Video: Tác hại trầm cảm khi mang thai
Trầm cảm có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc đời của bạn, kể cả khi mang thai hay không mang thai. Điều quan trọng là liên hệ với bác sĩ nếu đang bị trầm cảm, vì trầm cảm có thể điều trị được và giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị trầm cảm khi mang thai?
Có nhiều yếu tố khác nhau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong thai kỳ. Những yếu tố này có thể bao gồm:
- Có tiền sử trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder - PMDD).
- Tuổi tại thời điểm mang thai – tuổi càng trẻ, nguy cơ càng cao.
- Sống một mình.
- Có sự hỗ trợ xã hội hạn chế.
- Trải qua xung đột hôn nhân.
- Cảm thấy không chắc chắn về việc mang thai.
Mang thai có gây trầm cảm không?
Mang thai có thể khiến bạn bị trầm cảm. Việc cơ thể trải qua rất nhiều thay đổi và những căng thẳng khi mang thai có thể gây ra chứng trầm cảm ở một số phụ nữ. Nhưng không phải ai mang thai cũng sẽ bị trầm cảm.
Nếu đã từng bị trầm cảm trong quá khứ, các triệu chứng có thể quay trở lại, hoặc nếu đã từng sống chung với chứng trầm cảm trước khi mang thai, nó có thể trở nên tồi tệ hơn khi mang thai.
Điều quan trọng là phải trao đổi với bác sĩ về chứng trầm cảm khi mang thai vì bệnh có thể kéo dài sau khi sinh. Phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh.
Một số dấu hiệu của bệnh trầm cảm khi mang thai là gì?
Khi mang thai, cơ thể trải qua nhiều thay đổi khiến cảm xúc cũng thay đổi, trở nên thất thường hơn. Bạn có thể cảm nhận được tất cả những cảm xúc khác nhau này như từ việc cực kì hạnh phúc hay thấy vô cùng buồn bã.
Tuy nhiên, nếu nhận thấy mình có bất kỳ triệu chứng nào sau đây khi mang thai, đó có thể là bệnh trầm cảm và bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Các dấu hiệu trầm cảm khi mang thai có thể bao gồm:
- Thường xuyên có ý nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
- Có tâm trạng chán nản hầu như cả ngày trong 2 tuần qua.
- Cảm thấy tội lỗi, tuyệt vọng hoặc vô giá trị.
- Khó suy nghĩ, tập trung hoặc đưa ra quyết định.
- Mất hứng thú với hầu hết các hoạt động trong ngày, gần như tất cả các ngày trong 2 tuần qua.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào ở trên, bác sĩ có thể hỏi bạn những câu hỏi sau:
- Trong 2 tuần qua, bạn có cảm thấy thất vọng, chán nản hay tuyệt vọng không?
- Trong 2 tuần qua, bạn có cảm thấy ít hứng thú hoặc không thích làm việc gì không?
Nếu câu trả lời là “có” cho một trong hai câu hỏi này, bác sĩ sẽ hỏi bạn nhiều câu hỏi hơn trong quá trình kiểm tra trầm cảm chuyên sâu.
Bệnh trầm cảm ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?
Trầm cảm khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ theo những cách sau:
Cản trở khả năng chăm sóc bản thân. Điều quan trọng là phải tự chăm sóc sức khỏe của mình trong suốt thai kỳ. Trầm cảm có thể khiến bạn gạt những nhu cầu cá nhân đó sang một bên. Nếu bị trầm cảm khi mang thai, bạn có thể không tuân theo các khuyến nghị y tế, cũng như ngủ và ăn uống hợp lý.
- Đặt bạn vào nguy cơ cao hơn sử dụng các chất độc hại, có thể bao gồm thuốc lá, rượu và chất kích thích bất hợp pháp. Tất cả đều có thể có tác động tiêu cực đến thai kỳ của bạn.
- Cản trở khả năng gắn kết với em bé đang lớn của bạn. Khi em bé ở trong bụng mẹ, em bé thực sự có thể nghe thấy bạn nói chuyện và có thể cảm nhận được cảm xúc bằng cao độ, nhịp điệu và độ căng thẳng trong giọng nói của mẹ. Nếu đang bị trầm cảm khi mang thai, bạn có thể khó phát triển mối quan hệ này với con mình. Bạn có thể cảm thấy bị cô lập về mặt cảm xúc.
Lựa chọn của tôi là gì nếu tôi bị trầm cảm khi mang thai?
Chuẩn bị cho một em bé mới chào đời là một công việc khó khăn, nhưng hãy nhớ rằng sức khỏe của bạn là quan trọng và đặt lên trước. Nếu đang bị trầm cảm khi mang thai thì có một số điều bạn có thể làm để cải thiện cảm xúc, bao gồm:
- Cố gắng không ép bản thân phải hoàn thành mọi việc. Cắt giảm công việc nhà, làm những việc giúp bạn thư giãn. Hãy nhớ rằng, chăm sóc bản thân là một phần thiết yếu trong việc chăm sóc thai nhi của bạn.
- Nói về những mối bận tâm của bạn. Hãy nói chuyện với bạn bè, gia đình, người thân. Nếu yêu cầu hỗ trợ, bạn sẽ thấy rằng bạn thường nhận được nó.
Nếu không giảm được lo âu và trầm cảm bằng cách thực hiện những thay đổi này, hãy tìm lời khuyên của bác sĩ.
Thuốc chống trầm cảm có an toàn khi mang thai không?
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng nhiều loại thuốc chống trầm cảm hiện có tương đối an toàn để điều trị trầm cảm khi mang thai, ít nhất là về tác dụng ngắn hạn đối với em bé. Ảnh hưởng lâu dài vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Hãy thảo luận về những rủi ro và lợi ích có thể có với bác sĩ của bạn.
Kết luận
Trong suốt thai kỳ, cơ thể trải qua rất nhiều thay đổi và căng thẳng có thể khiến bạn bị trầm cảm khi mang thai. Phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh. Điều quan trọng là hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn đang bị trầm cảm vì bệnh này có thể điều trị được.
Xem thêm:
- Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm nhẹ, vừa và nặng
- Biểu hiện của bệnh trầm cảm nhẹ và cách vượt qua
- 8 dấu hiệu cảnh báo bệnh trầm cảm: từ nhẹ đến suy nghĩ tự tử
- Các loại thuốc chống trầm cảm: Cơ chế hoạt động, hiệu quả và tác dụng phụ
- 20 cách giúp bạn vượt qua trầm cảm