Chóng mặt trong thai kỳ: Nguyên nhân và cách điều trị

Chóng mặt là một trong những triệu chứng phổ biến có thể xuất hiện khi mang thai. Dù đây thường không phải là vấn đề đáng lo ngại nhưng đối với một số phụ nữ, triệu chứng này có thể khá nghiêm trọng.

Chóng mặt có thể xuất hiện ở nhiều phụ nữ có thai. Nó thường gây khó chịu nhưng rất ít khi là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng.

Tuy nhiên, phụ nữ có thai vẫn nên đi khám nếu bị chóng mặt dữ dội, ngất xỉu hoặc chóng mặt gây khó khăn khi làm việc và sinh hoạt hàng ngày.

Video Chóng mặt, choáng váng khi mang thai

Một nghiên cứu năm 2019 đã chỉ ra rằng tình trạng ngất xỉu cũng rất phổ biến ở phụ nữ có thai. Họ kết luận rằng ngất xỉu, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng thai kỳ như sinh non và bất thường bẩm sinh, cũng như các vấn đề về tim mạch cho người phụ nữ sau này.

Chóng mặt trong thai kỳ

Trong những tháng đầu của thai kỳ, mạch máu giãn ra do sự gia tăng nồng độ hormone trong cơ thể người mẹ. Điều này có thể gây ra cảm giác choáng váng. Triệu chứng này có thể cải thiện hoặc trầm trọng hơn trong quá trình mang thai.

Cụ thể, sự gia tăng nồng độ hormone hCG (Human Chorionic Gonadotropin) có thể gây chóng mặt và buồn nôn. Nồng độ hCG thường giảm sau 3 tháng đầu của thai kỳ.

Tuy nhiên, khi thai phát triển và tử cung tăng kích thước gây chèn ép các cơ quan khác, một số phụ nữ có thể thấy chóng mặt nhiều hơn. Họ có thể cảm thấy choáng váng hoặc khó thở, đặc biệt là khi trời nóng hoặc khi gắng sức.

Sự thay đổi chỉ số đường huyết cũng có thể gây chóng mặt trong suốt thai kỳ.

Trong những tháng đầu của thai kỳ, đường huyết giảm hoặc nhịn đói có thể gây cảm giác chóng mặt, run rẩy hoặc buồn nôn.

Cuối 3 tháng giữa của thai kỳ, cơ thể người mẹ tăng sản xuất và tăng nhu cầu sử dụng insulin. Điều này có thể gây ra đái tháo đường thai kỳ và khiến một số người cảm thấy chóng mặt.

Nguyên nhân gây chóng mặt trong thai kỳ

Chóng mặt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như thay đổi hormone, đói bụng và các bệnh lý tim mạch. Những nguyên nhân phổ biến nhất gây chóng mặt trong thai kỳ bao gồm:

Tình trạng giãn mạch

Giãn mạch có thể là nguyên nhân gây chóng mặt khi mang thai. Nguồn ảnh: Verywellfamily.comGiãn mạch có thể là nguyên nhân gây chóng mặt khi mang thai. Nguồn ảnh: Verywellfamily.com

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể sản xuất ra nhiều loại hormone, trong đó có hormone Relaxin. Hormone này có tác dụng làm giãn mạch, giúp tăng lượng máu đến thai.

Tuy nhiên, lượng máu đến thai tăng cũng làm giảm lượng máu lên não của người mẹ. Điều này có thể gây chóng mặt khi gắng sức hoặc khi đứng dậy đột ngột.

Ngất do phản xạ thần kinh phế vị

Ngất do phản xạ thần kinh phế vị (Vasovagal syncope) dù xảy ra trong thời gian rất ngắn cũng có thể là nguyên nhân gây chóng mặt và ngất xỉu trong thai kỳ. Tình trạng này thường xảy ra do lo lắng hoặc căng thẳng khiến cơ thể không điều hòa được huyết áp, làm huyết áp giảm đột ngột.

Ngất do phản xạ thần kinh phế vị có thể xuất hiện lần đầu trong thai kỳ do sự căng thẳng của cơ thể. Ví dụ, một phụ nữ mắc chứng sợ kim tiêm có thể bị chóng mặt lúc làm xét nghiệm máu trong khi đi khám thai định kỳ.

Ngất do phản xạ thần kinh phế vị không phải là dấu hiệu bất thường nhưng đôi khi nó có thể gây rối loạn nhịp tim. Tiếng thổi của tim có thể xuất hiện trong thai kỳ do thể tích máu tăng.

Nếu xuất hiện trình trạng ngất do phản xạ thần kinh phế vị, bạn nên báo cho bác sĩ ngay cả khi nó tự khỏi mà không cần điều trị.

Đói bụng

Trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ, phụ nữ cần nhiều năng lượng hơn để duy trì cơ thể và giúp thai nhi phát triển. Điều này có thể khiến phụ nữ có thai thường xuyên cảm thấy đói hơn. Hạ đường huyết có thể gây ra triệu chứng chóng mặt trong thai kỳ.

Ốm nghén

Ốm nghén thường biểu hiện bằng các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và đau đầu. Tuy nhiên,  một số phụ nữ cũng có thể bị chóng mặt.

Trong một số trường hợp, tình trạng ốm nghén sẽ trở nên tồi tệ hơn khi người phụ nữ bị đói hoặc mệt mỏi. Các triệu chứng thường xuất hiện nhiều trong 3 tháng đầu của thai kỳ và biến mất vào khoảng tháng thứ 3 – 6. 

Những phụ nữ bị ốm nghén dữ dội và nôn mửa thường xuyên có thể mắc hội chứng ốm nghén nặng (Hyperemesis Gravidarum). Hội chứng này có thể gây mất nước và các biến chứng thai kỳ. Nó thường kéo dài trong suốt quá trình mang thai.

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bị nôn thường xuyên hoặc bị sụt cân trong thai kỳ.

Tình trạng kháng insulin

Insulin giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng sử dụng trong hoạt động sống của cơ thể.

Ngay cả trong thai kỳ bình thường thì tình trạng cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả cũng có thể xuất hiện, gây ra tình trạng kháng insulin nhẹ. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, tình trạng kháng insulin mạnh có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Người bị đái tháo đường thai kỳ có thể thấy chóng mặt do đường huyết thay đổi như khi bị đói, khi đường máu tăng hoặc khi thuốc điều trị đái tháo đường làm đường máu giảm mạnh.

Hoạt động gắng sức

Trong giai đoạn cuối của thai kỳ, tử cung tăng kích thước gây áp lực lên nhiều cơ quan, trong đó có phổi. Áp lực này khiến phổi khó giãn nở hết cỡ khi hít thở.

Trong khi việc hít thở trở nên khó khăn hơn thì cơ thể người phụ nữ mang thai lại đòi hỏi nhiều oxy hơn. Vì vậy, người phụ nữ có thể thấy chóng mặt khi vận động, khi bị khó thở hoặc khi thời tiết quá nóng.

Các bệnh lý nghiêm trọng khác

Chóng mặt không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng khi mang thai. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, nó là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nghiêm trọng như tăng huyết áp, nhiễm trùng hoặc xuất hiện cục máu đông.

Tất cả các trường hợp bị chóng mặt đột ngột, dữ dội trong thai kỳ đều cần đi khám bác sĩ.

Phòng ngừa chóng mặt trong thai kỳ

Tập thể dục nhẹ nhàng có thể cải thiện tình trạng chóng mặt trong thai kỳ. Nguồn ảnh: Onemedical.comTập thể dục nhẹ nhàng có thể cải thiện tình trạng chóng mặt trong thai kỳ. Nguồn ảnh: Onemedical.com

Phụ nữ có thai có thể giảm nguy cơ bị chóng mặt bằng các cách dưới đây:

  • Đứng lên từ từ: Những phụ nữ bị ngất do phản xạ thần kinh phế vị có thể hạn chế việc hạ huyết áp đột ngột bằng cách gồng cơ chân.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng: Tập thể dục là chìa khóa để giữ cho cơ thể, đặc biệt là hệ tim mạch, hoạt động bình thường trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tập nhẹ nhàng và chỉ tăng cường độ tập luyện theo lời khuyên của bác sĩ.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày: Phụ nữ có thai nên bổ sung các loại thực phẩm giàu protein và các chất dinh dưỡng khác như trứng vào trong chế độ ăn.
  • Uống nhiều nước: Một trong những tác dụng của nước là phòng ngừa triệu chứng chóng mặt.
  • Tránh căng thẳng và rối loạn lo âu: Phụ nữ có thai nên được chăm sóc bởi những người thân yêu, được quan tâm đến sức khỏe tinh thần và thực hiện các bài tập hít thở.
  • Nằm nghiêng sang trái: Nằm nghiêng sang trái khiến tử cung không gây áp lực lên gan, giúp cải thiện lượng máu đến thai.

Điều trị chóng mặt trong thai kỳ

Điều trị chóng mặt trong thai kỳ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ, bệnh lý tim mạch nghiêm trọng sẽ cần được điều trị và theo dõi tại bệnh viện.

Trong hầu hết các trường hợp khác, bác sĩ sẽ theo dõi các triệu chứng và chỉ định các phương pháp điều trị tại nhà như:

  • Vitamin B6 và doxylamine (Unisom) để làm giảm ốm nghén
  • Thuốc chống buồn nôn
  • Thay đổi lối sống và chế độ ăn để kiểm soát đường máu
  • Insulin hoặc các loại thuốc khác để điều trị đái tháo đường thai kỳ
  • Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn

Các biến chứng của chóng mặt trong thai kỳ

Đối với đa số trường hợp, biến chứng nguy hiểm nhất của chóng mặt trong thai kỳ là ngã và chấn thương.

Chóng mặt cũng có thể khiến việc lái xe, bê vật nặng và một số công việc khác trở nên nguy hiểm. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên về các biện pháp phòng ngừa chóng mặt và cân nhắc việc tiếp tục lái xe có an toàn hay không.

Nếu chóng mặt là do một bệnh lý nghiêm trọng gây ra, nó sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương đến cả người mẹ và thai nhi. Người mẹ có thể bị chuyển dạ sớm, tăng huyết áp hoặc các bệnh lý tim mạch khác. Trong đó, một số bệnh có thể đe dọa tính mạng như thuyên tắc phổi.

Vì vậy, người phụ nữ có thai nên đi khám nếu có triệu chứng chóng mặt.

Thời điểm cần đi khám

Chóng mặt là một tình trạng phổ biến trong thai kỳ và thường không phải triệu chứng của một bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, vì nó làm tăng nguy cơ tổn thương cho phụ nữ và thai nhi nên cần hỏi ý kiến của bác sĩ về những nguy cơ này.

Nếu chóng mặt kéo dài hơn vài phút, tốt nhất bạn nên tìm đến bác sĩ để được theo dõi và điều trị thích hợp. Phụ nữ có thai vẫn nên cẩn thận khi triệu chứng chóng mặt xảy ra.

Cần đưa người phụ nữ đi cấp cứu nếu chóng mặt trong thai kỳ đi kèm với các triệu chứng dưới đây:

  • Khó thở nghiêm trọng
  • Co giật
  • Chóng mặt và sốt
  • Xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ sớm như cơn co tử cung, vỡ ối hoặc chảy dịch từ âm đạo

Kết luận

Mang thai có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, một trong số đó là triệu chứng chóng mặt. Đây thường không phải là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng.

Tuy nhiên, mỗi triệu chứng đều phản ánh tình trạng sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Vì vậy, người mẹ cần phải thông báo cho bác sĩ về triệu chứng này và các bất thường khác phát sinh trong quá trình mang thai.

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!