T4 (thyroxine) là loại hormone chính do tuyến giáp tiết ra. T3 (triiodothyronine) là một phiên bản sửa đổi của T4. Lượng T4 do tuyến giáp tổng hợp được kiểm soát bởi mức độ sản xuất TSH của tuyến yên và ngược lại.
Do đó, nếu nồng độ T4 trong máu thấp hơn bình thường, tuyến yên sẽ sản xuất nhiều TSH hơn để kích thích tuyến giáp tăng cường sản xuất T4. Một khi lượng T4 đạt đến mức thích hợp, tuyến yên sẽ nhận ra điều đó và ngừng sản xuất thêm TSH.
Ở những người bị cường giáp cận lâm sàng, tuyến giáp tạo ra lượng T4 và T3 bình thường. Tuy nhiên, họ lại có mức TSH thấp hơn bình thường. Sự mất cân bằng nội tiết tố này dẫn đến tình trạng bệnh.
Tỷ lệ cường giáp cận lâm sàng trong dân số nói chung được ước tính là từ 0,6-16%, phụ thuộc vào tiêu chuẩn chẩn đoán được sử dụng.
Triệu chứng
Hầu hết những người bị cường giáp cận lâm sàng không có biểu hiện tuyến giáp hoạt động quá mức. Nếu các triệu chứng của cường giáp cận lâm sàng xuất hiện, chúng ở mức độ nhẹ và không đặc hiệu, thường bao gồm:
- Nhịp tim nhanh
- Run, thường ở bàn tay hoặc ngón tay
- Đổ mồ hôi hoặc sợ nóng
- Hồi hộp, lo lắng hoặc cáu kỉnh
- Sụt cân
- Khó tập trung
Nguyên nhân phổ biến
- Bệnh Basedow: Bệnh Basedow là một rối loạn của hệ thống miễn dịch, gây sản xuất hormone tuyến giáp quá mức .
- Bướu giáp đa nhân: là tình trạng trong lòng tuyến giáp của người bệnh xuất hiện một số nhân.
- Viêm tuyến giáp: là tình trạng viêm tại tuyến giáp, bao gồm một nhóm các rối loạn.
- U tuyến giáp: U tuyến giáp là một khối u lành tính của tuyến giáp.
Nguyên nhân ngoại sinh bao gồm:
- Liệu pháp ức chế TSH quá mức
- TSH bị ức chế không chủ ý trong lúc sử dụng hormone thay thế trong điều trị suy giáp
Cường giáp cận lâm sàng có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu. Tuy nhiên, nó không có ảnh hưởng bất lợi lên thai kỳ và thường không cần điều trị.
Cường giáp cận lâm sàng được chẩn đoán như thế nào?
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị cường giáp cận lâm sàng, trước tiên họ sẽ định lượng nồng độ TSH của bạn.
Nếu kết quả TSH thấp hơn bình thường, bác sĩ sẽ tiếp tục định lượng nồng độ T4 và T3 để xem chúng có nằm trong phạm vi bình thường hay không.
Phạm vi tham chiếu bình thường cho TSH ở người trưởng thành thường là 0,4 đến 4,0 mili đơn vị quốc tế trên lít (mIU/L).
Cường giáp cận lâm sàng thường được phân thành hai mức độ:
- Độ I: nồng độ TSH thấp, nhưng có thể phát hiện được bằng thiết bị đo thông thường. Những người thuộc nhóm này có mức TSH từ 0,1 đến 0,4 mlU/L.
- Độ II: nồng độ TSH không thể phát hiện được. Những người thuộc nhóm này có mức TSH nhỏ hơn 0,1 mlU/L.
Ảnh hưởng lên cơ thể nếu không được điều trị
Nếu cường giáp cận lâm sàng không được điều trị, nó có thể có một số tác động tiêu cực lên cơ thể:
- Tăng nguy cơ bị cường giáp: Những người có mức TSH không thể phát hiện được có nguy cơ bị cường giáp cao hơn.
- Ảnh hưởng xấu đến tim mạch: Những người không được điều trị có nguy cơ bị:
- Tăng nhịp tim
- Giảm khả năng hoạt động thể lực
- Rối loạn nhịp tim
- Rung nhĩ
- Giảm mật độ xương. Cường giáp cận lâm sàng không được điều trị có thể dẫn đến giảm mật độ xương ở phụ nữ sau mãn kinh.
- Sa sút trí tuệ: Một số báo cáo cho thấy cường giáp cận lâm sàng không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Cường giáp cận lâm sàng được điều trị như thế nào và khi nào cần điều trị?
Các tài liệu khoa học cho thấy nồng độ TSH thấp có thể tự trở lại bình thường ở 50% những người bị cường giáp cận lâm sàng.
Một bệnh nhân mắc phải tình trạng cường giáp cận lâm sàng có cần phải điều trị hay không phụ thuộc vào các yếu tố:
- Nguyên nhân
- Mức độ nghiêm trọng
- Sự xuất hiện của bất kỳ biến chứng nào liên quan
Điều trị dựa trên nguyên nhân
Việc tìm ra nguyên nhân sẽ giúp xác định được phương pháp điều trị thích hợp.
Điều trị các nguyên nhân nội sinh
Basedow là thủ phạm đứng sau tình trạng này, việc điều trị là rất cần thiết, với việc sử dụng thuốc kháng giáp hoặc liệu pháp i-ốt phóng xạ.
Nếu bệnhLiệu pháp i-ốt phóng xạ và thuốc kháng giáp cũng có thể được sử dụng để điều trị cường giáp cận lâm sàng gây ra bởi bướu giáp đa nhân hoặc u tuyến giáp.
Cường giáp cận lâm sàng do viêm tuyến giáp thường tự khỏi mà không cần điều trị thêm. Nếu tình trạng viêm tuyến giáp nặng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống viêm, bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc corticosteroid.
Điều trị các nguyên nhân ngoại sinh gây cường giáp cận lâm sàng
Nếu nguyên nhân là do liệu pháp ức chế TSH hoặc liệu pháp hormone thay thế, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng của những loại thuốc này khi thích hợp.
Điều trị dựa trên mức độ nghiêm trọng
Nếu mức TSH của bạn thấp nhưng vẫn có thể phát hiện được và không kèm theo biến chứng, bạn có thể không cần điều trị ngay lập tức. Thay vào đó, bạn sