Thiếu máu hồng cầu nhỏ: Triệu chứng, phân loại và cách điều trị

Thiếu máu hồng cầu nhỏ là tình trạng giảm số lượng các tế bào hồng cầu, trong đó tế bào hồng cầu có kích thước nhỏ hơn bình thường. Thiếu máu hồng cầu nhỏ có nhiều loại khác nhau.

Video: Tiếp cận chuẩn đoán Thiếu máu hồng cầu nhỏ

Thiếu máu hồng cầu nhỏ là gì?

Thiếu máu hồng cầu nhỏ gây ra bởi tình trạng giảm sản xuất huyết sắc tố (Hemoglobin – HGB) của cơ thể. Hemoglobin là một thành phần có trong hồng cầu. Nó giúp vận chuyển oxy đến khắp cơ thể và làm hồng cầu có màu đỏ.

Thiếu sắt là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ. Cơ thể cần sắt để sản xuất hemoglobin. Bên cạnh đó, các bệnh lý khác cũng có thể gây ra bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ. Để điều trị bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ, trước tiên cần chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

Các triệu chứng của bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ

Ban đầu, các triệu chứng của thiếu máu có thể chưa xuất hiện. Ở giai đoạn nặng, các triệu chứng thường xuất hiện khi tình trạng thiếu oxy kéo dài làm ảnh hưởng đến cơ thể. 

Tình trạng thiếu máu có thể gây mệt mỏi, nhức đầu và giảm trí nhớ. Nguồn ảnh: Medicalnewstoday.comCác triệu chứng phổ biến của bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ là:

Nếu các triệu chứng trên kéo dài hơn 2 tuần, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi bạn thường xuyên chóng mặt hoặc khó thở nhiều.

Phân loại và nguyên nhân của bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ

Thiếu máu hồng cầu nhỏ có thể phân thành 3 loại theo lượng hemoglobin trong hồng cầu: thiếu máu hồng cầu nhược sắc, thiếu máu hồng cầu nhỏ bình sắc và thiếu máu hồng cầu nhỏ ưu sắc.

1. Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc

Hồng cầu nhược sắc là hồng cầu có lượng hemoglobin thấp, khiến hồng cầu nhạt màu. Trong bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc, các tế bào hồng cầu giảm số lượng, giảm kích thước và nhạt màu hơn bình thường.

Hầu hết các trường hợp thiếu máu hồng cầu nhỏ thường đi kèm với hồng cầu nhược sắc. Nguyên nhân gây thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc có thể là:

Thiếu máu thiếu sắt: Nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu hồng cầu nhỏ là tình trạng thiếu sắt. Thiếu sắt có thể do:

  • Chế độ ăn thiếu sắt
  • Cơ thể không thể hấp thu sắt do bệnh lý như bệnh Celiac (Không dung nạp gluten) hoặc nhiễm Helicobacter pylori (HP)
  • Mất máu mạn tính do kinh nguyệt xảy ra thường xuyên hoặc ra máu nhiều ở phụ nữ, do chảy máu từ vết loét đường tiêu hóa trên hay do bệnh viêm ruột
  • Thai kỳ

Thalassemia: Thalassemia là một bệnh thiếu máu bẩm sinh do bất thường di truyền gây ra. Nó liên quan đến đột biến các gen cần thiết cho quá trình sản xuất hemoglobin bình thường. 

Bệnh Thalassemia cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh các biến chứng nặng nề.Nguồn ảnh: Pacificcross.com.vnThiếu máu nguyên hồng cầu: Thiếu máu nguyên hồng cầu có thể do đột biến gen di truyền (bẩm sinh). Nó cũng có thể gây ra bởi một bệnh lý mắc phải làm cản trở khả năng sử dụng sắt để tổng hợp hemoglobin. Điều này dẫn đến sự tích tụ sắt trong máu.

Thiếu máu nguyên hồng cầu bẩm sinh thường là thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc.

2. Thiếu máu hồng cầu nhỏ bình sắc

Hồng cầu bình sắc là hồng cầu có lượng hemoglobin và có màu đỏ bình thường. Một số nguyên nhân gây thiếu máu hồng cầu nhỏ bình sắc là:

Thiếu máu do viêm nhiễm và bệnh mạn tính: Thiếu máu do những nguyên nhân này gây ra thường có đặc điểm là kích thước và màu sắc hồng cầu bình thường. Thiếu máu hồng cầu nhỏ bình sắc có thể gặp ở những người bị:

  • Các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao, HIV/AIDS hoặc viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
  • Tình trạng viêm mạn tính như trong bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn hoặc bệnh đái tháo đường
  • Bệnh thận
  • Ung thư

Những bệnh lý này có thể ngăn cản hồng cầu hoạt động bình thường và làm giảm khả năng hấp thu hoặc sử dụng sắt.

3. Thiếu máu hồng cầu nhỏ tăng sắc

Hồng cầu tăng sắc là hồng cầu có nhiều hemoglobin và đậm màu hơn bình thường.

Thiếu máu hồng cầu hình cầu di truyền: Thiếu máu hồng cầu nhỏ tăng sắc thường hiếm gặp. Nguyên nhân gây bệnh thường do rối loạn di truyền, được gọi là bệnh thiếu máu hồng cầu hình cầu di truyền (bệnh Minkowski-Chauffard).

Rối loạn này khiến màng hồng cầu có cấu trúc hình cầu bất thường và rất dễ vỡ. Chúng bị giữ lại và phá hủy ở lách vì chúng không có khả năng di chuyển bình thường trong máu.

4. Các nguyên nhân khác gây bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ

Các nguyên nhân khác cũng có thể gây ra bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ như:

  • Nhiễm độc chì
  • Thiếu đồng
  • Thừa kẽm (tình trạng này cũng gây thiếu đồng)
  • Uống rượu bia
  • Sử dụng ma túy

Chẩn đoán bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ

Thiếu máu hồng cầu nhỏ thường được phát hiện tình cờ qua xét nghiệm công thức máu toàn phần (Complete blood count – CBC) khi đi khám định kỳ. Nếu xét nghiệm này cho thấy tình trạng thiếu máu, bác sĩ sẽ chỉ định thêm xét nghiệm soi máu ngoại vi.

Soi máu ngoại vi có thể phát hiện sớm sự thay đổi kích thước của hồng cầu (to hoặc nhỏ). Xét nghiệm này cũng có thể đánh giá màu sắc hồng cầu (nhược sắc, bình sắc hoặc ưu sắc).

Để chẩn đoán nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm để phát hiện bệnh celiac hoặc tìm sự có mặt của vi khuẩn HP.

Nếu bạn bị đau bụng, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để tìm nguồn chảy máu như:

  • Siêu âm ổ bụng
  • Nội soi dạ dày ruột (Esophagogastroduodenoscopy – EGD)
  • Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng (CT scan)

Đối với những phụ nữ bị đau vùng chậu và ra máu nhiều trong kỳ kinh, bác sĩ có thể nghĩ đến nguyên nhân như u xơ tử cung hoặc các bệnh lý khác.

Điều trị bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ

Điều trị thiếu máu hồng cầu nhỏ tập trung vào việc điều trị nguyên nhân gây bệnh.

Bác sĩ có thể chỉ định bổ sung sắt và vitamin C. Sắt giúp cải thiện tình trạng thiếu máu và vitamin C sẽ làm tăng khả năng hấp thu sắt của cơ thể.

Nếu mất máu cấp tính hoặc mạn tính là nguyên nhân gây bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ, bác sĩ sẽ tập trung vào việc chẩn đoán và điều trị những nguyên nhân này. Phụ nữ bị thiếu sắt nghiêm trọng do ra máu nhiều trong kỳ kinh có thể được chỉ định liệu pháp hormone như thuốc tránh thai hàng ngày.

Trong trường hợp thiếu máu hồng cầu nhỏ nghiêm trọng, bạn có thể phải truyền máu để làm tăng số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh, tránh các biến chứng nguy hiểm như suy tim.

Tiên lượng bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ

Nếu nguyên nhân gây thiếu máu hồng cầu nhỏ là do thiếu sắt, việc điều trị sẽ tương đối đơn giản. Thiếu máu hồng cầu nhỏ có thể được điều trị và chữa khỏi hoàn toàn nếu tìm ra nguyên nhân và điều trị tận gốc.

Những trường hợp rất nặng do không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nó có thể gây ra tình trạng thiếu oxy cho cơ thể, dẫn đến các biến chứng như:

  • Tụt huyết áp
  • Bệnh lý động mạch vành
  • Bệnh phổi
  • Sốc

Những biến chứng này thường xảy ra ở người cao tuổi có bệnh lý nền tại phổi hoặc tim mạch.

Ngăn ngừa bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ là bổ sung sắt trong chế độ ăn. Bổ sung vitamin C cũng giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu thiếu sắt. Nguồn ảnh: Vaya.inBạn cũng có thể sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung sắt hàng ngày. Thực phẩm chức năng bổ sung sắt được khuyến khích dùng ở những người bị thiếu máu. Bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.

Bạn cũng có thể bổ sung các chất dinh dưỡng qua chế độ ăn. Các loại thực phẩm chứa nhiều sắt bao gồm:

  • Thịt đỏ như thịt bò
  • Gia cầm
  • Rau màu xanh đậm
  • Các loại đậu
  • Hoa quả sấy như nho khô, mơ khô

Một số loại thực phẩm giàu vitamin C là:

  • Hoa quả họ cam chanh, đặc biệt là cam và bưởi
  • Cải xoăn
  • Ớt chuông đỏ
  • Bắp cải tí hon (bắp cải Brussels)
  • Dâu tây
  • Súp lơ xanh

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!