Những người có hệ tiêu hóa yếu có thể xuất hiện triệu chứng bất thường sau khi ăn một số loại thực phẩm hoặc hoạt động chức năng nhất định. Trong khi đó một số trường hợp rối loạn tiêu hóa không rõ nguyên nhân.
Tình trạng đau bụng khá thường gặp ở hầu hết mọi người. Nhưng thường xuyên bị khó chịu, khó tiêu hoặc có thói quen đi ngoài bất thường là dấu hiệu của hệ tiêu hóa yếu.
Nguyên nhân của hệ tiêu hóa yếu
Nhiều người bị nhạy cảm hơn với một số loại thực phẩm hay đồ uống như sữa, rượu hoặc thức ăn cay hoặc đồ chiên rán. Một trường hợp khác là không dung nạp thực phẩm, tình trạng này khác với dị ứng thức ăn, vốn nguy hiểm hơn.
Không giống như bị dị ứng, những người không dung nạp thực phẩm có thể tiêu thụ một lượng nhỏ loại thực phẩm đó. Những người không dung nạp sữa (lactose) có thể dùng các enzym giúp họ tiêu hóa đường lactose.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome – IBS) là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các rối loạn tiêu hóa, với các triệu chứng đặc trưng tương tự như tình trạng hệ tiêu hóa yếu. Bên cạnh đó còn có đau bụng mạn tính, do hiện tượng viêm đường ruột có xu hướng nặng lên khi gặp một số loại thực phẩm nhất định.
IBS hạn chế khả năng tiêu hóa của dạ dày và ruột, dẫn đến táo bón mạn tính, hoặc tiêu chảy liên tục. IBS ảnh hưởng đến lưu thông thức ăn trong đường ruột, gây ra:
- Thay đổi thói quen đại tiện
- Khó đánh rắm
- Đau bụng
Hội chứng ruột kích thích gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt là những người đã trải qua phẫu thuật cắt đoạn cổ tử cung hoặc toàn bộ tử cung.
Bệnh viêm ruột
Với các triệu chứng nặng hơn, bệnh viêm ruột (Inflammatory Bowel Disease - IBD) như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn, cần được theo dõi và điều trị bằng thuốc chống viêm và ức chế miễn dịch. Ngoài ra còn kết hợp thêm thuốc làm giảm nhu động ruột, điều trị tiêu chảy, kháng sinh và giảm đau. Thuốc bổ sung sắt được sử dụng trong trường hợp có chảy máu đường ruột mạn tính.
Triệu chứng của hệ tiêu hóa yếu
Hầu hết các triệu chứng của hệ tiêu hóa yếu có thể được điều trị tại nhà bao gồm:
- Đánh rắm nhiều
- Đầy hơi
- Khó tiêu
- Ợ nóng
- Trào ngược dạ dày – thực quản
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đau bụng
- Táo bón
- Tiêu chảy
Tuy nhiên, nếu gặp các triệu chứng nặng sau đây, người bệnh cần đi khám bác sĩ ngay:
- Đau bụng lâu ngày hoặc dữ dội, ảnh hưởng sinh hoạt
- Phân có máu hoặc mủ
- Tiêu chảy nặng, kéo dài hơn hai ngày
- Tiêu chảy vào ban đêm, ảnh hưởng tới giấc ngủ
- Sốt không rõ nguyên nhân
- Phản ứng dị ứng (phát ban, sưng tấy, ngứa, v.v.)
Các triệu chứng trên là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định xét nghiệm để chẩn đoán và xác định nguyên nhân.
Điều trị hệ tiêu hóa yếu
Hệ tiêu hóa yếu có thể gây khó chịu do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên cần xem xét và xác định vấn đề mới đưa ra được phương pháp điều trị hiệu quả. Dưới đây là một số biện pháp khắc phục tại nhà:
Chia nhỏ bữa ăn
Việc ăn quá no có thể dẫn đến đầy hơi và khó tiêu. Chúng ta có thể ăn vừa đủ trong mỗi bữa ăn hoặc chia nhỏ các bữa, chẳng hạn như ăn 5-6 bữa/ ngày thay vì tập trung thức ăn vào 3 bữa như thông thường.
Ăn chậm hơn
Ăn quá nhanh cũng dẫn đến đầy hơi khó chịu và khó tiêu. Vì vậy cần chú ý nhai kỹ để làm thức ăn đủ mềm và nhuyễn trước khi xuống đến dạ dày.
Tránh các thực phẩm có khả năng gây kích ứng
Thực phẩm có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa bao gồm:
- Sản phẩm từ bơ sữa
- Đồ cay
- Thực phẩm chế biến sẵn
- Đồ chiên rán nhiều dầu mỡ
- Rượu bia
- Gluten
Mỗi người thường chỉ có thể biết được thực phẩm gây kích ứng sau khi đã gặp khó chịu từ việc tiêu thụ loại thực phẩm đó. Nếu nghi ngờ thực phẩm nào đó gây kích ứng, chúng ta có thể tìm thực phẩm thay thế hoặc loại khác có mùi vị tương tự.
Trong trường hợp bị kích ứng nặng, cần loại bỏ tất cả các thực phẩm có thể gây nên triệu chứng.
Uống nhiều nước
Nếu không được bổ sung đủ nước mỗi ngày, cơ thể có thể bị mất nước mạn tính một cách âm thầm, gây ra các vấn đề về tiêu hóa và tiết niệu.
Nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước từ thức ăn và đồ uống, đại tràng sẽ tăng tái hấp thu nước từ chất thải, lâu dần gây ra tình trạng táo bón.
Giảm tiêu thụ caffeinCaffeine gây kích thích dạ dày, vì vậy người có hệ tiêu hóa yếu cần hạn chế sử dụng caffein.
Bạn cũng có thể thay đổi thời gian sử dụng cafein trong ngày để kiểm tra xem các triệu chứng khó chịu có giảm hay không. Nếu cafein là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khó chịu, chúng ta cần cân nhắc tránh sử dụng đồ uống chứa cafein.
Kiểm soát căng thẳng
Tình trạng căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến đau bụng bên cạnh nguyên nhân đến từ đồ ăn. Tập luyện thể dục, chẳng hạn như ngồi thiền hoặc yoga, giúp thư giãn tinh thần và ngăn chặn lo âu.
Các thực phẩm tốt cho người có hệ tiêu hóa yếu bao gồm:
- Trái cây và rau xanh
- Thịt nạc
- Ngũ cốc dễ tiêu hóa
- Sữa ít hoặc không có chất béo
Bác sĩ có thể tư vấn một chế độ ăn kiêng ít chất xơ trong thời gian ngắn để cải thiện các triệu chứng.
Nếu mắc chứng không dung nạp thực phẩm, bạn cần loại bỏ loại thực phẩm đó ra khỏi khẩu phần ăn. Trường hợp người có bệnh tự miễn dịch như bệnh celiac cần thực hiện chế độ ăn uống không gluten.
Các trường hợp dị ứng thức ăn có thể được điều trị bằng tiêm thuốc epinephrine. Người bệnh cần tránh tuyệt đối loại thực phẩm gây dị ứng, vì chỉ cần tiếp xúc tối thiểu với thực phẩm đó cũng có thể dẫn đến tình trạng nặng, thậm chí đe dọa tới tính mạng. Phản ứng dị ứng có thể diễn tiến theo nhiều mức độ khác nhau giữa các lần, vì vậy không được chủ quan với những triệu chứng nhẹ trước đây.
Kết luận
Hầu hết những người có hệ tiêu hóa yếu hạn chế được các tình trạng khó chịu chỉ nhờ điều chỉnh chế độ ăn và lối sống.
Tuy nhiên, các triệu chứng khó chịu có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng hơn như viêm đường ruột, hội chứng ruột kích thích, bệnh Celiac, bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.
Nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường, người bệnh tốt nhất cần tư vấn và thăm khám với bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm: