Video: vai trò của tụy trong cơ thể
Tuyến tụy đóng một vai trò kép trong các chức năng cơ thể:
- Hệ thống nội tiết: Tuyến tụy tiết ra các hormone, bao gồm các hormone điều hòa lượng đường trong máu: insulin và glucagon.
- Hệ thống ngoại tiết: Tuyến tụy cũng tiết ra các enzym bài xuất vào đường tiêu hóa thông qua một ống dẫn vào tá tràng.
Chức năng của tuyến tụy là gì?
Chức năng nội tiết
Là một phần của hệ thống nội tiết, tuyến tụy tiết ra hai hormone chính quan trọng để điều chỉnh nồng độ glucose (còn được gọi là lượng đường máu):
- Insulin: Tuyến tụy tiết ra hormone này để giảm lượng glucose máu khi nồng độ của nó quá cao.
- Glucagon: Tuyến tụy tiết ra hormone này để tăng lượng glucose trong máu khi nồng độ của nó quá thấp.
Mức đường máu cân bằng đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của gan, thận và thậm chí cả não của bạn. Việc tiết đủ các hormone này rất quan trọng đối với nhiều hệ thống cơ quan, như hệ thần kinh và hệ tim mạch của bạn.
Chức năng ngoại tiết
Là một phần của hệ thống ngoại tiết, tuyến tụy tiết ra các enzym phối hợp hoạt động với mật từ gan và túi mật để phân hủy thức ăn, giúp cho việc tiêu hóa và hấp thụ dễ dàng hơn.
Các enzym tiêu hóa do tuyến tụy sản xuất bao gồm:
- Lipase để tiêu hóa chất béo
- Amylase để tiêu hóa carbohydrate
- Chymotrypsin và trypsin để tiêu hóa protein
Tuyến tụy là hoạt động mạnh khi thức ăn vào trong dạ dày:
- Tuyến tụy sản xuất các enzym ngay khi thức ăn đến dạ dày.
- Các enzym này di chuyển qua một loạt các ống dẫn cho đến khi chúng đến ống tụy chính.
- Ống tụy chính gặp ống mật chủ - mang mật từ túi mật và gan đến tá tràng. Điểm gặp gỡ này được gọi là bóng Vater.
- Mật từ túi mật và các enzym từ tuyến tụy được giải phóng vào tá tràng giúp tiêu hóa chất béo, carbohydrate và protein để chúng có thể được hệ thống tiêu hóa hấp thụ.
Những bệnh lý nào ảnh hưởng đến tuyến tụy?
Tiểu đường (hay đái tháo đường) là một trong những bệnh lý được biết đến nhiều nhất do rối loạn chức năng hệ thống nội tiết.
Với một số loại bệnh tiểu đường, tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để duy trì nồng độ đường máu, từ đó có thể gây ra các biến chứng khắp cơ thể như:
- Cảm thấy khát nhiều
- Cảm thấy kiệt sức mà không rõ nguyên nhân
- Sút cân khi không thay đổi chế độ ăn uống hoặc tập thể dục
- Đi tiểu thường xuyên
- Mờ mắt
- Cảm giác ngứa ran ở bàn tay và bàn chân
- Sưng hoặc nhạy cảm ở nướu răng
Các bệnh lý khác có thể ảnh hưởng đến tuyến tụy của bạn là:
- Viêm tụy: Tình trạng viêm tụy này là do các enzym bắt đầu hoạt động sớm trong tuyến tụy, trước khi chúng được tiết vào tá tràng. Viêm tụy cấp tính thường gặp nhất là do sỏi mật làm tắc ống tụy chính hoặc do uống quá nhiều rượu. Tình trạng này có thể chỉ diễn ra trong vài ngày nhưng nó cũng có thể trở thành mạn tính, kéo dài hàng năm. Viêm tụy có thể gây ra nhiều triệu chứng, gồm đau bụng, sốt và nôn mửa.
- Ung thư tuyến tụy: Bệnh lý này là do các tế bào ung thư phát triển trong tuyến tụy. Các loại ung thư tuyến tụy nguyên phát gồm cả loại ảnh hưởng đến tuyến tụy nội tiết lẫn tụy ngoại tiết và ung thư hạch trong tụy. Ung thư ở cơ quan lân cận với tuyến tụy, như tá tràng hoặc gan, cũng có thể xâm lấn tuyến tụy. Ban đầu có thể khó phát hiện ung thư tuyến tụy vì tuyến tụy nằm khuất sau một số cơ quan lớn, có thể khiến bác sĩ khó xác định khối u bằng khám lâm sàng hoặc chẩn đoán hình ảnh. Ngoài ra, các triệu chứng có thể không có ở giai đoạn đầu của bệnh.
Ngăn ngừa bệnh lý tuyến tụy
Để ngăn ngừa viêm tụy cũng như các bệnh lý liên quan đến rối loạn chức năng tuyến tụy, bạn hãy thực hiện theo các cách dưới đây:
- Duy trì chế độ ăn uống ít chất béo: Chất béo và cholesterol có thể góp phần vào sự phát triển của sỏi mật, có thể dẫn đến viêm tụy. Nồng độ chất béo trung tính (tryglyceride) rất cao trong máu có thể gây viêm tụy. Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau, đặc biệt là bông cải xanh, súp lơ trắng hoặc bắp cải. Tránh ăn quá nhiều thức ăn chiên rán hoặc các sản phẩm từ sữa giàu chất béo.
- Giảm cân và giữ dáng: Tập thể dục thường xuyên (20 đến 30 phút mỗi ngày) và duy trì cân nặng hợp lý để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và sỏi mật có thể dẫn đến viêm tụy cũng như cải thiện sức khỏe thể chất tổng thể của bạn.
- Đừng tuân theo các kế hoạch ăn kiêng hứa hẹn giảm cân nhanh chóng: Gan của bạn có thể tích tụ nhiều chất béo khi bạn tuân theo các chế độ ăn kiêng khắc nghiệt này, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển sỏi mật.
- Đừng uống quá nhiều rượu: Rượu được biết đến là nguy cơ gây viêm tụy và ung thư tuyến tụy.
- Không hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác: Bất kỳ loại sản phẩm thuốc lá nào cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư trong cơ thể, bao gồm cả tuyến tụy: Từ 20 đến 30% các trường hợp ung thư tuyến tụy có liên quan đến việc sử dụng thuốc lá.
- Đi khám sức khỏe thường xuyên: Ung thư tuyến tụy khó phát hiện ở giai đoạn đầu: Nếu bạn có nhiều nguy cơ cao mắc ung thư, hãy thường xuyên khám kiểm tra định kỳ hàng năm để phát hiện sớm ung thư tuyến tụy trước khi các tế bào ung thư phát triển và di căn.
Bạn có thể sống mà không có tuyến tụy?
Có, bạn có thể sống mà không có tuyến tụy. Nhiều ca phẫu thuật tuyến tụy hiện đại không không cần phải cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy. Ngay cả khi không có tuyến tụy, bạn vẫn có thể điều chỉnh lối sống để bù đắp cho sự thiếu hụt hormone cũng như sản xuất và bài tiết enzyme.
Nếu không có tuyến tụy, bạn sẽ mắc bệnh tiểu đường vì cơ thể thiếu insulin. Do đó, bạn sẽ cần thực hiện một hoặc nhiều biện pháp sau:
- Uống viên thay thế enzyme
- Tiêm insulin dưới da
- Tuân theo chế độ ăn kiêng dành cho bệnh nhân tiểu đường
- Luyện tập thể dục đều đặn
Kết luận
Tuyến tụy là một cơ quan quan trọng với cả chức năng nội tiết và ngoại tiết.
Nếu không có nó, cơ thể bạn không thể duy trì tốt nhiều cơ quan quan trọng. Hãy giữ cho tụy khỏe mạnh bằng cách chăm sóc cơ thể và thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng thể.
Xem thêm: