Thiếu máu khi mang thai: Phòng ngừa và điều trị

Có rất nhiều thay đổi trong quá trình mang thai của phụ nữ. Trong đó, tình trạng thiếu máu là một vấn đề cần lưu ý ở mỗi lần mang thai . Tình trạng này xảy ra khi máu không có đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đến các mô trong cơ thể. Thiếu máu nhẹ có thể khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng cũng có thể trở nên nghiêm trọng nếu tình trạng bệnh tiến triển hoặc không được điều trị kịp thời.

Video: Nguyên nhân gây thiếu máu khi mang thai và cách khắc phục

Trên thực tế, thiếu máu khi mang thai có thể dẫn đến nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, thậm chí làm tăng nguy cơ tử vong ở mẹ.

Hiểu thêm về các loại thiếu máu, các triệu chứng thường gặp và các biện pháp điều trị sẽ giúp nhận ra các dấu hiệu cảnh báo của bệnh thiếu máu, tránh xảy ra các biến chứng.

Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu thêm về tình trạng thiếu máu khi mang thai.

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng thiếu máu khi mang thai?

Video: Dấu hiệu Thiếu máu khi mang thai mẹ bầu cần biết

Mặc dù thiếu máu nhẹ là tình trạng phổ biến với phụ nữ có thai nhưng nếu không được kiểm soát, nó có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng cần được điều trị chuyên sâu.

Khi bị thiếu máu, sự vận chuyển oxy đi khắp cơ thể giảm và làm ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan.

Có hơn 400 loại thiếu máu do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chúng thường liên quan đến quá trình sản xuất hồng cầu và các bệnh lý có sẵn.

Trong khi đó, thiếu máu sinh lý (hay loãng máu khi mang thai) là một phản ứng bình thường liên quan đến thai kỳ.

Trong thời kỳ mang thai, thể tích máu toàn phần tăng lên nhưng chủ yếu là tăng thể tích huyết tương. Kết quả là tỷ lệ tế bào hồng cầu trên thể tích máu toàn phần bị giảm – sự thay đổi này có thể được phản ánh qua xét nghiệm máu.

Thiếu máu thiếu sắt

Tại Hoa Kỳ, việc thiếu sắt dự trữ trước và trong khi mang thai là nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu ở phụ nữ có thai.

Thiếu máu thiếu sắt gây ra do lượng sắt dự trữ thấp, dẫn đến giảm sản xuất huyết sắc tố (Hemoglobin – thành phần vận chuyển oxy có trong hồng cầu).

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể tăng chuyển hóa để cung cấp chất dinh dưỡng thích hợp cho thai nhi đang phát triển, khiến thể tích máu tăng lên khoảng 45%. Điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu máu sinh lý khi mang thai.

Cơ thể cũng cung cấp cho thai nhi một lượng sắt cần thiết để thai tự sản xuất hemoglobin.

Sự gia tăng thể tích máu và quá trình sản xuất hemoglobin của thai làm tăng khả năng vận chuyển oxy cũng như chất dinh dưỡng quan trọng đến thai. Tuy nhiên, điều này cũng làm tăng nhu cầu sắt hàng ngày của người mẹ.

Thiếu máu do thiếu axit folic

Thiếu máu do thiếu axit folic là một loại thiếu máu phổ biến khác có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai.

Axit folic là một loại vitamin tan trong nước, giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh (neural tube defects – NTDs) hoặc các vấn đề về não phát sinh trong thời kỳ mang thai.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trong thời kỳ mang thai cần nhiều axit folic, vì vậy họ cần bổ sung axit folic trước cả khi có ý định mang thai.

Thiếu máu do thiếu vitamin B12

Vitamin B12 cũng là nguồn nguyên liệu để sản xuất hồng cầu. Nó được tìm thấy chủ yếu trong các loại thực phẩm tăng cường và các thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, gia cầm và trứng.

Vì vậy, những người ăn chay thường có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin B12 cao hơn.

Một số người kém hấp thu vitamin B12 cũng có thể gây ra tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng này.

Thiếu axit folic và thiếu vitamin B12 thường xảy ra cùng nhau. Nếu nghi ngờ bạn bị thiếu máu, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu của bạn.

3 biện pháp phòng ngừa tình trạng thiếu máu khi mang thai

Trong hầu hết các trường hợp, thiếu máu khi mang thai có thể phòng ngừa được, đặc biệt là với một chế độ ăn giàu dinh dưỡng.

Dưới đây là một số biện pháp nhằm cung cấp đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết để phòng ngừa tình trạng thiếu máu.

Bổ sung vitamin trước khi mang thai

Các loại vitamin cần bổ sung trước khi mang thai (Prenatal vitamin) thường bao gồm hầu hết các vi chất cần thiết cho thai kỳ, trong đó có sắt và axit folic.

Sử dụng prenatal vitamin 1 lần/ngày là một biện pháp đơn giản để bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết, thúc đẩy quá trình sản xuất hồng cầu. Bạn nên bắt đầu uống prenatal vitamin trước khi mang thai tối thiểu từ 2 – 3 tháng.

 Bổ sung sắt

Nếu nồng độ sắt trong cơ thể thấp, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung thêm sắt (kết hợp với prenatal vitamin) hàng ngày. 

Bổ sung sắt hàng ngày rất có lợi cho sức khỏe của phụ nữ có thai. Nguồn ảnh: Babycenter.com

 Thông thường, phụ nữ có thai cần khoảng 27 mg sắt/ngày.

Tuy nhiên, lượng sắt có thể thay đổi tùy thuộc vào loại sắt hoặc sản phẩm bổ sung sắt mà bạn sử dụng. Vì vậy, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về lượng sắt cần bổ sung.

Bạn cũng nên tránh uống sản phẩm bổ sung canxi cùng lúc với sản phẩm bổ sung sắt vì canxi có thể ngăn cản quá trình hấp thu sắt của cơ thể.

Thuốc kháng axit cũng có thể cản trở sự hấp thu sắt. Hãy uống sắt trước 2 giờ hoặc sau 4 giờ tính từ thời điểm uống thuốc kháng axit. Kết hợp bổ sung sắt cùng với vitamin C sẽ giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Một số sản phẩm bổ sung chứa cả sắt và vitamin C rất thuận tiện cho việc sử dụng.

Chế độ ăn hợp lý

Đa số phụ nữ có thể bổ sung đủ lượng sắt và axit folic khi mang thai bằng cách ăn các loại thực phẩm phù hợp. Các nguồn cung cấp khoáng chất thiết yếu tốt cho sức khỏe bao gồm:

  • Thịt gia cầm
  • Thịt đỏ nạc
  • Các loại đậu
  • Quả hạch và hạt
  • Rau lá xanh đậm
  • Ngũ cốc
  • Trứng
  • Các loại hoa quả như chuối và dưa

Sắt trong thực phẩm có nguồn gốc động vật là dạng sắt dễ hấp thu nhất. Nếu bạn bổ sung sắt bằng thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hãy kết hợp nó với các loại thực phẩm giàu vitamin C như nước ép cà chua hoặc cam để tăng khả năng hấp thu sắt.

Đôi khi, bổ sung sắt bằng đường uống không đủ để làm tăng lượng sắt của cơ thể. Trong trường hợp đó, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp khác như truyền sắt qua đường tĩnh mạch hoặc truyền máu.

Mẹo để tăng lượng sắt

Việc đáp ứng nhu cầu sắt hàng ngày của cơ thể không quá khó khăn hay tốn thời gian. Dưới đây là một số mẹo dễ thực hiện và hiệu quả để làm tăng lượng sắt:

  • Bổ sung các loại rau lá xanh đậm như cải xoăn, cải cầu vồng hoặc cải cúc khi rán trứng, nấu canh và làm salad.
  • Dùng hoa quả giàu vitamin C như dâu tây, chuối hoặc việt quất để ăn kèm với món ngũ cốc tăng cường sắt.
  • Sử dụng các loại đậu xay nhuyễn làm tương chấm và ăn kèm trong bữa ăn để tăng giá trị dinh dưỡng.
  • Rắc các loại quả hạch và hạt lên sữa chua, yến mạch hoặc granola.
  • Uống hỗn hợp sinh tố gồm rau xanh, hoa quả và sữa hạt hoặc sữa tăng cường sắt.
  • Xào rau với thịt bò, thịt gà hoặc cá.

Các yếu tố nguy cơ gây thiếu máu khi mang thai

Nguy cơ bị thiếu máu khi mang thai tăng lên với các trường hợp:

  • Đa thai
  • Mang thai nhiều lần liên tiếp
  • Chế độ ăn thiếu sắt
  • Ra máu nhiều trong kỳ kinh trước khi mang thai
  • Thường xuyên bị nôn do ốm nghén

Các triệu chứng của bệnh thiếu máu

Các trường hợp thiếu máu nhẹ có thể không có triệu chứng nhưng thiếu máu mức độ trung bình đến nặng có thể xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi hoặc suy nhược quá mức
  • Da nhợt nhạt
  • Khó thở, tim đập nhanh hoặc đau tức ngực
  • Chóng mặt
  • Lạnh tay chân
  • Hội chứng Pica (thèm ăn các thứ không phải thực phẩm như bùn, đất sét,…)

Khi mang thai, các triệu chứng của tình trạng thiếu máu có thể xuất hiện hoặc không.

May mắn thay, xét nghiệm máu khi khám thai định kỳ có thể tầm soát tình trạng thiếu máu. Xét nghiệm máu được thực hiện trong những tuần đầu của thai kỳ và thời điểm gần đến ngày dự sinh.

Xét nghiệm công thức máu toàn phần (Complete blood count – CBC) là xét nghiệm phổ biến nhất được sử dụng để chẩn đoán tình trạng thiếu máu. Xét nghiệm này có thể đánh giá kích thước và số lượng các tế bào máu.

Nếu được chẩn đoán là thiếu máu, bác sĩ cũng có thể chỉ định các xét nghiệm máu khác để xác định nguyên nhân cụ thể.

Hãy đi khám ngay nếu bạn lo lắng về sự xuất hiện của các triệu chứng trên hoặc nếu bạn cảm thấy không khỏe.

Kết luận 

Phòng ngừa tình trạng thiếu máu khi mang thai giúp thai phát triển khỏe mạnh. Nguồn ảnh: Forteelements.comNếu bạn đang mang thai hoặc chuẩn bị mang thai, hãy chú ý bổ sung đủ sắt, axit folic và vitamin B12.

Hãy áp dụng chế độ ăn hợp lý, bổ sung prenatal vitamin và tìm đến bác sĩ ngay nếu bạn đang có các triệu chứng của thiếu máu.

Nếu bạn bị thiếu sắt, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp bổ sung sắt thích hợp.

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!