Video Bệnh viện An Việt - Mắt lên lẹo ( Cuộc sống thường ngày VTV )
Phần lớn các trường hợp lẹo sẽ tự biến mất, dù có hay không điều trị, trong vòng 1 hoặc 2 tuần.
Tuy nhiên, có một số phương pháp bạn có thể làm để loại bỏ lẹo mắt nhanh hơn. Hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm về các phương pháp này, cũng như một số nguyên nhân, triệu chứng và thời điểm bạn cần gặp bác sĩ.
Điều trị lẹo mắt
Các biện pháp tại nhà sau đây có thể giúp giảm đau khi bị lẹo:
Chườm ấm
Một số biện pháp điều trị tại nhà có thể làm giảm đau do lẹo.
Đặt một miếng gạc ấm (nhưng không nóng bỏng) lên mắt trong khoảng thời gian ngắn vài lần mỗi ngày.
Điều này có thể giúp mở rộng các tuyến và làm tiêu lẹo nhanh chóng hơn, đồng thời có thể tạm thời giúp giảm đau.
Tuy nhiên, kết quả từ một nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng thuyết phục rằng phương pháp này giúp chữa khỏi mụn lẹo.
Vệ sinh mắt sạch sẽ
Điều quan trọng là phải giữ cho vùng mắt sạch sẽ. Lẹo mắt có tính lây lan, có nghĩa là có thể lây vi khuẩn sang người khác và các bộ phận khác của mắt. Vi khuẩn xâm nhập vào nốt lẹo có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm trùng và làm chậm quá trình chữa lành.
Thực hiện những lời khuyên sau có thể giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng trở nên tồi tệ hơn:
- Tránh dùng chung các sản phẩm chăm sóc mắt, bao gồm thuốc nhỏ mắt và đồ trang điểm mắt.
- Đừng cố gắng bóp hoặc nặn lẹo mắt.
- Tránh dụi hoặc chạm vào mắt, trừ khi bôi thuốc hoặc chườm ấm.
- Rửa tay bằng xà phòng và nước trước và sau khi chạm vào mắt khi bôi thuốc hoặc chườm ấm.
- Nhẹ nhàng rửa mắt nếu bụi bẩn bám vào mi mắt.
- Tránh đeo kính áp tròng cho đến khi nốt lẹo lành.
Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau không kê đơn cũng có thể giúp giảm đau do lẹo.
Thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen có thể làm giảm viêm và do đó có thể giúp giảm đau rát và sưng tấy.
Thuốc lẹo mắt không kê đơn
Nhiều hiệu thuốc bán thuốc nhỏ mắt có thể giúp giảm đau do lẹo mắt. Những loại thuốc này không chữa lành lẹo mắt nhưng chúng có thể giúp giảm đau.
Chỉ áp dụng các biện pháp này bằng tay sạch và không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt.
Loại bỏ lẹo mắt
Những nốt lẹo lớn và không tự khỏi có thể cần được điều trị y tế. Bác sĩ có thể đề nghị một trong các lựa chọn sau:
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn gây lẹo giúp ngăn ngừa lẹo lây lan và giảm đau.
Điều quan trọng là phải sử dụng đúng loại kháng sinh đối với loại vi khuẩn gây bệnh, vì vậy bạn không nên sử dụng lại thuốc kháng sinh cũ. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ khuyên dùng thuốc kháng sinh dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc kem bôi mắt.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, lẹo có thể gây nhiễm trùng toàn thân và lan sang các vùng khác của cơ thể. Những người có hệ thống miễn dịch yếu dễ bị nhiễm trùng hơn.
Khi nhiễm trùng lan rộng, bạn có thể cần dùng kháng sinh uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Thuốc chống viêm Steroid
Steroid có thể giúp lành nốt lẹo nhanh chóng hơn. Bác sĩ có thể tiêm steroid vào nốt lẹo để thúc đẩy quá trình chữa lành và giảm đau.
Steroid dưới dạng kem bôi và thuốc nhỏ mắt cũng có thể đem lại lợi ích, nhưng bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng loại thuốc này.
Phẫu thuật
Khi lẹo không biến mất hoặc chuyển thành chắp, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Chắp có hình dạng tương tự như lẹo, nhưng đó là kết quả của tuyến bài tiết dầu bị tắc nghẽn chứ không phải là tuyến bị nhiễm trùng.
Thủ thuật loại bỏ lẹo khá đơn giản và chỉ cần gây tê cục bộ, sau đó dẫn lưu mủ. Loại sạch mủ cũng có thể ngăn mụn lẹo quay trở lại.
Nguyên nhân lẹo mắt
Lẹo bên ngoài hình thành khi nang lông mi bị nhiễm trùng. Còn lẹo bên trong thì ảnh hưởng đến mặt dưới của mí mắt.
Vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra hầu hết các trường hợp lẹo mắt, mặc dù cũng có thể do các loại vi khuẩn khác – chẳng hạn như Staphylococcus epidemis.
Bất kỳ ai cũng có thể bị lẹo mắt vì hầu hết mọi người đều mang các loại tụ cầu này.
Những yếu tố khiến vi khuẩn này lây lan sang mắt đều làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lẹo mắt. Một số yếu tố tiềm ẩn bao gồm:
- Có hệ thống miễn dịch kém do bệnh đái tháo đường hoặc bệnh lý khác
- Bị viêm bờ mi - một tình trạng gây kích ứng da trên mí mắt
- Có tiền sử bệnh lẹo mắt
- Có nồng độ lipid máu cao
- Có bệnh lý về da chẳng hạn như bệnh trứng cá đỏ (rosacea).
- Dùng chung dụng cụ trang điểm mắt với người bị lẹo mắt
- Sử dụng các sản phẩm trang điểm hoặc chăm sóc mắt gây kích ứng mắt hoặc làm tắc nghẽn các nang lông ở mí mắt
Triệu chứng lẹo mắt
Lẹo mắt là nốt, cục sưng đau gần mắt. Tuy nhiên, có thể mất vài ngày để nốt sưng đủ lớn để có thể nhìn thấy được.
Một số người nhận thấy đau, rát hoặc kích ứng ở vùng mắt trước khi nốt sưng xuất hiện.
Một số triệu chứng khác của lẹo bao gồm:
- Nốt sưng đỏ hoặc cục có thể giống như mụn ở gốc lông mi hoặc dưới mí mắt
- Cảm giác có vật lạ ở trong mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Khó mở hoàn toàn mắt, đặc biệt nếu nốt lẹo lớn
- Chảy nước mắt hoặc kích ứng
Tình trạng tương tự được gọi là chắp xuất hiện khi các tuyến dầu của mí mắt bị tắc nghẽn. Một số chắp không gây đau đớn. Số khác có thể phát triển rất lớn và đôi khi chúng xuất hiện sau khi lẹo lành lại.
Khi nào cần đi khám
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu:
- Bệnh lẹo mắt không thuyên giảm khi điều trị tại nhà
- Các dấu hiệu nhiễm trùng khác, chẳng hạn như sốt
- Lẹo mắt ở trẻ nhỏ
- Lẹo mắt ở người có tiền sử bị thương ở mắt gần đây, chẳng hạn như bị chọc vào mắt
- Bạn thường xuyên bị lẹo mắt hoặc thường xuyên bị kích ứng mí mắt
- Bạn bị lẹo mắt gây giảm khả năng nhìn
- Mí mắt sưng to
- Có máu chảy ra từ mí mắt hoặc lẹo
Mặc dù hầu hết lẹo không cần điều trị y tế, nhưng bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh hoặc giảm đau để giảm các triệu chứng và giúp nhanh khỏi lẹo hơn.
Nếu các triệu chứng cản trở cuộc sống hàng ngày hoặc bạn cảm thấy rất đau, tốt nhất là bạn nên đi khám.
Tổng kết
Lẹo có thể gây đau đớn, nhưng chúng thường không nguy hiểm. Điều trị tại nhà thường an toàn và hiệu quả.
Đối với những lẹo mắt lớn hơn, có thể bạn cần điều trị bằng phẫu thuật và thuốc kháng sinh.
Đôi khi, lẹo mắt có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, vì vậy nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc tồi tệ hơn, bạn hãy đi khám ngay.
Xem thêm: