Ung thư tuyến tụy là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và tiên lượng

Ung thư tuyến tụy phát triển từ các mô của tuyến tụy - một cơ quan trong ổ bụng, nằm phía sau dưới của dạ dày. Tuyến tụy của bạn tiết ra các enzym hỗ trợ tiêu hóa và sản xuất các hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Một số loại u có thể xảy ra trong tuyến tụy, bao gồm cả các khối u ung thư và không phải ung thư. Loại ung thư phổ biến nhất hình thành trong tuyến tụy bắt đầu từ các tế bào lót ống dẫn các enzym tiêu hóa ra khỏi tuyến tụy (ung thư biểu mô tuyến tụy).

Video: Ung thư tuyến tụy: Căn bệnh cực nguy hiểm vì tỷ lệ sống sót chỉ còn 5%

Ung thư tuyến tụy hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu. Đây là giai đoạn có thể chữa khỏi cao nhất. Đó là do nó thường không gây ra các triệu chứng cho đến khi nó đã xâm lấn sang các cơ quan khác.

Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tụy được xác định dựa trên mức độ lan rộng của ung thư. Các phương pháp có thể bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp các phương pháp này.

Tuyến tụy trong hệ tiêu hóa. (Nguồn ảnh mayoclinic.org)Tuyến tụy trong hệ tiêu hóa. (Nguồn ảnh mayoclinic.org)

Triệu chứng của ung thư tuyến tụy

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tuyến tụy thường không xuất hiện cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng. Chúng có thể bao gồm:

  • Đau bụng lan ra sau lưng
  • Chán ăn hoặc sụt cân ngoài ý muốn
  • Vàng da và vàng mắt
  • Phân sáng màu
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Ngứa ngoài da
  • Bệnh tiểu đường mới xuất hiện hoặc bệnh tiểu đường đang điều trị trở nên khó kiểm soát hơn
  • Các cục máu đông
  • Mệt mỏi

Khi nào cần đi khám

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào không giải thích được khiến bạn lo lắng. Nhiều bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng này, vì vậy bác sĩ có thể kiểm tra các bệnh lý này cũng như ung thư tuyến tụy.

Nguyên nhân của ung thư tuyến tụy

Không rõ nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tụy. Các bác sĩ đã xác định một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư này, bao gồm hút thuốc và có một số đột biến gen di truyền.

Tìm hiểu về tuyến tụy

Tuyến tụy của bạn dài khoảng 15 cm và trông giống như một quả lê nằm nghiêng. Nó tiết ra hormone, trong đó có insulin, để giúp cơ thể bạn xử lý đường trong thực phẩm ăn vào. Và nó tạo ra dịch tiêu hóa để giúp cơ thể bạn tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng.

Ung thư tuyến tụy hình thành như thế nào?

Ung thư tuyến tụy. (Nguồn ảnh mayoclinic.org)Ung thư tuyến tụy. (Nguồn ảnh mayoclinic.org)
Ung thư tuyến tụy xảy ra khi các tế bào trong tuyến tụy xuất hiện những đột biến trong DNA của chúng. DNA của tế bào chứa các chỉ dẫn cho tế bào biết phải làm gì. Những đột biến này làm cho các tế bào phát triển không kiểm soát và tiếp tục tồn tại sau khi các tế bào bình thường chết đi. Những tế bào này tích tụ có thể tạo thành một khối u. Khi không được điều trị, các tế bào ung thư tuyến tụy có thể lây lan đến các cơ quan và mạch máu lân cận hoặc đến các bộ phận xa của cơ thể.

Hầu hết ung thư tuyến tụy xuất phát từ các tế bào lót ống dẫn của tuyến. Loại ung thư này được gọi là ung thư biểu mô tuyến tụy hoặc ung thư tuyến tụy ngoại tiết. Ít gặp hơn, ung thư có thể xuất phát từ các tế bào sản xuất hormone hoặc tế bào thần kinh nội tiết của tuyến tụy. Những loại ung thư này được gọi là khối u thần kinh nội tiết tuyến tụy, khối u tế bào tiểu đảo hoặc ung thư nội tiết tuyến tụy.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy gồm:

  • Hút thuốc
  • Bệnh tiểu đường
  • Viêm tụy mạn tính
  • Tiền sử gia đình mắc các hội chứng di truyền có thể làm tăng nguy cơ ung thư, bao gồm đột biến gen BRCA2, hội chứng Lynch và hội chứng FAMMM (familial atypical mole-malignant melanoma)
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tụy
  • Béo phì
  • Tuổi cao, vì hầu hết mọi người được chẩn đoán sau 65 tuổi

Một nghiên cứu lớn đã chứng minh rằng sự kết hợp của hút thuốc, bệnh tiểu đường lâu năm và một chế độ ăn uống nghèo nàn làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.

Các biến chứng của ung thư tuyến tụy

Khi ung thư tuyến tụy tiến triển, nó có thể gây ra các biến chứng như:

  • Sút cân. Một số yếu tố có thể gây sút cân ở những người bị ung thư tuyến tụy. Sút cân có thể xảy ra do ung thư tiêu hao năng lượng của cơ thể. Buồn nôn và nôn do điều trị ung thư hoặc khối u đè lên dạ dày có thể khiến bạn khó ăn. Hoặc cơ thể bạn có thể gặp khó khăn trong việc xử lý các chất dinh dưỡng từ thực phẩm vì tuyến tụy của bạn không tạo đủ dịch tiêu hóa.
  • Vàng da. Ung thư tuyến tụy làm tắc nghẽn ống mật của gan, từ đó gây vàng da. Các dấu hiệu gồm da và mắt vàng, nước tiểu sẫm màu và phân nhạt màu. Vàng da thường xảy ra mà không kèm theo đau bụng.

Bác sĩ có thể đề nghị đặt một ống nhựa hoặc kim loại (stent) bên trong ống mật để giữ nó lưu thông. Thủ thuật được thực hiện với sự trợ giúp của chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi (ERCP - endoscopic retrograde cholangiopancreatography). Trong quá trình ERCP, một ống nội soi được đưa xuống cổ họng, qua dạ dày và vào phần trên của ruột non của bạn. Dung dịch đặc biệt được bơm vào tuyến tụy và đường mật thông qua một ống thông nhỏ qua ống nội soi. Cuối cùng, hình ảnh của các ống dẫn được chụp lại.

  • Đau đớn. Một khối u đang phát triển có thể đè lên các dây thần kinh trong bụng, gây ra cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng. Thuốc giảm đau có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Các phương pháp điều trị, như xạ trị và hóa trị, có thể giúp làm chậm sự phát triển của khối u và giảm đau.

Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành một thủ thuật tiêm cồn vào các dây thần kinh để kiểm soát cơn đau ở bụng của bạn (đám rối thần kinh tọa). Thủ thuật này ngăn các dây thần kinh gửi tín hiệu đau đến não.

  • Tắc ruột. Ung thư tuyến tụy phát triển hoặc chèn ép vào phần đầu tiên của ruột non (tá tràng) có thể chặn dòng thức ăn đã tiêu hóa từ dạ dày vào ruột của bạn.

Bác sĩ có thể đề tiến hành đặt một ống (stent) vào ruột non của bạn để giữ nó luôn mở ra. Trong một số tình huống, có thể hữu ích khi phẫu thuật để đặt một ống dẫn thức ăn tạm thời hoặc nối dạ dày với phần ruột phía dưới không bị ung thư làm tắc nghẽn.

Phòng ngừa ung thư tuyến tụy

Bạn có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy nếu bạn:

  • Bỏ thuốc lá. Nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng bỏ nó. Trao đổi với bác sĩ về các chiến lược để giúp bạn bỏ thuốc lá, bao gồm các nhóm hỗ trợ, thuốc và liệu pháp thay thế nicotine. Nếu bạn không hút thuốc, đừng bao giờ thử.
  • Duy trì cân nặng hợp lý. Nếu bạn đang ở mức cân nặng hợp lý, hãy cố gắng duy trì nó. Nếu bạn cần giảm cân, hãy đặt mục tiêu giảm cân chậm và ổn định - 0,5 đến 1 kg mỗi tuần. Kết hợp tập thể dục hàng ngày với chế độ ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt với khẩu phần nhỏ hơn để giúp bạn giảm cân.
  • Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh. Một chế độ ăn uống đầy đủ các loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.

Cân nhắc gặp chuyên gia tư vấn di truyền nếu bạn có tiền sử gia đình bị ung thư tuyến tụy. Họ có thể cùng bạn xem lại lịch sử sức khỏe gia đình và xác định xem bạn có cần làm xét nghiệm di truyền để hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tụy hoặc các bệnh ung thư khác hay không.

Chẩn đoán ung thư tuyến tụy

Siêu âm tuyến tụy. (Nguồn ảnh mayoclinic.org)Siêu âm tuyến tụy. (Nguồn ảnh mayoclinic.org)Nếu bác sĩ của bạn nghi ngờ bạn bị ung thư tuyến tụy, họ có thể yêu cầu bạn tiến hành một hoặc nhiều xét nghiệm sau:
  • Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh. Các xét nghiệm này giúp bác sĩ hình dung ra các cơ quan nội tạng của bạn, bao gồm cả tuyến tụy. Các kỹ thuật được sử dụng để chẩn đoán ung thư tuyến tụy bao gồm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và đôi khi, chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).
  • Siêu âm nội soi. Siêu âm nội soi (EUS - endoscopic ultrasound) sử dụng thiết bị siêu âm để tạo hình ảnh tuyến tụy từ bên trong ổ bụng. Thiết bị được đưa qua một ống mỏng, linh hoạt (ống nội soi) xuống thực quản và vào dạ dày của bạn để thu được hình ảnh.
  • Sinh thiết. Sinh thiết là một thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ để kiểm tra dưới kính hiển vi. Thông thường, mô được thu thập trong quá trình EUS bằng cách đưa các công cụ đặc biệt qua ống nội soi. Ngoài ra, một mẫu mô có thể được lấy từ tuyến tụy bằng cách đưa một cây kim qua da và vào tuyến tụy của bạn (chọc hút bằng kim nhỏ).
  • Xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể xét nghiệm máu để tìm các protein cụ thể (chất chỉ điểm khối u) do tế bào ung thư tuyến tụy tiết ra. Một xét nghiệm chỉ điểm khối u được sử dụng trong ung thư tuyến tụy là CA19-9. Nó có thể hữu ích trong theo dõi đáp ứng với điều trị. Nhưng xét nghiệm này không phải lúc nào cũng đáng tin cậy vì một số người bị ung thư tuyến tụy không có mức CA19-9 tăng cao, làm cho xét nghiệm ít tin cậy hơn.

Nếu bác sĩ xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tụy, họ sẽ cố gắng xác định giai đoạn của ung thư. Sử dụng thông tin từ các xét nghiệm sẽ xác định giai đoạn ung thư của bạn, từ đó xác định phương pháp điều trị nào có khả năng mang lại lợi ích cho bạn nhất.

Các giai đoạn của ung thư tuyến tụy được biểu thị bằng các chữ số La Mã từ 0 đến IV. Các giai đoạn thấp nhất chỉ ra rằng ung thư chỉ giới hạn trong tuyến tụy. Đến giai đoạn IV, ung thư đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

Hệ thống phân giai đoạn ung thư tiếp tục được hoàn thiện và ngày càng trở nên phức tạp hơn khi các bác sĩ cải thiện việc chẩn đoán và điều trị ung thư.

Đừng ngần ngại hỏi bác sĩ của bạn về kinh nghiệm của họ trong việc chẩn đoán ung thư tuyến tụy. Nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy tham khảo thêm bác sĩ khác.

Điều trị ung thư tuyến tụy

Điều trị ung thư tuyến tụy phụ thuộc vào giai đoạn và vị trí của ung thư cũng như sức khỏe tổng thể và lựa chọn cá nhân của bạn. Đối với hầu hết mọi người, mục tiêu đầu tiên của điều trị ung thư tuyến tụy là loại bỏ ung thư khi còn có thể. Mục tiêu điều trị là cải thiện chất lượng cuộc sống và hạn chế ung thư phát triển hoặc gây hại nhiều hơn.

Điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp các phương pháp này. Khi ung thư tuyến tụy tiến triển nặng và những phương pháp điều trị này không có khả năng mang lại lợi ích, bác sĩ sẽ tập trung vào việc giảm triệu chứng (chăm sóc giảm nhẹ) để giữ cho bạn cảm thấy thoải mái nhất có thể càng lâu càng tốt.

Phẫu thuật


Phẫu thuật Whipple (còn được gọi là phẫu thuật cắt khối tá tụy. (Nguồn ảnh bacsi247.org)Phẫu thuật Whipple (còn được gọi là phẫu thuật cắt khối tá tụy. (Nguồn ảnh bacsi247.org)

 Các loại phẫu thuật được tiến hành ở những người bị ung thư tuyến tụy gồm:

  • Phẫu thuật u đầu tụy. Nếu ung thư nằm ở phần đầu của tuyến tụy, bạn có thể phải tiến hành một cuộc phẫu thuật gọi là phẫu thuật Whipple (phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy).

Thủ thuật Whipple là một phẫu thuật khó về mặt kỹ thuật để cắt bỏ phần đầu của tuyến tụy, phần đầu tiên của ruột non (tá tràng), túi mật, một phần của ống mật và các hạch bạch huyết gần đó. Trong một số tình huống, một phần của dạ dày và đại tràng cũng có thể bị cắt bỏ. Bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ nối lại các phần còn lại của tuyến tụy, dạ dày và ruột để giúp bạn có thể tiêu hóa thức ăn.

  • Phẫu thuật khối u ở thân và đuôi tụy. Phẫu thuật cắt bỏ phần bên trái (thân và đuôi) của tuyến tụy được gọi là phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy xa. Bác sĩ phẫu thuật cũng có thể cần phải cắt bỏ cả lá lách của bạn.
  • Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy. Ở một số người, toàn bộ tuyến tụy có thể cần phải được cắt bỏ. Bạn có thể sống tương đối bình thường khi không có tuyến tụy nhưng cần bổ sung insulin và enzym suốt đời.
  • Phẫu thuật khối u đã ảnh hưởng đến các mạch máu lân cận. Nhiều người bị ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối không được coi là đủ điều kiện để thực hiện thủ thuật Whipple hoặc các phẫu thuật tuyến tụy khác nếu khối u của họ liên quan đến các mạch máu gần đó. Tại các trung tâm y tế chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, bác sĩ phẫu thuật có thể tiến hành phẫu thuật tuyến tụy kèm theo việc loại bỏ và tái tạo lại các mạch máu bị ảnh hưởng.

Mỗi ca phẫu thuật này đều có nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng. Sau khi phẫu thuật, một số người cảm thấy buồn nôn và nôn nếu dạ dày khó làm rỗng (chậm quá trình làm rỗng dạ dày). Bạn sẽ cần thời gian dài để phục hồi sau bất kỳ phẫu thuật nào trong số này. Bạn sẽ ở lại vài ngày trong bệnh viện và sau đó hồi phục trong vài tuần tại nhà.

Nghiên cứu sâu rộng cho thấy phẫu thuật ung thư tuyến tụy có xu hướng gây ra ít biến chứng hơn khi được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm cao tại các trung tâm thực hiện nhiều phẫu thuật này. Đừng ngần ngại hỏi về kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật và bệnh viện đối với phẫu thuật ung thư tuyến tụy. Nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy tham khảo ý kiến khác.

Hóa trị liệu

Hóa trị sử dụng thuốc để giúp tiêu diệt tế bào ung thư. Các loại thuốc này có thể được tiêm vào tĩnh mạch hoặc uống. Bạn có thể dùng một loại thuốc hóa trị liệu hoặc kết hợp chúng.

Hóa trị cũng có thể được kết hợp với xạ trị (gọi là hóa xạ trị). Hóa xạ trị thường được sử dụng để điều trị ung thư chưa lan ra ngoài tuyến tụy đến các cơ quan khác. Tại các trung tâm y tế chuyên khoa, sự kết hợp này có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để giúp thu nhỏ khối u. Đôi khi nó được sử dụng sau khi phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy có thể tái phát.

Ở những người bị ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối và ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, hóa trị có thể được sử dụng để kiểm soát sự phát triển của ung thư, làm giảm các triệu chứng và kéo dài thời gian sống.

Xạ trị

Xạ trị sử dụng chùm năng lượng cao, như chùm tia X và proton, để tiêu diệt các tế bào ung thư. Bạn có thể được điều trị xạ trị trước hoặc sau khi phẫu thuật ung thư, thường kết hợp với hóa trị. Hoặc bác sĩ có thể đề nghị kết hợp phương pháp điều trị bằng xạ trị và hóa trị khi bệnh ung thư của bạn không thể điều trị bằng phẫu thuật.

Tia xạ thường xuất phát từ một máy di chuyển xung quanh bạn, hướng các tia bức xạ đến các điểm cụ thể trên cơ thể của bạn (xạ trị ngoài). Tại các trung tâm y tế chuyên khoa, xạ trị có thể được thực hiện trong quá trình phẫu thuật (xạ trị trong mổ).

Xạ trị truyền thống sử dụng tia X để điều trị ung thư, nhưng có một hình thức xạ trị mới hơn sử dụng proton. Trong một số tình huống nhất định, liệu pháp proton có thể được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tụy và nó có ít tác dụng phụ hơn so với liệu pháp bức xạ tiêu chuẩn.

Các thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm lâm sàng là các nghiên cứu để đánh giá các phương pháp điều trị mới, như liệu pháp toàn thân và các phương pháp tiếp cận mới đối với phẫu thuật hoặc xạ trị. Nếu phương pháp điều trị đang được nghiên cứu được chứng minh là an toàn và hiệu quả hơn các phương pháp điều trị hiện tại, nó có thể trở thành tiêu chuẩn chăm sóc mới.

Các thử nghiệm lâm sàng đối với ung thư tuyến tụy có thể cho bạn cơ hội thử liệu pháp nhắm trúng đích mới, thuốc hóa trị, liệu pháp miễn dịch hoặc vắc-xin.

Các thử nghiệm lâm sàng không thể đảm bảo chữa khỏi bệnh và chúng có thể có các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc không mong muốn. Mặt khác, các thử nghiệm lâm sàng ung thư được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chúng được tiến hành một cách an toàn nhất có thể. 

Trao đổi với bác sĩ của bạn về những thử nghiệm lâm sàng có thể phù hợp với bạn.

Chăm sóc hỗ trợ (chăm sóc giảm nhẹ)

Chăm sóc giảm nhẹ là chăm sóc y tế chuyên biệt, tập trung vào việc giảm đau và các triệu chứng khác của bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ được tiến hành bởi đội ngũ bác sĩ, y tá, nhân viên xã hội và các chuyên gia được đào tạo đặc biệt, nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người mắc bệnh ung thư và gia đình của họ.

Khi chăm sóc giảm nhẹ được sử dụng cùng với các phương pháp điều trị thích hợp khác - thậm chí ngay sau khi được chẩn đoán - những người bị ung thư có thể cảm thấy tốt hơn và sống lâu hơn. 

Biện pháp thay thế

Một số phương pháp thay thế và tích hợp có thể giúp giải quyết các dấu hiệu và triệu chứng mà bạn gặp phải do ung thư hoặc các phương pháp điều trị ung thư.

Đối mặt với tình trạng suy sụp

Những người mắc bệnh ung thư thường xuyên gặp phải tình trạng suy sụp. Một số nghiên cứu cho thấy tình trạng suy sụp phổ biến ở những người bị ung thư tuyến tụy hơn là ở những người bị các loại ung thư khác.

Nếu quá đau buồn, bạn có thể khó ngủ và thường xuyên nghĩ về căn bệnh ung thư của mình. Bạn có thể cảm thấy tức giận hoặc buồn bã.

Thảo luận về cảm xúc của bạn với bác sĩ. Các bác sĩ chuyên khoa có thể giúp bạn phân loại cảm xúc của mình và giúp bạn đề ra các chiến lược để đối phó. Trong một số trường hợp, thuốc có thể hữu ích.

Thuốc tích hợp và các liệu pháp thay thế cũng có thể giúp bạn đối phó với tình trạng suy sụp. Ví dụ:

  • Châm cứu
  • Liệu pháp nghệ thuật
  • Bài tập thể dục
  • Liệu pháp xoa bóp
  • Thiền
  • Âm nhạc trị liệu
  • Bài tập thư giãn
  • Tâm linh

Nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn quan tâm đến các lựa chọn điều trị này.

Đối phó và hỗ trợ

Mắc một căn bệnh đe dọa tính mạng có thể rất tàn khốc. Một số gợi ý sau đây có thể giúp ích:

  • Tìm hiểu những điều bạn cần biết về bệnh ung thư của mình. Tìm hiểu đầy đủ về bệnh ung thư của bạn để giúp bạn đưa ra quyết định về việc điều trị. Hỏi bác sĩ chi tiết về bệnh ung thư và các lựa chọn điều trị của bạn. Tham khảo nguồn thông tin đáng tin cậy.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ. Hãy nhờ bạn bè và gia đình hỗ trợ cho bạn. Họ có thể cảm thấy bất lực và không chắc chắn sau chẩn đoán của bạn. Giúp bạn những công việc đơn giản có thể mang lại cho họ sự thoải mái. Và bạn có thể thấy nhẹ nhõm khi không phải lo lắng về một số công việc nhất định. Nghĩ về những việc bạn muốn được giúp đỡ, như chuẩn bị bữa ăn hoặc đến các cuộc hẹn.
  • Tìm ai đó để nói chuyện cùng. Mặc dù bạn bè và gia đình có thể là đồng minh tốt nhất của bạn, nhưng trong một số trường hợp, họ gặp khó khăn trong việc đối phó với cú sốc trước chẩn đoán của bạn. Trong những trường hợp này, nói chuyện với một cố vấn, nhân viên xã hội y tế, có thể hữu ích. 
  • Kết nối với những người cùng cảnh ngộ. Bạn có thể thấy thoải mái khi nói chuyện với những người cùng cảnh ngộ. 

Chuẩn bị cho buổi khám

Bắt đầu bằng cách đặt lịch hẹn với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khiến bạn lo lắng. Họ có thể đề nghị các xét nghiệm và thủ thuật để xác định các dấu hiệu và triệu chứng của bạn. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị ung thư tuyến tụy, họ có thể giới thiệu bạn đến:

  • Một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa
  • Một ác sĩ chuyên khoa ung thư
  • Một bác sĩ ung thư chuyên ngành xạ trị
  • Một bác sĩ phẫu thuật chuyên về các hoạt động liên quan đến tuyến tụy

Bạn có thể làm gì?

  • Lưu ý về bất kỳ khó khăn nào trước cuộc hẹn, chẳng hạn như hạn chế chế độ ăn uống của bạn.
  • Liệt kê các triệu chứng của bạn gồm bất kỳ triệu chứng nào dường như không liên quan đến lý do bạn đi khám.
  • Liệt kê thông tin cá nhân chính, bao gồm bất kỳ thay đổi hoặc yếu tố gây căng thẳng nào gần đây.
  • Liệt kê tất cả các loại thuốc, vitamin và thực phẩm chức năng, bao gồm cả liều lượng.
  • Nhờ người thân hoặc bạn bè đi cùng, để giúp bạn nhớ những gì bác sĩ nói.

Câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn

  • Tôi có bị ung thư tuyến tụy không?
  • Giai đoạn ung thư của tôi là gì?
  • Tôi có cần xét nghiệm bổ sung không?
  • Bệnh ung thư của tôi có thể chữa khỏi được không?
  • Lựa chọn điều trị của tôi là gì?
  • Có biện pháp nào giúp tôi sống lâu hơn không?
  • Những rủi ro tiềm ẩn của mỗi phương pháp điều trị là gì?
  • Có cách điều trị nào bác sĩ nghĩ là tốt nhất cho tôi không?
  • Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên gì cho một người bạn hoặc một thành viên trong gia đình trong hoàn cảnh của tôi?
  • Kinh nghiệm của bác sĩ về chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tụy là gì? Có bao nhiêu ca phẫu thuật cho loại ung thư này được thực hiện mỗi năm tại trung tâm y tế này?
  • Tôi đang gặp những dấu hiệu và triệu chứng này. Có thể làm gì để giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn?
  • Có những thử nghiệm lâm sàng nào cho bệnh ung thư tuyến tụy? Tôi có đủ điều kiện cho bất kỳ thử nghiệm nào không?
  • Tôi có đủ điều kiện để lập hồ sơ phân tử về bệnh ung thư của mình không?

Những gì bác sĩ có thể hỏi?

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi, như:

  • Lần đầu tiên bạn bắt đầu gặp các triệu chứng là khi nào?
  • Các triệu chứng của bạn nghiêm trọng như thế nào? Chúng thỉnh thoảng hay liên tục?
  • Có điều gì cải thiện hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn không?

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!