Chóng mặt thường xuyên hoặc chóng mặt dữ dội có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nó thường không phải là một tình trạng cấp cứu. Chóng mặt có thể xuất hiện sau khi:
- Cơ thể chuyển động quay vòng với tốc độ cao
- Đứng hoặc ngồi dậy quá nhanh
- Tập thể dục cường độ cao
Video Chóng mặt có nguy hiểm
Nguyên nhân gây chóng mặt thường có thể xác định được. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể xảy ra đột ngột hoặc không rõ nguyên nhân khởi phát.
Các nguyên nhân gây chóng mặt có thể là những thay đổi của cơ thể mang tính tạm thời hay các bệnh lý nền nghiêm trọng.
Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 10 nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt.
1. Rối loạn tiền đình
Nhiều người thường nhầm lẫn “rối loạn tiền đình” và “chóng mặt” với nhau. Mặc dù hai tình trạng này tạo ra những cảm giác giống nhau nhưng chúng cũng có một số điểm khác biệt.
Khi bị chóng mặt, người bệnh có thể cảm thấy choáng váng hoặc mất phương hướng. Trong khi đó, rối loạn tiền đình thường xuất hiện cảm giác sai lầm về chuyển động. Nó có thể khiến người bệnh cảm thấy môi trường xung quanh đang quay cuồng hoặc chao đảo.
Rối loạn tiền đình có thể xảy ra do các bệnh lý của tai trong, bao gồm:
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (Benign paroxysmal positional vertigo – BPPV)
BPPV hình thành do các viên sỏi canxi carbonat tích tụ trong ống bán khuyên của tai trong.
Ống bán khuyên có vai trò gửi tín hiệu về vị trí và chuyển động của cơ thể đến não. Khi có sỏi, các tín hiệu này sẽ bị sai lệch.
Bệnh Meniere
Đây là một bệnh lý của tai trong chưa rõ nguyên nhân, nhưng một số giả thuyết cho rằng bệnh Meniere hình thành do có quá nhiều dịch tích tụ ở tai trong.
Bệnh Meniere có thể xuất hiện đột ngột và không rõ nguyên nhân. Nó có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt, ù tai và mất thính giác.
Viêm mê đạo tai
Nhiễm trùng có thể gây viêm tai trong hoặc viêm mê đạo tai. Viêm mê đạo tai có thể xuất hiện sau khi bị nhiễm virus như cảm lạnh hoặc cúm.
Thuốc kháng virus và thuốc kháng histamine có thể điều trị hiệu quả bệnh viêm mê đạo tai. Tuy nhiên, các bộ phận của tai trong có thể bị tổn thương vĩnh viễn do bệnh nhiễm trùng này.
2. Say tàu xe
Chuyển động lặp đi lặp lại khi di chuyển bằng phương tiện giao thông như xe ô tô, máy bay hoặc thuyền bè có thể gây ra sự khác biệt giữa các tín hiệu về thăng bằng của hệ thống cảm giác. Điều này gây ra các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa. Đây được gọi là tình trạng say tàu xe.
Mang thai hoặc sử dụng một số loại thuốc có thể làm tăng sự nhạy cảm với chuyển động và làm tăng nguy cơ bị say tàu xe. Các triệu chứng của say tàu xe thường giảm dần sau khi ngừng di chuyển bằng phương tiện giao thông.
3. Đau nửa đầu
Đau nửa đầu (Migraine) là một loại đau đầu tái diễn có thể gây đau nhói hoặc đau theo kiểu mạch đập ở nửa đầu. Tổ chức Đau nửa đầu Hoa Kỳ (American Migraine Foundation – AMF) ước tính rằng 30 – 50% trường hợp đau nửa đầu có xuất hiện triệu chứng chóng mặt.
Đôi khi, người bệnh sẽ bị chóng mặt trước khi xuất hiện một cơn đau nửa đầu. Các triệu chứng thần kinh thoáng qua khác (gọi là Aura) cũng có thể xảy ra trước khi có cơn đau nửa đầu. Các triệu chứng điển hình của Aura bao gồm rối loạn về thị giác, lời nói và khả năng kiểm soát vận động.
4. Hạ huyết áp
Hạ huyết áp nhiều có thể nhanh chóng gây ra cảm giác choáng váng. Hạ huyết áp thường xảy ra sau khi ngồi hoặc đứng lên đột ngột.
Các nguyên nhân khác có thể gây hạ huyết áp là:
- Mất nước
- Mất máu
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc sốc phản vệ
- Mang thai
Sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta hoặc thuốc chống trầm cảm cũng có thể gây ra hạ huyết áp.
5. Bệnh tim mạch
Các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ tim mạch như xơ vữa động mạch và suy tim sung huyết có thể gây chóng mặt. Người bệnh có thể bị chóng mặt, choáng váng trước và sau khi bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác của bệnh lý tim mạch bao gồm:
6. Thiếu sắt
Thiếu sắt có thể gây thiếu máu, làm giảm lượng oxy cung cấp cho hoạt động của cơ thể.
Thiếu máu có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Chóng mặt
- Khó thở
- Tức ngực
- Mệt mỏi
Thay đổi chế độ ăn thích hợp và bổ sung sắt có thể hỗ trợ điều trị thiếu máu thiếu sắt mức độ nhẹ. Thiếu máu thiếu sắt mức độ nặng có thể phải truyền máu.
7. Hạ đường huyết
Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức bình thường. Nguyên nhân hạ đường huyết bao gồm:
- Nhịn đói
- Uống rượu bia
- Sử dụng một số loại thuốc như insulin hoặc aspirin
- Rối loạn nội tiết
Các triệu chứng của hạ đường huyết có thể xuất hiện đột ngột với mức độ nghiêm trọng khác nhau như:
- Chóng mặt hoặc choáng váng
- Mất thăng bằng
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Đói bụng
- Thay đổi tâm trạng
- Khó tập trung
- Rối loạn nhịp tim
8. Bệnh tai trong tự miễn
Bệnh tai trong tự miễn (Autoimmune inner ear disease – AIED) xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào tai trong. AIED có thể gây mất thính lực ở một hoặc cả hai tai.
Các triệu chứng khác của AIED bao gồm:
- Chóng mặt
- Ù tai
- Mất thăng bằng hoặc khả năng phối hợp động tác
AIED gây ra các triệu chứng không đặc hiệu tương tự như các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tai. Để chẩn đoán xác định AIED, bác sĩ cần phải hỏi bệnh, thăm khám và tìm thêm các triệu chứng đi kèm khác.
Người bị AIED có thể mắc một bệnh tự miễn khác ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
9. Căng thẳng
Căng thẳng kéo dài có thể góp phần gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như trầm cảm, rối loạn lo âu, bệnh tim, đái tháo đường hoặc rối loạn miễn dịch.
Trong quá trình chống lại căng thẳng, não tiết ra các hormone ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tim mạch. Các hormone này gây co mạch, tăng nhịp tim và gây tình trạng thở nhanh, nông. Những phản ứng này có thể dẫn đến chóng mặt hoặc choáng váng.
Các triệu chứng khác có thể xuất hiện khi căng thẳng là:
- Đổ mồ hôi
- Run người
- Nhức đầu
- Tức ngực
- Tim đập nhanh
- Mất ngủ
- Khó tập trung
- Buồn nôn
10. Rối loạn lo âu
Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến của tình trạng rối loạn lo âu. Tuy nhiên, mối liên quan giữa chóng mặt và rối loạn lo âu là khác nhau ở mỗi người.
Với một số trường hợp, rối loạn lo âu sẽ gây ra triệu chứng chóng mặt. Trong khi đó, chóng mặt đột ngột cũng có thể làm xuất hiện cơn lo âu.
Các tác nhân gây căng thẳng như kỳ thi hoặc cảm xúc tiêu cực có thể gây ra các cơn lo âu với các triệu chứng như chóng mặt, mất phương hướng và buồn nôn.
Các triệu chứng khác của rối loạn lo âu bao gồm:
- Lo lắng
- Bồn chồn, sốt ruột
- Khó tập trung
- Rối loạn giấc ngủ
- Thay đổi tâm trạng
- Cáu gắt
- Tim đập nhanh
- Đau đầu
- Đổ mồ hôi
- Khô miệng
Thời điểm cần đi khám
Chóng mặt có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng khi nó đi kèm với các triệu chứng như:
- Nhìn đôi
- Nôn mửa
- Sốt
- Tê bì
- Khó cử động hoặc kiểm soát tứ chi
- Đau đầu
- Tức ngực
- Mất ý thức
Kết luận
Chóng mặt đột ngột hoặc chóng mặt dữ dội có thể là tình trạng cấp cứu. Tuy nhiên, đa số các cơn chóng mặt thường tự khỏi mà không cần điều trị.
Chóng mặt là một triệu chứng không đặc hiệu gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như rối loạn lo âu, căng thẳng hoặc hạ đường huyết.
Nếu bị chóng mặt dữ dội hoặc chóng mặt thường xuyên, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Chóng mặt: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, biện pháp điều trị và phòng ngừa
- Chóng mặt và buồn nôn: Nguyên nhân và cách điều trị
- Chóng mặt trong thai kỳ: Nguyên nhân và cách điều trị
- Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi và đau bụng: Nguyên nhân và thời điểm cần đi khám
- Chóng mặt khi nằm: Nguyên nhân và cách điều trị