Video Tuyến tiền liệt là gì? Vai trò , chức năng tuyến tiền liệt và các bệnh thường gặp ở nam giới
Tuyến tiền liệt có nhiều chức năng khác nhau. Chức năng quan trọng nhất là sản xuất tinh dịch. Nó cũng đóng một vai trò trong việc sản xuất hormone và giúp điều chỉnh lưu lượng nước tiểu. Các vấn đề về tuyến tiền liệt khá thường gặp, đặc biệt là ở nam giới lớn tuổi. Phổ biến nhất là viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt.
Triệu chứng liên quan tới tuyến tiền liệt thường gặp nhất là khó đi tiểu, có thể bao gồm kiểm soát bàng quang kém hoặc dòng nước tiểu yếu.
Bài viết này sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quan về tuyến tiền liệt, bao gồm chức năng và cấu trúc của nó, vị trí cũng như những vấn đề có thể gặp ở tuyến tiền liệt.
Tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt là một cơ quan nhỏ, mềm. Nó có kích thước trung bình gần bằng quả óc chó hoặc một quả bóng bàn với khối lượng gần 30 gam, khi chạm vào thường thấy mềm và mịn.
Tuyến tiền liệt nằm sâu trong xương chậu, giữa dương vật và bàng quang. Bác sĩ có thể sờ thấy tuyến tiền liệt bằng cách đặt ngón tay vào trực tràng và ấn về phía trước.
Niệu đạo đi xuyên qua tuyến tiền liệt, đây là ống dẫn nước tiểu và tinh dịch ra khỏi cơ thể. Vì tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo nên các vấn đề về tuyến tiền liệt có thể ảnh hưởng đến dòng chảy của nước tiểu.
Tuyến tiền liệt là một phần trong cơ quan sinh sản của nam giới. Các bộ phận khác bao gồm dương vật, bìu và tinh hoàn.
Chức năng của tuyến tiền liệt là gì?
Người đàn ông không cần tuyến tiền liệt vẫn có thể sống bình thường nhưng nó rất quan trọng đối với khả năng sinh sản. Dưới đây sẽ liệt kê các chức năng của tuyến tiền liệt.
Giúp sản xuất tinh dịch
Chức năng chính của tuyến tiền liệt là tham gia vào sản xuất tinh dịch. Tuyến tiền liệt đóng góp 20-30% tổng lượng tinh dịch. Phần còn lại đến từ túi tinh (50–65%) và tinh hoàn (5%).
Dịch tuyến tiền liệt chứa nhiều thành phần quan trọng giúp cho tinh dịch trở thành nơi sống lý tưởng của tinh trùng, thành phần đó bao gồm các enzym, kẽm và axit citric. Có một loại enzym quan trọng là kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen - PSA), giúp làm cho tinh dịch loãng hơn và lỏng hơn.
Tinh dịch giúp tinh trùng di chuyển qua niệu đạo và sống sót trong hành trình đến gặp trứng, điều này rất cần thiết cho quá trình sinh sản.
Dịch tuyến tiền liệt có tính axit nhẹ, nhưng các thành phần khác của tinh dịch làm cho nó có tính kiềm. Điều này giúp trung hòa lại tính axit của âm đạo và bảo vệ tinh trùng khỏi bị tổn thương.
Đóng niệu đạo khi xuất tinh
Trong quá trình xuất tinh, tuyến tiền liệt co bóp và đẩy dịch tuyến tiền liệt vào niệu đạo. Tại đây, nó sẽ trộn lẫn với các tinh trùng và dịch từ túi tinh để tạo ra tinh dịch, sau đó cơ thể sẽ đẩy ra ngoài.
Khi tuyến tiền liệt co bóp trong khi xuất tinh, nó sẽ đóng lại lỗ thông giữa bàng quang và niệu đạo, đẩy tinh dịch đi với tốc độ nhanh. Đây là lý do tại sao không thể đi tiểu và xuất tinh đồng thời.
Chuyển hóa hormone
Tuyến tiền liệt cần nội tiết tố androgen để hoạt động bình thường, Androgen là hormone sinh dục nam, ví như testosterone.
Tuyến tiền liệt có chứa một loại enzyme gọi là 5-alpha reductase, giúp chuyển đổi testosterone thành một dạng hoạt động sinh học được gọi là dihydrotestosterone (DHT).
Hormone này là quan trọng cho sự phát triển và chức năng bình thường của tuyến tiền liệt. Ở nam giới đang phát triển, nó rất quan trọng đối với sự phát triển của các đặc điểm giới tính phụ, chẳng hạn như ria mép.
Cấu trúc của tuyến tiền liệt
Mô bao liên kết có chứa các sợi cơ bao quanh tuyến tiền liệt. Bao này làm cho tuyến tiền liệt có cảm giác đàn hồi khi chạm vào.
Các nhà khoa học thường phân loại tuyến tiền liệt thành 4 khu vực bao quanh niệu đạo giống như các lớp của một củ hành.
Các lớp của tuyến tiền liệt được liệt kê dưới đây, bắt đầu với bao bên ngoài và kết thúc bên trong tuyến tiền liệt:
- Vùng trước: Được tạo bởi các mô cơ và xơ, các chuyên gia y tế gọi vùng này là vùng xơ cơ trước.
- Vùng ngoại vi: Chủ yếu nằm về phía sau của tuyến, đây là nơi chứa hầu hết các mô tuyến.
- Vùng trung tâm: Vùng này bao quanh các ống phóng tinh và chiếm khoảng 25% tổng khối lượng của tuyến tiền liệt.
- Vùng chuyển tiếp: Đây là phần tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo, là phần duy nhất của tuyến tiền liệt tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời.
Triệu chứng của bệnh lý tuyến tiền liệt
Các bệnh lý tuyến tiền liệt thường gây ra các triệu chứng liên quan tới tiểu tiện hoặc kiểm soát bàng quang. Chúng có thể bao gồm:
- Kiểm soát bàng quang kém, bao gồm cả việc đi vệ sinh thường xuyên
- Tiểu gấp, đôi khi chỉ có một lượng nhỏ nước tiểu
- Khó tiểu hoặc khó dừng tiểu giữa chừng, tiểu ngắt quãng
- Dòng nước tiểu yếu
Bệnh lý về tuyến tiền liệt cũng có thể gây ra các vấn đề về chức năng tình dục, nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi bàng quang, thậm chí là suy thận.
Nếu người bệnh không thể đi tiểu được, họ nên đi khám ngay lập tức.
Người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:
- Đau khi đi tiểu hoặc sau khi xuất tinh
- Đau ở dương vật, bìu hoặc vùng giữa bìu và hậu môn
- Có máu trong nước tiểu
- Rất khó chịu ở bụng
- Dòng nước tiểu yếu hoặc tiểu không hết
- Sốt, ớn lạnh hoặc đau nhức cơ thể
- Khó kiểm soát bàng quang, chẳng hạn như khó ngừng hoặc trì hoãn việc đi tiểu
- Không có khả năng làm rỗng bàng quang hoàn toàn
- Nước tiểu có mùi hoặc màu bất thường
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là một loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới.
Trung bình, người bệnh nhận được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt ở tuổi 66.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo rằng nam giới có thể lựa chọn xem có nên khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt hay không dựa trên độ tuổi và các yếu tố nguy cơ của họ, nhưng họ nên biết trước về những rủi ro tiềm ẩn của việc xét nghiệm.
Viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng sưng hoặc viêm tuyến tiền liệt thông thường. Đây là bệnh lý tuyến tiền liệt phổ biến nhất ở nam giới dưới 50.
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính là tình trạng tuyến tiền liệt bị viêm nhiễm đột ngột. Điều này có thể xảy ra do nhiễm trùng (thường là do vi khuẩn). Nó xuất hiện đột ngột và khỏi nhanh chóng khi điều trị bằng kháng sinh thích hợp.
Khi tình trạng viêm tuyến tiền liệt kéo dài hơn 3 tháng, nó được gọi là viêm tuyến tiền liệt mạn tính hoặc hội chứng đau vùng chậu mạn tính.
Phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt, còn được gọi là tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, là bệnh lý tuyến tiền liệt phổ biến nhất ở nam giới trên 50 tuổi.
Khi tuyến tiền liệt phì đại sẽ chèn ép lên niệu đạo, làm hẹp ống niệu đạo. Hẹp niệu đạo và giảm khả năng làm rỗng bàng quang gây ra nhiều triệu chứng về tiết niệu. Khi tình trạng này kéo dài, bàng quang có thể trở nên yếu hơn và không thể làm rỗng như bình thường.
Tuyến tiền liệt phì đại gây khó khăn khi đi tiểu và trong một số trường hợp hiếm hoi, có thể ngăn chặn hoàn toàn việc đi tiểu, gọi là bí tiểu và cần được xử trí cấp cứu.
Các xét nghiệm tuyến tiền liệt
Các chuyên gia y tế có thể chẩn đoán các bệnh lý với tuyến tiền liệt bằng nhiều loại xét nghiệm tuyến tiền liệt khác nhau.
Khám và xét nghiệm tuyến tiền liệt phổ biến bao gồm:
- Thăm khám tiền liệt tuyến qua đường trực tràng: Trong quá trình khám này, bác sĩ sẽ đưa một ngón tay vào trực tràng và sờ vào tuyến tiền liệt để phát hiện các khối u, nốt sần và dấu hiệu của ung thư.
- Kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA): Xét nghiệm máu có thể đánh giá mức độ của PSA. Mức độ cao cho thấy nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng lên.
- Sinh thiết tuyến tiền liệt: Nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư, họ có thể lấy một mẫu nhỏ mô tuyến tiền liệt để xét nghiệm. Để làm điều này, họ đưa một cây kim vào tuyến tiền liệt qua trực tràng.
- Siêu âm tuyến tiền liệt: Thường là siêu âm qua trực tràng. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ đưa một đầu dò vào trực tràng, định vị nó gần với tuyến tiền liệt. Các bác sĩ thường tiến hành sinh thiết với sự hướng dẫn của siêu âm.
- Chụp MRI tuyến tiền liệt: giúp hiển thị giải phẫu tuyến tiền liệt rất chi tiết, bao gồm xác định các khu vực nghi ngờ ung thư. Công nghệ mới cho phép nhắm mục tiêu các khu vực cần sinh thiết thông qua hướng dẫn của siêu âm -MRI.
Tổng kết
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ trong hệ thống sinh sản của nam giới. Nó góp phần tạo ra tinh dịch, giúp vận chuyển tinh trùng và giữ chúng an toàn.
Tuyến tiền liệt không đóng vai trò sống còn đối với cơ thể nhưng nó rất cần thiết cho quá trình sinh sản.
Nếu có bất kỳ vấn đề gì nghi ngờ liên quan tới tuyến tiền liệt, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Xem thêm: