Thành phần của thuốc Methotrexate
Methotrexate là thuốc kháng acid folic - là chất quan trọng trong tổng hợp acid nucleic. Thuốc có tác dụng đặc hiệu trên pha S.
Thuốc ức chế cạnh tranh với enzym dihydrofolate reductase, men này xúc tác sự biến đổi acid folic thành tetrahydrofolate. Hiện tượng này can thiệp vào sự tổng hợp của acid thymidilic và purin, và như vậy, sẽ ức chế sự tổng hợp DNA và sự sinh sản của tế bào và ức chế ở mức độ ít hơn sự tổng hợp protein và RNA.
Methotrexate có tính đặc hiệu chu kỳ tế bào trong giai đoạn S. Mô có tốc độ tăng sinh tế bào mạnh như ung thư mô, tủy xương, tế bào biểu mô hoặc tế bào phôi là nơi nhạy cảm nhất. Vì lý do này, Methotrexate được dùng điều trị bệnh vảy nến, ở đó tốc độ sinh sản của tế bào biểu mô da mạnh hơn tế bào bình thường rất nhiều
Methotrexate có những dạng và hàm lượng sau:
- Viên nén: 2,5 mg.
- Viên nén bao phim: 5 mg; 7,5 mg; 10 mg; 15 mg.
- Dung dịch, đường tiêm: 25 mg/ml.
Chỉ định và chống chỉ định thuốc Methotrexate
Chỉ định
Thuốc được chỉ định trong điều trị:
- Ung thư lá nuôi.
- Bệnh bạch cầu.
- Sác-côm xương.
- Sác-côm sụn.
- Sác-côm sợi.
- Ung thư vú.
- Ung thư đầu và cổ.
- Ung thư phổi.
- Ung thư bàng quang.
- U sùi dạng nấm (u lymphô tế bào T).
- U lymphô không Hodgkin…
- Bệnh vảy nến, viêm khớp vảy nến
- Viêm khớp dạng thấp
Chống chỉ định
Không được dùng thuốc tiêm Methotrexate B.P. trong những trường hợp sau: tổn thương chức năng thận, có thai, bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, rối loạn chức năng thận và gan hoặc rối loạn tạo máu từ trước như giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu và suy tủy xương.
Liều lượng và cách dùng thuốc Methotrexate
Cách dùng
Điều trị bằng Methotrexate cần phải được bác sĩ có nhiều kinh nghiệm về hóa trị liệu chống ung thư theo dõi, giám sát. Thuốc thường được dùng với liều rất cao, sau đó trung hòa các tác dụng phụ bằng acid folinic để điều trị một số bệnh ung thư ác tính.
Methotrexate có thể tiêm bắp, tĩnh mạch, động mạch hoặc trong ống tủy sống. Ngoài ra, còn có thể uống đối với các chế phẩm viên nén.
Liều dùng
Liều của thuốc khác nhau tùy vào bệnh lý của người bệnh. Dưới đây là một số gợi ý liều khi sử dụng thuốc để điều trị ung thư (liều cao) hoặc chất ức chế miễn dịch (liều thấp):
- Ung thư vú
Tiêm tĩnh mạch 40 mg/m^2. Thuốc được tiêm vào ngày thứ 1 và ngày thứ 8. Điều trị sẽ được lặp lại và tiêm cách nhau 3 tuần. Tiêm hoặc truyền tĩnh mạch từ 10 – 60 mg/m^2 và phối hợp điều trị với các thuốc khác.
- Ung thư phổi
Methotrexate có một vị trí trong điều trị carcinom tuyến, ung thư dạng biểu bì, và carcinom tế bào nhỏ không biệt hóa. Đối với 2 loại ung thư sau, thuốc được dùng đơn độc với liều 50 mg tiêm tĩnh mạch hai tuần 1 lần.
- Ung thư bàng quang
Đối với ung thư bàng quang muộn hoặc di căn, có thể cho liều duy nhất 40 – 100 mg/m^2 tiêm tĩnh mạch, hai tuần 1 lần. Liều trên 100 mg cần phải bổ sung thêm acid folinic.
- U lymphô không Hodgkin
Tiêm tĩnh mạch 30 mg/m^2. Tiêm vào ngày thứ 3 và thứ 10 mỗi 3 tuần. Hoặc tiêm 120 mg/m^2 vào ngày thứ 8 và thứ 15 của mỗi 3 – 4 tuần. Hoặc tiêm 200 mg/m^2 vào ngày thứ 8 và 15 của mỗi 3 – 4 tuần. Hoặc tiêm 400 mg/m^2 vào mỗi 4 tuần trong 3 lần. Hoặc tiêm 1 g/m^2 mỗi 3 tuần. Hoặc tiêm 1,5 g/m^2 mỗi 4 tuần tùy theo từng loại phác đồ phối hợp điều trị với các thuốc khác.
- Sác-côm xương
Truyền tĩnh mạch (trong 4 giờ) 8 – 12 /m^2/lần/tuần, tiếp sau là acid folinic (thường là uống 15 mg acid folinic cứ 6 giờ một lần, dùng 6 liều, bắt đầu từ 24 giờ sau khi bắt đầu truyền methotrexate), vào các tuần 4, 5, 6, 7, 11, 16, 29, 30, 44 và sau phẫu thuật theo một phác đồ hóa trị liệu phối hợp trong đó có doxorubicin, cisplatin, bleomycin, cyclophosphamid và dactinomycin. Nếu cần thiết, liều có thể tăng lên tới 15 g/m^2 để đạt nồng độ đỉnh trong huyết thanh là 1 x 10^-3 mol/lít.
- Bệnh vảy nến, viêm khớp vảy nến
Uống hoặc tiêm bắp, hoặc có thể tiêm đường tĩnh mạch từ 10 – 25 mg/lần, mỗi tuần 1 lần. Có thể điều chỉnh tùy theo đáp ứng và độc tính của thuốc. Nên thử 1 liều với hàm lượng từ 5 đến 10 mg trong 1 tuần trước khi người bệnh bắt đầu điều trị.
Hoặc: uống mỗi tuần uống 7,5 – 20 mg (có thể tăng liều lượng nếu cần thiết cho tới tối đa 25 đến 30 mg mỗi tuần). Chia làm 3 liều uống trong vòng 24 giờ, hoặc 3 liều uống cách nhau 12 giờ/lần, hoặc chia làm 4 liều, mỗi liều uống cách nhau 8 giờ. Nên thử 1 liều 2,5 – 5 mg.
Hoặc: uống mỗi ngày từ 2 – 5 mg (tối đa 6,25 mg) trong liên tục 5 ngày. Nghỉ ít nhất 2 ngày trước khi người bệnh uống lặp lại liều trên. Phác đồ điều trị hàng tuần sẽ ít độc cho gan hơn là dùng thuốc điều trị hàng ngày.
- Viêm khớp dạng thấp
Uống hoặc tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch 7,5 mg mỗi tuần 1 lần, hoặc uống 3 liều, mỗi liều 2,5 mg, cách nhau 12 giờ, điều chỉnh liểu theo đáp ứng tới tối đa 20 mg/tuần.
Tác dụng phụ thuốc Methotrexate
Nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào của phản ứn dị ứng: phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng.
Ngừng sử dụng methotrexate và gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn có bất cứ phản ứng phụ nghiêm trọng nào sau đây:
- Ho khan, khó thở;
- Tiêu chảy, nôn mửa, xuất hiện đốm trắng hay lở loét trong miệng hoặc môi;
- Có máu trong nước tiểu hoặc phân;
- Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không thể tiểu;
- Sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, các triệu chứng cúm;
- Đau họng và đau đầu kèm phồng rộp da nặng, bong tróc và phát ban đỏ;
- Da nhợt nhạt, dễ bầm tím hoặc chảy máu, suy nhược;
- Buồn nôn, đau bụng, sốt nhẹ, chán ăn, nước tiểu đậm màu, phân có màu đất sét, vàng da (vàng da hoặc mắt).
Tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể bao gồm:
Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể xuất hiện các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Lưu ý gì khi sử dụng thuốc Methotrexate
Trước khi dùng methotrexate, bạn nên:
- Báo với bác sĩ và dược sĩ nếu bạn bị dị ứng với methotrexate, bất kỳ loại thuốc nào khác hay bất kỳ thành phần nào trong viên nén methotrexate. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về danh sách các thành phần trong thuốc.
- Báo với bác sĩ và dược sĩ về các thuốc kê theo toa và không kê theo toa khác, vitamin và thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng hoặc dự định dùng. Hãy chắc chắn đề cập đến các loại thuốc như: thuốc kháng sinh như chloramphenicol (Chloromycetin), penicillin, tetracycline; axit folic (thuốc riêng lẻ hoặc là thành phần trong một số loại vitamin tổng hợp); thuốc trị bệnh viêm khớp dạng thấp khác; phenytoin (Dilantin); probenecid (Benemid); sulfonamides như co-trimoxazole (Bactrim, Septra), sulfadiazine, sulfamethizole (Urobiotic), và sulfisoxazole (Gantrisin); và theophylline (Theochron, Theolair). Bác sĩ có thể cần phải thay đổi liều thuốc của bạn hoặc theo dõi bạn một cách cẩn thận cho các tác dụng phụ.
- Báo với bác sĩ nếu bạn đang hay đã từng có bất kỳ các tình trạng nêu trong phần 5 hoặc có nồng độ folate trong máu thấp.
- Không cho trẻ bú sữa mẹ trong khi bạn đang dùng methotrexate.
- Nếu bạn phải phẫu thuật, kể cả phẫu thuật nha khoa, hãy nói cho bác sĩ hoặc nha sĩ về việc đang dùng methotrexate.
- Tránh tiếp xúc không cần thiết hoặc kéo dài với ánh nắng mặt trời, ánh sáng cực tím (giường tắm nắng và đèn cực tím), hãy mặc quần áo bảo hộ, kính mát, và thoa kem chống nắng. Methotrexate có thể làm cho làn da của bạn nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng cực tím. Nếu bạn mắc bệnh vẩy nến, vết loét của bạn có thể tồi tệ hơn nếu bạn để da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong khi đang dùng methotrexate.
- Không thực hiện tiêm chủng trong thời gian điều trị với methotrexate mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Phụ nữ có thai
Methotrexate được biết có khả năng gây độc cho phôi và gây đột biến, không nên cho phụ nữ có thai dùng. Methotrexate chỉ được dùng ở phụ nữ có khả năng mang thai nếu lợi ích mong đợi vượt trội hơn nguy cơ điều trị và biện pháp ngừa thai thích hợp được áp dụng. Nếu đang dùng thuốc mà có thai, bệnh nhân phải được báo về các nguy cơ đối với thai nhi.
Phụ nữ cho con bú
Methotrexate bài tiết vào sữa mẹ và gây ảnh hưởng đến trẻ. Vì vậy, không cho trẻ bú mẹ khi người mẹ đang sử dụng thuốc này.
Người suy gan, suy thận và suy tủy
- Cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc trên nhóm đối tượng này.
- Trong khi dùng thuốc, cần theo dõi đều đặn các chức năng của gan, thận và máu.
Tương tác thuốc Methotrexate
Thuốc
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Tốt nhất viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
- Azathioprine;
- Leucovorin;
- Phenytoin;
- Probenecid;
- Theophylline;
- Kháng sinh hoặc thuốc nhóm sulfa;
- Isotretinoin, retinol, tretinoin;
- Thuốc kháng viêm không steroid – ibuprofen (Advil, Motrin), naproxen (Aleve), celecoxib, diclofenac, indomethacin, meloxicam và những thuốc khác;
- Các salicylate – aspirin, thuốc đau lưng Nuprin, Kaopectate, KneeRelief, Pamprin Cramp Formula, Pepto-Bismol, Tricosal, Trilisate, những thuốc khác.
Thức ăn và rượu bia có tương tác tới thuốc methotrexate không?
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc methotrexate?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:
- Nghiện rượu hoặc có tiền sử nghiện rượu;
- Thiếu máu;
- Giảm bạch cầu (số lượng bạch cầu thấp);
- Bệnh gan, nặng;
- Giảm tiểu cầu (lượng tiểu cầu trong máu thấp);
- Suy giảm hệ thống miễn dịch – không được sử dụng thuốc cho những bệnh nhân mắc tình trạng này;
- Áp-xe (chất lỏng dư thừa trong dạ dày);
- Bệnh thận;
- Tràn dịch màng phổi (chất lỏng dư thừa trong phổi) – sử dụng thận trọng vì các ảnh hưởng có thể gia tăng do sự đào thải thuốc chậm hơn khỏi cơ thể;
- Tiểu đường;
- Bệnh gan;
- Béo phì;
- Viêm loét dạ dày;
- Viêm loét đại tràng (viêm đại tràng) – sử dụng thận trọng vì thuốc này có thể khiến tác dụng phụ trở nên tồi tệ hơn;
- Nhiễm trùng (vi khuẩn, nấm, virus) – sử dụng một cách thận trọng vì thuốc có thể làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng của bạn.
Bảo quản thuốc Methotrexate
- Bảo quản Methotrexate ở những nơi khô ráo, thoáng mát.
- Để thuốc ra xa khỏi tầm với của trẻ nhỏ và thú cưng nuôi trong nhà.
- Không để thuốc ở những nơi nắng gắt (ánh sáng chiếu trực tiếp lên sản phẩm). Hoặc tránh để thuốc ở những nơi ẩm ướt.
Làm gì khi dùng quá liều; quên liều?
Xử trí khi quá liều
Loét niêm mạc miệng thường là một trong những dấu hiệu sớm của nhiễm độc. Tuy nhiên, ở một số người bệnh sẽ bị ức chế tủy xương trước hoặc cùng với loét miệng.
Xử trí
Dùng leucovorin canxi càng sớm càng tốt, ngay trong giờ đầu tiên. Không được tiêm leucovorin vào trong ống tủy sống. Leucovorin nếu dùng chậm sau 1 giờ sẽ ít có tác dụng. Liều leucovorin giải độc thường bằng hoặc cao hơn liều methotrexate đã dùng. Khi dùng thuốc với liều cao hoặc quá liều, có thể dùng leucovorin truyền tĩnh mạch tới liều 75 mg trong 12 giờ. Sau đó dùng với liều 12 mg tiêm bắp, dùng 4 liều, cứ 6 giờ một lần.
Nếu tiêm thuốc vào ống tủy sống quá liều thì cần dùng liệu pháp hỗ trợ toàn thân bao gồm liều cao leucovorin, kiềm hóa nước tiểu, dẫn lưu dịch não tủy nhanh, truyền dịch não thất tủy sống.
Xử trí khi quên liều
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc uống, hãy uống ngay sau khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian gần với lần uống tiếp theo, bạn hãy bỏ qua liều đã quên. Không dùng gấp đôi liều sản phẩm đã được nhà sản xuất khuyến cáo.
Đối với thuốc dạng tiêm, thủ thuật tiêm chỉ được thực hiện bởi nhân viên y tế.