Trong quá trình nội soi, một ống dài và mềm (ống soi đại tràng) được đưa vào trực tràng. Một máy quay video nhỏ gắn ở đầu ống này cho phép bác sĩ quan sát bên trong toàn bộ đại tràng.
Nếu cần thiết, polyp hoặc các loại mô bất thường khác có thể được cắt bỏ qua ống soi này trong quá trình nội soi. Mẫu mô sinh thiết cũng có thể được lấy ra bằng ống nội soi.
Mục đích của nội soi đại tràng
Bác sĩ có thể chỉ định nội soi nhằm:
- Xác định nguyên nhân của các triệu chứng bất thường ở đường ruột. Nội soi có thể giúp bác sĩ phát hiện các nguyên nhân gây ra đau bụng, chảy máu trực tràng, táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính và các vấn đề đường ruột khác.
- Tầm soát ung thư đại tràng. Trong trường hợp bạn trên 50 tuổi và thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ ung thư đại tràng mức trung bình - nghĩa là bạn không có yếu tố nào khác ngoài tuổi cao, bác sĩ sẽ đề nghị nội soi 10 năm một lần hoặc đôi khi sớm hơn để tầm soát ung thư đại tràng. Bạn có thể khám trực tiếp với bác sĩ để có lời khuyên cụ thể hơn.
- Phát hiện các polyp đại tràng. Nếu bạn đã từng có tiền sử polyp trước đó, bác sĩ có thể chỉ định nội soi tái khám để tìm và loại bỏ những polyp có thể còn lại. Cắt bỏ polyp được thực hiện nhằm làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng.
Nguy cơ khi nội soi đại tràng
Nội soi có ít nguy cơ. Các biến chứng hiếm gặp của nội soi bao gồm:
- Phản ứng với thuốc an thần được sử dụng trong quá trình nội soi
- Xuất huyết tại vị trí lấy mẫu mô (sinh thiết) hoặc cắt bỏ polyp.
- Vết rách trong thành đại tràng, trực tràng hoặc có thể thủng đại tràng.
Sau khi giải thích những yếu tố nguy cơ của nội soi đại tràng với bạn, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ký vào đơn đồng ý cho phép thực hiện thủ thuật.
Bạn cần chuẩn bị như thế nào trước khi nội soi đại tràng
Trước khi nội soi, bạn sẽ cần phải làm sạch (rỗng) đại tràng của mình. Bất kỳ chất cặn nào trong đại tràng có thể che khuất tầm nhìn của ống nội soi trong quá trình thăm khám.
Để làm sạch đại trực tràng, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn thực hiện các bước sau:
- Thực hiện chế độ ăn uống đặc biệt một ngày trước khi nội soi. Thông thường, bạn sẽ không thể ăn thức ăn đặc vào một ngày trước khi soi. Bạn chỉ nên uống đồ uống có màu trong suốt như nước lọc, trà và cà phê không có sữa hoặc kem, đồ uống có ga. Tránh chất lỏng màu đỏ vì có thể gây nhầm lẫn với máu trong quá trình nội soi. Bạn có thể không được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì sau nửa đêm trước ngày nội soi.
- Uống thuốc nhuận tràng. Bác sĩ thường chỉ định cho bạn dùng thuốc nhuận tràng, ở dạng thuốc viên hoặc dạng lỏng. Bạn có thể được hướng dẫn uống thuốc nhuận tràng vào đêm trước khi nội soi đại tràng hoặc sử dụng vào cả đêm hôm trước và buổi sáng của ngày làm thủ thuật.
- Sử dụng bộ dụng cụ thụt tháo. Một số trường hợp, bạn có thể cần sử dụng bộ dụng cụ thụt tháo không kê đơn vào đêm trước hoặc vài giờ trước khi khám để làm rỗng đại tràng. Cách này thường chỉ có hiệu quả trong việc làm sạch đoạn đại tràng dưới và thường không được khuyến khích như một cách chính để làm rỗng đại tràng của bạn.
- Điều chỉnh thuốc của bạn. Báo với bác sĩ về các loại thuốc bạn đang dùng ít nhất một tuần trước khi nội soi- đặc biệt nếu bạn bị đái tháo đường, tăng huyết áp, các vấn đề về tim mạch, đang dùng thuốc hoặc chất bổ sung chứa sắt.
Ngoài ra, cho bác sĩ biết nếu bạn dùng aspirin hoặc các loại thuốc chống đông máu khác, như warfarin (Coumadin, Jantoven); dabigatran (Pradaxa) hoặc rivaroxaban (Xarelto), được sử dụng để giảm nguy cơ hình thành huyết khối hoặc đột quỵ; hoặc thuốc tim mạch, như kháng ngưng tập tiểu cầu clopidogrel (Plavix). Bạn có thể phải điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc tạm thời ngừng dùng thuốc.
Quy trình
Trong quá trình nội soi
Trong quá trình nội soi, bạn sẽ mặc áo choàng. Thuốc an thần thường được khuyến khích sử dụng. Đôi khi thuốc an thần nhẹ được dùng ở dạng viên. Tuy nhiên, thuốc an thần có thể được kết hợp với thuốc giảm đau tiêm tĩnh mạch nhằm mục đích giảm thiểu tối đa những khó chịu trong lúc nội soi.
Bạn sẽ bắt đầu quá trình nội soi bằng tư thế nằm nghiêng trên bàn soi, thường co đầu gối về phía ngực. Bác sĩ sẽ đưa một ống soi vào trực tràng.
Ống soi - đủ dài để tiếp cận toàn bộ đại tràng của bạn - chứa một đèn và một ống (kênh bên trong) cho phép bác sĩ bơm không khí hoặc cacbonic vào lòng đại tràng của bạn. Không khí hoặc khí cacbonic sẽ thổi phồng đại tràng, giúp quan sát tốt hơn niêm mạc đại tràng. Khi ống nội soi di chuyển hoặc khi không khí được bơm vào, bạn có thể cảm thấy đau quặn bụng hoặc muốn đi ngoài.
Ống nội soi chứa một máy quay video nhỏ ở đầu. Máy quay này sẽ gửi hình ảnh đến màn hình bên ngoài để bác sĩ có thể quan sát lòng đại tràng của bạn
Bác sĩ cũng có thể đưa dụng cụ qua kênh của ống để lấy mẫu mô (sinh thiết) hoặc cắt bỏ polyp hoặc mô bất thường khác qua nội soi.
Quá trình nội soi thường mất khoảng 30 đến 60 phút.
Sau khi nội soi
Sau khi kết thúc, mất khoảng 1 giờ để hồi phục lại sức khỏe khi dùng thuốc an thần. Bạn sẽ cần ai đó đưa bạn về nhà vì có thể mất đến một ngày để hết hoàn toàn tác dụng của thuốc an thần. Không lái xe hoặc đưa ra các quyết định quan trọng hoặc quay lại làm việc trong thời gian còn lại trong ngày.
Nếu bác sĩ cắt bỏ polyp đại tràng trong quá trình nội soi, bạn có thể được khuyên tạm thời thực hiện chế độ ăn uống đặc biệt.
Bạn có thể cảm thấy chướng bụng hoặc đánh hơi trong vài giờ sau khi nội soi, điều này sẽ hết sau khi bạn loại bỏ sạch không khí trong đại tràng. Đi bộ có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu.
Bạn cũng có thể thấy một lượng máu nhỏ khi đi đại tiện lần đầu tiên sau khi nội soi. Thông thường đây không phải là dấu hiệu đáng lo. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn vẫn tiếp tục đi ngoài ra máu hoặc cục máu đông, đau bụng dai dẳng hoặc sốt sau nội soi. Mặc dù những điều này ít xảy ra, nhưng những triệu chứng trên có thể xảy ra ngay lập tức hoặc trong vài ngày đầu sau khi làm thủ thuật, đôi khi có thể xuất hiện muộn 1 đến 2 tuần.
Kết quả
Bác sĩ sẽ xem xét kết quả nội soi và sau đó thông báo với bạn.
Kết quả âm tính
Nội soi đại tràng được coi là âm tính nếu bác sĩ không tìm thấy bất thường nào.
Bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện một lần nội soi khác:
- Trong 10 năm, nếu bạn có nguy cơ ung thư đại tràng mức trung bình - nghĩa là không có yếu tố nào khác ngoài tuổi tác.
- Trong 5 năm, nếu bạn có tiền sử polyp phát hiện qua nội soi đại tràng trước đây
- Trong 1 năm, nếu có phân còn sót lại trong đại tràng làm cản trở việc kiểm tra toàn bộ đại tràng
Kết quả dương tính
Nội soi đại tràng được coi là dương tính nếu bác sĩ phát hiện bất kỳ polyp hoặc mô bất thường nào trong đại tràng.
Hầu hết các polyp không phải là ung thư nhưng một số có thể là tổn thương tiền ung thư. Các polyp cắt bỏ trong quá trình nội soi sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích nhằm chẩn đoán xác định là ung thư, tiền ung thư hay không phải ung thư.
Tùy thuộc vào kích thước và số lượng polyp, bạn có thể phải tuân theo một lịch trình thăm khám nghiêm ngặt hơn trong tương lai để phát hiện thêm các polyp khác nếu có.
Nếu phát hiện 1 hoặc 2 polyp có đường kính dưới 1 cm, bác sĩ có thể đề nghị nội soi đại tràng lặp lại sau 5 đến 10 năm, tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ đi kèm khác của bạn đối với ung thư đại tràng.
Bác sĩ sẽ đề nghị thăm khám nội soi khác sớm hơn nếu bạn có:
- Nhiều hơn 2 polyp
- 1 polyp lớn hơn 1 cm
- Có polyp và còn sót lại phân trong đại tràng gây hạn chế thăm khám toàn bộ đại tràng
- Polyp với kết quả xét nghiêm giải phẫu bệnh có đặc điểm tế bào cho thấy có nguy cơ cao hơn có thể gây ung thư trong tương lai
- Polyp kết quả xét nghiệm là ung thư
Nếu bạn có một polyp hoặc các mô bất thường khác mà không thể cắt bỏ hoặc lấy bằng nội soi, bạn sẽ được đề nghị khám lại với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - là bác sĩ chuyên môn sâu trong việc loại bỏ các khối polyp lớn hoặc phải phẫu thuật.
Một số vấn đề cần lưu ý
Nếu bác sĩ thấy chất lượng hình ảnh qua nội soi chưa đánh giá được đầy đủ, bác sĩ có thể đề nghị lặp lại nội soi đại tràng hoặc hẹn tái khám lại trong một thời gian ngắn hơn thông thường nhằm nội soi kiểm tra ở lần tiếp theo. Nếu bác sĩ không thể đưa ống soi qua toàn bộ đại tràng, bạn có thể nên thụt barit hoặc thực hiện phương pháp nội soi đại tràng ảo để kiểm tra phần còn lại của đại tràng.
Xem thêm: