên. Vết bầm tím liên quan trực tiếp đến vị trí va chạm. Khi đó não có thể bị tác động bởi lực kéo và va vào hộp sọ ở phía đối diện gây ra máu tụ trong não. Va đập não đối với các thành bên của hộp sọ có thể làm rách lớp nội mạc bên trong, các mô và mạch máu dẫn đến chảy máu trong, tụ máu hoặc phù não.

Hậu quả của chấn thương sọ não

Một số chấn thương não nhẹ, triệu chứng có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị. Một số chấn thương có thể nặng hơn và để lại di chứng vĩnh viễn. Di chứng của chấn thương não có thể cần phục hồi chức năng sau chấn thương và đôi khi có thể suốt đời. Ảnh hưởng của chấn thương não có thể bao gồm:

Suy giảm nhận thức

  1. Hôn mê
  2. Lơ mơ
  3. Giảm thời gian chú ý
  4. Các vấn đề về trí nhớ và chứng hay quên
  5. Giảm khả năng giải quyết vấn đề
  6. Các vấn đề về phán đoán
  7. Không có khả năng hiểu các khái niệm trừu tượng
  8. Mất nhận thức về thời gian và không gian
  9. Giảm nhận thức về bản thân và người khác
  10. Không thể thực hiện phối hợp nhiều hơn một hoặc hai bước cùng một lúc

Rối loạn vận động

  1. Liệt hoặc yếu chi
  2. Co cứng (co và rút các cơ)
  3. Cân bằng kém
  4. Giảm sức bền
  5. Không tự chủ vận động 
  6. Chậm chạp
  7. Run
  8. Vấn đề nuốt
  9. Phối hợp kém

Những khiếm khuyết về tri giác hoặc giác quan

  1. Những thay đổi về thính giác, thị giác, vị giác, khứu giác và xúc giác
  2. Mất cảm giác hoặc cảm giác sâu ở các bộ phận cơ thể
  3. Quên một bên cơ thể: bên trái hoặc bên phải
  4. Mất khả năng nhận thức các chi và mối quan hệ với cơ thể
  5. Các vấn đề về thị lực như nhìn đôi, giảm thị lực hoặc tầm nhìn hạn chế

Rối loạn giao tiếp và ngôn ngữ

  1. Khó nói và hiểu giọng nói (thất ngôn)
  2. Khó chọn từ thích hợp để nói (thất ngôn)
  3. Khó đọc hoặc viết 
  4. Khó thực hiện một số hoạt động rất phổ biến như đánh răng (mất phối hợp động tác)
  5. Nói chậm, ngập ngừng và giảm vốn từ vựng
  6. Khó hình thành câu có ý nghĩa
  7. Các vấn đề về xác định đối tượng và chức năng của chúng
  8. Các vấn đề về đọc, viết và khả năng làm việc với các con số

Suy giảm chức năng

  1. Giảm khả năng hoạt động sinh hoạt hàng ngày như mặc quần áo, tắm rửa và ăn uống
  2. Các vấn đề về tổ chức, mua sắm hoặc thanh toán hóa đơn
  3. Không có khả năng lái xe ô tô hoặc vận hành máy móc

Khó khăn xã hội

  1. Năng lực xã hội bị suy giảm, các mối quan hệ cá nhân khó khăn
  2. Khó khăn trong việc kết bạn và duy trì tình bạn
  3. Khó khăn khi hiểu và phản ứng với các sắc thái của tương tác xã hội

Rối loạn điều hòa

  1. Mệt mỏi
  2. Thay đổi thói quen ngủ và ăn uống
  3. Chóng mặt
  4. Đau đầu
  5. Mất tự chủ ruột và bàng quang

Thay đổi nhân cách hoặc tâm thần

  1. Thờ ơ
  2. Giảm động lực
  3. Rối loạn cảm xúc
  4. Cáu gắt
  5. Lo lắng và trầm cảm
  6. Phản ứng không phù hợp như cơn nóng nảy, hung hăng, chửi bới, giảm khả năng chịu đựng sự thất vọng và hành vi tình dục không đúng đắn

Một số rối loạn tâm thần có nhiều khả năng phát triển nếu tổn thương làm thay đổi thành phần hóa học của não.

Chứng động kinh có thể xảy ra với chấn thương não, nhưng phổ biến hơn là với các chấn thương nặng hoặc vết thương hở. Trong khi hầu hết các cơn động kinh xảy ra ngay sau khi bị thương hoặc trong năm đầu tiên, thì cũng có thể chứng động kinh xuất hiện sau nhiều năm. Động kinh bao gồm cả động kinh lớn hoặc toàn thể và động kinh cục bộ.

Hồi phục não sau chấn thương

Hầu hết các nghiên cứu cho rằng một khi các tế bào não bị phá hủy hoặc bị tổn thương, phần lớn sẽ không tái sinh. Tuy nhiên, quá trình phục hồi sau chấn thương não có thể diễn ra, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi vì trong một số trường hợp, các vùng não khác thay thế cho phần mô tổn thương. Trong các trường hợp khác, não thay đổi tín hiệu và hoạt động xung quanh các khu vực bị tổn thương. Khả năng hồi phục không thể dự đoán chính xác được tại thời điểm chấn thương và có thể không không hồi phục sau nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Mỗi loại chấn thương sọ não có tốc độ hồi phục khác nhau. Phục hồi sau chấn thương não nặng thường cần một quá trình điều trị và phục hồi chức năng kéo dài hoặc suốt đời.

Hôn mê 

Hôn mê là một trạng thái thay đổi ý thức sâu (bất tỉnh) mà không có kích thích nào khiến bệnh nhân đáp ứng được. Hôn mê cũng có thể là một trạng thái giảm ý thức, khi đó bệnh nhân vẫn có thể cử động hoặc phản ứng với cơn đau. Không phải tất cả bệnh nhân chấn thương sọ não đều bị hôn mê. Mức độ hôn mê và thời gian bệnh nhân hôn mê rất khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của chấn thương não. Một số bệnh nhân tỉnh lại sau hôn mê và hồi phục tốt. Một số bệnh nhân khác có thể để lại di chứng.

Thang điểm hôn mê

Thang điểm hôn mê thường được áp dụng trong các cơ sở cấp cứu và chăm sóc đặc biệt bằng thang điểm Glasgow. Thang điểm (từ 3 đến 15) đánh giá mở mắt, phản ứng bằng lời nói và phản ứng vận động. Điểm càng cao thì bệnh nhân còn ý thức và nhận thức nhiều hơn.

Tại các cơ sở phục hồi chức năng, có một số thang điểm và thước đo được sử dụng để đánh giá và ghi lại sự cải thiện của bệnh nhân. Một số thang điểm phổ biến như sau:

  • Bảng phân độ Rancho Los Amigos 10. Đây là bản sửa đổi của Bảng phân độ Rancho 8 ban đầu, dựa trên cách bệnh nhân phản ứng với các kích thích bên ngoài và môi trường. Bảng bao gồm 10 cấp độ khác nhau và mỗi bệnh nhân sẽ tiến triển qua các cấp độ với bắt đầu và kết thúc, tiến triển và trạng thái cân bằng.
  • Thang đánh giá mức độ khuyết tật (DRS). Thang đo này đo lường sự thay đổi chức năng trong quá trình phục hồi, xếp hạng mức độ khuyết tật của người bệnh từ không đến khuyết tật hoàn toàn. Thang điểm đánh giá chức năng nhận thức, thể chất, sự suy giảm, khuyết tật, tàn tật và có thể theo dõi sự tái hòa nhập cộng đồng của những bệnh nhân hôn mê.
  • Đo lường chức năng độc lập (FIM). Thang đo FIM đo lường mức độ độc lập trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Điểm có thể từ 1 (phụ thuộc hoàn toàn) đến 7 (hoàn toàn độc lập).
  • Đo lường đánh giá chức năng (FAM). Bảng đánh giá này được sử dụng cùng với FIM và được sử dụng đặc biệt cho những người bị chấn thương não.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân chấn thương sọ não

Phục hồi chức năng của bệnh nhân chấn thương sọ não bắt đầu từ giai đoạn điều trị cấp tính. Khi tình trạng của bệnh nhân được cải thiện, phục hồi chức năng áp dụng rộng rãi hơn thường được bắt đầu. Hiệu quả của phục hồi chức năng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: 

  • Bản chất và mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não
  • Loại và mức độ của di chứng
  • Sức khỏe của bệnh nhân
  • Hỗ trợ từ gia đình

Quan trọng bệnh nhân cũng phải luôn nỗ lực ngay cả khi ở nhà và cộng đồng. Sự động viên lòng tự trọng và thúc đẩy tính độc lập giúp phục hồi tích cực hơn. 

Mục đích của phục hồi chức năng chấn thương não là giúp bệnh nhân phục hồi chức năng và có thể độc lập, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống về thể chất, tình cảm và xã hội.

