Đau khớp ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị

Khi một đứa trẻ kêu đau khớp hoặc chân, cha mẹ nên để ý. Thông thường, cảm giác khó chịu chỉ đơn giản là những cơn đau ngày càng tăng và sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, mọi người nên lưu ý các dấu hiệu và triệu chứng có thể gợi ý tình trạng gì đó nghiêm trọng hơn.

Những cơn đau tăng trưởng là nguyên nhân phổ biến gây đau chân ở trẻ em. Những cơn đau này là những cơn đau nhức cơ, có khả năng gặp ở đùi, sau đầu gối hoặc bắp chân. 

Các nguyên nhân nghiệm trọng khác gây ra đau chân, bao gồm viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên (JIA), bệnh lupus, bệnh Lyme và bệnh bạch cầu

Trong bài viết này, chúng ta xem xét một số vấn đề liên quan đến “cơn đau tăng trưởng”, nó là gì và cách mọi người có thể điều trị nó tại nhà. Chúng tôi cũng đề cập đến các nguyên nhân khác gây ra đau khớp ở trẻ em và khi nào nên khám bác sĩ. 

Đau tăng trưởng là gì?

Cơn đau tăng trưởng thường xảy ra ở các cơ chân và phía sau đầu gối.

Nghiên cứu cho thấy hơn 30% trẻ em đi học bị đau cơ xương mạn tính. Trong đó, khoảng một nửa trong số này là do các cơn đau tăng trưởng. 

Những cơn đau tăng trưởng thường hay gặp nhất ở trẻ mẫu giáo và trẻ trong khoảng 9-12 tuổi, và chúng thường biến mất vào tuổi thiếu niên. Những cơn đau này là vô hại và không phải là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng. 

Các cơn đau tăng trưởng hay xảy ra ở cơ đùi và bắp chân hoặc phía sau đầu gối, nhưng đôi khi cũng có thể biểu hiện ở cánh tay. Trẻ bị những cơn đau kiểu này có thể bị chuột rút hoặc đau nhức từ nhẹ đến nặng. 

Đặc điểm của những cơn đau tăng trưởng, bao gồm: 

  • Xảy ra vào buổi tối hoặc đêm và thường biến mất vào buổi sáng
  • Cơn đau có thể khiến đứa trẻ tỉnh giấc.
  • Thường ảnh hưởng đến cả hai chân hơn là một chân
  • Cơn đau xảy ra không liên tục hoặc vài đêm liên tiếp
  • Thường kèm theo đau đầu hoặc đau bụng

Mọi người từng nghĩ rằng những cơn đau tăng trưởng là kết quả của việc xương phát triển trong quá trình lớn lên. Tuy nhiên, các bác sĩ không ủng hộ điều này nữa, vì không có bằng chứng cho thấy sự phát triển gây ra đau đớn.

Các cơn đau tăng trưởng đôi khi chỉ đơn giản là những cơn đau nhức do trẻ chạy, nhảy và leo trèo trong khi chơi đùa trong ngày.

Đau tăng trưởng là nguyên nhân phổ biến gây đau khớp ở trẻ em. Nguồn: we-fix-u.com.Đau tăng trưởng là nguyên nhân phổ biến gây đau khớp ở trẻ em. Nguồn: we-fix-u.com.

Chúng cũng có thể liên quan đến các yếu tố khác, chẳng hạn như mệt mỏi, hội chứng chân không nghỉ, khả năng chịu đau thấp hoặc thậm chí là thiếu hụt vitamin D.

Làm thế nào để giảm bớt cơn đau tăng trưởng

Tắm bằng nước ấm giúp giảm đau nhức trước khi đi ngủ.

Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho các cơn đau tăng trưởng. Tuy nhiên, các biện pháp điều trị tại nhà sau đây có khả năng giúp giảm bớt sự khó chịu của trẻ:

  • Tắm nước ấm. Tắm bằng nước ấm, đặc biệt là trước khi đi ngủ, giúp giảm đau nhức và dễ ngủ.
  • Xoa bóp. Nhẹ nhàng xoa bóp khu vực bị đau có thể làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Chỉ ôm hoặc âu yếm đứa trẻ cũng mang lại hiệu quả
  • Kéo giãn. Nhẹ nhàng kéo căng bắp chân và đùi hàng ngày có tác dụng làm dịu hoặc ngăn ngừa các triệu chứng. Tuy nhiên, các bài tập kéo căng đôi khi khó khăn ở trẻ nhỏ. Hãy hỏi bác sĩ những loại bài tập nào là tốt nhất.
  • Chườm ấm. Thử chườm một miếng đệm nóng hoặc chai nước nóng lên vùng da bị đau. Đảm bảo nhiệt độ không quá nóng , khiến trẻ bị bỏng. Không sử dụng những vật dụng này trong khi ngủ.
  • Thuốc giảm đau. Thuốc không kê đơn (OTC), chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen, thỉnh thoảng giúp giảm đau nhức.

Mọi người không nên cho trẻ em uống aspirin. Các bác sĩ cho rằng, aspirin liên quan đến một tình trạng hiếm gặp nhưng nguy hiểm gọi là hội chứng Reye.

Các nguyên nhân khác gây đau khớp ở trẻ em

Đau khớp ở trẻ em đôi khi là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn, bao gồm: 

Viêm khớp tự phát thiếu niên

Nếu một đứa trẻ thường xuyên kêu đau khớp, thì nguyên nhân có thể là do viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên (thuật ngữ tiếng anh là juvenile idiopathic arthritis – viết tắt là JIA) 

Bệnh gây đau và sưng ở một hoặc nhiều khớp. Không giống như những cơn đau tăng trưởng, nó cũng có thể ảnh hưởng đến vận động hoặc sức mạnh của trẻ. 

Có một số típ JIA khác nhau và các triệu chứng cũng khác nhau, vì vậy bác sĩ đôi khi khó chẩn đoán. Tuy nhiên, chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng vì JIA tác động đến sự phát triển của xương và dẫn đến các biến chứng vĩnh viễn. 

Lupus

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE), hoặc lupus, là một rối loạn tự miễn dịch có ảnh hưởng đến gần như mọi cơ quan trong cơ thể. Lupus rất hiếm gặp 

Lupus gây ra nhiều triệu chứng khác nhau bao gồm: 

  • Mệt mỏi ngay cả khi nghỉ ngơi
  • Đau, sưng hoặc cứng khớp
  • Phát ban trên da, thường ở trên hoặc xung quanh mũi
  • Sốt
  • Rụng tóc

Lupus là bệnh mạn tính và các triệu chứng khác nhau tùy mức độ nặng của bệnh. Tuy nhiên, chẩn đoán và điều trị sớm giúp cải thiện tiên lượng. 

Bệnh Lyme

Bọ ve là một loại côn trùng có khả năng lây truyền vi khuẩn Borrelia burgdorferi sang người thông qua vết cắn. Vi khuẩn này sẽ gây bệnh Lyme ở người. Những con bọ ve này có xu hướng sống ở các khu vực đồng cỏ và rừng, vùng nuôi các động vật như chuột và hươu. 

Các triệu chứng của bệnh Lyme bao gồm: 

  • Phát ban hình tròn xung quanh vết cắn của bọ ve, đôi khi được gọi là phát ban hình mắt bò
  • Mệt mỏi
  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Đau khớp hoặc cơ
  • Liệt mặt

Bất kỳ ai sống hoặc đi qua khu vực xảy ra bệnh Lyme đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh, nhưng trẻ em dành nhiều thời gian vui chơi bên ngoài có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. 

Để phòng bệnh Lyme, nên cho trẻ mặc quần dài và áo sơ mi dài tay. Cha mẹ cũng nên kiểm tra toàn bộ cơ thể của trẻ xem có bọ ve cắn không sau khi trẻ chơi ngoài trời.

Sau khi bị ve cắn, có thể mất đến 3 tuần để phát ban xuất hiện. Đau khớp đôi khi là triệu chứng đầu tiên và duy nhất ở trẻ. 

Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh Lyme là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nặng. Bất cứ ai nghi ngờ trẻ bị bọ ve cắn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Bệnh Lyme có thể gây phát bạn dạng mắt bò và đau khớp ở trẻ em. Nguồn: everydayhealth.com.Bệnh Lyme có thể gây phát bạn dạng mắt bò và đau khớp ở trẻ em. Nguồn: everydayhealth.com.

Bệnh bạch cầu

Bệnh bạch cầu là một bệnh ung thư máu bắt đầu bên trong tủy xương. Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em. Bệnh bạch cầu có biểu hiện đau khớp và xương, thường cùng với các triệu chứng khác. 

Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khác nhau, tùy theo loại bệnh bạch cầu, bao gồm: 

  • Thiếu máu
  • Dễ chảy máu hoặc bầm tím
  • Nhiễm trùng và sốt tái phát hoặc dai dẳng
  • Đau bụng
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Khó thở

Các lựa chọn điều trị và tiên lượng cũng phụ thuộc vào thể bệnh bạch cầu mà bác sĩ chẩn đoán.

Khi nào đến gặp bác sĩ

Tìm gặp bác sĩ nếu cơn đau khớp kéo dài hoặc trầm trọng hơn.

Những cơn đau tăng trưởng là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng đau chân ở trẻ em và thường biến mất khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, nếu cơn đau dai dẳng, dữ dội hoặc bất thường thì nên cho trẻ đi khám. 

Họ cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cơn đau khớp xảy ra cùng với bất kỳ triệu chứng nào sau đây: 

  • Các khớp sưng, đỏ hoặc mềm
  • Chấn thương gần đây
  • Đi khập khiễng hoặc khó đi lại
  • Sốt
  • Giảm cân
  • Phát ban
  • Ăn không ngon
  • Mệt mỏi hoặc suy nhược

Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và tiến hành các xét nghiệm để tìm nguyên nhân cơ bản nếu cần 

Tổng kết

Cha mẹ hay lo lắng khi trẻ bị đau ở chân và khớp. Gần một phần ba số trẻ em trong độ tuổi đi học có khả năng bị những loại đau này và thường sẽ tự khỏi khi tập thể dục và vui chơi lành mạnh. 

Nếu cơn đau đi kèm với bất kỳ triệu chứng nào khác hoặc người lớn đặc biệt lo lắng, họ nên hỏi ý kiến bác sĩ để kiểm tra thêm. Vì một số cơn đau là dấu hiệu chỉ điểm của một số bệnh lý nghiêm trọng, cần có can thiệp y tế. 

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!