Tăng áp động mạch phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tăng áp động mạch phổi là bệnh phổi hiếm gặp, trong đó các động mạch dẫn máu từ tim đến phổi bị thu hẹp làm tăng áp lực lên động mạch phổi và giảm lượng máu đến phổi. Áp suất cao bất thường này làm giãn tâm thất phải. Dần dần tâm thất phải trở nên suy yếu và mất khả năng bơm đủ máu lên phổi. Từ đó dẫn đến sự tiến triển của suy tim phải.

Video: Tăng áp phổi

Tăng áp phổi xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc tuy nhiên bệnh phổ biến hơn nhiều ở thanh niên và tỉ lệ ở phụ nữ gần gấp đôi so với nam giới.

Tại sao động mạch phổi bị hẹp?

Các nhà khoa học tin rằng nguyên nhân gây hẹp các động mạch phổi là do lớp tế bào nội mô lót các mạch máu nhỏ của phổi bị tổn thương. Tổn thương này xảy ra không rõ lý do có thể gây ra những thay đổi trong cấu trúc thành mạch làm cơ trơn co lại, dày lên và thu hẹp mạch phổi.

Triệu chứng và nguyên nhân của tăng áp động mạch phổi

Nguyên nhân nào gây ra tăng áp động mạch phổi?

Sau đây là một số nguyên nhân gây tăng áp động mạch phổi:

  • Thuốc ăn kiêng fen-phen. Thuốc đã được bán trên thị trường, những người sử dụng thuốc này có nguy cơ tiến triển tăng áp phổi nhiều hơn 23 lần bình thường.
  • Bệnh gan, bệnh khớp, bệnh phổi. Tăng áp động mạch phổi cũng có thể xảy ra do các tình trạng bệnh lý khác như bệnh gan mãn tính và xơ gan; bệnh khớp như xơ cứng bì hoặc lupus ban đỏ hệ thống và các bệnh về phổi như u phổi, khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và xơ phổi.
  • Một số bệnh tim. Các bệnh tim như bệnh van động mạch chủ, suy tim trái, bệnh van hai lá và bệnh tim bẩm sinh cũng có thể gây tăng áp phổi.
  • Huyết khối tắc mạch. Cục máu đông trong động mạch phổi lớn có thể dẫn đến tăng áp động mạch phổi.

Huyết khối mạch phổi gây tăng áp phổi. Nguồn ảnh: dreamstimeHuyết khối mạch phổi gây tăng áp phổi. Nguồn ảnh: dreamstime

  • Điều kiện oxy thấp. Sống ở độ cao, béo phì và hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể dẫn đến sự tiến triển của tăng áp động mạch phổi.
  • Di truyền. Tăng áp phổi được di truyền trong một số ít trường hợp. Nếu trong gia đình có người bị tăng áp động mạch phổi, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tăng áp động mạch phổi cũng có thể do các bệnh lý khác gây ra và trong một số trường hợp, nguyên nhân không rõ ràng.

Các triệu chứng của tăng áp động mạch 

Các triệu chứng của tăng áp động mạch phổi thường không xảy ra cho đến khi tình trạng bệnh đã tiến triển. Triệu chứng khởi phát thường là khó thở khi hoạt động hàng ngày như leo cầu thang. Các triệu chứng khác thường là mệt mỏi, chóng mặt và ngất xỉu. Phù chân, môi tái và da hơi xanh, đau tức ngực có thể xảy ra khi suy tim phải. Các triệu chứng có nhiều mức độ khác nhau và một bệnh nhân có thể không có đầy đủ các triệu chứng trên.

Ở giai đoạn nặng hơn, ngay cả những hoạt động tối thiểu cũng sẽ gây khó chịu cho người bệnh. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Nhịp tim bất thường (cảm giác hồi hộp, trống ngực hoặc đau nhói)
  • Tim đập nhanh
  • Ngất xỉu hoặc chóng mặt
  • Khó thở liên tục trong khi tập thể dục 
  • Khó thở cả khi nghỉ ngơi
  • Cuối cùng, có thể khó thực hiện bất kỳ hoạt động nào khi bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Chẩn đoán và xét nghiệm tăng áp động mạch phổi

Chẩn đoán

 tăng áp động mạch phổi có thể do nhiều bệnh lý gây ra, nên cần phải hỏi tiền sử bệnh đầy đủ, khám toàn thể và mô tả các triệu chứng để loại trừ các bệnh khác và đưa ra chẩn đoán chính xác. Trong quá trình khám bác sĩ sẽ:

  • Nghe tim để phát hiện các tiếng bất thường như tiếng van đập mạnh, tiếng thổi tâm thu do phụt ngược van ba lá hoặc tiếng ngựa phi do suy tâm thất.

Nghe tim. Nguồn ảnh: WHYYNghe tim. Nguồn ảnh: WHYY

  • Khám tĩnh mạch cổ xem có nổi hay không 
  • Khám bụng, chân và mắt cá chân để phát hiện phù.
  • Kiểm tra giường móng để xem tưới máu.
  • Tìm các dấu hiệu của các bệnh tiềm ẩn khác có thể gây ra tăng áp động mạch phổi.

Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm khác như:

  • Xét nghiệm máu:
  • Xét nghiệm chuyển hóa toàn diện: xét nghiệm chức năng gan và thận.
  • Các xét nghiệm máu tự kháng thể chẳng hạn như ANA, ESR và các xét nghiệm khác: Kiểm tra các bệnh mạch máu collagen.
  • Hormone kích thích tuyến giáp (TSH): kiểm tra các bệnh tuyến giáp.
  • HIV: Một sàng lọc vi rút suy giảm miễn dịch ở người.
  • Khí máu động mạch: Xác định nồng độ oxy trong máu động mạch.
  • Công thức máu toàn phần: kiểm tra sự nhiễm trùng, tăng huyết sắc tố và thiếu máu.
  • BNP: Một chất chỉ điểm cho bệnh suy tim.
  • Siêu âm tim Doppler: Sử dụng sóng siêu âm để thể hiện chức năng của tâm thất phải, đo lưu lượng máu qua van tim, sau đó tính áp lực động mạch phổi tâm thu.
  • Chụp X-quang ngực: Cho thấy tâm thất phải phì đại và các động mạch phổi mở rộng.
  • Thử nghiệm đi bộ 6 phút: Xác định mức độ chịu đựng khi tập luyện và độ bão hòa oxy trong máu khi tập luyện. 
  • Xét nghiệm đánh giá chức năng phổi: Đánh giá các bệnh phổi khác như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và xơ phổi vô căn,...
  • Đa ký giấc ngủ hoặc đo oxy qua đêm: phát hiện hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Đa kí giấc ngủ. Nguồn ảnh: healthjadeĐa kí giấc ngủ. Nguồn ảnh: healthjade

 

  • Thông tim phải: Đo các áp lực khác nhau của tim (tức là bên trong động mạch phổi, cung lượng tim và tìm bất kỳ lỗ thông nào giữa bên phải và bên trái của tim.
  • Xạ hình tưới máu thông khí (chụp V/Q): phát hiện huyết khối động mạch phổi.
  • Chụp động mạch phổi: phát hiện huyết khối tắc nghẽn trong động mạch phổi.
  • Chụp CT ngực: phát hiện huyết khối và các bệnh phổi khác có thể gây ra hoặc làm cho tình trạng tăng áp phổi trở nên trầm trọng hơn.

Quản lí và điều trị bệnh tăng áp động mạch phổi

Điều trị

Chẩn đoán và phân tích vấn đề là điều cần thiết trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp điều trị nào. Điều trị khác nhau phụ thuộc từng bệnh nhân, dựa trên các nguyên nhân khác nhau, nhưng nhìn chung bao gồm các phương pháp:

  • Dùng thuốc
  • Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống
  • Phẫu thuật nếu cần thiết
  • Gặp bác sĩ thường xuyên

Dưới đây là các gợi ý về thuốc, lối sống, chế độ ăn uống và các phương pháp điều trị phẫu thuật.

Thuốc 

  • Có nhiều loại thuốc khác nhau điều trị tăng áp động mạch phổi, lựa chọn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh, khả năng tiến triển và khả năng dung nạp thuốc của bệnh nhân.
  • Oxy: thở oxy
  • Thuốc chống đông như warfarin natri (Coumadin) - làm giảm sự hình thành huyết khối để máu dễ dàng chảy qua các mạch máu. Lưu ý: Khi dùng thuốc chống đông cần phải theo dõi các biến chứng chảy máu và xét nghiệm thường xuyên để theo dõi nồng độ thuốc trong máu.
  • Thuốc lợi tiểu như furosemide (Lasix), torsemide (Demadex), spironolactone (Aldactone)- loại bỏ dịch thừa ra khỏi cơ thể, giúp giảm phù và dễ thở hơn.
  • Kali (như K-dur) – bổ sung kali do dùng thuốc lợi tiểu.
  • Các chất gây co mạch (như digoxin) – làm tăng sức co bóp cơ tim.
  • Thuốc giãn mạch như nifedipine (Procardia) hoặc diltiazem (Cardizem)- làm giảm huyết áp đọng mạch phổi và cải thiện khả năng bơm máu của thất phải.
  • Bosentan (Tracleer), ambrisentan (Letairis), macitentan (Opsumit) - giúp ngăn chặn hoạt động của endothelin - một chất gây hẹp mạch phổi. Khi dùng thuốc này người bệnh cần xét nghiệm chức năng gan hàng tháng.
  • Epoprostenol (Veletri, Flolan), treprostinil natri (Remodulin, Tyvaso, Orenitram ), iloprost (Ventavis) - làm giãn động mạch phổi và giúp ngăn hình thành huyết khối.
  • Sildenafil (Revatio), tadalafil (Adcirca) - làm giãn các tế bào cơ trơn phổi, dẫn đến giãn nở các động mạch phổi.
  • Riociguat (Adempas)
  • Selexipag (Uptravi )

Hướng dẫn sử dụng thuốc

  • Biết tên các loại thuốc và cách sử dụng thuốc. Cần lên danh sách các loại thuốc cần dùng.
  • Uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Nếu bạn quên 1 liều, không dùng 2 liều để bù cho liều đã quên.
  • Không dùng bất kỳ loại thuốc nào trừ khi bạn hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ trước. Một số loại thuốc như thuốc thông mũi (bao gồm Benadryl, Dimetapp, Sudafed, các loại thuốc khác có chứa ephedrin hoặc pseudoephedrin) và các thuốc chống viêm không steroid (như Advil, Motrin và Indocin) có thể làm nặng hơn tình trạng suy tim. Bạn cũng cần tránh các loại thuốc có nhãn ghi thận trọng khi bị huyết áp cao.
  • Không được ngừng hoặc thay đổi thuốc trừ khi bác sĩ chỉ định.
  • Tránh các sản phẩm thảo dược vì có thể xảy ra tác dụng không mong muốn khi kết hợp với thuốc điều trị tăng huyết áp động mạch phổi.

Thay đổi chế độ ăn uống

  • Ăn thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng như kali (ví dụ: trái cây sấy khô, chuối, cam) và magiê (ví dụ: đậu phộng, đậu phụ, bông cải xanh) và vitamin.
  • Hạn chế lượng calo hàng ngày nếu cần, để đạt được trọng lượng cơ thể lý tưởng.
  • Hạn chế thực phẩm chứa đường tinh luyện, chất béo bão hòa và cholesterol.
  • Ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, cám, trái cây và rau xanh.

Ăn rau xanh, trái cây, các loại hạt giúp điều trị tăng áp phổi. Nguồn ảnh: 123rfĂn rau xanh, trái cây, các loại hạt giúp điều trị tăng áp phổi. Nguồn ảnh: 123rf

  • Giảm lượng natri nạp vào:
  • Lựa chọn thực phẩm chứa ít Natri
  • Tránh muối ăn và bột nêm.
  • Tránh các sản phẩm thịt hun khói, ướp muối và đóng hộp.
  • Tránh thức ăn nhanh và hạn chế thức ăn chế biến sẵn vì chúng thường có hàm lượng natri cao.
  • Theo dõi lượng nước uống vào và nước tiểu. Cắt giảm lượng nước uống nếu bạn khó thở hơn hoặc phù.

Thay đổi lối sống

  • Theo dõi cân nặng: tự cân vào cùng một thời điểm mỗi ngày và ghi lại cân nặng của mình vào nhật ký. Nếu cân nặng tăng nhanh trên 1kg/ngày hoặc 2kg/ tuần, hãy thông báo cho bác sĩ.
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân (theo khuyến nghị của bác sĩ).
  • Kiểm tra sức khỏe định kì hàng năm 
  • Hướng dẫn hoạt động:
  • Hạn chế nâng, đẩy hơn 9kg vì những hoạt động này làm tăng áp phổi 
  • Đi bộ thường xuyên để giữ cơ bắp khỏe mạnh và cải thiện tuần hoàn. Tuy nhiên, các hình thức tập thể dục nhịp điệu cường độ cao hơn không tập thường xuyên vì phổi của bạn có thể không đáp ứng được nhu cầu oxy được cung cấp cho cơ thể trong các hoạt động này. Bất kỳ hoạt động nào gây khó thở, chóng mặt hoặc đau ngực phải được dừng lại ngay lập tức. Liên hệ với bác sĩ của bạn nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này.
  • Không hút thuốc hoặc nhai thuốc lá.
  • Tránh hoặc giảm uống rượu.
  • Tránh thai; sử dụng các biện pháp tránh thai 
  • Duy trì liên hệ với bác sĩ

Điều trị phẫu thuật

  • Lấy huyết khối động mạch phổi: Nếu có, huyết khối trong động mạch phổi có thể được phẫu thuật lấy bỏ để cải thiện lưu lượng máu và chức năng phổi.
  • Ghép phổi: Hiện nay, đây là phương pháp điều trị duy nhất cho bệnh tăng áp động mạch phổi do cục máu đông mãn tính gây ra. Cấy ghép được chỉ định cho tăng áp động mạch phổi tiến triển không đáp ứng với các liệu pháp khác. Nhìn chung thất phải sẽ trở lại bình thường sau khi phổi được cấy ghép. Khoảng 1.000 ca ghép phổi được thực hiện hàng năm ở Hoa Kỳ. Nhiều người đang trong danh sách chờ đợi, nhưng tình trạng thiếu người hiến tặng là yếu tố hạn chế lớn nhất. Bác sĩ sẽ thảo luận về việc cấy ghép nếu phương pháp này là một lựa chọn điều trị thích hợp cho tình trạng của người bệnh.
  • Ghép tim / phổi: Loại ghép tạng kép này rất hiếm gặp nhưng cần thiết cho tất cả những bệnh nhân bị suy tim và phổi kết hợp.

Sống với bệnh

Khi nào nên gọi cho bác sĩ về tăng áp động mạch phổi?

  • Tăng cân trên 1kg/ngày hoặc 2kg/tuần
  • Tình trạng phù tăng dần
  • Khó thở nặng hơn, đặc biệt nếu bạn thức dậy với tình trạng khó thở
  • Mệt mỏi quá mức hoặc giảm khả năng hoạt động
  • Nhiễm trùng đường hô hấp hoặc ho tăng dần
  • Nhịp tim nhanh (trên 120 nhịp/phút)
  • Các cơn đau ngực hoặc khó chịu khi gắng sức không thuyên giảm khi nghỉ ngơi
  • Khó thở khi hoạt động thường xuyên hoặc cả khi nghỉ ngơi
  • Bồn chồn, lo lắng
  • Chóng mặt hoặc choáng váng liên tục
  • Buồn nôn hoặc ăn kém 

Khi nào cần đi cấp cứu?

  • Các biến chứng của catether tĩnh mạch trung tâm như nhiễm trùng, tuột đường truyền/ rò rỉ dung dịch hoặc máu qua đường truyền
  • Đau ngực mới dữ dội, đột ngột và kèm theo khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn hoặc mệt
  • Nhịp tim nhanh từ 120 - 150 nhịp/phút đặc biệt kèm theo hụt hơi
  • Khó thở không giảm khi nghỉ ngơi
  • Đột ngột yếu hoặc tê liệt ở tay hoặc chân 
  • Đau đầu dữ dội, đột ngột
  • Ngất xỉu, mất ý thức
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!