Ngăn ngừa sâu răng ở trẻ nhỏ

Răng sữa rất quan trọng. Ngoài việc thực hiện chức năng ăn nhai, răng sữa còn có vai trò giữ khoảng và định hướng quá trình mọc cho răng vĩnh viễn. Nếu răng sữa bị mất quá sớm, các răng còn lại có thể di chuyển và không chừa chỗ cho răng vĩnh viễn mọc sau này. Sâu răng là một bệnh mãn tính phổ biến nhất ở trẻ em. Sâu răng nếu không được ngăn ngừa có thể gây tốn kém chi phí điều trị, đau nhức và nhiễm trùng - ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Video cách phòng ngừa và điều trị sâu răng cho trẻ 

Nên bắt đầu những thói quen răng miệng lành mạnh từ sớm vì sâu răng có thể phát triển ngay khi chiếc răng đầu tiên vừa mới mọc. Dưới đây là thông tin dành cho bố mẹ và những ai chăm sóc trẻ từ Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ về nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa sâu răng

Nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Dấu hiệu đầu tiên của sâu răng có thể xuất hiện dưới dạng các đốm trắng ở viền nướu trên răng cửa trên. (nguồn: pediatricdentistsf.dentis)Dấu hiệu đầu tiên của sâu răng có thể xuất hiện dưới dạng các đốm trắng ở viền nướu trên răng cửa trên. (nguồn: pediatricdentistsf.dentis)

Mảng bám răng là một lớp màng dính, phủ trên bề mặt răng, được tạo thành từ vi khuẩn, các mảnh thức ăn và nước bọt. 

Trẻ mắc sâu răng là do axit của vi khuẩn có trong mảng bám phá hủy cấu trúc răng. Bố mẹ và người chăm sóc trẻ có thể truyền vi khuẩn cho trẻ nhỏ qua nước bọt. Ví dụ, vi khuẩn lây lan khi dùng chung nước bọt trên thìa hoặc cốc, thử thức ăn trước khi cho trẻ ăn...

Trẻ cũng có thể bị sâu răng khi răng và nướu tiếp xúc với bất kỳ chất lỏng hoặc thức ăn nào khác ngoài nước trong thời gian dài hoặc thường xuyên trong ngày. Đường có trong chất lỏng hoặc thực phẩm sẽ bị vi khuẩn trong miệng biến đổi thành axit. Sau đó, axit này sẽ hòa tan phần bên ngoài của răng, khiến răng bị sâu.

Phổ biến nhất là bố mẹ thường cho con đi ngủ với một bình sữa, nước trái cây, đồ uống có đường; hoặc ngậm thường xuyên các loại này trong ngày. Chỉ nên cho trẻ uống sữa trong bữa ăn và nhớ là không nên uống suốt cả ngày hay vào giờ ngủ trưa hoặc trước khi đi ngủ. Mặc dù việc cho con bú mẹ kéo dài và thường xuyên không gây sâu răng, nhưng tất cả các bà mẹ đang cho con bú cần lưu ý và tuân thủ các khuyến nghị về vệ sinh răng miệng, bổ sung fluor, chăm sóc răng miệng dự phòng và chế độ ăn uống lành mạnh. 

Dấu hiệu sâu răng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Dấu hiệu đầu tiên của sâu răng có thể xuất hiện dưới dạng các đốm trắng ở viền nướu trên răng cửa trên. Ban đầu khó có thể nhìn thấy những đốm này – ngay cả đối với nha sĩ – nếu không có thiết bị thích hợp. Trẻ bị sâu răng cần được thăm khám và điều trị sớm để ngăn chặn tình trạng sâu răng tiến triển nặng hơn. 

Cách phòng ngừa sâu răng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Từ 0 – 12 tháng, giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách lau nhẹ nướu bằng khăn sạch. (nguồn: parentlane.com)Từ 0 – 12 tháng, giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách lau nhẹ nướu bằng khăn sạch. (nguồn: parentlane.com)Thực hiện các bước sau để ngăn ngừa sâu răng:
Chăm sóc tốt sức khỏe răng miệng của bạn ngay cả trước khi sinh em bé. Bạn nên đến gặp nha sĩ để được chăm sóc răng miệng khi đang mang thai.

Cho dù chọn cho con bú sữa mẹ hay bú bình, điều quan trọng là phải chăm sóc răng miệng cho trẻ.

  • 0 – 12 tháng: Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách lau nhẹ nướu bằng khăn sạch. Khi trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên, hãy nhẹ nhàng chải bằng bàn chải đánh răng lông mềm dành cho trẻ em. 
  • 12 – 36 tháng: Đánh răng cho trẻ 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 2 phút. Sử dụng một ít kem đánh răng có chứa fluor. Thời điểm tốt nhất để chải răng là sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ tối.

Không bao giờ cho trẻ ngậm bình sữa hay thức ăn khi đi ngủ. Điều này không chỉ khiến răng của trẻ tiếp xúc với đường mà còn có thể khiến trẻ có nguy cơ bị nhiễm trùng tai và nghẹt thở.

Nếu trẻ muốn ngậm bình sữa giữa các bữa ăn, hãy chỉ đổ đầy nước vào bình.

Kiểm tra xem nước máy nơi bạn ở có được bổ sung fluor không. Trẻ sẽ được hưởng lợi khi uống nước có chứa fluor. Nếu nước sinh hoạt không chứa fluor, thì nha sĩ có thể dự phòng/điều trị sâu răng bằng bôi kem, gel có chứa fluor lên răng của trẻ.

Dạy trẻ uống bằng cốc thông thường càng sớm càng tốt, tốt nhất là khi trẻ từ 12 – 15 tháng tuổi. Uống bằng cốc ít có khả năng khiến chất lỏng đọng lại quanh răng. Ngoài ra, trẻ cũng không thể ngậm cốc khi đi ngủ như với bình sữa.

Hạn chế số lượng thức ăn ngọt, có đường hoặc dính mà trẻ ăn (như bánh, kẹo, kẹo dẻo, khoai tây chiên, kem…).

Chỉ cho uống nước trái cây trong bữa ăn hoặc hoàn toàn không uống nước trái cây. Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ không khuyến nghị nước trái cây cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Với trẻ 6 – 12 tháng, chỉ nên giới hạn 150 ml mỗi ngày và pha loãng với nước (tỉ lệ 1 : 1). Đối với trẻ em từ 1 – 6 tuổi, bất kỳ loại nước trái cây nào cũng chỉ nên giới hạn từ 150 – 250 ml mỗi ngày.

Trước 1 tuổi hãy cho trẻ đi khám nha sĩ lần đầu tiên. Nha sĩ có thể khám, bôi gel/kem chứa fluor và tư vấn cho bạn về cách giữ cho bộ răng của trẻ được khỏe mạnh. 

Kết luận

Sâu răng là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng có thể phòng ngừa được. Hãy trao đổi với nha sĩ nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu sâu nào trên răng của trẻ hoặc nếu bạn có thắc mắc gì về sức khỏe răng miệng của trẻ. Nếu được chăm sóc đúng cách, trẻ có thể lớn lên với một hàm răng khỏe mạnh.

Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị rằng:

  • Tất cả trẻ em nên được đi khám nha sĩ sớm nhất là lúc 6 tháng tuổi và được đánh giá rủi ro sức khỏe răng miệng, bôi gel/kem fluor định kỳ từ khi chiếc răng đầu tiên nhú lên cho đến khi trẻ 5 tuổi.
  • Tất cả trẻ em trong những năm đầu chập chững biết đi phải được khám răng miệng ban đầu kỹ lưỡng và chăm sóc răng miệng thường xuyên bất cứ khi nào có thể.
  • Cha mẹ nên hạn chế số lần tiếp xúc với thức ăn và đồ uống, chia bữa ăn trong ngày thành 3 bữa chính và 2 bữa phụ (với các thực phẩm lành mạnh và hạn chế nước trái cây). Việc thường xuyên tiếp xúc với đường trong thức ăn và đồ uống khiến trẻ dễ bị sâu răng.
  • Cha mẹ nên đánh răng cho trẻ bằng kem đánh răng có chứa fluor với hàm lượng phù hợp theo độ tuổi

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!