Bệnh Basedow là nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức). Những người bị bệnh Basedow khiến tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone, điều này có thể gây hại cho tim và các cơ quan khác. Tên gọi khác là bệnh Graves được đặt theo tên của bác sĩ Robert Graves, người Ireland - người đầu tiên mô tả tình trạng này vào những năm 1800.
Tuyến giáp của bạn nằm ở đâu?
Tuyến giáp có kích thước bằng ngón tay cái này nằm ở cổ của bạn. Nó nằm bên dưới cấu trúc yết hầu và ở phía trước khí quản. Cấu trúc eo giáp nối giữa thùy phải và thùy trước hoặc hai bên của tuyến giáp tạo cho tuyến giáp có hình dạng con bướm.
Mức độ phổ biến của bệnh Basedow như thế nào?
Ở Mỹ, cứ 200 người thì có 1 người mắc bệnh Basedow, khiến nó trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra cường giáp. Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh Basedow cũng khá cao, chiếm khoảng từ 10% đến 39% các bệnh liên quan đến bướu giáp hiện nay.
Ai có thể mắc bệnh Basedow?
Bệnh Basedow ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nó thường xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 50 và có xu hướng gia đình.
Nguy cơ phát triển bệnh Basedow tăng lên nếu bạn có:
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp.
- Một bệnh tự miễn khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, lupus hoặc tiểu đường típ 1.
- Bệnh celiac.
- Rối loạn nội tiết tố, chẳng hạn như bệnh Addison.
- Thiếu máu ác tính (thiếu sắt do thiếu vitamin B12).
- Bạch biến, một chứng rối loạn da làm thay đổi màu da.
Triệu chứng và nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh Basedow là gì?
Các chuyên gia vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra các bệnh tự miễn như bệnh Basedow là gì. Một yếu tố gì đó đã kích hoạt hệ thống miễn dịch sản xuất quá mức một kháng thể được gọi là globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (TSI). Yếu tố kích hoạt có thể là sự kết hợp của các gen và việc tiếp xúc với virut. TSI gắn vào các tế bào tuyến giáp khỏe mạnh, khiến tuyến sản xuất quá mức các hormone tuyến giáp.
Triệu chứng của bệnh Basedow là gì?
Cường giáp làm tăng một số chức năng của cơ thể. Các triệu chứng của bệnh Basedow bao gồm:
- Khó ngủ.
- Tăng kích thước tuyến giáp (bướu cổ).
- Viêm mắt khiến nhãn cầu bị đẩy lồi ra khỏi hốc mắt.
- Nhịp tim nhanh, không đều (loạn nhịp tim).
- Mệt mỏi.
- Run tay.
- Rối loạn điều hòa thân nhiệt.
- Cáu gắt.
- Yếu cơ.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
Chẩn đoán và xét nghiệm
Bác sĩ có thể chẩn đoán dựa trên các triệu chứng của bạn, chẳng hạn như tuyến giáp to và tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp hoặc bệnh tự miễn. Bạn cũng có thể làm các xét nghiệm này để xác định chẩn đoán bệnh Basedow:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu tuyến giáp đo TSI, một loại kháng thể kích thích sản xuất hormone tuyến giáp. Xét nghiệm máu cũng kiểm tra lượng hormone kích thích tuyến giáp (TSH). Mức TSH thấp cho thấy tuyến giáp đang sản xuất quá nhiều hormone. Việc sản xuất quá mức khiến tuyến yên tạo ra ít TSH hơn.
- Xét nghiệm hấp thụ iốt phóng xạ (RAIU): Tuyến giáp hấp thụ iốt từ máu để tạo ra hormone tuyến giáp. Với thử nghiệm RAIU, bạn sẽ nuốt một lượng nhỏ iốt phóng xạ. Ăn phải chất phóng xạ nghe có vẻ đáng sợ, nhưng phương pháp điều trị này chỉ nhắm vào các tế bào tuyến giáp một cách an toàn - phần còn lại của cơ thể bạn không bị ảnh hưởng. Một thiết bị đo lượng iốt mà tuyến giáp hấp thụ. Nếu mức độ hấp thụ iốt cao có thể là dấu hiệu của bệnh Basedow.
- Xạ hình tuyến giáp: Xạ hình tuyến giáp là một xét nghiệm hình ảnh sử dụng chất phóng xạ để xem tuyến giáp hoạt động như thế nào. Nó thường được thực hiện bằng cách tiêm một vật liệu gọi là technetium trước khi xét nghiệm, đợi một khoảng thời gian ngắn và sau đó tạo ra hình ảnh của tuyến giáp. Trong quá trình xạ hình, bác sĩ sẽ nhìn thấy hình ảnh của tuyến, cũng như có thể nhìn thấy mô hình hấp thu của tuyến. Mô hình này giúp bác sĩ biết tuyến hoạt động tốt như thế nào. Nó cũng có thể là một phần của quá trình chẩn đoán, trong đó nếu bạn có khả năng hấp thụ cao lan tỏa, đó có thể là bệnh Basedow. Nếu có những vùng hấp thu khu trú, đây có nhiều khả năng là một dạng cường giáp khác.
Ngoài ra còn có hai loại kháng thể có liên quan đến bệnh Basedow có thể được phát hiện trong các xét nghiệm. Các kháng thể này bao gồm TSI (kháng thể kích thích tuyến giáp), cũng như TBII (các globulin miễn dịch ức chế liên kết thyrotropin).
Ở một số bệnh nhân, sẽ có các kháng thể âm tính và chẩn đoán sẽ phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm khác (chủ yếu là TSH, nhưng cũng có thể là FT4 và FT3), sự hấp thu phóng xạ và xạ hình tuyến giáp.
Quản lý và điều trị
Bệnh Basedow là một bệnh tồn tại suốt đời. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị có thể giữ cho tuyến giáp hoạt động bình thường. Chăm sóc y tế thậm chí có thể làm cho bệnh tạm thời biến mất (thuyên giảm):
- Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta, chẳng hạn như propranolol và metoprolol, thường là phương pháp điều trị đầu tiên. Các loại thuốc này điều chỉnh nhịp tim và bảo vệ tim.
- Thuốc kháng giáp: Thuốc kháng giáp, chẳng hạn như methimazole (Tapazole®) và propylthiouracil, ngăn chặn việc sản xuất hormone tuyến giáp của tuyến. Ở một số ít người, những loại thuốc này gây phát ban da và hạ bạch cầu, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hiếm khi gây phát sinh các bệnh gan.
- Xạ trị: Liệu pháp xạ trị bao gồm dùng một liều iốt phóng xạ ở dạng viên hoặc lỏng. Trong hai đến ba tháng, bức xạ từ từ phá hủy các tế bào tuyến giáp. (Phần còn lại của cơ thể bạn sẽ không tiếp xúc với bức xạ.) Khi tuyến giáp co lại, nồng độ hormone trở lại bình thường. Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú không nên dùng phương pháp điều trị này.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp bao gồm phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp. Sau khi phẫu thuật, một số người sản xuất quá ít hormone tuyến giáp (một tình trạng được gọi là suy giáp). Nếu bạn xuất hiện tình trạng này, bạn có thể cần phải dùng thuốc hormone thay thế tuyến giáp, chẳng hạn như levothyroxine (Synthroid®) hoặc tuyến giáp khô tự nhiên (Armour® hoặc Nature-Throid®), suốt đời.
Biến chứng của bệnh Basedow là gì?
Bệnh Basedow không được quản lý và điều trị sẽ làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng sau:
- Bệnh về mắt: Bệnh mắt do tuyến giáp, hoặc bệnh nhãn khoa Basedow, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công cơ và mô xung quanh mắt. Tình trạng viêm khiến mắt lồi. Những thay đổi này có thể gây ra hiện tượng nhìn đôi (nhìn thấy hai hình ảnh giống nhau) và nhạy cảm với ánh sáng. Tình trạng nặng có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác và dẫn đến giảm thị lực.
- Các vấn đề về tim: Bệnh Basedow không được kiểm soát có thể gây ra rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều). Rối loạn nhịp tim làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim và các vấn đề về tim khác.
- Các vấn đề về da: Một số ít người bị bệnh Basedow có da dày, đỏ ở cẳng chân và bàn chân của họ. Tình trạng này được gọi là bệnh da Basedow hoặc phù niêm trước xương chày. Tình trạng này không gây đau đớn nhưng có thể gây khó chịu. Các loại kem hydrocortisone không kê đơn, chẳng hạn như Cortizone®, có thể giúp giảm đau.
- Cơn bão giáp: Hoạt động tuyến giáp cao ở mức nguy hiểm làm tăng tốc độ các chức năng của cơ thể. Nó gây ra rối loạn nhịp tim, mạch nhanh và sốc. Tình trạng đe dọa tính mạng này được gọi là cơn bão giáp và cần phải nhanh chóng điều trị bằng thuốc kháng giáp.
Bệnh Basedow ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?
Hormone tuyến giáp đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của não và hệ thần kinh của em bé. Cường giáp không được điều trị trong thời kỳ mang thai có thể gây hại cho bạn và thai nhi. Nhân viên y tế có thể kiểm tra mức độ hormone của bạn hàng tháng để đảm bảo chúng nằm trong ngưỡng an toàn. Quá nhiều hormone tuyến giáp khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ:
- Trẻ sơ sinh nhẹ cân - trẻ sơ sinh nặng dưới khoảng 2,5kg
- Sảy thai (sảy thai trước khi em bé phát triển đầy đủ).
- Tiền sản giật (huyết áp cao khi mang thai).
- Sinh non (sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ).
- Cường giáp ở trẻ sơ sinh (nồng độ hormone tuyến giáp cao ở trẻ sơ sinh).
- Suy tim sung huyết ở mẹ.
Phòng bệnh
Các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn nguyên nhân gây ra các bệnh tự miễn dịch như bệnh Basedow. Hiện tại, chưa có cách nào giúp ngăn ngừa căn bệnh này.
Tiên lượng
Giữ cho các hormone tuyến giáp ở giới hạn bình thường có thể là một việc khó khăn khi bạn mắc bệnh Basedow. Các phương pháp điều trị thường hiệu quả nhưng có thể có tác dụng phụ. Sau khi điều trị, một số người bắt đầu sản xuất quá ít hormone tuyến giáp. Sau đó, họ cần liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp suốt đời.
Sống cùng với bệnh Basedow
Khi nào tôi nên gọi cho bác sĩ?
Bạn nên gọi cho nhân viên chăm sóc sức khỏe của mình nếu bạn bị bệnh Basedow và bạn có các dấu hiệu:
- Nhìn đôi.
- Yếu cơ mức độ nặng
- Nhịp tim nhanh, không đều.
- Sốt.
- Nhạy cảm ánh sáng.
- Áp lực hoặc đau mắt.
- Phát ban hoặc ngứa da, có thể là dấu hiệu của dị ứng thuốc.
- Đau họng kéo dài.
Tôi nên hỏi bác sĩ những gì?
Nếu mắc bệnh Basedow, bạn có thể hỏi bác sĩ:
- Phương pháp điều trị tốt nhất cho tôi là gì?
- Các tác dụng phụ điều trị là gì?
- Tôi có nên tránh một số loại thuốc không?
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp có giúp được gì cho tôi không?
- Bệnh Basedow có gây ra các vấn đề sức khỏe khác không?
- Tôi có nên theo dõi các dấu hiệu của biến chứng không?
Một số lưu ý
Nồng độ hormone tuyến giáp quá cao do bệnh Basedow có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nhân viên y tế sẽ thường xuyên kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp của bạn để đảm bảo các con số luôn ở mức bình thường. Đôi khi, các phương pháp điều trị để giảm lượng hormone tuyến giáp dư thừa dẫn đến việc cơ thể bạn tạo ra quá ít hormone. Nếu điều đó xảy ra, liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp sẽ được lựa chọn.
Xem thêm: