Thiếu máu: Chế độ ăn tốt nhất cho người bệnh

Thiếu máu là tình trạng máu không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do mất máu, tăng phá hủy hoặc giảm sản xuất hồng cầu.

Video: Video ăn gì cho bổ máu?

Có nhiều loại thiếu máu, trong đó, phổ biến nhất là thiếu máu thiếu sắt.

Tế bào hồng cầu chứa một loại protein gọi là huyết sắc tố (Hemoglobin). Hemoglobin chứa nhiều sắt, có vai trò quan trọng giúp hồng cầu vận chuyển oxy đến khắp cơ thể. Nếu không có đủ sắt, cơ thể sẽ không sản xuất đủ lượng hemoglobin cần thiết.

Việc thiếu axit folic và vitamin B12 cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hồng cầu. Nếu không thể hấp thu vitamin B12, bạn có thể bị bệnh thiếu máu ác tính (hay còn gọi là thiếu máu hồng cầu khổng lồ).

Một chế độ ăn giàu sắt, vitamin B và vitamin C rất quan trọng với người bị thiếu máu. Bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn thêm về thực phẩm chức năng để bổ sung chất dinh dưỡng.

Chế độ ăn cho người bị thiếu máu

Video: ăn gì bổ máu?

Điều trị thiếu máu thường bao gồm cả việc thay đổi chế độ ăn. Chế độ ăn tốt nhất cho người bị thiếu máu sẽ có các loại thực phẩm giàu sắt và các vitamin khác cần thiết cho quá trình sản xuất hemoglobin và hồng cầu. Ngoài ra, các loại thực phẩm giúp tăng khả năng hấp thu sắt cũng nên được bổ sung vào chế độ ăn.

Có hai loại sắt trong thực phẩm: sắt heme và sắt non-heme.

Sắt heme là sắt được gắn với hemoglobin trong hồng cầu, có nhiều trong thịt, gia cầm và hải sản. Sắt non-heme là sắt ở dạng hợp chất vô cơ, được tìm thấy trong rau củ, ngũ cốc và thực phẩm tăng cường sắt. Cơ thể có thể hấp thu cả hai loại sắt này nhưng sắt heme dễ hấp thu hơn.

Lượng sắt cần bổ sung theo khẩu phần ăn hàng ngày được khuyến nghị (Recommended Daily Allowance – RDA) là 10 mg đối với nam và 12 mg đối với nữ.

Mặc dù việc điều trị thiếu máu sẽ phụ thuộc vào từng bệnh nhân nhưng hầu hết người bị thiếu máu đều cần bổ sung 150 – 200 mg sắt vi lượng/ngày. Người bị thiếu máu có thể bổ sung sắt bằng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc sử dụng các thực phẩm chức năng bổ sung sắt cho đến khi lượng sắt trong máu trở về bình thường.

Bổ sung những thực phẩm dưới đây vào chế độ ăn để tăng lượng sắt trong máu và giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu thiếu sắt:

Rau xanh

Rau xanh, đặc biệt là những loại rau lá xanh đậm, là một trong những nguồn cung cấp sắt non-heme tốt nhất. Chúng bao gồm:

  • Rau chân vịt
  • Cải xoăn
  • Cải rổ (Collard greens)
  • Rau bồ công anh (Dandelion greens)
  • Cải cầu vồng (Swiss chard) 

Các loại rau xanh cung cấp sắt dưới dạng non-heme. Nguồn ảnh: Verywellhealth.comMột số loại rau xanh như cải cầu vồng và cải rổ cũng chứa axit folic. Chế độ ăn thiếu axit folic cũng có thể gây thiếu máu. Hoa quả họ cam chanh, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt là những nguồn cung cấp axit folic dồi dào.

Các loại rau lá xanh đậm rất có ích trong việc bổ sung sắt cho cơ thể. Tuy nhiên, một số loại rau xanh chứa nhiều sắt như rau chân vịt và cải xoăn cũng chứa nhiều axit oxalic. Axit oxalic có thể gắn với sắt làm hạn chế sự hấp thu sắt non-heme của cơ thể.

Vì vậy, mặc dù rau xanh nên được bổ sung vào chế độ ăn của người bị thiếu máu nhưng không nên chỉ phụ thuộc vào chúng để điều trị bệnh.

Vitamin C giúp dạ dày hấp thu sắt tốt hơn. Ăn rau xanh kết hợp với thực phẩm chứa vitamin C như cam, ớt chuông đỏ và dâu tây có thể làm tăng khả năng hấp thu sắt. Một số loại rau xanh là nguồn cung cấp cả sắt và vitamin C như cải rổ và cải cầu vồng.

Thịt và gia cầm

Tất cả các loại thịt và gia cầm đều chứa sắt heme. Thịt đỏ, thịt cừu và thịt nai là những nguồn cung cấp sắt tốt nhất. Gia cầm có lượng sắt thấp hơn.

Ăn thịt hoặc gia cầm với các loại thực phẩm có chứa sắt non-heme như rau xanh, kết hợp với hoa quả giàu vitamin C có thể làm tăng hấp thu sắt.

 Gan

Tuy nhiều người không ăn nội tạng nhưng chúng là nguồn cung cấp sắt tốt cho cơ thể.

Gan là loại nội tạng phổ biến nhất. Nó chứa nhiều sắt và axit folic. Một số loại nội tạng giàu sắt khác là tim, cật (thận) và lưỡi bò.

Hải sản

Một số hải sản cung cấp nhiều sắt heme. Các loại động vật có vỏ như hàu, nghêu, sò điệp, cua và tôm là những nguồn sắt tốt. Hầu hết các loại cá đều chứa sắt.

Cá có hàm lượng sắt cao nhất là:

  • Cá ngừ
  • Cá thu
  • Cá nục
  • Cá chim
  • Cá rô
  • Cá hồi 

Bổ sung hải sản vào chế độ ăn giúp cải thiện tình trạng thiếu máu. Nguồn ảnh: Vietreader.comMặc dù cá mòi đóng hộp là nguồn cung cấp sắt dồi dào nhưng chúng cũng chứa nhiều canxi.

Canxi có thể gắn với sắt và làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể. Không nên ăn thực phẩm giàu canxi cùng lúc với thực phẩm giàu sắt.

Các loại thực phẩm giàu canxi là:

  • Sữa bò
  • Sữa thực vật bổ sung canxi
  • Sữa chua
  • Nấm sữa Kefir
  • Phô mai
  • Đậu phụ

Thực phẩm tăng cường vi chất

Nhiều loại thực phẩm tăng cường được bổ sung các vi chất, trong đó có sắt, vào thành phần của chúng. Người ăn chay hoặc người khó ăn các loại thực phẩm giàu sắt khác có thể sử dụng một số loại thực phẩm tăng cường dưới đây:

  • Nước cam tăng cường
  • Ngũ cốc ăn liền tăng cường
  • Thực phẩm làm từ bột mì tinh chế tăng cường như bánh mì trắng
  • Mì ống tăng cường 
  • Thực phẩm làm từ bột ngô tăng cường
  • Gạo trắng tăng cường

Các loại đậu

Các loại đậu là nguồn cung cấp sắt tốt cho cả người ăn chay lẫn người ăn thịt. Chúng có giá cả hợp lý và có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.

Các loại đậu chứa nhiều sắt như:

  • Đậu đỏ
  • Đậu gà
  • Đậu nành
  • Đậu mắt đen
  • Đậu pinto
  • Đậu đen
  • Đậu Hà Lan
  • Đậu ngự

Quả hạch và hạt

Các loại quả hạch và hạt là nguồn cung cấp sắt dồi dào. Chúng có thể ăn ngay hoặc dùng kèm với salad hoặc sữa chua.

Một số loại quả hạch và hạt chứa nhiều sắt là:

  • Hạt bí ngô
  • Hạt điều
  • Hạt dẻ cười
  • Hạt gai dầu
  • Hạt thông
  • Hạt hướng dương 

Quả hạch và hạt là những nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, đặc biệt với người bị thiếu máu. Nguồn ảnh: Health.clevelandclinic.orgCả hạt tươi và hạt khô đều có lượng sắt như nhau.

Hạnh nhân cũng là loại thực phẩm chứa nhiều sắt. Chúng rất tốt cho sức khỏe nhưng vì cũng chứa nhiều canxi nên chúng có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể.

Kết luận

Không có loại thực phẩm nào có thể chữa khỏi bệnh thiếu máu. Tuy nhiên, chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, có nhiều rau xanh, các loại quả hạch và hạt, hải sản, thịt, đậu, hoa quả giàu vitamin C có thể giúp bổ sung lượng sắt cần thiết để hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu.

Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng thực phẩm chức năng vì có thể chế độ ăn thông thường không cung cấp đủ lượng sắt cần thiết.

Chảo gang là một dụng cụ hữu ích trong chế biến món ăn cho người bị thiếu máu. Sử dụng các vật dụng bằng gang để nấu ăn sẽ bổ sung một lượng nhỏ sắt vào thức ăn. Thực phẩm có tính axit có khả năng hấp thu sắt tốt nhất. Thời gian nấu cũng tỉ lệ thuận với khả năng hấp thu sắt.

Khi áp dụng chế độ ăn cho người bị thiếu máu, hãy nhớ những nguyên tắc sau:

  • Không kết hợp thực phẩm giàu sắt cùng lúc với các loại thực phẩm làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể. Các thực phẩm làm giảm khả năng hấp thu sắt bao gồm cà phê, trà, trứng, thực phẩm giàu axit oxalic và thực phẩm giàu canxi.
  • Kết hợp thực phẩm giàu sắt với thực phẩm giàu vitamin C như cam, cà chua hoặc dâu tây để cải thiện khả năng hấp thu sắt.
  • Kết hợp thực phẩm giàu sắt với thực phẩm có chứa beta caroten như mơ, ớt chuông đỏ và củ dền để tăng khả năng hấp thu sắt.
  • Sử dụng các loại thực phẩm giàu sắt heme và non-heme thường xuyên để tăng lượng sắt trong cơ thể.
  • Tăng cường phối hợp các loại thực phẩm giàu sắt heme và non-heme để tăng khả năng hấp thu sắt.
  • Bổ sung thực phẩm giàu axit folic và vitamin B12 để hỗ trợ sản xuất hồng cầu.

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!