Video sỏi bàng quang
Thông tin nhanh về sỏi bàng quang
Dưới đây là một số thông tin chính về sỏi bàng quang. Thông tin chi tiết sẽ được nêu trong bài viết chính.
- Sỏi bàng quang thường gặp nhất ở nam giới trên 50 tuổi
- Các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn thường là nguyên nhân gây ra sỏi bàng quang
- Các triệu chứng của sỏi bàng quang bao gồm thay đổi màu sắc nước tiểu và đau khi đi tiểu
- Sỏi bàng quang hiếm gặp hơn ở phụ nữ
- Sỏi bàng quang có thể là nguyên nhân gây tiểu ra máu
Sỏi bàng quang là gì?
Sỏi bàng quang được hình thành do sự tích tụ của các khoáng chất. Chúng có thể xảy ra nếu bàng quang không được làm rỗng hoàn toàn sau khi đi tiểu.
Cuối cùng, nước tiểu còn sót lại trở nên cô đặc và các khoáng chất bên trong nước tiểu chuyển thành tinh thể.
Đôi khi, những viên sỏi này sẽ được thoát ra ngoài cùng với nước tiểu khi chúng vẫn còn rất nhỏ. Một vài trường hợp khác, sỏi bàng quang có thể mắc kẹt vào thành bàng quang hoặc niệu quản.
Nếu điều này xảy ra, các viên sỏi sẽ dần dần lắng đọng nhiều tinh thể khoáng chất hơn, dẫn tới kích thước lớn hơn.
Sỏi bàng quang có thể ở trong bàng quang một thời gian và không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng. Chúng thường được phát hiện khi chụp X-quang vì một nguyên nhân khác.
Các viên sỏi bàng quang lớn hơn có thể cần được bác sĩ loại bỏ.
Sỏi bàng quang có thể gồm một hoặc nhiều viên. Những viên sỏi khác nhau về hình dạng; một số viên gần như hình cầu trong khi một số khác có thể có hình dạng bất thường.
Những viên sỏi bàng quang nhỏ nhất hầu như không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng một số viên có thể phát triển rất lớn. Viên sỏi bang quan lớn nhất theo sách kỷ lục Guinness, nặng gần 1.9 kg và có kích thước 17,9 x 12,7 x 9,5 cm.
Triệu chứng sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang có thể không gây ra các triệu chứng ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu sỏi kích thích bàng quang, các triệu chứng có thể gặp là:
- Khó chịu hoặc đau ở dương vật đối với nam giới
- Đi tiểu thường xuyên hơn hoặc nước tiểu ngắt quãng
- Dòng nước tiểu nhỏ, chậm
- Đau vùng bụng dưới
- Đau và khó chịu khi đi tiểu
- Có máu trong nước tiểu
- Nước tiểu có màu đục hoặc sẫm màu bất thường
Nguyên nhân sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang bắt đầu phát triển khi nước tiểu đọng lại trong bàng quang sau khi đi tiểu. Điều này thường là do một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn khiến bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn.
Các nguyên nhân khiến bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn là:
- Bàng quang thần kinh: Nếu các dây thần kinh chi phối cho bàng quang bị tổn thương như trong một cơn đột quỵ hoặc chấn thương cột sống, thì bàng quang có thể không rỗng hoàn toàn sau khi đi tiểu.
- Phì đại tuyến tiền liệt: Nếu tuyến tiền liệt bị phì đại, nó có thể đè lên niệu đạo và gây ra sự gián đoạn dòng chảy, dẫn đến ứ đọng một ít nước tiểu trong bàng quang.
- Thiết bị y tế: Sỏi bàng quang có thể do ống thông hoặc các thiết bị y tế khác gây ra nếu chúng di chuyển đến bàng quang.
- Viêm bàng quang: Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc xạ trị có thể khiến bàng quang bị phình to.
- Sỏi thận: Sỏi thận có thể di chuyển xuống niệu quản và nếu chúng quá lớn không thể đi ra ngoài, chúng sẽ nằm lại trong bàng quang và có thể gây tắc nghẽn. Sỏi thận phổ biến hơn so với sỏi bàng quang.
- Túi thừa bàng quang: Túi thừa có thể hình thành trong bàng quang. Nếu các túi phát triển đến kích thước lớn, chúng có thể chứa nước tiểu và ngăn bàng quang không được làm trống hoàn toàn.
- Sa bàng quang: Ở phụ nữ, thành bàng quang có thể trở nên yếu và sa xuống âm đạo; điều này có thể ảnh hưởng đến dòng chảy của nước tiểu từ bàng quang.
Các yếu tố nguy cơ sỏi bàng quang
Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ sỏi bàng quang:
- Tuổi và giới tính: Nam gặp sỏi bàng quang thường xuyên hơn nữ giới, đặc biệt là khi họ già đi.
- Liệt: Những người bị chấn thương cột sống nghiêm trọng và mất kiểm soát cơ ở vùng xương chậu không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn.
- Tắc nghẽn đường ra bàng quang: Bất kỳ tình trạng nào cản trở dòng chảy của nước tiểu từ bàng quang ra ngoài đều làm tăng nguy cơ hình thành sỏi bàng quang. Có một số nguyên nhân khác nhau khiến người bệnh khó đi tiểu, phổ biến nhất là phì đại tuyến tiền liệt.
- Phẫu thuật nâng bàng quang: Một loại phẫu thuật được thực hiện để điều trị chứng tiểu không kiểm soát ở phụ nữ có thể dẫn đến sỏi bàng quang .
Các biến chứng sỏi bàng quang
Mặc dù một số viên sỏi bàng quang không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng chúng vẫn có thể dẫn đến các biến chứng nếu chúng không được loại bỏ. Hai biến chứng chính là:
- Rối loạn chức năng bàng quang mạn tính: gây thường xuyên đi tiểu, đau và khó chịu. Đôi khi, sỏi bàng quang có thể chặn hoàn toàn dòng nước tiểu.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: có thể tái diễn nhiều lần.
Xét nghiệm và chẩn đoán sỏi bàng quang
Chẩn đoán sỏi bàng quang có thể cần sử dụng một số xét nghiệm khác nhau:
- Khám sức khỏe: Bác sĩ có thể đặt tay lên bụng dưới để cảm nhận xem bàng quang có to lên hay không. Họ có thể khám trực tràng để kiểm tra xem tuyến tiền liệt có bị phì đại hay không.
- Phân tích nước tiểu: Xác định xem có máu, vi khuẩn và các khoáng chất kết tinh hay không.
- Chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc (CT): Chụp CT kết hợp nhiều hình ảnh X-quang để xây dựng hình ảnh chi tiết của các cơ quan nội tạng.
- Siêu âm: Tạo ra hình ảnh bằng cách dội lại âm thanh từ các cơ quan nội tạng.
- Chụp X-quang: Không phải tất cả các loại sỏi bàng quang đều hiển thị trên phim chụp X-quang.
- Chụp thận tĩnh mạch: Một chất cản quang đặc biệt được tiêm vào tĩnh mạch, đi qua thận và bàng quang. Chụp X-quang được thực hiện trong suốt quá trình để tìm các dấu hiệu của sỏi thận.
Điều trị sỏi bàng quang
Nếu sỏi bàng quang vẫn còn nhỏ, bạn chỉ cần uống nhiều nước là có thể đủ để đào thải chúng ra ngoài một cách tự nhiên.
Nếu sỏi quá lớn, không thể ra ngoài cùng với nước tiểu, điều trị sỏi bàng quang thường bằng cách phá vỡ chúng hoặc loại bỏ chúng bằng phẫu thuật.
Phá vỡ sỏi bàng quang
Trong thủ thuật phá vỡ sỏi bàng quang (cystolitholapaxy), bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng có camera ở đầu vào niệu đạo. Bác sĩ có thể nhìn thấy các viên sỏi qua ống và phá vỡ chúng.
Bác sĩ sẽ sử dụng tia laser, sóng siêu âm hoặc một dụng cụ nhỏ để làm vỡ sỏi trước khi rửa (hoặc hút) chúng đi. Thủ thuật này được thực hiện dưới gây mê.
Các biến chứng của thủ thuật phá vỡ sỏi là rất hiếm nhưng có thể gặp rách ở thành bàng quang và nhiễm trùng.
Phẫu thuật
Nếu sỏi quá lớn không thể phá vỡ bằng thủ thuật, phẫu thuật là một lựa chọn điều trị thay thế. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đi vào bàng quang thông qua một vết cắt ở bụng và loại bỏ sỏi bàng quang. Bất kỳ quy trình phẫu thuật nào cũng đi kèm với một số rủi ro, vì vậy thủ thuật phá vỡ sỏi luôn là lựa chọn hàng đầu.
Phòng ngừa sỏi bàng quang
Vì sỏi bàng quang có thể do nhiều bệnh lý gây ra nên không có cách nào cụ thể để ngăn ngừa chúng. Tuy nhiên, nếu một người gặp bất kỳ triệu chứng tiết niệu kỳ lạ nào như đau, nước tiểu đổi màu, tiểu ra máu - thì nên đi khám bệnh sớm. Uống nhiều nước cũng sẽ giúp hạn chế các viên sỏi phát triển lớn hơn.
Một số người bị nhiễm trùng đường tiết niệu có thể cảm thấy có nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu. Trong những trường hợp này, tốt nhất bạn nên thử đi tiểu lại từ 10 - 20 giây sau lần tiểu đầu tiên, nó có thể giúp ngăn ngừa hình thành sỏi.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bạn đã bị phì đại tuyến tiền liệt, đi tiểu ở tư thế ngồi có thể giúp bàng quang được làm trống hoàn toàn, từ đó sẽ ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình hình thành sỏi bàng quang.
Xem thêm: