Video: tác hại của sâu răng ở trẻ em
Nguyên nhân gây sâu răng ở trẻ em
sâu răng là do hoạt động của một số loài vi khuẩn sống trong mảng bám răng. Vi khuẩn trong mảng bám có thể chuyển đổi đường có trong thức ăn thành axit. Nếu mảng bám tích tụ theo thời gian, các axit này có thể ăn mòn mô cứng của răng.
Mảng bám răng là một lớp màng dính, phủ trên bề mặt răng, được tạo thành từ vi khuẩn, các mảnh thức ăn và nước bọt. Nguyên nhân gây- Trẻ thường mắc sâu răng do đánh răng không đúng cách.
Đánh răng thường xuyên và dùng chỉ nha khoa có thể ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám. Trẻ em nên đánh răng ít nhất 2 phút 2 lần một ngày. Tuy nhiên, một số trẻ chỉ chải răng 1 lần một ngày. Hoặc tệ hơn, không chải hoàn toàn. Trẻ em không thể tự chải răng cho đến khi được khoảng 6 tuổi. Quan trọng là người lớn phải đánh răng cho trẻ hoặc giám sát việc đánh răng của trẻ cho đến khi trẻ đủ lớn để thực hiện một cách thuần thục.
Ngoài ra, một số trẻ không dùng chỉ nha khoa hay các biện pháp để vệ sinh kẽ răng. Sâu răng cũng có thể phát triển khi mảng bám và các mảnh thức ăn không được loại bỏ khỏi kẽ răng. Dùng chỉ nha khoa có thể rất khó đối với trẻ em, vì vậy một lần nữa cha mẹ cần giúp đỡ trẻ trong bước quan trọng này.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng vệ sinh răng miệng tốt bao gồm việc kiểm tra răng miệng thường xuyên. Tương tự như ở người lớn, bạn nên cho con mình đi khám nha sĩ 6 tháng một lần. Vì răng sữa đầu tiên thường mọc vào khoảng 6 tháng tuổi, nên hãy cho bé đi khám nha khoa đầu tiên ngay sau khi chiếc răng đầu tiên xuất hiện.
- Vệ sinh răng miệng kém không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sâu răng - chế độ ăn uống cũng đóng một vai trò quan trọng. Vì vậy, nguy cơ sâu răng sẽ cao hơn nếu trẻ ăn nhiều đồ ngọt hoặc thực phẩm chứa nhiều tinh bột có khả năng lưu lại trên bề mặt răng cao như: kem, bánh ngọt, kẹo, bánh quy giòn, khoai tây chiên…
- Và mặc dù cần phải nghiên cứu thêm, một số người có thể dễ bị sâu răng di truyền do cấu trúc men và ngà răng mềm hơn.
Nhận biết sâu răng ở trẻ em
Không phải lúc nào sâu răng cũng gây đau nên việc nhận biết sâu răng có thể khó khăn. Các dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị sâu răng bao gồm:
- Đốm đen trên răng
- Đốm trắng trên răng
- Quấy khóc
- Nhạy cảm với thức ăn hoặc đồ uống lạnh
- Sưng miệng
- Tránh thức ăn
Nếu nghi ngờ trẻ bị sâu răng, hãy đưa trẻ tới nha sĩ. Họ có thể kiểm tra răng của trẻ để tìm các dấu hiệu sâu và sau đó đưa ra đề nghị điều trị thích hợp dựa trên mức độ sâu răng.
Điều trị sâu răng ở trẻ em
Ngoài việc giúp trẻ nhai và nói thì răng sữa còn có vai trò giữ khoảng mọc răng cho răng vĩnh viễn. Do đó việc mất răng sữa rất quan trọng vì nếu xảy ra sớm có thể khiến răng vĩnh viễn mọc không đúng cách.
Trong trường hợp sâu răng sữa nặng, nha sĩ có thể khuyên nên bọc mão răng, thường bằng kim loại. Đôi khi, nếu răng bị hư hỏng nặng hoặc bị nhiễm trùng, răng sữa có thể cần được nhổ. Nếu nha sĩ nhổ răng, họ sẽ khuyên giữ cho khoảng trống được mở bằng các khí cụ để duy trì khoảng trống, giúp răng vĩnh viễn mọc đúng cách.
Tất nhiên, để trẻ nhỏ chịu làm thủ thuật nha khoa là một thách thức. Đối với trường hợp cần thiết, nha sĩ sẽ sử dụng oxit nitơ (khí cười) để giúp trẻ thư giãn trong quá trình này. Các nha sĩ vẫn phải tiêm thuốc gây tê cho trẻ, nhưng khí cười thường làm cho việc này dễ dàng hơn nhiều.
Nếu trẻ bị sâu răng nhiều, nha sĩ có thể khuyên nên chia nhỏ các cuộc hẹn. Mặc dù điều này có nghĩa là bố mẹ phải đi lại nhiều hơn, nhưng có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái vì không phải ngồi trên ghế nha trong một thời gian dài.
Một số trường hợp đặc biệt cần được gây mê toàn thân, ví dụ như trẻ còn rất nhỏ, khó nằm yên và bị sâu răng nghiêm trọng.
Phòng ngừa ngừa sâu răng ở trẻ em
Cách tốt nhất để ngăn ngừa sâu răng ở trẻ là dạy trẻ cách vệ sinh răng miệng tốt. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn, giám sát chặt chẽ từ bố mẹ để đảm bảo trẻ biết kỹ thuật thích hợp và chải đủ thời gian khuyến nghị. Trẻ nên đánh răng 2 lần một ngày và dùng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần 1 ngày. Nên dùng chỉ nha khoa trước khi đánh răng. Ngoài ra, bố mẹ hãy cho trẻ đi khám răng miệng 6 tháng một lần.
Đối với trẻ sơ sinh, ngay cả khi chưa mọc răng thì miệng của trẻ vẫn có nhiều vi trùng. Vì vậy đừng quên chăm sóc răng miệng cho trẻ sơ sinh! Bố mẹ hãy lau nướu của trẻ bằng khăn mềm sau mỗi lần bú và chải răng nhẹ nhàng 2 lần 1 ngày với lượng kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Nếu trẻ thích ăn ngọt, hãy đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn để thỏa mãn cơn thèm ăn của trẻ và duy trì sức khỏe răng miệng tốt. Các lựa chọn thay thế cho bánh ngọt, kem, bánh quy hoặc kẹo bao gồm:
Trái cây có hàm lượng đường thấp (quả mâm xôi, quả việt quất và quả mâm xôi)
- Hỗn hợp các loại hạt
- Sữa chua
- Phô mai que
- Trái cây khô không thêm đường
- Cà rốt
- Bánh granola
Kết luận
Sâu răng là một trong những vấn đề răng miệng phổ biến nhất ở trẻ em. Vì vậy, điều quan trọng là phải nhận ra các dấu hiệu ban đầu của bệnh và đưa trẻ đi khám nha sĩ. Trám răng có thể ngăn ngừa sâu răng trở nên trầm trọng hơn, giúp bảo vệ răng của trẻ. Để ngăn ngừa sâu răng, hãy hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt nhiều đường và dạy trẻ cách vệ sinh răng miệng đúng cách.
Xem thêm: