Nguyên nhân gây chuột rút, cách điều trị và dự phòng

Chuột rút là tình trạng đau thắt do cơ co lại đột ngột, không tự chủ. Nhiều yếu tố khác nhau góp phần gây ra chuột rút, nhưng nguyên nhân cơ bản thường không rõ ràng.

Chuột rút có thể xảy ra ở hầu hết mọi vị trí trên cơ thể, nhưng phổ biến ở chân và bàn chân. Những người có vấn đề về tiêu hóa hoặc đau bụng kinh có thể gặp chuột rút ở bụng.

Chuột rút chủ yếu xảy ra trong thời gian ngắn và tự biến mất. Một số biện pháp tại nhà có thể giúp chuột rút qua nhanh hơn hoặc giảm nhẹ các triệu chứng.

Tuy nhiên, nếu bạn có những cơn chuột rút kéo dài thì nên đi khám để được chẩn đoán. Trong một số trường hợp, điều trị là cần thiết.

Bài viết dưới đây thảo luận chi tiết hơn về chuột rút, bao gồm nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa, đồng thời giải thích khi nào cần gặp bác sĩ vì vấn đề này.

Chuột rút là gì?

Video Vọp bẻ (chuột rút) là gì?

Chuột rút là sự co thắt đột ngột ở một hoặc nhiều cơ. Những cơn co thắt này là không tự chủ, có nghĩa là chúng ta không thể kiểm soát chúng. 

Những cơn chuột rút này có thể gây ra các triệu chứng khó chịu, nhưng phần lớn, chỉ trong thời gian ngắn, thường từ vài giây đến vài phút.

Cảm giác khi bị chuột rút như thế nào?

Khi bị chuột rút, người bệnh có thể cảm thấy căng cơ đột ngột một cơ hoặc một nhóm cơ. Có thể cảm thấy như cơ bắp đang thắt lại, ngay cả khi chúng ta đang thả lỏng. Sự co thắt thường không dừng lại và dẫn đến đau ở khu vực này do cơ hoạt động quá mức.

Cơ cũng có thể bị co giật hoặc co thắt.

Trong một số trường hợp, chẳng hạn như với các cơ gần da, người bệnh có thể nhìn thấy sự co lại của cơ. Một khối mô cứng có thể hình thành ở vị trí cơ bị chuột rút.

Nguyên nhân gây chuột rút

Trong phần lớn các trường hợp, rất khó để xác định nguyên nhân chính xác gây ra chuột rút. Như một bài báo cho biết, có vẻ như nguyên nhân gây ra chuột rút thường liên quan đến tình trạng sức khỏe chung của cơ thể, bao gồm cả tinh thần và thể chất của người đó.

Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra chuột rút, nhưng nhiều trường hợp không xác định rõ nguyên nhân. Một số cơ có thể chỉ co thắt trong một thời gian ngắn và sau đó trở lại bình thường.

Chuột rút có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng chúng thường xảy ra nhất ở chân - cụ thể là bắp chân. Một bài báo lưu ý rằng khoảng 80% chuột rút xảy ra ở cơ bắp chân. 

Nguyên nhân có thể do khối cơ này cần phải làm việc trong suốt cả ngày. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác có thể khác nhau trong từng trường hợp. 

Các tác giả của một bài báo trên tờ Y học Thể thao (Sports Medicine) cũng lưu ý rằng chứng chuột rút rất khó nghiên cứu vì phần lớn chúng không thể dự đoán trước được.

Nguyên nhân tiềm ẩn của chuột rút tạm thời 

Chuột rút tạm thời có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Sử dụng cơ bắp quá nhiều
  • Giữ tư thế nhất định trong một thời gian dài
  • Mất nước mức độ nhẹ
  • Sử dụng cơ mà không kéo dãn trước 

Mất cơ bắp do lão hóa

Mất cơ bắp do lão hóa, được gọi là chứng suy giảm cơ, cũng có thể đóng vai trò nào đó. 

Học viện Phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ lưu ý rằng người cao tuổi dễ bị chuột rút hơn do tình trạng mất cơ bình thường bắt đầu xảy ra vào khoảng giữa tuổi 40. 

Các cơ lão hóa không thể hoạt động vừa khỏe vừa nhanh, và chúng dễ bị quá sức hơn và gây ra chuột rút.

Các vấn đề khác 

Trong một số trường hợp, chuột rút có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn trong cơ thể, chẳng hạn như: 

  • Thiếu điện giải hoặc khoáng chất trong cơ thể
  • Chèn ép dây thần kinh
  • Lượng máu nuôi dưỡng thấp
  • Bệnh lý tuyến giáp
  • Xơ gan
  • Bệnh đái tháo đường
  • Đau cơ xơ hóa
  • Suy thận
  • Các vấn đề khi mang thai
  • Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS)

Chuột rút ban đêm 

Chuột rút có thể xảy ra vào ban đêm khi ngủ, điển hình là ở chân. Nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 37% những người trên 60 tuổi ở Hoa Kỳ bị chuột rút chân về đêm.

Chuột rút vào ban đêm có thể do giữ nguyên cơ bắp ở một vị trí trong thời gian dài khi ngủ, do sai tư thế khi ngủ hoặc sử dụng cơ bắp quá mức trong suốt cả ngày. 

Tuy nhiên, cũng như các loại chuột rút khác, chuột rút vào ban đêm thường không xác định được nguyên nhân.

Chuột rút kinh nguyệt

Phụ nữ thường bị đau bụng kinh trước và trong kỳ kinh nguyệt mỗi tháng. Tổ chức Sức khỏe Phụ nữ (Office on Women’s Health) lưu ý rằng đau là triệu chứng phổ biến nhất mà mọi người gặp phải trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt. 

Cảm giác có thể thay đổi từ thấy nặng ở bụng đến chuột rút dữ dội ở vùng bụng và vùng chậu. 

Cơn đau do chuột rút trong thời kỳ kinh nguyệt xảy ra khi tử cung co lại. Trong kỳ kinh, tử cung co bóp để giúp bong lớp niêm mạc tử cung, sau đó đẩy chúng đào thải ra ngoài qua đường âm đạo.

Điều trị chuột rút

Xem chi tiết: Cách điều trị và ngăn ngừa chuột rút ở bắp chân

Nhiều cơn chuột rút chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và sẽ tự biến mất. Một số phương pháp điều trị tại nhà có thể làm giảm các triệu chứng hoặc giúp cơn chuột rút nhanh kết thúc hơn.

Kéo dãn các cơ trong khu vực bị chuột rút, nguồn: https://sciatica.clinicKéo dãn các cơ trong khu vực bị chuột rút, nguồn: https://sciatica.clinic

Nhẹ nhàng kéo dãn các cơ trong khu vực bị chuột rút có thể giúp giảm các triệu chứng ở một số người. Hoặc tạo áp lực và thực hiện xoa bóp sâu ở khu vực này cũng có thể đem lại hiệu quả.

Chườm ấm giúp cho các cơ thư giãn, giảm bớt sự khó chịu hoặc đau đớn. Một số người có thể dùng vòi hoa sen hoặc bồn tắm nước ấm để làm dịu cơn chuột rút

Thuốc giảm đau không kê đơn chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil) có thể hữu ích nếu các triệu chứng khiến bạn khó ngủ hoặc khó tập trung vào các công việc khác. 

Những người bị chuột rút trong thời kỳ kinh nguyệt cũng có thể thấy được lợi ích của các biện pháp tại nhà, bao gồm chườm chai nước ấm hoặc miếng gạc ấm lên vùng đau thắt và dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc chống viêm để giảm bớt các triệu chứng. 

Phòng ngừa chuột rút 

Chúng ta có thể giảm nguy cơ bị chuột rút bằng cách tránh nguyên nhân phổ biến gây ra chúng, bao gồm:

  • Cung cấp đủ nước bằng cách uống nhiều nước
  • Bổ sung điện giải cho cơ thể, đặc biệt là sau khi tập luyện
  • Giảm uống rượu
  • Kéo dãn trước khi vận động các cơ
  • Tránh vận động quá sức, đặc biệt các cơ có xu hướng bị co thắt

Ngay cả với những mẹo này, một số trường hợp chuột rút vẫn có thể xảy ra. Không phải lúc nào bạn cũng có thể tránh được tất cả các trường hợp chuột rút.

Những người đang dùng thuốc gây mất nước hoặc gây co thắt cơ có thể cần đi khám để tìm ra các phương pháp điều trị thay thế.

Khi cần đi khám 

Nhiều trường hợp chuột rút chỉ là ngắn hạn, với các triệu chứng xuất hiện và diễn ra tương đối nhanh chóng. Tuy nhiên, một số trường hợp cần đến gặp bác sĩ để điều trị.

Những người bị đau dữ dội do chuột rút hoặc gặp các triệu chứng khác đi kèm với chuột rút nên đi khám, đặc biệt nếu cơn đau không biến mất. Những triệu chứng này có thể bao gồm:

  • Yếu cơ ở các cơ bị chuột rút
  • Sưng tấy trong khu vực bị chuột rút
  • Tê bì
  • Thay đổi tính chất da, chẳng hạn như đổi màu hoặc phát ban
  • Chuột rút xảy ra thường xuyên hơn

Ngoài ra, chuột rút không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại nhà có thể là một dấu hiệu cần phải đi khám.

Bác sĩ có thể chẩn đoán ra nguyên nhân chuột rút và đề xuất cách làm giảm các triệu chứng.

Tóm tắt

Mặc dù chuột rút là phổ biến, nhưng nguyên nhân chính xác thường không được biết rõ. Một số yếu tố, chẳng hạn như kéo dãn cơ không đúng cách, vận động cơ quá sức và mất cân bằng điện giải, có thể làm cho chuột rút dễ xảy ra hơn. 

Hầu hết chuột rút là tạm thời, các triệu chứng sẽ tự biến mất hoặc mất đi sau khi sử dụng các biện pháp đơn giản tại nhà. 

Điều quan trọng là phải đi khám để được chẩn đoán nếu chuột rút xảy ra nghiêm trọng, trở nên thường xuyên hoặc không biến mất khi điều trị tại nhà.

Xem thêm:

Câu hỏi liên quan

Để tránh chuột rút, bạn có thể thực hiện những biện pháp sau: Vận động hoặc đi bộ nhẹ nhàng. Massage. Tập kéo cơ chân. Tắm nước ấm thư giãn cơ thể, tránh căng thẳng, stress. Sử dụng túi chườm nóng cho các cơ chuột rút, tuy nhiên hãy để một miếng vải để ngăn cách giữa túi chườm và bề mặt da.
Xem thêm
Trong khi quan hệ tình dục, cơn đau do giai đoạn hành kinh thực sự có thể được giảm bớt ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, áp lực do quan hệ tình dục tác động trên cổ tử cung có thể gây ra những cơn đau sau đó. Phụ nữ đang trong thời kỳ rụng trứng và hành kinh có ít nhiều khả năng bị chuột rút hơn sau khi quan hệ tình dục. Lên đỉnh cũng có thể tạo ra các cơn co thắt gây nên chứng chuột rút ở vùng bụng. Chuột rút sau khi quan hệ tình dục có thể do nhiều nguyên nhân. May mắn thay, các nguyên nhân thường không phải là lý do chính đáng cần lo ngại. Tuy nhiên, điều đó không làm cho chứng chuột rút sau khi quan hệ tình dục bớt đau hay khó chịu. Bạn có thể áp dụng những cách dưới đây để điều trị chứng bị chuột rút sau khi quan hệ. Dùng thuốc giảm đau Sử dụng thêm các thực phẩm chức năng Thực hành kỹ thuật thư giãn Điều chỉnh lối sống
Xem thêm
Trong trường hợp bị chuột rút khi chạy bộ, bạn nên ngừng buổi chạy, từ từ xoa bóp và kéo căng vùng bị chuột rút. Bạn có thể thực hiện một số động tác duỗi chân khoảng 1 – 2 phút để làm giảm hiện tượng chuột rút. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tập trung nghỉ ngơi và uống nước đầy đủ để khôi phục lại sự cân bằng các chất điện giải.
Xem thêm
Khi xảy ra cơn chuột rút, trẻ nên xoa bóp bắp thịt nhẹ nhàng. Nếu chuột rút ở bắp chân, trẻ hãy vươn duỗi cơ từ từ, lặp lại động tác. Nếu chuột rút ở bắp đùi, trẻ nên nhờ người khác giúp kéo thẳng chân ra, 1 tay nâng cao phần gót chân, tay kia ấn đầu gối xuống. Nếu bị chuột rút ở cơ xương sườn thì trẻ cần phải hít thở sâu, đều đặn để thư giãn cơ hoành và xoa bóp nhẹ nhàng các bắp thịt quanh lồng ngực. Ngoài ra, trẻ hay bị chuột rút có thể tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt. Trước khi đi ngủ, trẻ nên đạp xe thong thả khoảng 5 - 10 phút. Nếu thường xuyên bị chuột rút, trẻ có thể mang tất đàn hồi hơi ép vào mạch máu để tránh nguy cơ ứ đọng máu ở tĩnh mạch chi dưới. Đồng thời, có thể sử dụng một số thuốc điều trị chuột rút theo khuyến nghị của bác sĩ.
Xem thêm
Nếu muốn giảm tần suất chuột rút về đêm cũng như phòng chuột rút ở người lớn tuổi, người bệnh cần: Cung cấp đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất cho cơ thể mỗi ngày, đặc biệt là canxi và magie. Tập luyện các động tác kéo dãn cơ bắp, giúp cơ thể dẻo dai hơn. Lựa chọn bài tập, môn thể thao nhẹ nhàng, vừa sức. Khởi động thật kỹ trước khi chơi thể thao. Hạn chế thay đổi tư thế đột ngột, không vươn duỗi người quá nhiều. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Chú ý kiểm tra sức khỏe thường xuyên để đảm bảo kịp thời phát hiện bệnh lý nguy hiểm.
Xem thêm
Người ta thường nghĩ bị chuột rút bắp chân hay gặp ở các vận động viên, ở những người hay phải vận động cơ bắp nhiều hoặc khi ngày hôm đó bạn phải vận động nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, có những lý do gây ra chuột rút mà bạn chắc chắn không thể ngờ tới. Đây cũng chính là dấu hiệu cảnh báo cơ thể của bạn đang tiềm ẩn những nguy cơ bệnh lý tiêu cực
Xem thêm
Bệnh nhân đái tháo đường type 2 bị biến chứng suy thận là yếu tố thúc đẩy cho hiện tượng chuột rút dễ xảy ra hơn. Người bị đái tháo đường thường dễ bị xơ vữa động mạch, làm biến đổi mạch máu ngoại biên, tạo ra các đợt thiếu máu cục bộ và chuột rút. Nguyên nhân của chuột rút rất đa dạng và đôi khi chuột rút là vô căn. Có nhiều rối loạn chuyển hoá tiềm ẩn ở bệnh nhân đái tháo đường như hạ canxi máu, hạ kali máu, suy giáp và rối loạn chức năng gan gây ra chuột rút cơ bắp. HbA1c tăng cao có liên quan đến chuột rút thường xuyên. Bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường huyết càng kém thì càng có nguy cơ bị chuột rút nhiều hơn.
Xem thêm
Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế Xoa bóp, kéo căng cơ bắp chân nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước lúc đi ngủ Xoay cổ chân, ngọ nguậy ngón chân bất kể khi nào đang ngồi: ăn cơm, xem tivi Hãy vận động nhẹ nhàng mỗi ngày: đi bộ, tập yoga, bơi lội Khi nằm ngủ nên nằm nghiêng người sang trái để máu dễ lưu thông, đồng thời gác chân lên gối cao khi ngủ Uống đủ nước Tắm bằng nước ấm Tránh làm việc nặng nhọc, luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu
Xem thêm
Các chuyên gia vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây chuột rút do nhiệt. Tình trạng này có lẽ liên quan đến các vấn đề điện giải, bao gồm các khoáng chất thiết yếu như natri, kali, canxi và magiê. Các khoáng chất này có liên quan đến các phản ứng hóa học trong cơ bắp. Sự mất cân bằng có thể gây ra chuột rút. Mồ hôi chứa một lượng lớn natri, vì vậy nếu không bổ sung đủ nước có natri sẽ dẫn đến tình trạng natri thấp nghiêm trọng (hạ natri máu).
Xem thêm
Theo thống kê, có khoảng 30% người trên 60 tuổi và 50% người trên 80 tuổi thường bị chuột rút, đặc biệt là vào ban đêm. Không chỉ người già, 7% trẻ em cũng bị chuột rút lúc đang ngủ. Các cơ căng lên, gây khó chịu và rất đau đớn ở vùng cơ bị chuột rút. Bên cạnh đó, chuột rút về đêm gây nhiều vấn đề như: Làm gián đoạn giấc ngủ và ngủ không ngon. Điều này sẽ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ngày hôm sau.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Chuột rút
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!