Thuật ngữ "trầm cảm" đã trở nên phổ biến trong cách nói hàng ngày. Nhưng chứng trầm cảm là một chủ đề phức tạp hơn cách sử dụng phổ biến đó. Không phải tất cả các trường hợp trầm cảm đều giống nhau. Có nhiều cách phân loại trầm cảm khác nhau và mỗi loại có thể ảnh hưởng đến cuộc sống theo những cách khác nhau.
Trầm cảm có thể được phân loại là:
- Nhẹ
- Vừa
- Nặng
Việc phân loại chính xác dựa trên nhiều yếu tố: các loại triệu chứng gặp phải, mức độ nghiêm trọng và tần suất xảy ra. Một số loại trầm cảm cũng có thể gây ra sự gia tăng tạm thời về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Bài viết sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về các phân loại khác nhau của bệnh trầm cảm và cách điều trị.
Trầm cảm nhẹ
Trầm cảm nhẹ bao gồm nhiều thứ hơn là chỉ cảm thấy tâm trạng buồn bã. Các triệu chứng có thể diễn ra trong nhiều ngày và đủ đáng chú ý để cản trở các hoạt động thường ngày.
Trầm cảm nhẹ có thể gây ra:
- Cáu kỉnh hoặc tức giận
- Vô vọng
- Cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng
- Tự ghê tởm bản thân
- Mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích
- Khó tập trung trong công việc
- Thiếu động lực
- Đột ngột không quan tâm đến việc giao tiếp xã hội
- Đau nhức dường như không có nguyên nhân trực tiếp
- Buồn ngủ ban ngày và mệt mỏi
- Mất ngủ
- Thay đổi cảm giác thèm ăn
- Thay đổi trọng lượng
- Hành vi liều lĩnh, chẳng hạn như lạm dụng rượu và ma túy, hoặc cờ bạc
Nếu các triệu chứng kéo dài hầu hết cả ngày, trung bình 4 ngày một tuần trong 2 năm, rất có thể bạn sẽ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm dai dẳng hay còn gọi là trầm cảm mãn tính.
Mặc dù trầm cảm nhẹ là điều dễ nhận thấy, nhưng đây là bệnh khó chẩn đoán nhất. Bạn có thể dễ dàng bỏ qua các triệu chứng và tránh thảo luận với bác sĩ của mình.
Bất chấp những thách thức trong chẩn đoán, trầm cảm nhẹ là dễ điều trị nhất. Một số thay đổi lối sống có thể giúp tăng cường mức serotonin trong não, giúp chống lại các triệu chứng trầm cảm.
Những thay đổi hữu ích trong lối sống bao gồm:
- Tập thể dục hàng ngày
- Tuân thủ lịch ngủ
- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây và rau quả
- Tập yoga hoặc thiền
- Thực hiện các hoạt động giúp giảm căng thẳng, chẳng hạn như viết nhật ký, đọc sách hoặc nghe nhạc
Các phương pháp điều trị trầm cảm nhẹ khác bao gồm các phương pháp điều trị thay thế, chẳng hạn như St. John’s Wort và các chất bổ sung melatonin. Tuy nhiên, chất bổ sung có thể gây trở ngại cho một số loại thuốc. Hãy chắc chắn hỏi bác sĩ của bạn trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung nào cho bệnh trầm cảm.
Một nhóm thuốc chống trầm cảm được gọi là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (selective serotonin reuptake inhibitors - SSRI) có thể được sử dụng trong một số trường hợp. Tuy nhiên, những cách này có xu hướng hiệu quả hơn ở những người mắc các dạng trầm cảm nặng hơn. Trầm cảm nhẹ có xu hướng đáp ứng tốt hơn với những thay đổi lối sống và các hình thức trị liệu trò chuyện, chẳng hạn như liệu pháp tâm lý, hơn là dùng thuốc.
Mặc dù có thể không cần điều trị y tế, nhưng trầm cảm nhẹ không nhất thiết sẽ tự khỏi. Trên thực tế, khi bị bỏ mặc, trầm cảm nhẹ có thể tiến triển thành các dạng nặng hơn.
Trầm cảm vừa
Về mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, trầm cảm vừa là mức độ tiếp theo tăng lên từ các trường hợp nhẹ. Trầm cảm vừa và nhẹ có các triệu chứng tương tự nhau. Ngoài ra, trầm cảm vừa có thể gây ra:
- Vấn đề với lòng tự trọng
- Giảm năng suất
- Cảm giác vô dụng
- Tăng độ nhạy cảm
- Lo lắng thái quá
Sự khác biệt lớn nhất là các triệu chứng của trầm cảm vừa đủ nghiêm trọng để gây ra các vấn đề ở nhà và nơi làm việc. Bạn cũng có thể nhận thấy những khó khăn đáng kể trong đời sống xã hội của mình.
Bệnh trầm cảm vừa dễ chẩn đoán hơn các trường hợp nhẹ vì các triệu chứng ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, chìa khóa để chẩn đoán là đảm bảo bạn phải nói chuyện với bác sĩ về các triệu chứng đang gặp.
Các SSRI, chẳng hạn như sertraline (Zoloft) hoặc paroxetine (Paxil), có thể được kê đơn. Những loại thuốc này có thể mất đến 6 tuần để phát huy tác dụng đầy đủ. Liệu pháp nhận thức hành vi (cognitive behavioral therapy - CBT) cũng được sử dụng trong một số trường hợp trầm cảm vừa.
Trầm cảm nặng
Trầm cảm nặng được phân loại là có các triệu chứng của trầm cảm nhẹ đến vừa, nhưng các triệu chứng rất nghiêm trọng và đáng chú ý, ngay cả đối với những người thân yêu của bạn.
Các đợt trầm cảm nặng kéo dài trung bình 6 tháng hoặc lâu hơn. Đôi khi trầm cảm nặng có thể hết sau một thời gian, nhưng cũng có thể tái phát đối với một số người.
Việc chẩn đoán là đặc biệt quan trọng trong trường hợp trầm cảm nặng.
Các dạng trầm cảm nặng cũng có thể gây ra:
- Ảo tưởng
- Cảm giác như tê liệt
- Ảo giác
- Ý nghĩ hoặc hành vi tự sát
Trầm cảm nặng cần điều trị y tế càng sớm càng tốt. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn SSRI và đề nghị một số hình thức trị liệu tư vấn tâm lý.
Bạn nên đi khám ngay lập tức nếu đang có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát.
Bạn nên làm gì?
Để điều trị trầm cảm hiệu quả, điều quan trọng là phải liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán. Bác sĩ sẽ làm việc với bạn để xác định các phương pháp điều trị phù hợp. Điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc SSRI, các biện pháp thảo dược, liệu pháp nhận thức hành vi hoặc điều chỉnh lối sống.
Điều đặc biệt quan trọng là hãy liên hệ với bác sĩ trong trường hợp trầm cảm nhẹ đến trung bình, vì các triệu chứng có thể không gây chú ý cho người khác. Mặc dù có thể mất thời gian điều trị để tạo ra sự khác biệt, nhưng liên hệ với bác sĩ là bước đầu tiên để cảm thấy tốt hơn.
Còn nếu bạn đang đối mặt với ý nghĩ tự tử hoặc hành vi tự làm hại bản thân, hãy nói với người thân và đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Xem thêm:
- Tất cả những điều cần biết về bệnh trầm cảm: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
- Biểu hiện của bệnh trầm cảm nhẹ và cách vượt qua
- 8 dấu hiệu cảnh báo bệnh trầm cảm: từ nhẹ đến suy nghĩ tự tử
- Các loại thuốc chống trầm cảm: Cơ chế hoạt động, hiệu quả và tác dụng phụ
- 20 cách giúp bạn vượt qua trầm cảm