Tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể: Triệu chứng, điều trị...

Tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể đều là những rối loạn về mắt có thể gây giảm thị lực và ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt. Mặc dù hai bệnh này có một số triệu chứng giống nhau và có chung một số yếu tố nguy cơ, nhưng chúng có nguyên nhân, cách điều trị và kết quả điều trị khác nhau.

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn hai chứng rối loạn về mắt tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể, cũng như các yếu tố nguy cơ, triệu chứng và các lựa chọn điều trị cho từng bệnh.

Tăng nhãn áp 

Tăng nhãn áp là gì?

Video: Glaucoma

Bệnh tăng nhãn áp, còn gọi là glocom, hay thiên đầu thống, do áp suất bên trong mắt được tạo bởi áp suất thủy dịch tăng quá cao.

Đôi mắt chứa đầy một chất lỏng gọi là thủy dịch. Mỗi ngày, cơ thể sẽ làm mới chất lỏng đó. Thủy dịch cũ được hấp thu qua một kênh dẫn lưu dạng lưới và một lỗ nhỏ. Thủy dịch mới thay thế phần dịch cũ, duy trì một chiều lưu chuyển ổn định bên trong nhãn cầu. 

Nếu bị rối loạn một trong hai kênh lưu thông dịch, áp lực có thể tăng lên bên trong mắt. Nếu áp suất chất lỏng không được giảm bớt, các sợi dây thần kinh thị giác có thể bị tổn thương vĩnh viễn do bị chèn ép, gây mất thị lực.

Có hai loại bệnh tăng nhãn áp: góc mở và góc đóng.

Phần lớn các trường hợp tăng nhãn áp là góc mở. Áp lực hình thành từ từ và mất thị lực dần dần.

Khoảng 10% các trường hợp tăng nhãn áp là góc đóng, khi tắc nghẽn xảy ra đột ngột. Các triệu chứng diễn ra nhanh chóng và nghiêm trọng. Bệnh tăng nhãn áp góc đóng là một bệnh mắt nghiêm trọng gây tổn thương không hồi phục, cần được xử trí và điều trị sớm.

Triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp

Bệnh tăng nhãn áp có thể không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn sớm, đặc biệt nếu nhãn áp tăng từ từ. Triệu chứng đầu tiên có thể nhận thấy là mất thị lực ngoại vi. Điều này có nghĩa là người bệnh có thể không nhìn rõ mọi thứ xung quanh bên ngoài tầm nhìn của mình.

Thay đổi thị lực trong bệnh tăng nhãn áp (Nguồn: Anand Eye Institute)Thay đổi thị lực trong bệnh tăng nhãn áp (Nguồn: Anand Eye Institute)

Bệnh tăng nhãn áp góc đóng có nhiều khả năng xuất hiện các triệu chứng đột ngột, bao gồm đau mắt dữ dội. Bệnh khiến mắt cảm thất căng cứng khi chạm vào và có thể chuyển màu đỏ. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cảm thấy buồn nôn.

Với bệnh tăng nhãn áp góc đóng, tầm nhìn có thể bị mờ và có thể thấy những quầng sáng xung quanh mọi thứ. Hãy đi khám càng sớm càng tốt nếu bạn có các triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp.

Yếu tố nguy cơ của tăng nhãn áp

  • Nói chung, những người trên 60 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp cao hơn.
  • Những người Mỹ gốc Phi hoặc La tinh có nhiều khả năng bị bệnh tăng nhãn áp góc mở.
  • Phụ nữ và những người gốc Đông Nam Á hoặc thổ dân Alaska có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp góc đóng cao hơn.
  • Những người có người thân bị bệnh tăng nhãn áp có nhiều khả năng mắc bệnh hơn.

Chẩn đoán và điều trị tăng nhãn áp

Chẩn đoán

Bệnh tăng nhãn áp có thể được chẩn đoán khi khám mắt định kỳ. Để chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp, bác sĩ có thể sẽ dùng thuốc nhỏ mắt atropin làm giãn đồng tử. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đo áp lực trong mắt của người bệnh, đây là một thủ thuật không đau.

Nếu cần, bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ làm thêm các xét nghiệm về mắt để kiểm tra các chỉ số của bệnh tăng nhãn áp.

Điều trị

Lựa chọn điều trị đầu tiên cho bệnh tăng nhãn áp thường là thuốc nhỏ mắt có thể giúp giảm áp lực trong mắt. Nếu thuốc nhỏ mắt không phải là phương pháp điều trị tốt nhất hoặc nếu không hiệu quả, bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ tiến hành phẫu thuật laser để giúp thủy dịch lưu thông tốt hơn.

Trong một số trường hợp, phẫu thuật hoặc thủ thuật vi phẫu được chỉ định để tạo ra các kênh nhỏ dẫn lưu thủy dịch. Hoặc, các ống hoặc stent nhỏ có thể được đưa vào mắt để làm cho chất lỏng có thể lưu thông. Bạn sẽ tỉnh táo nhưng được gây tê và dùng thuốc an thần để giữ bình tĩnh trong suốt quá trình phẫu thuật.

Đục thủy tinh thể

Thủy tinh thể (Nguồn: Y học trực tuyến)

Thủy tinh thể (Nguồn: Y học trực tuyến)


Đục thủy tinh thể là gì?

Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt cho phép ánh sáng đi vào, qua đó hình ảnh được chiếu lên võng mạc ở phía sau mắt.

Theo thời gian, các protein bên trong mắt bị phá vỡ. Chúng có thể kết dính với nhau, tạo thành các khối màu trắng, vàng hoặc nâu làm vẩn đục, cản trở hoặc làm sai lệch tầm nhìn của bạn. Những đám mờ đục bên trong thấu kính giống như đám mây được gọi là đục thủy tinh thể.

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị lực trên thế giới. Theo Viện Nghiên cứu mắt quốc gia Hoa Kỳ, hơn một nửa số người trên 80 tuổi ở nước này hiện đang bị đục thủy tinh thể hoặc đã từng phẫu thuật vì nguyên nhân này trong quá khứ.

Triệu chứng

Đục thủy tinh thể tiến triển dần theo thời gian. Người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào khi chúng mới hình thành, nhưng đến giai đoạn về sau có thể gặp một số triệu chứng:

  • Mờ mắt
  • Nhìn đôi
  • Tầm nhìn ban đêm kém
  • Nhạy cảm hơn với ánh sáng
  • Màu nhạt hoặc mờ
  • Độ kính không ổn định

Các triệu chứng thường phụ thuộc vào vị trí của vết đục trên thủy tinh thể.

Yếu tố nguy cơ đục thủy tinh thể

Một số người bị đục thủy tinh thể bẩm sinh do nhiễm trùng từ giai đoạn thai nhi và một số người bị đục thủy tinh thể khi còn nhỏ, tuy nhiên những trường hợp này rất hiếm. Đục thủy tinh thể cũng có thể hình thành sau khi mắt bị chấn thương hoặc sau phẫu thuật mắt.

Nhưng nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh đục thủy tinh thể là những thay đổi tự nhiên trong mắt khi già đi. Vào khoảng 40 tuổi, số người bị đục thủy tinh thể là khoảng 2,5%

Một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đục thủy tinh thể, bao gồm:

Chẩn đoán và điều trị

Đục thủy tinh thể có thể phát hiện bằng một bài kiểm tra đơn giản khi khám mắt định kỳ. Bác sĩ sẽ nhỏ thuốc vào mắt để gây giãn đồng tử tạm thời, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát thấy các vết đục trên thủy tinh thể.

Nếu đục thủy tinh thể nhẹ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị nội khoa. Nếu bệnh đục thủy tinh thể đã chuyển sang giai đoạn nặng, có thể cần đến phẫu thuật. Phẫu thuật đục thủy tinh thể là một thủ thuật phổ biến thường mang lại kết quả tốt.

Phòng bệnh đục thủy tinh thể

Các biện pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể như:

  • Đeo kính râm bảo vệ mắt
  • Ngừng hút thuốc nếu bạn đang có thói quen hút thuốc
  • Ăn thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa có lợi cho mắt
  • Giảm uống rượu

Khám sức khoẻ định kỳ có kèm theo khám mắt, đặc biệt khi người bệnh có bệnh nền đái tháo đường 

Phân biệt bệnh tăng nhãn áp và bệnh đục thủy tinh thể?

Sự khác biệt cơ bản giữa hai bệnh của mắt này là có nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh khác nhau.

  • Bệnh tăng nhãn áp là do thủy dịch dư thừa tích tụ bên trong mắt gây tăng áp lực nội nhãn.
  • Đục thủy tinh thể là do sự tích tụ của các protein bị phân hủy trong mắt. 

Tiên lượng của hai bệnh này cũng khác nhau. Phẫu thuật đục thủy tinh thể thường có thể phục hồi thị lực tốt. Nhưng nếu bị mất một phần thị lực do bệnh tăng nhãn áp, thì tổn thương mất thị lực là vĩnh viễn.

Hai bệnh này có liên quan đến nhau không?

Một người có thể bị tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể cùng một lúc. Trên thực tế, đôi khi bệnh này có thể dẫn đến bệnh kia.

Đục thủy tinh thể trở nên nghiêm trọng đến mức làm tắc nghẽn hệ thống thoát dịch tự nhiên của mắt. Các bác sĩ có thể điều trị tình trạng đục thủy tinh thể bằng phẫu thuật, mở lại ống dẫn lưu bị tắc và giảm áp lực lên dây thần kinh thị giác.

Đục thủy tinh thể hình thành sau phẫu thuật tăng nhãn áp cũng rất phổ biến. Một số nghiên cứu cho rằng bạn nên đợi từ 1 đến 2 năm sau một số ca phẫu thuật bệnh tăng nhãn áp để phẫu thuật đục thủy tinh thể. Việc trì hoãn có thể giúp đảm bảo cho mắt khỏe mạnh và ổn định trước khi mổ đục thủy tinh thể.

Bệnh này có nghiêm trọng hơn bệnh kia không?

Cả hai bệnh đều nghiêm trọng. Phát hiện sớm là chìa khóa để bảo vệ thị lực và duy trì sức khỏe của đôi mắt.

Phẫu thuật đục thủy tinh thể là một thủ thuật phổ biến và thường mang lại kết quả thành công cho hầu hết mọi người. Thị lực thường có thể được phục hồi sau khi phẫu thuật, đục thủy tinh thể thường không dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.

Các phương pháp điều trị bệnh tăng nhãn áp tập trung vào việc giảm tích tụ thủy dịch. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra cách tái tạo các sợi thần kinh thị giác đã bị tổn thương do bệnh tăng nhãn áp. Nếu bị mất một phần thị lực vì bệnh tăng nhãn áp, tổn thương này sẽ là vĩnh viễn và không thể hồi phục.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa hàng năm để khám và tầm soát bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể thường xuyên.

Hãy đi khám ngày nếu nhận thấy những thay đổi trong thị lực của mình, đừng chần chừ và trì hoãn.

Bệnh tăng nhãn áp khởi phát đột ngột là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong các dấu hiệu sau, phải đi khám chuyên khoa mắt ngay:

  • Đau mắt dữ dội
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa không do nguyên nhân khác
  • Đỏ mắt
  • Mờ mắt

Tóm lại

Tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể đều có thể dẫn đến mất thị lực nếu bệnh không được chẩn đoán và điều trị sớm. Cả hai tình trạng này đều có thể gây ra mờ mắt cũng như các triệu chứng khác.

Bệnh tăng nhãn áp là kết quả của sự tích tụ thủy dịch bên trong mắt. Khi thủy dịch trong mắt không thể thoát ra ngoài một cách bình thường, sẽ gây áp lực lên dây thần kinh thị giác, và có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. Điều trị bệnh này tập trung vào việc giảm áp suất chất lỏng trong mắt người bệnh. 

Đục thủy tinh thể do sự tích tụ của protein trong thủy tinh thể, có thể gây ra hiện tượng nhìn mờ, nhìn đôi và nhìn kém vào ban đêm. Khi già đi, nguy cơ bị đục thủy tinh thể sẽ tăng lên. Phẫu thuật đục thủy tinh thể sẽ giúp phục hồi thị lực cho hầu hết người bệnh.

Điều quan trọng là phải khám mắt thường xuyên để phát hiện sớm bệnh tăng nhãn áp hoặc đục thủy tinh thể để giữ cho đôi mắt khỏe mạnh và thị lực được duy trì tốt theo thời gian.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!