Bụng là phần cơ thể nằm giữa ngực và xương chậu, chứa các cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hóa như dạ dày, ruột và gan. Hố chậu phải là phần bụng dưới bên phải chứa một phần ruột già và buồng trứng phải ở phụ nữ.
Bài viết này đề cập đến các nguyên nhân gây đau vùng hố chậu phải, triệu chứng đặc trưng của chúng và thời điểm nên kiểm tra sức khỏe.
Nguyên nhân ít nghiêm trọng về đau hố chậu phải
Đau hố chậu phải có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý khác nhau. Một số tình trạng ít nghiêm trọng thường không kéo dài và không cần điều trị, bao gồm:
Khó tiêu
Khó tiêu gây đau vùng bụng dưới kèm theo các triệu chứng khác như ợ chua và đầy hơi .
Chứng khó tiêu có thể dễ dàng kiểm soát bằng thuốc không kê đơn, trường hợp triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần cần tới sự chăm sóc y tế.
Đầy hơi
Thức ăn không được tiêu hóa đúng cách có thể tích tụ khí trong đường ruột, gây ra cảm giác khó chịu và đầy hơi ở vùng bụng.
Các triệu chứng đầy hơi thường hết sau vài giờ, trường hợp kéo dài trong vài tuần có thể là dấu hiệu một tình trạng nghiêm trọng hơn như không dung nạp lactose.
Đau bụng kinh
Đau bụng kinh có thể xuất hiện trước và trong thời kỳ kinh nguyệt, thường được mô tả bởi triệu chứng đau âm ỉ và dai dẳng kéo dài. Ngoài ra, đau bụng kinh còn kèm theo cảm giác buồn nôn, nhức mỏi lưng, chân và đau đầu. Các triệu chứng thường diễn ra thành từng đợt và kéo dài trong vài ngày.
Các nguyên nhân nghiêm trọng hơn về đau hố chậu phải
Trong một số trường hợp, những cơn đau vùng hố chậu phải có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng cần được hỗ trợ y tế ngay lập tức.
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau hố chậu phải. Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ gắn liền với ruột già.
Viêm ruột thừa là tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra ở ruột thừa với triệu chứng là những cơn đau ngắn khởi phát giữa rốn, lan xuống vùng hố chậu phải và tiến triển nghiêm trọng hơn.
Các triệu chứng khác bao gồm:
Phương pháp điều trị viêm ruột thừa phổ biến nhất là phẫu thuật cắt bỏ. Hiện chưa rõ vai trò của ruột thừa và việc cắt bỏ cơ quan này cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Sỏi thận
Khoáng chất và muối có thể lắng đọng trong thận tạo thành những tinh thể cứng, được gọi là sỏi thận.
Kích thước của sỏi thận thay đổi đáng kể. Sỏi thận nhỏ có thể đi qua hệ thống tiết niệu mà không gây khó chịu, trong khi những viên sỏi lớn hơn có thể bị mắc kẹt, gây đau dữ dội vùng thắt lưng, hai bên hông, bụng và đáy chậu.
Những cơn đau xuất hiện ở vị trí và mức độ nghiêm trọng khác nhau khi sỏi di chuyển trong hệ tiết niệu
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Tiểu máu
- Tiểu đau, tiểu rát
- Tiểu nhiều lần
- Buồn nôn và nôn
Nhiễm trùng thận
Một hoặc cả hai thận bị nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập vào hệ tiết niệu, thường gây đau vùng thắt lưng, hông và đáy chậu. Những cơn đau này có thể xuất hiện vùng bụng dưới.
Mức độ đau thường ít nghiêm trọng hơn so với sỏi thận, nhưng nhiễm trùng thận đòi hỏi điều trị kịp thời để ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Buồn nôn
- Sốt
- Tiêu chảy
- Ăn không ngon
Nhiễm trùng thận dễ bị nhầm với tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu khác có các triệu chứng tương tự, như viêm bàng quang. Những bệnh lý nhiễm khuẩn này cũng bao gồm các triệu chứng như:
- Tiểu máu
- Tiểu đau, tiêu rát
- Nước tiểu có mùi hoặc đục
- Tiểu nhiều lần
Thoát vị
Thoát vị là hiện tượng thay đổi vị trí bất thường của một phần cơ quan trong cơ thể, đẩy qua thành cơ suy yếu và hình thành khối thoát vị. Phần lớn thoát vị thường xảy ra trên thành bụng.
Thoát vị thường vô hại. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gây đau nhức xung quanh khối thoát vị, cường độ đau tăng do một số nguyên nhân gây tăng áp lực như ho hoặc bê vật nặng.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích – IBS (Irritable bowel syndrome) là một bệnh lý mạn tính liên quan tới hệ tiêu hóa. Hiện chưa rõ nguyên nhân và phương pháp điều trị dứt điểm hội chứng này.
IBS gây đau vùng bụng kèm theo các triệu chứng khác, bao gồm:
- Co thăt dạ day
- Tiêu chảy
- Táo bón
- Đầy hơi
- Xì hơi
Viêm ruột
Bệnh viêm ruột – IBD (Inflammatory bowel disease) là một nhóm trình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn đều gây viêm ruột. Những bệnh lý trên có thể gây đau bụng dưới kèm theo:
- Sụt cân nhanh chóng
- Mệt mỏi
- Đầy hơi
- Tiêu chảy dai dẳng, phân lẫn máu
Nguyên nhân đặc trưng về giới
Nam giới và nữ giới có những khác biệt về cấu trúc giải phẫu vùng bụng. Đây là lý do môt số nguyên nhân gây đau hố chậu phải đặc trưng về giới.
Những tình trạng này đòi hỏi sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Đặc trưng ở nữ giới
U nang buồng trứng
U nang là những túi nang phát triển bên trong hoặc trên thành buồng trứng. Chúng thường vô hại, nhưng những khối u có kích thước lớn gây đau âm ỉ hoặc đau nhói ở bụng. Một số triệu chứng khác có thể gặp ở bệnh nhân u nang buồng trứng bao gồm:
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đi tiểu nhiều lần
- Đầy hơi
- Rối loạn kinh nguyệt
- Nhanh no
- Tiểu khó
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là hiện tượng mô lót trong lòng tử cung phát triển ở những vị trí bất thường như buồng trứng hoặc dạ dày. Đây là bệnh lý mãn tính có thể gây đau vùng bụng dưới hoặc thắt lưng.
Những triệu chứng khác nhau có mức độ nghiêm trọng khác nhau, bao gồm:
- Đau bụng kinh nghiêm trọng
- đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
- Đau khi đại tiểu tiện
- Buồn nôn
- Rối loạn kinh nguyệt.
Viêm khung chậu
Viêm khung chậu là tình trạng nhiễm khuẩn đường sinh dục. Triệu chứng của bệnh lý này thường nhẹ và xuất hiện không thường xuyên, bao gồm đau hố chậu kèm theo những triệu chứng khác như:
- Đau khi quan hệ tình dục
- Tiểu đau, tiểu rát
- Rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh
- Chảy máu ngoài kinh nguyệt hoặc sau khi quan hệ tình dục
- Buồn nôn
- Sốt
Chửa ngoài tử cung
Chửa ngoài tử cung là hiện tượng khi trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển bên ngoài tử cung, thường trong ống dẫn trứng. Nó có thể gây đau bụng kèm theo các triệu chứng khác, bao gồm:
- Dấu hiệu thai kỳ điển hình như chậm kinh
- Chảy máu âm đạo hoặc tiết dịch màu nâu
- Đau vai
- Đau khi đại tiểu tiện
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
Một số triệu chứng trên có thể là biểu hiện của những bệnh lý liên quan tới dạ dày.
Xoắn buồng trứng
Buồng trứng có thể bị xoắn với các cấu trúc nâng đỡ xung quanh, hạn chế lưu lượng máu nuôi dưỡng và gây ra những cơn đau dữ dội vùng hố chậu. Ngoài ra, xoắn buồng trứng có thể làm xuất hiện những triệu chứng khác như:
- Đau khi quan hệ tình dục
- Buồn nôn
- Rối loạn kinh nguyệt
Đặc trưng ở nam giới
Thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn xảy ra khi lớp mỡ dưới da hoặc một đoạn ruột đẩy qua thành bụng dưới. Đây là loại thoát vị phổ biến nhất và thường xuất hiện ở nam giới.
Kết quả là xuất hiện khối thoát vị nhỏ vùng gốc đùi có thể kèm theo đau bụng.
Xoắn tinh hoàn
Thừng tinh có chức năng nâng đỡ và dinh dưỡng cho tinh hoàn, chúng có thể xoắn lại gây hạn chế lưu lượng máu lưu thông. Tình trạng này có thể gây đau bụng và các triệu chứng khác như:
- Tiểu đau
- Buồn nôn và nôn
- Sưng bìu
Chẩn đoán đau hố chậu phải
Đau hố chậu phải có thể là triệu chứng của những bệnh lý liên quan tới hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu hay cơ quan sinh sản. Vì vậy, cần bổ sung thêm những phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ cho việc chẩn đoán.
Những chỉ định cận lầm sàng bao gồm:
- Siêu âm
- Chụp cắt lớp vi tính - CT scanner
- Chụp cộng hưởng từ - MRI (Magnetic Resonance Imaging)
- Kiểm tra thể chất
- Nội soi. Ống nội soi gắn đèn và camera được đưa qua miệng xuống cổ họng, vào dạ dày giúp cung cấp hình ảnh cấu trúc giải phẫu trong ổ bụng một cách trực quan.
- Xét nghiệm máu nhằm phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng, ví dụ như số lượng bạch cầu tăng.
Bệnh nhân đau hố chậu phải có thể được giới thiệu tới những bác sỹ chuyên khoa như:
- Bác sĩ tiêu hóa khi nghi ngờ nguyên nhân liên quan tới hệ tiêu hóa.
- Bác sĩ tiết niệu khi triệu chứng đau xảy ra do những vấn đề về bàng quang hoặc thận
- Bác sĩ sản phụ khoa, đối với các vấn đề liên quan đến tử cung, buồng trứng hay chửa ngoài tử cung.
Điều trị đau hố chậu phải
Chỉ định điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân chính gây ra triệu chứng đau hố chậu.
Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn thường đủ để điều trị những nguyên nhân ít nghiêm trọng. Một số tình trạng như đầy hơi hay khó tiêu có thể tự hết mà không cần điều trị.
Những bệnh lý nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Phẫu thuật có thể được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân đau bụng dữ dội. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là phương pháp tất yếu khi đoạn ruột này bị nhiễm trùng. Tiêm thuốc giảm đau qua đường tĩnh mạch thường được chỉ định để điều trị sỏi niệu quản.
Một số bệnh lý khác gây đau vùng hố chậu là những tình trạng mãn tính và chỉ có thể kiểm soát bằng cách điều trị triệu chứng như lạc nội mạc tử cung và viêm loét đại tràng – IBD (Inflammatory bowel disease).
Mọi phương pháp điều trị đều nhằm mục đích loại bỏ những cơn đau dai dẳng, dữ dội, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Tổng kết.
Phần lớn những nguyên nhân gây đau hố chậu phải thường không nghiêm trọng. Những tình trạng như đầy hơi, khó tiêu và đau bụng kinh không cần thăm khám y tế.
Nếu cơn đau kéo dài hơn 2 ngày hoặc nghi ngờ bản thân mắc một trong những bệnh lý được đề cập trong bài viết, hãy đi khám ngay để được hỗ trợ y tế kịp thời.
Xem thêm:
- 15 nguyên nhân gây đau vùng chậu hông thường gặp ở phụ nữ? Thời điểm nên đi khám
- Đau bụng dưới kèm chướng bụng: Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
- Vì sao tôi bị đau bụng dưới khi quan hệ tình dục?
- Nguyên nhân gây đau bụng dưới bên trái
- Những điều cần biết về hệ tiêu hóa "yếu": Nguyên nhân và biện pháp điều trị