Một số trường hợp nhẹ tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng viêm tụy cấp nặng có thể gây ra các biến chứng dẫn đến tử vong. Tỷ lệ tử vong dao động từ dưới 5% đến hơn 30% tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và ảnh hưởng tới các cơ quan khác.
Video: Bệnh viêm tụy cấp: Diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao
Viêm tụy cấp tính được ước tính gặp với tỉ lệ từ 4,5 – 35/100.000 dân mỗi năm. Tuy nhiên, con số này có thể không bao gồm nhiều trường hợp nhẹ tự khỏi mà không được chẩn đoán hoặc điều trị. Mỗi năm có275.000 trường hợp nhập viện vì viêm tụy cấp ở Hoa Kỳ.
Tuyến tụy là một tuyến dài, phẳng nằm phía sau dạ dày ở vùng bụng trên. Nó tạo ra các enzym tiêu hóa và hormone điều chỉnh nồng độ glucose máu, như insulin.
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tụy là sỏi mật, nhưng sự gia tăng lạm dụng rượu có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ mắc bệnh. Rượu hiện là nguyên nhân gây ra khoảng 30% các trường hợp.
Viêm tụy cấp khởi phát đột ngột, nhưng viêm tụy mạn tính hay tái phát hoặc dai dẳng. Bài viết này sẽ tập trung vào viêm tụy cấp.
Thông tin nhanh về viêm tụy cấp
- Viêm tụy được chia thành các loại cấp tính và mạn tính.
- Tuyến tụy thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có sản xuất các enzym tiêu hóa.
- Các triệu chứng thường gặp là đau ở giữa bụng trên, nôn mửa và tiêu chảy.
- Các nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tụy cấp là sỏi mật và uống rượu nhiều.
Triệu chứng của viêm tụy cấp
Thông thường người bệnh sẽ cảm thấy đau đột ngột ở trung tâm vùng bụng trên, phía dưới xương ức.
Hiếm khi cơn đau đầu tiên được cảm nhận ở vùng bụng dưới. Nó sẽ dần trở nên dữ dội hơn cho đến khi cảm thấy đau liên tục.
Đau có thể tăng lên và trở nên nghiêm trọng. Một nửa các trường hợp, cơn đau lan ra phía sau. Ăn uống có thể làm cơn đau trầm trọng hơn.
Viêm tụy do sỏi mật sẽ phát triển rất nhanh. Khi nguyên nhân là do rượu, các triệu chứng phát triển chậm hơn, kéo dài trong vài ngày.
Cúi người về phía trước hoặc nằm tư thế bào thai (cuộn tròn người) có thể giúp giảm đau một chút. Bất kỳ ai bị đau liên tục nên đi khám ngay.
Các triệu chứng sau cũng có thể xuất hiện:
- Nôn mửa
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Ăn mất ngon
- Mạch nhanh
- Đau khi ho, cử động mạnh và thở sâu
- Đau khi chạm vào bụng
- Sốt và nhiệt độ thấp nhất là 38 ° C
- Vàng da (da và lòng trắng của mắt có màu hơi vàng)
- Cơn đau không thể thuyên giảm ngay cả với thuốc giảm đau mạnh
- Huyết áp có thể giảm hoặc tăng, nhưng sẽ giảm khi bệnh nhân đứng, đôi khi gây ngất xỉu.
Điều trị viêm tụy cấp
Điều trị viêm tụy cấp sẽ tùy thuộc vào mức độ nhẹ hay nghiêm trọng. Trong trường hợp nhẹ, nguy cơ biến chứng là thấp. Trong trường hợp nghiêm trọng, nguy cơ là đáng kể.
Điều trị viêm tụy cấp nhẹ
Điều trị nhằm mục đích duy trì chức năng cơ thể và giảm bớt các triệu chứng trong khi đợi tuyến tụy tự phục hồi.
Phương pháp sẽ bao gồm:
- Thuốc giảm đau: Viêm tụy cấp nhẹ có thể đau vừa hoặc nặng.
- Ống thông dạ dày: Giúp loại bỏ dịch và khí dư thừa trong dạ dày để giảm nôn và buồn nôn
- Nhịn ăn uống: Đường tiêu hóa sẽ cần nghỉ ngơi trong vài ngày, vì vậy người bệnh sẽ không dùng bất kỳ thức ăn hoặc thức uống nào bằng đường uống cho đến khi tình trạng của họ được cải thiện.
- Ngăn ngừa mất nước: Mất nước thường đi kèm với viêm tụy và nó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và biến chứng. Dịch thường được cung cấp qua đường tĩnh mạch trong 24-48 giờ đầu tiên.
Người bệnh thường có thể về nhà sau khoảng 5 đến 7 ngày.
Điều trị viêm tụy cấp nặng
Trong viêm tụy cấp nặng, thường có một số mô bị chết hoặc hoại tử. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết - một tình trạng nhiễm trùng nặng do vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Nhiễm trùng huyết có thể dẫn đến tổn thương hoặc suy đa cơ quan.
Viêm tụy cấp nặng cũng có thể gây sốc giảm thể tích. Mất máu và dịch nghiêm trọng có thể khiến tim không thể bơm đủ máu cho cơ thể. Các cơ quan có thể bị thiếu oxy nhanh chóng. Đây là một tình huống nguy hiểm đến tính mạng.
Điều trị loại viêm tụy này bao gồm:
- Điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU): Tiêm thuốc kháng sinh nhằm mục đích ngăn chặn nhiễm trùng nào phát triển trong mô hoại tử.
- Dịch truyền tĩnh mạch: Giúp bù dịch và ngăn ngừa sốc giảm thể tích.
- Hỗ trợ thở: Thiết bị thông khí sẽ giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn.
- Ống cho ăn: Những ống này cung cấp dinh dưỡng khi thích hợp. Trong những trường hợp này, cho ăn sớm sẽ cải thiện kết quả điều trị.
- Phẫu thuật: Trong một số trường hợp, mô hoại tử có thể cần được phẫu thuật cắt bỏ.
Bệnh nhân sẽ ở lại ICU cho đến khi không còn nguy cơ suy nội tạng, sốc giảm thể tích và nhiễm trùng huyết.
Điều trị sỏi mật
Nếu sỏi mật gây ra viêm tụy cấp, bệnh nhân có thể được phẫu thuật hoặc nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP - endoscopic retrograde cholangiopancreatography) sau khi tình trạng của họ được cải thiện.
Sau khi loại bỏ sỏi mật, bệnh nhân có thể được khuyên tuân theo một chế độ ăn uống đặc biệt để giảm cholesterol trong máu vì lượng cholesterol dư thừa sẽ tạo điều kiện hình thành sỏi mật.
Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ khuyến nghị phẫu thuật cắt bỏ túi mật của bất kỳ bệnh nhân nào bị viêm tụy do sỏi mật.
Điều trị lạm dụng rượu
Nếu các bác sĩ xác định rằng lạm dụng rượu là nguyên nhân cơ bản của viêm tụy cấp, bệnh nhân có thể được cung cấp một chương trình điều trị cho việc lạm dụng rượu.
Nguyên nhân của viêm tụy cấp
Sỏi mật, nhiễm trùng và lạm dụng rượu là những nguyên nhân phổ biến của viêm tụy cấp.
Lạm dụng rượu
Những người uống rượu trong nhiều năm có thể bị viêm tụy. Tiêu thụ nhiều rượu dường như có liên quan đến khả năng cao bị viêm tụy mạn tính.
Trypsin là một loại enzym tiêu hóa được sản xuất trong tuyến tụy ở dạng không hoạt động.
Lạm dụng rượu có thể khiến trypsin trở nên hoạt động khi nó vẫn còn bên trong tuyến tụy nhưng các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được lý do.
Các nhà nghiên cứu tin rằng các phân tử ethanol ảnh hưởng đến các tế bào tuyến tụy, khiến chúng kích hoạt trypsin sớm.
Sỏi mật
Sỏi mật là những khối nhỏ, trông giống như viên sỏi phát triển trong túi mật, thường do có quá nhiều cholesterol trong mật.
Đôi khi, sỏi mật có thể bị mắc kẹt khi chúng thoát ra khỏi đường mật và vào ruột.
Sự tắc nghẽn này cũng sẽ ảnh hưởng đến tuyến tụy và ngăn nó giải phóng các enzym vào ruột.
Nếu viêm tụy cấp có liên quan đến sỏi mật, việc cắt bỏ túi mật thường được khuyến cáo trước khi bệnh nhân xuất viện.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng do vi khuẩn có thể dẫn đến viêm tụy cấp tính, bao gồm Salmonellosis - một loại ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella gây ra, hoặc bệnh Legionnaires - một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Legionella pneumophila có trong đường ống dẫn nước, vòi hoa sen và bể chứa nước.
Viêm tụy cấp tính cũng có thể do một số loại virus gây ra, chẳng hạn như viêm gan B, quai bị, coxsackievirus, cytomegalovirus và varicella-zoster virus.
Các nguyên nhân khác có thể là:
- Một số tình trạng tự miễn dịch, chẳng hạn như bệnh lupus, hoặc hội chứng Sjogren
- Đột biến gen khiến một số người dễ mắc bệnh hơn
- Chấn thương tuyến tụy
- Nồng độ chất béo trung tính (trigyceride) cao trong máu
- Nồng độ canxi máu cao
Khoảng 10% các trường hợp viêm tụy cấp được coi là vô căn, có nghĩa là không có nguyên nhân rõ ràng.
Chế độ ăn
Đối với hầu hết những người bị viêm tụy cấp, không có hạn chế về chế độ ăn uống nhưng người bệnh có thể không ăn được trong vài ngày hoặc họ có thể phải tránh thức ăn rắn.
Trong bệnh viện, một số người bệnh có thể cần một ống truyền thức ăn.
Khi người bệnh bắt đầu ăn trở lại, bác sĩ sẽ khuyên họ theo một chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo và ăn các bữa ăn nhỏ và thường xuyên.
Điều quan trọng là uống nhiều nước nhưng hạn chế caffeine và tránh rượu.
Các biến chứng của viêm tụy cấp
Viêm tụy có thể dẫn đến các biến chứng gây tử vong.
Bao gồm:
- Tắc nghẽn ống mật hoặc ống tụy
- Rò rỉ từ ống tụy
- Nang giả tụy, có nguy cơ bị vỡ, xuất huyết hoặc nhiễm trùng
- Tổn thương tuyến tụy
- Tràn dịch màng phổi
- Huyết khối tĩnh mạch lách
Suy tim, phổi và thận có thể xảy ra. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, suy nội tạng có thể xảy ra khoảng 48 giờ sau khi các triệu chứng xuất hiện. Nếu không được điều trị, chúng có thể dẫn đến tử vong. Điều quan trọng là phải tìm cách điều trị càng sớm càng tốt nếu ai đó có dấu hiệu của viêm tụy cấp tính.
Chẩn đoán viêm tụy cấp
Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng và khám bụng của họ. Nếu một số vùng nhất định của bụng phản ứng khi chạm vào, điều này có thể là dấu hiệu của viêm tụy cấp tính.
Trong viêm tụy cấp, cơ thành bụng sẽ căng cứng. Khi nghe bụng bằng ống nghe, có thể có rất ít hoặc không có âm ruột.
Xét nghiệm máu
Nếu nồng độ amylase và lipase trong máu cao hơn bình thường, bệnh nhân rất có thể sẽ được nhập viện. Trong viêm tụy cấp, 2 enzym này tăng cao.
Tuy nhiên, xét nghiệm máu có thể không chính xác nếu chúng không được lấy vào ngày đầu tiên hoặc ngày thứ hai của bệnh. Điều này là do mức lipase và amylase cao nhất trong vòng vài giờ đầu tiên và trở lại bình thường sau vài ngày.
Amylase trở lại bình thường trong vòng 3-7 ngày và lipase trở lại bình thường sau 8-14 ngày.
Xét nghiệm khác
Để xác định nguy cơ biến chứng, bác sĩ sẽ muốn xác định xem tuyến tụy bị viêm như thế nào; các xét nghiệm thăm dò sau có thể được thực hiện:
- ERCP (Chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi): Một ống nội soi (một ống mỏng, linh hoạt có camera ở đầu) được đưa vào hệ tiêu hóa. ERCP có thể giúp xác định vị trí chính xác của sỏi mật.
- Siêu âm: Sóng âm tần số cao tạo ra hình ảnh trên màn hình của tuyến tụy, túi mật và cơ quan lân cận
- Chụp CECT (chụp cắt lớp vi tính tăng cường độ tương phản): Được sử dụng để chụp ảnh của cùng một khu vực từ nhiều góc độ; sau đó chúng được kết hợp để tạo ra hình ảnh 3-D. Chụp CECT có thể giúp xác định tình trạng viêm của tuyến tụy, đánh giá vùng dịch và bất kỳ thay đổi nào về mật độ của tuyến.
- Chụp X-quang ngực: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang ngực để kiểm tra xem có mô phổi bị xẹp hoặc tràn dịch màng phổi không.
Tiến triển
Viêm tụy cấp tính thường tự khỏi trong một vài ngày khi được điều trị, mặc dù một số người có thể cần phải ở lại bệnh viện một thời gian, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Xem thêm: