Video Bệnh viện An Việt - Mắt lên lẹo ( Cuộc sống thường ngày VTV )
Trong phần lớn các trường hợp, lẹo mắt sẽ thuyên giảm trong vòng một tuần. Tuy nhiên, những người khác có thể không đỡ giảm và cần điều trị thêm.
Bài viết này sẽ đề cập đến các triệu chứng của bệnh lẹo mắt, chẩn đoán, phương pháp điều trị và biện pháp tại nhà, các yếu tố nguy cơ và các biến chứng có thể xảy ra.
Thông tin nhanh về bệnh lẹo mắt
Dưới đây là một số điểm chính về lẹo mắt. Thông tin chi tiết được trình bày phía dưới.
- Các nốt lẹo có thể gây đau đớn nhưng thường tự lành mà không cần can thiệp y tế.
- Nếu lẹo kéo dài hơn một tuần hoặc ảnh hưởng đến thị lực, bạn nên được điều trị.
- Lẹo có thể ở bên ngoài hoặc bên trong.
- Các biện pháp điều trị lẹo mắt tại nhà bao gồm chườm ấm và thuốc giảm đau không kê đơn.
Triệu chứng lẹo mắt
Người bị lẹo mắt sẽ bị sưng đỏ, đau nhức phía trên mí mắt, tiết nhiều nước mắt và đỏ mắt. Thường thì khối lẹo trông giống như mụn nhọt.
Lẹo rất hiếm khi ảnh hưởng đến cả hai mắt cùng một lúc, thường lẹo ở một bên mắt. Tuy nhiên, có thể có nhiều lẹo ở cùng một mắt hoặc một lẹo ở mỗi mắt.
Các triệu chứng khác của lẹo có thể bao gồm:
- Căng tức
- Đóng vảy ở rìa của mí mắt
- Cảm giác nóng
- Ngứa mắt
- Nhìn mờ
- Tiết dịch nhầy từ mắt
- Tăng nhạy cảm ánh sáng
- Khó chịu khi chớp mắt
- Cộm mắt
Khi nào cần đi khám
Bạn nên đi khám nếu:
- Lẹo mắt tồn tại dài hơn một tuần
- Xuất hiện vấn đề về thị lực
- Lẹo trở nên đặc biệt đau đớn, chảy máu hoặc lan sang các bộ phận khác trên mặt
- Mí mắt hoặc mắt trở nên đỏ
Phân loại lẹo
Hầu hết lẹo hình thành ở bên ngoài mí mắt và có thể chuyển sang màu vàng và tiết ra mủ. Một số lẹo xuất hiện bên trong mí mắt và thường đau hơn.
Có hai loại chung của lẹo mắt:
Lẹo bên ngoài
Các lẹo bên ngoài nổi lên dọc theo mép ngoài của mí mắt. Chúng có thể chuyển sang màu vàng, chứa đầy mủ và đau khi chạm vào.
Nhiễm trùng ở các khu vực sau có thể gây ra lẹo bên ngoài:
- Nang lông mi: là các lỗ nhỏ trên da mà lông mi mọc ra.
- Tuyến bã nhờn: Tuyến này ở trong nang lông mi và tạo ra chất nhờn. Bã nhờn giúp bôi trơn lông mi và giúp mi không bị khô.
- Tuyến apocrine: Tuyến này cũng giúp lông mi không bị khô. Nó là tuyến mồ hôi đổ vào nang lông mi.
Lẹo bên trong
Gây sưng tấy bên trong mí mắt. Nói chung, lẹo bên trong đau hơn lẹo bên ngoài. Các bác sĩ cũng gọi chúng là lẹo trong và chúng thường xảy ra nhất do nhiễm trùng ở tuyến meibomian (tuyến bã nhờn mi mắt). Các tuyến này tạo ra chất tiết tạo lớp màng bao phủ mắt.
Bệnh nhân cũng có thể có cảm giác bỏng rát trong mắt, mí mắt bị bong tróc, ngứa ngáy trên nhãn cầu, nhạy cảm với ánh sáng, chảy nước mắt, cảm giác có vật lạ trong mắt và khó chịu khi chớp mắt.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ lẹo mắt
Thanh thiếu niên có xu hướng bị lẹo mắt phổ biến hơn, nhưng mọi lứa tuổi đều có thể bị lẹo. Những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ lẹo mắt:
- Sử dụng mỹ phẩm quá hạn sử dụng
- Không tẩy trang mắt trước khi đi ngủ
- Không khử trùng kính áp tròng trước khi đeo vào
- Thay kính áp tròng mà không rửa tay sạch
- Thiếu dinh dưỡng
- Thiếu ngủ
Mặc dù bệnh lẹo mắt không lây nhưng nếu một thành viên trong gia đình mắc bệnh lẹo mắt thì những người khác không nên dùng chung khăn mặt. Tránh tiếp xúc giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo vì có thể còn sót lại vi khuẩn trên khăn.
Đôi khi lẹo mắt xảy ra như một biến chứng của viêm bờ mi, viêm mí mắt
Nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra viêm bờ mi, nhưng đôi khi nó cũng có thể là biến chứng của bệnh rosacea, một tình trạng viêm da chủ yếu ở da mặt.
Điều trị lẹo mắt
Hầu hết lẹo sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, thuốc giảm đau có thể hữu ích nếu mụn lẹo gây đau đớn. Tốt nhất là không nên trang điểm mắt, thoa kem dưỡng hay đeo kính áp tròng cho đến khi mụn lẹo khỏi hoàn toàn.
Các bác sĩ cũng khuyến nghị các phương pháp điều trị sau:
Chườm ấm
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên nặn mụn lẹo mà hãy chườm ấm.
Một miếng gạc ấm chườm nhẹ nhàng lên mắt có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thải mủ dễ dàng hơn. Nước không được quá nóng. Nếu chườm cho người khác, bạn cần đặc biệt lưu ý để tránh chườm quá nóng hoặc chườm quá nhiều.
Bạn nên giữ băng ép vào mắt trong 10-15 phút, ba hoặc bốn lần mỗi ngày.
Ngay sau khi lẹo vỡ ra, các triệu chứng có xu hướng cải thiện nhanh chóng. Việc chườm không chỉ giúp giảm bớt cảm giác khó chịu mà còn có thể giúp mủ chảy ra ngoài.
Thuốc kháng sinh
Nếu lẹo vẫn còn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh dạng bôi hoặc nhỏ mắt. Còn nếu nhiễm trùng lan ra ngoài mí mắt, bạn có thể được kê đơn thuốc kháng sinh đường uống.
Các phương pháp điều trị khác
Khi lẹo bên ngoài gây đau nhiều, bác sĩ có thể cắt bỏ lông mi gần nó nhất và dẫn lưu mủ ra ngoài bằng cách dùng kim nhỏ chích. Thủ thuật này chỉ nên được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm. Nếu tình trạng không cải thiện, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ chuyên khoa, ví dụ như bác sĩ nhãn khoa.
Các biến chứng lẹo mắt
Mặc dù cực kỳ hiếm, đôi khi vẫn có thể xảy ra các biến chứng, bao gồm:
U nang tuyến bã nhờn mi mắt (meibomian)
U nang meibomian là u nang của các tuyến nhỏ nằm trong mí mắt. Các tuyến tiết ra chất nhờn gọi là bã nhờn ở rìa mí mắt. Lẹo dai dẳng bên trong mí mắt có thể phát triển thành u nang hoặc nốt sần, đặc biệt là nếu làm tắc nghẽn tuyến. Loại u nang này có thể điều trị dễ dàng và hiệu quả.
Viêm mô tế bào trước hoặc quanh hốc mắt
Viêm mô tế bào có thể xuất hiện nếu nhiễm trùng lan đến mô xung quanh mắt. Các lớp da xung quanh mắt bị viêm, khiến mí mắt sưng đỏ. Điều trị loại nhiễm trùng này bằng thuốc kháng sinh.
Mặc dù những biến chứng này có thể xảy ra, nhưng hầu hết các trường hợp lẹo sẽ khỏi với điều trị y tế tối thiểu.
Tổng kết
Mặc dù gây khó chịu và xuất hiện phổ biến, nhưng lẹo nhìn chung không phải là bệnh lý đáng lo ngại. Một số biến chứng liên quan đến lẹo có thể xảy ra, chẳng hạn như lẹo phát triển thành u nang hoặc nhiễm trùng lan rộng. Tuy nhiên, bác sĩ có thể điều trị cả những biến chứng hiếm gặp này.
Có một số yếu tố liên quan đến nguy cơ xuất hiện lẹo mắt, bao gồm thiếu ngủ hoặc sử dụng một số loại mỹ phẩm.
Các bác sĩ gợi ý rằng những người bị lẹo mắt có thể sử dụng các phương pháp điều trị tại, trong trường hợp mụn lẹo không khỏi thì có thể sử dụng thuốc kháng sinh.
Xem thêm: