Serotonin có tên khoa học là 5-hydroxytryptamine (5-HT), được tìm thấy chủ yếu ở não, ruột và các tế bào tiểu cầu. Và là chất hóa học giúp dẫn truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh.
Serotonin đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát tâm trạng, cảm xúc, sự thèm ăn và thúc đẩy nhu động ruột. Serotonin là tiền chất của melatonin, giúp điều chỉnh nhịp sinh học (chu kỳ ngủ-thức) của cơ thể.
Bài viết này giúp bạn tìm hiểu vai trò của serotonin trong cơ thể, các loại thuốc ảnh hưởng đến serotonin, tác dụng phụ và triệu chứng của sự thiếu hụt serotonin.
Serotonin là gì?
Trong cơ thể, quá trình phản ứng phân cắt giữa axit amin tryptophan và enzym tryptophan hydroxylase tạo thành 5-hydroxytryptamine (5-HT) hay serotonin.
Serotonin được tổng hợp tại não và ruột, dự trữ một phần tại tiểu cầu và giữ vai trò quan trọng trong hệ thống thần kinh trung ương (CNS).
Serotonin tham gia vào rất nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể và ảnh hưởng đến các chức năng thể chất và tâm lý.
Serotonin cũng có mặt tự nhiên trong động vật, thực vật và nấm. Vì cậy, một số người đã sử dụng các thực phẩm này như một nguồn cung cấp serotonin.
Serotonin không thể vượt qua hàng rào máu não, có nghĩa là não phải tự tổng hợp serotonin để duy trì chức năng sống bình thường.
Các phương pháp điều trị trầm cảm và rối loạn tâm thần khác không giúp cung cấp serotonin trực tiếp mà kích hoạt các phản ứng hóa học làm tăng cường quá trình tổng hợp serotonin trong não.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, serotonin tại đường tiêu hóa có thể hoạt động độc lập với nguồn serotonin trong não. Sự khác biệt này có ý nghĩa trong điều trị và ngăn ngừa các tình trạng bệnh khác nhau như thoái hóa xương.
Công dụng của Serotonin
Serotonin là chất dẫn truyền tín hiệu và điều chỉnh cường độ hoạt động giữa các tế bào thần kinh.
Serotonin có ảnh hưởng đến tâm lý, hoạt động của hệ thần kinh trung ương và tác động đến nhiều chức năng khác trong cơ thể như:
- Chuyển hóa xương
- Sức khỏe tim mạch
- Sức khỏe mắt
- Quá trình đông máu
- Rối loạn thần kinh
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa serotonin và nhiều chức năng trong cơ thể vẫn chưa rõ ràng.
Serotonin và bệnh trầm cảm
Cơ chế bệnh sinh gây ra trầm cảm vẫn chưa rõ ràng, nhưng một giả thuyết cho rằng, trầm cảm bắt nguồn từ sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể.
Bác sĩ thường kê đơn thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) để điều trị trầm cảm.
Fluoxetine (Prozac) là thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến hiện nay.
Bình thường, cơ thể sẽ tái hấp thu chất dẫn truyền thần kinh sau khi truyền tín hiệu. SSRI ức chế tái hấp thu serotonin, giúp tăng lượng serotonin lưu thông và hoạt động.
SSRI giúp giảm các triệu chứng trầm cảm ở một số người, tuy nhiên mối liên hệ giữa trầm cảm và serotonin vẫn chưa rõ ràng.
Có thể làm xét nghiệm định lượng nồng độ serotonin máu, nhưng không đo được serotonin trong não. Do đó, không biết liệu nồng độ serotonin máu có phản ánh hàm lượng và mức độ hoạt động của serotonin trong não hay không.
Một số ý kiến cho rằng tăng lượng serotonin có thể giúp giảm căng thẳng và trầm cảm, tuy nhiên mỗi người có nồng độ serotonin khác nhau.
Nếu các nhà khoa học vẫn chưa chứng minh được vai trò của serotonin trong bệnh trầm cảm, thì SSRI mang lại hiệu quả điều trị tuyệt vời cho nhiều người.
Các rối loạn khác
Ngoài trầm cảm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc serotonin để điều trị một số rối loạn khác, bao gồm:
- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực
- Sang chấn tâm lý
- Chứng cuồng ăn
- Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
- Rối loạn hoảng sợ
- Đau nửa đầu
Cũng như bệnh trầm cảm, các nhà khoa học đã đặt câu hỏi: Liệu serotonin có phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần hay không?
Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin (SSRI)
SSRI làm tăng mức serotonin bằng cách ức chế quá trình tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh. Nồng độ serotonin tăng trong não, giúp cải thiện tâm trạng tốt hơn.
SSRI được Trung tâm quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép để điều trị bệnh trầm cảm là:
- Citalopram
- Escitalopram
- Prozac
- Paroxetine
- Sertraline
- Vilazodone
Tác dụng phụ của SSRI
SSRI gây ra một số tác dụng phụ nhưng thường cải thiện theo thời gian, bao gồm:
- Buồn nôn và nôn
- Bồn chồn và kích động
- Khó tiêu
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Giảm cân hoặc thèm ăn
- Tăng tiết mồ hôi
- Chóng mặt
- Mờ mắt
- Buồn ngủ hoặc mất ngủ
- Rung giật cơ
- Khô miệng
- Đau đầu
- Giảm ham muốn tình dục
- Rối loạn cương dương
- Suy nghĩ tự tử
Trong một số trường hợp, có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
- Bầm tím hoặc xuất huyết
- Hồi hộp, lo lắng
- Cứng hoặc rung giật cơ
- Ảo giác
- Bí tiểu
Hội chứng serotonin
Rất ít trường hợp, dùng quá liều hoặc kết hợp 2 hay nhiều loại thuốc làm tăng nồng độ serotonin và gây ra hội chứng serotonin - một tình trạng có thể đe dọa tính mạng, cần phải điều trị ngay.
SSRI và tự tử
SSRI thường phát huy hiệu quả chống trầm cảm sau một thời gian sử dụng. Lúc đầu, các triệu chứng có thể xấu đi trước khi cải thiện. Bất kỳ ai có ý định tự tử nên tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ ngay.
FDA yêu cầu tất cả các loại thuốc chống trầm cảm phải gắn kèm cảnh báo về nguy cơ tự tử trong giai đoạn đầu điều trị, đặc biệt là ở những người dưới 25 tuổi.
Các triệu chứng thiếu hụt Serotonin
Nồng độ serotonin thấp có thể gây suy giảm trí nhớ và tâm trạng.
Sự thiếu hụt serotonin có thể dẫn đến các triệu chứng của bệnh trầm cảm, mặc dù các nhà nghiên cứu chưa chứng minh mối liên hệ giữa mức serotonin thấp và chứng trầm cảm.
NIDA lưu ý rằng, khi sử dụng một số loại chất kích thích, chẳng hạn như MDMA (thuốc lắc), cơ thể sẽ tiết ra một lượng lớn serotonin.
Tình trạng này có thể làm suy giảm lượng serotonin, tâm trạng bất ổn, lú lẫn và các triệu chứng khác kéo dài trong vài ngày.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy, chất kích thích có thể làm tổn thương các dây thần kinh chứa serotonin kèm theo một số tác dụng phụ kéo dài khác.
Biện pháp tăng nồng độ serotonin
Một số biện pháp tự nhiên có thể giúp tăng cường mức serotonin trong cơ thể, bao gồm:
- Ngồi thiền
- Liệu pháp ánh sáng, đã được sử dụng điều trị chứng rối loạn cảm xúc theo mùa
- Tập thể dục thường xuyên
- Tiêu thụ thực phẩm có nhiều tryptophan
Không có đủ bằng chứng để chứng minh rằng những phương pháp này có thể làm tăng mức serotonin, nhưng ở mức độ vừa phải, không có khả năng gây hại cho cơ thể.
Thực phẩm
Tryptophan là một axit amin được tìm thấy trong một số loại thực phẩm. Một số nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu tryptophan trong chế độ ăn uống có chỉ số tâm trạng tích cực cao hơn, do tryptophan tăng cường tổng hợp serotonin.
Thực phẩm có thể chứa tryptophan bao gồm:
- Gà tây
- Trứng
- Phô mai
- Sản phẩm từ đậu nành
- Cá hồi
- Trà lúa mạch
Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu tryptophan có thể giúp hỗ trợ quá trình tổng hợp serotonin. Tuy nhiên, có một số người không thể hấp thu chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống hay mắc rối loạn chuyển hóa tryptophan thành serotonin.
Chuối có chứa một lượng lớn serotonin, nhưng chỉ có thể cải thiện tâm trạng nếu lượng serotonin đi vào trong não.
Nghiên cứu cho thấy, một số người lớn tuổi đã cải thiện điểm số trong các bài kiểm tra nhận thức sau khi bổ sung tryptophan trong 12 tuần.
Lưu ý: Nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ chế phẩm bổ sung nào, đặc biệt những trường hợp có nguy cơ tác dụng phụ.
Serotonin và trục não ruột
Có nhiều giả thuyết cho rằng, hệ vi sinh vật đường ruột có thể ảnh hưởng đến các hành vi, tâm trạng và suy nghĩ - thông qua một liên kết được gọi là trục não ruột.
Nếu giả thuyết đúng, có nghĩa là serotonin đóng vai trò quan trọng trong trục dẫn truyền não ruột. Chế độ ăn uống và hệ vi sinh vật đường ruột có thể giúp ngăn ngừa và điều trị các tình trạng như lo lắng và trầm cảm.
Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên chuyên sâu để chứng minh con đường dẫn truyền này.
Những điều cần lưu ý
Serotonin (hormon hạnh phúc) tham gia vào nhiều chức năng thể chất và tâm lý khác nhau trong cơ thể.
SSRI là thuốc ảnh hưởng đến nồng độ serotonin, giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị bệnh, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hay chế phẩm bổ sung nào có ảnh hưởng đến nồng độ serotonin.
Xem thêm: