Suy giáp và cường giáp: Điểm khác biệt là gì?

Thời gian gần đây bạn có được chẩn đoán mắc suy giáp không? Nếu câu trả lời là có, có lẽ bác sĩ đã giải thích với bạn rằng tuyến giáp của bạn đang hoạt động kém hơn bình thường. Và chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc với một số triệu chứng liên quan như mệt mỏi, táo bón và hay quên. Thật là khó chịu khi phải đối mặt với chúng phải không? Nhưng với một kế hoạch điều trị phù hợp, các triệu chứng kể trên hoàn toàn có thể nằm trong tầm kiểm soát.

Suy giáp

Viêm tuyến giáp Hashimoto là nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp. Nguồn: juliet-rose.comSuy giáp là tình trạng tuyến giáp không thể tạo ra đủ hormone để hoạt động một cách bình thường. Tuyến giáp kiểm soát mọi khâu trong quá trình trao đổi chất của cơ thể bạn. Trong suy giáp, việc sản xuất hormone của tuyến bị chậm lại, do đó làm chậm quá trình chuyển hóa năng lượng, có thể dẫn đến tăng cân. Suy giáp rất phổ biến và ảnh hưởng đến khoảng 4,6% dân số Hoa Kỳ.

Theo Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ, không có cách nào chữa khỏi bệnh suy giáp. Tuy nhiên, có những loại thuốc có thể giúp điều trị bệnh. Mục tiêu của thuốc là cải thiện chức năng tuyến giáp, khôi phục nồng độ hormone và cho phép bạn có một cuộc sống bình thường.

Viêm tuyến giáp Hashimoto là nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp. Với tình trạng này, hệ miễn dịch bị rối loạn và tấn công lại chính mô giáp lành của cơ thể. Theo thời gian, những cuộc tấn công này khiến tuyến giáp ngừng sản xuất hormone như bình thường, dẫn đến suy giáp. Giống như nhiều loại bệnh tự miễn khác, viêm tuyến giáp Hashimoto xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. 

Cường giáp

Đúng như tên gọi của nó, cường giáp xảy ra khi tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3), khiến cho cơ thể trở nên hoạt động quá mức. Nếu bị cường giáp, bạn có thể cảm thấy tim đập nhanh, tăng cảm giác thèm ăn, lo lắng, nhạy cảm với nhiệt độ hoặc sụt cân đột ngột. 

Cường giáp thường xảy ra do ba nguyên nhân chính:

  • Viêm tuyến giáp
  • Nhân giáp hoạt động quá mức, sản xuất quá nhiều hormone T4
  • Bệnh Basedow (Graves) – một tình trạng rối loạn hệ miễn dịch

Viêm tuyến giáp gây ra hiện tượng quá nhiều hormone tuyến giáp xâm nhập vào máu. Tình trạng này có thể dẫn đến đau và khó chịu cho người bệnh. Viêm tuyến giáp cũng có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai trong thời gian ngắn.

Các nhân tuyến giáp thường được bắt gặp ở cả suy giápcường giáp. Thông thường, những nhân giáp này là lành tính. Trong bệnh cường giáp, những nhân này có thể làm tăng kích thước tuyến giáp hoặc sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp T4. 

Basedow cũng là một bệnh tự miễn. Cơ thể tự sản xuất ra kháng thể kích thích tuyến giáp sản xuất một lượng lớn hormone. Đây thường là nguyên nhân cơ bản dẫn đến cường giáp. 

Sử dụng thuốc kháng giáp, i-ốt phóng xạ hoặc phẫu thuật là những lựa chọn trong điều trị cường giáp. Nếu không được điều trị, cường giáp có thể gây loãng xương, nhịp tim không đều và một số biến chứng nguy hiểm như rung nhĩ, cơn bão giáp, đe dọa tới tính mạng của người bệnh.

Viêm tuyến giáp Hashimoto và bệnh Basedow đều có tính chất gia đình. Nếu một thành viên trong gia đình mắc bệnh, các thành viên khác cũng có nguy cơ bị mắc. 

Sự khác biệt giữa suy giáp và cường giáp

Suy giáp gây ra các triệu chứng như chậm chạp, mệt mỏi, ngủ nhiều và tăng cân, cản trở tới các hoạt động trí óc và thể chất của người bệnh.

Suy giáp khiến bạn ngủ nhiều hơn, trong khi cường giáp lại gây mất ngủ.. Nguồn: sleepfoundation.org

Với cường giáp, ngược lại, bạn có thể thấy khó ngủ, bồn chồn lo âu, run tay, hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, cùng nhiều triệu chứng khác của tình trạng tăng chuyển hóa.

Sự khác biệt cơ bản nhất giữa hai tình trạng này liên quan đến nồng độ hormone tuyến giáp. Suy giáp dẫn đến giảm nồng độ hormon. Ngược lại, cường giáp dẫn đến tăng sản xuất hormone.

Hiện nay ở Mỹ, suy giáp phổ biến hơn cường giáp. Tuy nhiên, có không ít các trường hợp người bệnh bị cường giáp sau đó chuyển sang suy giáp và ngược lại. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào kể trên, hãy tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xem thêm: 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!