Biểu hiện của bệnh trầm cảm nhẹ và cách vượt qua

Những thay đổi về tâm trạng kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm và đây là một vấn đề đáng quan tâm. Nếu một người bị trầm cảm nhẹ thì sẽ có tâm trạng kém đi cùng với các triệu chứng trầm cảm ít dữ dội khác. Can thiệp sớm có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng hơn phát sinh.

Trong bài viết này, chúng ta cùng xem xét cách xác định bệnh trầm cảm nhẹ như thế nào và khi nào thì cần đi khám bác sĩ.

Các dấu hiệu và triệu chứng

Những thay đổi về tâm trạng và hành vi như cáu kỉnh, kích động…có thể chỉ ra chứng trầm cảm nhẹ. (nguồn: dreamstime.com)

Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Mental Health - NIMH) cho biết những thay đổi về tâm trạng và hành vi có thể chỉ ra chứng trầm cảm nhẹ. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:

  • Cáu kỉnh và kích động
  • Cảm thấy mệt mỏi bất thường
  • Cảm thấy tuyệt vọng
  • Cảm thấy tội lỗi hoặc vô giá trị
  • Cảm thấy rất buồn
  • Khó tập trung
  • Cảm thấy không có động lực
  • Muốn được ở một mình
  • Đau nhức nhẹ không rõ nguyên nhân
  • Mất sự đồng cảm với người khác
  • Di chuyển hoặc nói chậm
  • Nghĩ về cái chết hoặc tự tử
  • Gặp các vấn đề về giấc ngủ
  • Ăn nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
  • Thay đổi trong việc sử dụng thuốc lá, rượu hoặc ma túy 
  • Những thay đổi liên quan đến công việc hoặc học hành 

Trầm cảm nhẹ và trầm cảm vừa

Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association - APA), các triệu chứng của trầm cảm nhẹ vừa tương tự như trầm cảm nặng nhưng ít dữ dội hơn.

Triệu chứng bị trầm cảm nhẹ có thể gặp phải:

  • Buồn bã
  • Chán ăn
  • Khó ngủ
  • Thiếu năng lượng
  • Khó tập trung

Nhiều người bị trầm cảm nhẹ có thể kiểm soát được những triệu chứng này, nhưng chúng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội và công việc. Mặc dù những người khác có thể không nhận thấy các triệu chứng của bệnh trầm cảm nhẹ ở một người, nhưng nó có thể đang ảnh hưởng đến người đó.

Các triệu chứng nhẹ cũng có thể xảy ra giữa các lần tái phát hoặc là dấu hiệu cảnh báo của trầm cảm nặng hơn. Nếu trải qua các triệu chứng mới hoặc nặng hơn thì bạn nên đi khám bác sĩ. 

Phân loại trầm cảm

NIMH liệt kê một số loại trầm cảm phổ biến, các triệu chứng có thể khác nhau từ nhẹ đến nặng ở bất kỳ loại nào.

Rối loạn trầm cảm dai dẳng (rối loạn trầm cảm mãn tính)

Các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 năm. Đôi khi, các triệu chứng có thể nhẹ, nhưng cũng có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh trầm cảm nặng.

Rối loạn cảm xúc theo mùa

Rối loạn cảm xúc theo mùa có thể xảy ra trong những ngày ngắn hơn của mùa thu và mùa đông. (nguồn: straighttalkingfitness.com)

Rối loạn cảm xúc theo mùa (seasonal affective disorder - SAD) có thể xảy ra trong những ngày ngắn hơn của mùa thu và mùa đông. Thiếu ánh sáng mặt trời và thay đổi cách ngủ có thể góp phần gây ra tình trạng này. Người mắc chứng này có thể cách ly khỏi xã hội, tăng cân và ngủ nhiều hơn vào mùa đông.

Trầm cảm khi mang thai và sau khi sinh

Các triệu chứng có thể xảy ra trong và sau khi mang thai. Không giống như hội chứng "baby blues" sau sinh, điều này có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm.

Trầm cảm sau sinh bao gồm tâm trạng buồn bã, lo lắng và mệt mỏi, khiến người mới làm mẹ gặp khó khăn trong việc chăm sóc con của họ.

Trầm cảm lưỡng cực

Một người bị rối loạn lưỡng cực trải qua những thay đổi trong tâm trạng. Họ có thể có các triệu chứng trầm cảm trước hoặc sau giai đoạn hưng cảm - là thời gian có năng lượng và mức hoạt động cao.

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt

Bệnh tương tự như hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome - PMS) nhưng nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng bao gồm khó chịu, lo lắng và trầm cảm nghiêm trọng kéo dài từ 1- 2 tuần trước cho đến 2 - 3 ngày sau khi bắt đầu kinh nguyệt. 

Đi khám bác sĩ  

Nếu một người trải qua tâm trạng thấp thỏm liên tục trong 2 tuần hoặc hơn, họ có thể bị trầm cảm. Hãy đi khám bác sĩ.

Bác sĩ có thể hỏi về:

  • Triệu chứng
  • Tiền sử bệnh
  • Thuốc thường dùng
  • Thói quen làm việc và lối sống
  • Tiền sử gia đình

Bác sĩ có thể tiến hành khám sức khỏe và xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân. 

Bác sĩ sẽ sử dụng một loạt các tiêu chí để chẩn đoán trầm cảm và các loại bệnh tâm thần khác.

Một người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm chính (hay còn gọi là rối loạn trầm cảm chủ yếu) nếu họ có từ năm triệu chứng sau trở lên trong 2 tuần hoặc lâu hơn:

  • Tâm trạng chán nản hầu hết thời gian
  • Giảm hứng thú với các hoạt động thường yêu thích
  • Thay đổi đáng kể về cân nặng hoặc cảm giác thèm ăn
  • Khó đi vào giấc ngủ hoặc khó ngủ
  • Ngủ quá nhiều
  • Cảm giác bồn chồn hoặc chậm lại mà người khác dễ nhận thấy
  • Mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng trong hầu hết các ngày
  • Cảm giác vô giá trị hoặc tội lỗi
  • Khó suy nghĩ, tập trung hoặc đưa ra quyết định
  • Nghĩ về cái chết hoặc tự tử 

Kiểm tra trực tuyến

Nhiều bài kiểm tra trực tuyến (online test) tuyên bố có thể xác định bệnh trầm cảm. Bài kiểm tra PHQ-9 sử dụng các tiêu chí chẩn đoán chuyên nghiệp và có chín câu hỏi. Các bác sĩ thường sử dụng những câu hỏi này để giúp xác định bệnh trầm cảm.

Bất kỳ ai không chắc chắn về việc trao đổi với bác sĩ có thể thấy hữu ích khi làm bài kiểm tra PHQ-9 trực tuyến.

Nếu kết quả cho thấy một người bị trầm cảm, họ nên hẹn gặp chuyên gia y tế được cấp phép để xác định chẩn đoán và thảo luận về các bước tiếp theo. 

Lời khuyên về lối sống

Luyện tập thiền định giúp kiểm soát và phòng ngừa trầm cảm(nguồn: greator.com)

Những người bị trầm cảm nhẹ có thể hỏi bác sĩ về thuốc, nhưng cũng có thể bắt đầu bằng việc thay đổi lối sống. Các chuyên gia đã gợi ý rằng việc thực hiện các thay đổi lối sống sau đây có thể giúp ích:

  • Ăn kiêng
  • Mức độ tập thể dục
  • Các hoạt động giải trí có thể làm tăng tương tác xã hội
  • Âm nhạc trị liệu
  • Thư giãn và thiền định
  • Thói quen ngủ
  • Liên hệ với những người khác, đặc biệt nếu họ có thể hỗ trợ tinh thần
  • Tương tác với vật nuôi và động vật
  • Giảm việc sử dụng rượu và thuốc lá

Một số thay đổi này được khoa học hỗ trợ mạnh mẽ chẳng hạn như tập thể dục và thói quen ngủ, nhưng cần thực hiện thêm các nghiên cứu để xác nhận tác dụng của những thay đổi khác.

Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng ăn một chế độ ăn tập trung vào thực phẩm tươi và toàn phần có thể có lợi hơn so với chế độ ăn phương Tây.

Chế độ ăn dựa trên thực vật sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn, bao gồm chất chống oxy hóa hơn là chế độ ăn nhiều chất béo, đường và các thành phần chế biến cao.

Dành thời gian trong một môi trường ít ô nhiễm hơn cũng có thể giúp ích cho một số người, mặc dù điều này không phải lúc nào cũng khả thi.

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy trong suốt các hoạt động giải trí, người bị trầm cảm cảm thấy ít buồn chán hơn, tâm trạng được cải thiện, giảm mức độ căng thẳng và nhịp tim thấp hơn.

Một nghiên cứu đã gợi ý rằng những thay đổi tại nơi làm việc có thể giúp những người bị trầm cảm do căng thẳng trong công việc.

Nếu những điều này không giúp ích, người bị trầm cảm phải xem xét đến các phương pháp điều trị khác. 

Lựa chọn điều trị

Điều trị y tế cho bệnh trầm cảm thường bao gồm sự kết hợp giữa thuốc và liệu pháp trò chuyện, hoặc tư vấn.

Liệu pháp trò chuyện

Trong một chuỗi các buổi trò chuyện, cá nhân sẽ làm việc với một cố vấn tâm lý để xác định nguyên nhân gây ra trầm cảm và tìm cách giải quyết.

Có nhiều loại liệu pháp điều trị trầm cảm, ví dụ:

  • Liệu pháp nhận thức-hành vi (Cognitive-behavioral therapy - CBT): CBT giúp một người hiểu cách suy nghĩ có thể tác động đến hành vi, có thể giúp thay đổi những suy nghĩ hành vi không tốt trong cuộc sống.
  • Tự giúp đỡ có hướng dẫn: Người bệnh có thể theo dõi một khóa học hoặc sách hướng dẫn trực tuyến với sự hỗ trợ của chuyên gia trị liệu. Khóa học nhằm cung cấp các công cụ cho phép thực hiện những thay đổi hữu ích.
  • Kích hoạt hành vi: Người bệnh sẽ được học một số bước nhỏ, thiết thực có thể giúp họ tham gia vào các hoạt động thường xuyên và tận hưởng cuộc sống trở lại.
  • Liệu pháp giữa các cá nhân: Điều này giúp một người tìm ra những cách hiệu quả hơn để quản lý các mối quan hệ.
  • Tư vấn cho chứng trầm cảm: Người bệnh sẽ tìm hiểu lý do tại sao chứng trầm cảm lại xảy ra và tìm cách vượt qua nó.

Hãy tìm kiếm các nhà tâm lý trị liệu:

  • Có kinh nghiệm và trình độ phù hợp với nhu cầu của cá nhân
  • Có khung thời gian tổng thể và kế hoạch điều trị
  • Có thể giải thích cách tiếp cận của họ và lý do tại sao lựa chọn nó
  • Có giấy phép hành nghề trị liệu tâm lý
Trong một chuỗi các buổi trò chuyện, cá nhân sẽ làm việc với một cố vấn tâm lý để xác định nguyên nhân gây ra trầm cảm và tìm cách giải quyết. (nguồn: gq.com)

Thuốc

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc cùng với tư vấn tâm lý hoặc nếu các phương pháp khác không giúp ích.

Các bác sỹ sẽ sử dụng thuốc chống trầm cảm như fluoxetine (Prozac) và citalopram (Celexa). 

Ai dễ bị trầm cảm?

Bệnh trầm cảm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng một người có thể có nguy cơ cao hơn nếu:

  • Có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị trầm cảm
  • Trải qua chấn thương hoặc căng thẳng
  • Trải qua một thay đổi đáng kể trong cuộc sống, chẳng hạn như mất việc làm hoặc mất người thân
  • Bị bệnh dai dẳng
  • Sử dụng rượu và chất kích thích  

Kết luận

Nếu một người có dấu hiệu trầm cảm nhẹ thì nên cân nhắc tìm kiếm sự giúp đỡ, vì hành động sớm có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng tồi tệ hơn hoặc kéo dài. Bước đầu tiên có thể là thực hiện một số thay đổi trong lối sống. Tuy nhiên, nếu những điều này không giúp ích gì, tư vấn tâm lý hoặc dùng thuốc có thể là bước tiếp theo.

Bất kỳ ai có ý nghĩ tự làm hại bản thân, tự tử hoặc làm hại người khác nên đi khám ngay lập tức.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!