10 biện pháp khắc phục chảy máu chân răng tại nhà hiệu quả nhất

Nếu nướu bị chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa, có thể nhiều người không để ý hoặc nghĩ rằng điều này là bình thường. Nhưng chảy máu từ nướu răng (hay còn gọi là chảy máu chân răng) có thể cho thấy một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Các yếu tố như đánh răng quá mạnh, chấn thương, mang thai và viêm nhiễm đều có thể là nguyên nhân gây chảy máu chân răng. Viêm nướu gây đỏ, sưng đau, và đây có thể là dấu hiệu của bệnh nha chu (viêm nướu hoặc viêm nha chu). Bệnh xảy ra khi răng miệng không được vệ sinh đúng cách.

Video Chảy máu chân răng là triệu chứng của bệnh lý răng miệng nào? Cách điều trị và ngăn ngừa là gì?

Xác định được nguyên nhân gây chảy máu chân răng là chìa khóa để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Sau khi biết nguyên nhân, chúng ta có thể lựa chọn trong số 10 cách sau để điều trị tình trạng này. 

1. Thực hành thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách 

Chảy máu chân răng có thể là hậu quả của việc vệ sinh răng miệng kém. 

Nướu bị viêm và chảy máu khi có mảng bám nằm dọc theo đường viền nướu. Mảng bám răng là một lớp màng dính có chứa vi khuẩn bao phủ răng và nướu. Và nếu không chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa đúng cách, vi khuẩn có thể lây lan gây sâu răng hoặc bệnh nướu răng.

Nguồn: Beyond Smile Dental ClinicVệ sinh răng miệng đúng cách đề phòng chảy máu chân răng

Để cải thiện vệ sinh răng miệng, hãy đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày 1 lần. Sau đây là các phương pháp khác để giữ cho răng khỏe mạnh. 

Vệ sinh răng miệng tốt đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Sự thay đổi của hóc-môn trong thai kỳ cũng có thể gây ra bệnh nướu răng và chảy máu chân răng.

2. Súc miệng bằng nước oxy già

Ngoài tác dụng là chất khử trùng như lâu nay chúng ta thường dùng, nước oxy già cũng có thể loại bỏ mảng bám, tăng cường sức khỏe của nướu và cầm máu nướu. Nếu nướu bị chảy máu, hãy súc miệng bằng nước oxy già sau khi đánh răng, nhưng không được nuốt. 

Viêm nướu là tình trạng nướu bị viêm nhiễm, hậu quả có thể gây chảy máu, sưng tấy và tụt nướu. Trong một nghiên cứu trên 99 người trưởng thành, một số người đã được cho súc miệng bằng nước oxy già để đánh giá hiệu quả của phương pháp này trong giảm viêm nướu và làm trắng răng. Nghiên cứu cho thấy nhóm súc miệng bằng nước oxy già ít bị viêm nướu hơn nhóm đối chứng. 

3. Bỏ thuốc lá

Ngoài việc làm tăng nguy cơ ung thư phổi, bệnh tim và đột quỵ, hút thuốc có liên quan đến bệnh nướu răng. Trên thực tế, hút thuốc là nguyên nhân chính gây ra bệnh nướu răng nghiêm trọng ở Hoa Kỳ (theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ). 

Hút thuốc có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại vi khuẩn mảng bám, và có thể dẫn đến bệnh nướu răng. 

Bỏ thuốc lá có thể giúp nướu răng lành và ngừng chảy máu. Hãy trao đổi với bác sĩ về phương pháp tốt nhất giúp bỏ thuốc lá. 

4. Giảm căng thẳng

Một nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa bệnh nha chu và căng thẳng cảm xúc. Theo các nhà nghiên cứu, căng thẳng cảm xúc có tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch. Điều này có thể làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể đến mức không thể chống lại nhiễm trùng nướu. Tuy nhiên, cần phải có những nghiên cứu thêm để xác định mức độ căng thẳng có thể kích hoạt sự khởi phát của bệnh này. 

Người ta tin rằng căng thẳng cảm xúc cũng có thể khiến một số người không quan tâm đến sức khỏe răng miệng của họ, điều này có thể góp phần làm tích tụ mảng bám. 

5. Tăng cường bổ sung vitamin C

Nguồn: HelobacsiTăng cường bổ sung vitamin C ngăn ngừa chảy máu chân răng Ăn thực phẩm giàu vitamin C có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp chống lại nhiễm trùng nướu răng gây chảy máu chân răng. 

Ngược lại, không bổ sung đủ vitamin C trong chế độ ăn uống có thể làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu nếu bị bệnh nướu răng. Trên thực tế, sự thiếu hụt vitamin C cũng có thể dẫn đến chảy máu chân răng ngay cả khi thực hành các thói quen răng miệng tốt. 

Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: 

  • Cam
  • Khoai lang
  • Ớt đỏ
  • Cà rốt

Là một chất chống oxy hóa mạnh, vitamin C tăng cường mô liên kết và bảo vệ niêm mạc nướu răng, vì vậy cần đảm bảo cung cấp đủ vitamin C mỗi ngày. Lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày cho người lớn là từ 65 đến 90 miligam mỗi ngày. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp bổ sung vitamin C. 

6. Tăng cường bổ sung vitamin K

Nguồn: HelobacsiTăng cường bổ sung vitamin K để ngăn ngừa chảy máu chân răngUống bổ sung vitamin K cũng có thể làm giảm chảy máu chân răng. Vitamin K là một chất dinh dưỡng quan trọng vì giúp quá trình đông máu. Sự thiếu hụt có thể gây tăng chảy máu, và một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nó có thể dẫn đến chảy máu nướu. 

Thực phẩm giàu vitamin K bao gồm:

  • Rau chân vịt
  • Bắp cải xanh (cùng họ với cải xoăn)
  • Cải xoăn
  • Rau cải bẹ

Các nghiên cứu khuyến cáo rằng nam giới trưởng thành nên bổ sung 120 microgam và phụ nữ cần bổ sung 90 microgam vitamin K mỗi ngày. 

7. Chườm lạnh

Chảy máu chân răng không chỉ do bệnh nướu răng gây ra, mà còn có thể do các nguyên nhân chấn thương. 

Một miếng gạc lạnh áp vào đường viền nướu có thể làm giảm sưng và cầm máu. Chườm một túi đá hoặc một miếng vải lạnh lên nướu nhiều lần một ngày, mỗi lần 20 phút sau đó nghỉ 20 phút. 

8. Giảm ăn đồ tinh bột/đường

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng giảm lượng bột/ đường hấp thu hàng ngày cũng có thể cải thiện sức khỏe nướu răng và ngăn ngừa bệnh nướu răng. Thực phẩm có nhiều tinh bột và đường tăng tạo mảng bám và làm tăng sự phát triển của vi khuẩn. Càng nhiều mảng bám tích tụ trên nướu, càng dễ bị chảy máu nướu. 

Mặc dù đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên có thể làm giảm sự tích tụ này, nhưng cắt giảm lượng bột/ đường giúp ngăn ngừa sự hình thành mảng bám. 

9. Uống trà xanh

Uống trà xanh hàng ngày cũng có thể đẩy lùi bệnh nha chu và cầm máu nướu răng. Trà xanh có chứa catechin (EGCG), một chất chống oxy hóa tự nhiên có thể làm giảm phản ứng viêm của cơ thể đối với vi khuẩn trong miệng. 

Một nghiên cứu từ 940 nam giới đã phân tích hiệu quả của trà xanh trong việc cải thiện sức khỏe nha chu. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra độ sâu túi nha chu của những người tham gia trước và sau khi uống trà xanh, cũng như bất kỳ sự tổn thương nào của mô nướu và tỷ lệ chảy máu nướu. Dựa trên kết quả, các nhà nghiên cứu kết luận rằng một người uống càng nhiều trà xanh, sức khỏe nha chu của họ càng tốt. 

Lượng trà xanh được khuyến nghị hàng ngày là 3-4 ly, mặc dù một số nhà nghiên cứu tin rằng bạn cần uống tới 10 ly mỗi ngày. 

10. Súc miệng bằng nước muối

Vi khuẩn và tình trạng viêm nhiễm trong miệng gây ra các bệnh về nướu, nên thường xuyên súc miệng bằng hỗn hợp nước muối ấm cũng có thể làm giảm vi khuẩn và cầm máu nướu. 

Pha nửa thìa cà phê muối vào một cốc nước ấm và súc miệng trong vài giây từ 3 đến 4 lần một ngày. Nếu chảy máu do chấn thương, súc miệng bằng dung dịch nước muối cũng giúp miệng sạch sẽ và loại bỏ vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng vết thương. 

Khi nào cần đi khám?

Đi khám nha sĩ nếu tình trạng chảy máu nướu không cải thiện trong vòng 7 đến 10 ngày. Bác sĩ sẽ vệ sinh răng miệng kĩ càng để loại bỏ mảng bám, cao răng và thúc đẩy quá trình lành thương nướu.

Nha sĩ cũng có thể yêu cầu làm một số xét nghiệm để kiểm tra xem người bệnh có bị thiếu hụt vitamin có thể gây chảy máu nướu hay không.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!