Video Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt là bệnh gì?
Bài viết này sẽ chỉ ra các nguyên nhân gây ra buồn nôn và chóng mặt cũng như thời điểm người bệnh cần đi khám.
Nguyên nhân gây chóng mặt và buồn nôn
Nhiều nguyên nhân hoặc bệnh lý khác nhau có thể gây ra chóng mặt và buồn nôn.
Đau đầu
Không phải mọi cơn đau đầu đều xảy ra riêng lẻ. Trong một số loại đau đầu, chóng mặt và buồn nôn có thể là những triệu chứng nổi bật nhất.
Đau nửa đầu là tình trạng đau đầu do nguyên nhân thần kinh. Nó có thể gây ra các vấn đề về thị lực, chóng mặt, rối loạn cảm giác và nôn mửa, có thể kèm hoặc không kèm theo đau đầu.
Một số loại đau đầu khác cũng có thể xuất hiện chóng mặt và buồn nôn, đặc biệt nếu người bệnh bị đau đầu rất dữ dội.
Nhiều trường hợp đau nửa đầu sẽ tiến triển thành mạn tính. Một số khác có thể xuất hiện khi cơ thể gặp các tác nhân cụ thể như căng thẳng hoặc khi uống cà phê.
Rượu bia và một số loại thuốc
Uống nhiều rượu bia có thể gây chóng mặt hoặc buồn nôn. Tình trạng nôn mửa sau khi uống rượu có thể là do cơ thể đào thải các chất độc có trong rượu.
Một số loại thuốc kê đơn cũng có thể gây chóng mặt và nôn mửa, đặc biệt là khi chúng gây tác động đến chức năng của hệ thần kinh trung ương.
Nếu nhận thấy những triệu chứng này xuất hiện sau khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới, người bệnh nên nói ngay với bác sĩ. Một số loại thuốc phổ biến có thể gây chóng mặt và buồn nôn là:
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc chống lo âu
- Thuốc chống động kinh
- Thuốc hạ huyết áp
- Thuốc chống loạn thần
- Một số loại thuốc kháng sinh
Say tàu xe
Say tàu xe có thể xảy ra khi não nhận thấy những chuyển động bất thường của cơ thể. Điều này có thể xuất hiện khi đứng yên nhưng nó thường xảy ra hơn khi di chuyển bằng phương tiện giao thông như ô tô, thuyền bè hoặc máy bay.
Say tàu xe có thể gây buồn nôn, đau đầu và chóng mặt. Một số trường hợp có thể gặp các biểu hiện khác như ngáp, buồn ngủ hoặc đổ mồ hôi.
Tình trạng say tàu xe thường được cải thiện khi ngừng di chuyển.
Ngoài say tàu xe khi ngồi trên phương tiện giao thông, tình trạng này còn có thể gây ra do các nguyên nhân như quan sát người khác di chuyển, chơi trò chơi điện tử hoặc xem video có sự chuyển động.
Say tàu xe không phải là một tình trạng nguy hiểm.
Viêm dạ dày
Tình trạng viêm dạ dày do virus hoặc vi khuẩn có thể gây buồn nôn và nôn mửa. Một số trường hợp khác cũng có thể cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng vì mất nước.
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm dạ dày là Norovirus. Loại virus rất dễ lây lan này có thể gây buồn nôn và nôn mửa kéo dài hơn 1 ngày. Nó cũng có thể gây ra các triệu chứng như sốt, nhức đầu hoặc đau cơ.
Các loại vi khuẩn thường có trong thực phẩm có thể gây viêm dạ dày. Trong đó, hai loại vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm dạ dày là vi khuẩn Salmonella và Escherichia coli (E coli).
Mặc dù đa số các trường hợp viêm dạ dày sẽ tự khỏi nhưng chúng có thể gây nguy hiểm vì làm mất nước ở trẻ nhỏ, người già và những người có bệnh lý nền.
Các bệnh nhiễm trùng khác
Nhiều bệnh nhiễm trùng khác với các mức độ từ nhẹ đến nguy kịch có thể gây buồn nôn và chóng mặt.
Khi bị nhiễm trùng, người bệnh thường bị sốt. Một số bệnh nhiễm trùng có thể gây buồn nôn và chóng mặt là:
- Viêm tai do Herpes Zoster, một biến thể hiếm gặp của bệnh Zona thần kinh biểu hiện ở tai
- Các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng tai trong
- Nhiễm trùng mắt làm giảm thị lực, gây cảm giác chóng mặt
Nếu tình trạng nhiễm trùng không được điều trị thì nó có thể lây lan sang các khu vực khác của cơ thể, gây ra tình trạng nhiễm trùng hệ thống (Sepsis). Nhiễm trùng hệ thống cũng có thể gây chóng mặt và buồn nôn, nhưng đây là một tình trạng đe dọa tính mạng và người bệnh cần được điều trị ngay lập tức.
Tình trạng mất nước
Đôi khi mất nước có thể khiến người bệnh cảm thấy chóng mặt.
Tình trạng mất nước thường xuất hiện sau khi nôn mửa, vì vậy những người bị mất nước có thể đã thấy buồn nôn trước đó.
Uống nhiều nước có thể làm dịu cơn chóng mặt. Nếu chóng mặt không cải thiện, người bệnh nên đi khám bác sĩ.
Rối loạn lo âu
Lo âu không chỉ là một cảm giác của tinh thần mà nó còn có thể gây ra các triệu chứng thực thể.
Một số người bị chóng mặt và buồn nôn do rối loạn lo âu. Các triệu chứng có thể trầm trọng hơn nếu chúng là nguyên nhân gây ra lo lắng cho người bệnh.
Khi bị căng thẳng hoặc áp lực, rối loạn lo âu có thể trở thành nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng chóng mặt và buồn nôn.
Mang thai
Ốm nghén là một trong những triệu chứng phổ biến ở giai đoạn đầu của thời kỳ mang thai. Ốm nghén có thể gây buồn nôn. Đôi khi, nó có thể gây chóng mặt và nôn mửa.
Ốm nghén có thể rất khó chịu nhưng nó không nguy hiểm trừ khi người phụ nữ mang thai bị nôn hết thức ăn và bị mất nước.
Nếu cảm thấy chóng mặt và không thể ngừng nôn, người phụ nữ mang thai nên đi khám bác sĩ ngay.
Rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình không phải là một chẩn đoán riêng lẻ mà là một hội chứng gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau với các biểu hiện chóng mặt, buồn nôn hoặc cảm giác quay cuồng.
Một trong những loại rối loạn tiền đình phổ biến nhất là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (Benign paroxysmal positional vertigo – BPPV). Tình trạng này xảy ra khi các viên sỏi nhỏ tích tụ ở tai trong di chuyển, khiến não bộ khó phân tích chuyển động của cơ thể.
Rối loạn tiền đình có thể được điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Tổn thương não và u não
Tổn thương não là nguyên nhân nghiêm trọng nhất nhưng cũng ít phổ biến nhất gây ra buồn nôn và chóng mặt.
Tai biến mạch máu não xảy ra do mạch máu bị tắc nghẽn hoặc chảy máu, làm gián đoạn dòng máu đến não. Nguyên nhân này phổ biến hơn với những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Thời điểm cần đi khám
Buồn nôn và nôn không kèm theo các triệu chứng khác thường tự khỏi mà không cần điều trị.
Người bệnh nên đi khám nếu xuất hiện chóng mặt và buồn nôn kèm các tình trạng dưới đây:
- Bị chóng mặt hoặc buồn nôn trong nhiều ngày
- Phụ nữ có thai bị mất nước hoặc bị nôn hết thức ăn
- Có các triệu chứng khác như thay đổi tính cách hoặc đi không vững
- Buồn nôn hoặc chóng mặt sau khi bắt đầu dùng thuốc mới
- Đau đầu thường xuyên khiến sinh hoạt hàng ngày bị gián đoạn
- Rối loạn lo âu kéo dài
Các trường hợp cần đi cấp cứu là:
- Khó cử động, đau nửa người, tê nửa người hoặc các dấu hiệu của đột quỵ
- Mất ý thức hoặc lú lẫn
Các biện pháp phòng ngừa
Tuy không phải lúc nào cũng có thể ngăn được cảm giác buồn nôn và chóng mặt nhưng có một số biện pháp làm giảm nguy cơ xuất hiện các triệu chứng này, bao gồm:
- Thường xuyên rửa tay, đặc biệt khi tiếp xúc gần với người khác hoặc sau khi ở gần người bệnh
- Cho trẻ nghỉ học ở nhà nếu trẻ bị ốm
- Tránh làm việc hoặc ra ngoài khi bị ốm
- Uống nhiều nước
- Đi khám nếu thấy dấu hiệu bất thường
Kết luận
Buồn nôn và chóng mặt có thể gây khó chịu và đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm. Nó cũng có thể gây lo lắng cho người bệnh.
Khi những triệu chứng này xuất hiện không rõ nguyên nhân hoặc ngày càng nặng hơn, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Chóng mặt: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, biện pháp điều trị và phòng ngừa
- Tại sao tôi hay bị chóng mặt? 10 nguyên nhân phổ biến
- Chóng mặt trong thai kỳ: Nguyên nhân và cách điều trị
- Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi và đau bụng: Nguyên nhân và thời điểm cần đi khám
- Chóng mặt khi nằm: Nguyên nhân và cách điều trị