Các nội dung trong chương trình phục hồi chấn thương não có thể gồm:

  • Kỹ năng tự chăm sóc, bao gồm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (ADL): ăn, chải chuốt, tắm rửa, mặc quần áo, đi vệ sinh và thực hiện chức năng tình dục
  • Chăm sóc thể chất: nhu cầu dinh dưỡng, thuốc men và chăm sóc da
  • Kỹ năng vận động: đi bộ, chuyển xe lăn và tự lái xe lăn
  • Kỹ năng giao tiếp: nói, viết và các hình thức giao tiếp thay thế
  • Kỹ năng nhận thức: nói, viết và các phương pháp giao tiếp thay thế
  • Kỹ năng xã hội hóa: tương tác với những thành viên trong gia đình và trong cộng đồng
  • Đào tạo nghề: các kỹ năng liên quan đến công việc
  • Kiểm soát cơn đau: thuốc và các phương pháp thay thế để kiểm soát cơn đau
  • Kiểm tra và tư vấn tâm lý: xác định các vấn đề và biện pháp với các vấn đề về tư duy, hành vi và cảm xúc
  • Hỗ trợ gia đình: hỗ trợ thích nghi với thay đổi lối sống, lo lắng về tài chính và lập kế hoạch xuất viện
  • Giáo dục: giáo dục và đào tạo cho bệnh nhân và gia đình về chấn thương não, các vấn đề an toàn, nhu cầu chăm sóc tại nhà và các kỹ thuật thích ứng

Đội ngũ phục hồi chức năng cho người bệnh chấn thương sọ não

Đội ngũ phục hồi chức năng chấn thương não chính là bệnh nhân, gia đình và đặt ra các mục tiêu điều trị ngắn hạn và dài hạn để phục hồi. Các chuyên gia cũng là một phần của nhóm phục hồi chức năng chấn thương não, gồm:

  • Bác sĩ thần kinh / bác sĩ giải phẫu thần kinh
  • Bác sĩ nhi khoa
  • Bác sĩ nội trú và chuyên gia
  • Y tá phục hồi chức năng
  • Nhân viên xã hội
  • Nhà trị liệu vật lý
  • Nhà trị liệu nghề nghiệp
  • Nhà nghiên cứu bệnh học ngôn ngữ / ngôn ngữ
  • Nhà tâm lý học / nhà tâm lý học thần kinh / bác sĩ tâm thần
  • Nhà trị liệu giải trí
  • Nhà thính học
  • Chuyên gia dinh dưỡng
  • Cố vấn hướng nghiệp
  • Bác sĩ chỉnh hình
  • Người quản lý hồ sơ
  • Bác sĩ chuyên khoa hô hấp
  • Giáo sĩ

Các loại chương trình phục hồi chấn thương não

Có nhiều chương trình điều trị chấn thương não, bao gồm:

  • Các chương trình phục hồi chức năng cấp tính
  • Các chương trình phục hồi chức năng bán cấp tính
  • Các chương trình phục hồi dài hạn
  • Các chương trình chuyển tiếp
  • Các chương trình quản lý hành vi
  • Các chương trình điều trị ban ngày
  • Các chương trình độc lập

Xem thêm:

Câu hỏi liên quan

Khoảng tỉnh là khoảng thời gian bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo từ khi xảy ra tai nạn tới khi hôn mê. Khoảng tỉnh càng ngắn thì tiên lượng càng nặng.
Xem thêm
Những triệu chứng chấn thương sọ não ở trẻ nhỏ như: Trẻ bị đờ đẫn, khù khờ một cách bất thường, Trẻ dễ cáu gắt và nổi giận, Trẻ mất khả năng giữ thăng bằng và không đi đứng bình thường, Trẻ khóc nhiều nhưng không rõ nguyên nhân,...
Xem thêm
Với các trường hợp vỡ xương vòm sọ có vỡ nền sọ thì tùy trường hợp với vị trí tổn thương khác nhau sẽ gây triệu chứng khác nhau như: Bầm tím mắt, Liệt dây thần kinh nền sọ,...
Xem thêm
Tùy vào mức độ và vị trí chấn thương, bệnh nhân có thể gặp phải những di chứng như: Máu tụ nội sọ, Phù não, Hội chứng tăng áp lực nội sọ, Thoát vị não,...
Xem thêm
Các triệu chứng chấn thương sọ não ở mỗi trường hợp là khác nhau. Người bị chấn thương sọ não nhẹ có thể bị đau đầu, chóng mặt, choáng váng, ù tai, mệt mỏi, rối loạn tinh thần và cảm xúc, ảnh hưởng đến trí nhớ và sự tập trung. Trường hợp bị chấn thương sọ não nặng hơn người bệnh có thể bị đau đầu dữ dội, nôn mửa, co giật, mất ý thức, giãn đồng tử, hôn mê...
Xem thêm
Chấn thương sọ não là tình trạng sọ não bị tổn thương do chấn thương. Chấn thuơng sọ não còn gọi là chấn thuơng đầu bao gồm những tổn thuơng xưng sọ và não do tác động đột ngột của vật cứng đập vào đầu hoặc đầu đập vào vật cứng.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Chấn thương sọ não
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!