Video: Thiếu máu thiếu sắt ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe
Thiếu máu thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất. Cơ thể cần sắt để sản xuất hemoglobin. Thiếu sắt làm giảm khả năng vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể.
Mặc dù đây là bệnh lý phổ biến nhưng nhiều người không phát hiện mình bị thiếu máu thiếu sắt. Bên cạnh đó, nhiều người lại xuất hiện các triệu chứng trong nhiều năm mà không tìm được nguyên nhân.
Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu thiếu sắt là do chảy máu nhiều trong kỳ kinh hoặc do mang thai. Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng hoặc một số bệnh đường tiêu hóa làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu sắt của cơ thể, có thể gây ra thiếu máu thiếu sắt.
Thiếu máu thiếu sắt thường được điều trị bằng cách bổ sung sắt hoặc thay đổi chế độ ăn.
Các triệu chứng của thiếu máu thiếu sắt
Ban đầu, các triệu chứng của thiếu máu thiếu sắt thường nhẹ, thậm chí là không có triệu chứng. Theo Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ (American Society of Hematology – ASH), hầu hết mọi người thường phát hiện thiếu máu mức độ nhẹ thông qua xét nghiệm máu định kỳ.
Các triệu chứng của thiếu máu thiếu sắt mức độ trung bình đến nặng bao gồm:
- Mệt mỏi
- Suy nhược
- Da nhợt nhạt
- Khó thở
- Chóng mặt
- Cảm giác thèm ăn bất thường như muốn ăn đá lạnh, đất sét hoặc bùn
- Cảm giác ngứa ngáy hoặc râm ran ở chân
- Sưng hoặc đau lưỡi
- Tay chân lạnh
- Tim đập nhanh hoặc rối loạn nhịp tim
- Móng tay dễ gãy
- Nhức đầu
Nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt
Theo ASH, thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng thiếu máu. Có nhiều lý do khiến cơ thể bị thiếu sắt như:
Chế độ ăn thiếu sắt
Chế độ ăn thiếu sắt kéo dài có thể khiến cơ thể bị thiếu hụt vi chất này. Các loại thực phẩm như thịt, trứng và một số loại rau màu xanh đậm có chứa nhiều sắt. Vì sắt rất cần thiết trong thời kỳ tăng trưởng và phát triển nên phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ cần bổ sung nhiều thực phẩm giàu sắt hơn vào chế độ ăn.
Mang thai hoặc mất máu do kinh nguyệt
Chảy máu nhiều trong kỳ kinh và mất máu trong quá trình sinh đẻ là những nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Xuất huyết tiêu hóa
Một số bệnh lý có thể gây xuất huyết tiêu hóa, dẫn đến thiếu máu thiếu sắt như loét dạ dày, polyp đại trực tràng hoặc ung thư đại tràng. Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau như aspirin cũng có thể gây xuất huyết dạ dày.
Mất khả năng hấp thu sắt
Một số rối loạn tiêu hóa hoặc phẫu thuật tiêu hóa cũng có thể cản trở quá trình hấp thu sắt của cơ thể. Dù đã bổ sung đủ sắt vào chế độ ăn nhưng bệnh Celiac (Không dung nạp gluten) hoặc phẫu thuật cắt dạ dày có thể gây hạn chế hấp thu sắt.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung có thể dẫn tới mất máu nhiều mà không phát hiện được vì máu ứ đọng trong ổ bụng hoặc khung chậu.
Các yếu tố nguy cơ của thiếu máu thiếu sắt
Thiếu máu là một tình trạng phổ biến, có thể xảy ra ở cả nam và nữ giới, với mọi lứa tuổi và chủng tộc. Một số trường hợp có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt cao hơn là:
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
- Phụ nữ có thai
- Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng
- Thường xuyên hiến máu
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ sinh non hoặc đang trong giai đoạn “tăng trưởng nhảy vọt” (giai đoạn trẻ đột ngột tăng cân, tăng chiều dài rất nhanh, xuất hiện trong những năm đầu của trẻ)
- Ăn chay nhưng không thay thế thịt bằng các thực phẩm giàu sắt khác
Nếu bạn có nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt, hãy đi khám để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị kịp thời.
Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt
Bác sĩ có thể chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt dựa vào triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm máu gồm:
Công thức máu toàn phần (Complete blood count – CBC)
Công thức máu toàn phần thường là xét nghiệm được chỉ định đầu tiên. Công thức máu toàn phần cho biết số lượng của tất cả các thành phần trong máu, bao gồm:
- Tế bào hồng cầu (Red blood cells – RBCs)
- Tế bào bạch cầu (White blood cells – WBCs)
- Huyết sắc tố (Hemoglobin – HGB)
- Hematocrit (HCT)
- Tiểu cầu
Bác sĩ có thể chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt thông qua các chỉ số dưới đây:
- HCT – Tỉ lệ thể tích hồng cầu/thể tích máu toàn phần
- HGB – Nồng độ huyết sắc tố trong máu
- Kích thước của hồng cầu
Giới hạn bình thường của HCT ở người trưởng thành là 34,9 – 44,5% đối với nữ và 38,8 – 50% đối với nam. Giới hạn bình thường của HGB ở người trưởng thành là 12,0 – 15,5 g /dL đối với nữ và 13,5 – 17,5 g/dL đối với nam.
Trong bệnh thiếu máu thiếu sắt, chỉ số HCT và HGB sẽ bị giảm. Ngoài ra, hồng cầu thường có kích thước nhỏ hơn bình thường.
Công thức máu toàn phần là một xét nghiệm được thực hiện mỗi lần khám định kỳ để đánh giá sức khỏe tổng quát. Xét nghiệm này cũng được thực hiện thường quy trước khi phẫu thuật. Đây là một công cụ hữu ích để chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt vì hầu hết các trường hợp thường không tự phát hiện ra bệnh.
Các xét nghiệm khác
Thiếu máu thường có thể chẩn đoán qua xét nghiệm công thức máu toàn phần. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm máu khác để xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu máu và giúp xác định phương pháp điều trị. Họ cũng có thể chỉ định soi máu ngoại vi và các xét nghiệm máu để đánh giá:
- Nồng độ sắt huyết thanh
- Kích thước và màu sắc của hồng cầu (hồng cầu nhạt màu nếu thiếu sắt)
- Nồng độ ferritin
- Khả năng gắn sắt toàn phần (total iron-binding capacity – TIBC)
Ferritin là một loại protein giúp dự trữ sắt trong cơ thể. Nồng độ ferritin thấp cho thấy lượng sắt dự trữ thấp. Xét nghiệm TIBC được sử dụng để xác định lượng transferrin gắn sắt. Transferrin là một loại protein có nhiệm vụ vận chuyển sắt trong cơ thể.
Một số bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà có thể xác định nồng độ sắt, nồng độ ferritin và TIBC.
Xét nghiệm tìm xuất huyết tiêu hóa
Nếu nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác. Trong đó, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (Fecal occult blood test – FOBT) giúp phát hiện máu trong phân, một dấu hiệu của xuất huyết tiêu hóa.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định nội soi đường tiêu hóa. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một ống mềm có gắn máy ảnh nhỏ vào trong đường tiêu hóa. Nội soi đường tiêu hóa trên (Esophagogastroduodenoscopy – EGD) giúp bác sĩ kiểm tra niêm mạc của thực quản, dạ dày và đoạn đầu ruột non. Nội soi đại tràng cho phép bác sĩ kiểm tra niêm mạc của đại tràng. Các xét nghiệm này có thể giúp xác định nguồn chảy máu.
Thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ
Mang thai, chảy máu nhiều trong kỳ kinh và u xơ tử cung đều là những nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị thiếu máu thiếu sắt.
Chảy máu nhiều trong kỳ kinh là chảy máu nhiều hơn hoặc lâu hơn so với kinh nguyệt bình thường. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention – CDC), kinh nguyệt bình thường kéo dài từ 4 – 5 ngày và lượng máu mất đi trong khoảng 30 – 50 ml. Phụ nữ bị chảy máu nhiều trong kỳ kinh thường có kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày và lượng máu mất gấp đôi so với bình thường.
Theo Viện Tim – Phổi và Huyết học Quốc gia Hoa Kỳ (National Heart, Lung, and Blood Institute – NHLBI), ước tính có khoảng 20% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị thiếu máu thiếu sắt. Phụ nữ có thai thậm chí có nhiều nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt hơn vì họ cần một lượng máu lớn để giúp thai nhi phát triển.
Siêu âm vùng chậu có thể giúp bác sĩ phát hiện nguồn chảy máu khác như u xơ tử cung. U xơ tử cung là những khối u cơ trơn có thể phát triển trên tử cung và thường không có triệu chứng. Dù đây là một loại khối u lành tính nhưng nó có thể làm chảy máu nhiều trong kỳ kinh, dẫn đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt.
Các biến chứng của thiếu máu thiếu sắt
Hầu hết các trường hợp thiếu máu thiếu sắt đều ở mức độ nhẹ và không gây biến chứng. Tình trạng này có thể được điều trị dễ dàng. Tuy nhiên, nếu thiếu máu hoặc thiếu sắt không được điều trị, nó có thể dẫn đến các biến chứng như:
Tim đập nhanh hoặc rối loạn nhịp tim
Khi bị thiếu máu, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm đủ máu bù lại lượng oxy bị thiếu. Điều này có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến suy tim hoặc chứng tim to.
Các biến chứng thai kỳ
Trong trường hợp thiếu sắt nghiêm trọng, trẻ có thể bị sinh non hoặc nhẹ cân. Đa số phụ nữ có thai đều bổ sung sắt hàng ngày để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu thiếu sắt.
Chậm phát triển ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị thiếu sắt nghiêm trọng có thể gây chậm phát triển. Thiếu sắt cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ.
Điều trị thiếu máu thiếu sắt
Bổ sung sắt
Viên sắt có thể giúp khôi phục nồng độ sắt của cơ thể. Bạn nên uống viên sắt khi đói để cơ thể hấp thu tốt hơn. Nếu dạ dày khó chịu, bạn có thể uống viên sắt trong bữa ăn. Việc bổ sung sắt có thể kéo dài trong vài tháng. Bổ sung sắt có thể gây táo bón hoặc đi ngoài phân đen.
Thay đổi chế độ ăn
Bổ sung các loại thực phẩm dưới đây vào chế độ ăn có thể giúp điều trị hoặc ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt:
- Thịt đỏ
- Rau màu xanh đậm
- Hoa quả sấy
- Các loại hạt
- Ngũ cốc bổ sung sắt
vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Nếu bạn đang dùng viên sắt, bác sĩ có thể tư vấn kết hợp cùng các nguồn cung cấp vitamin C khác như nước cam hoặc hoa quả họ cam quýt.
Ngoài ra,Điều trị nguyên nhân gây chảy máu
Bổ sung sắt sẽ không có tác dụng nếu tình trạng chảy máu là nguyên nhân của tình trạng thiếu máu. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc tránh thai hàng ngày cho những phụ nữ bị chảy máu nhiều trong kỳ kinh để làm giảm lượng máu bị mất đi mỗi tháng.
Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, truyền máu có thể bổ sung nhanh chóng lượng sắt và máu đã bị mất đi.
Phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt
Nếu thiếu máu thiếu sắt là do chế độ ăn, bạn có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng việc ăn nhiều thực phẩm giàu sắt và vitamin C. Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức có bổ sung sắt.
Các loại thực phẩm chứa nhiều sắt gồm:
- Các loại thịt như thịt cừu, thịt lợn, thịt gà và thịt bò
- Đậu
- Bí ngô và hạt bí
- Rau xanh như rau bina
- Nho khô và hoa quả sấy
- Trứng
- Hải sản như nghêu, cá mòi, tôm và hàu
- Ngũ cốc bổ sung sắt
Các loại thực phẩm giàu vitamin C là:
- Hoa quả như cam, bưởi, dâu tây, kiwi, ổi, đu đủ, dứa, các loại dưa và xoài
- Súp lơ xanh và súp lơ trắng
- Ớt chuông xanh và ớt chuông đỏ
- Bắp cải tí hon (bắp cải Brussels)
- Cà chua
- Rau màu xanh đậm
Kết luận
Việc tự chẩn đoán và điều trị thiếu máu thiếu sắt có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do làm tăng quá mức nồng độ sắt trong máu, gọi là hiện tượng quá tải sắt. Quá tải sắt có thể gây ra các biến chứng như tổn thương gan và táo bón. Thay vào đó, nếu xuất hiện các triệu chứng của thiếu máu thiếu sắt, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Xem thêm: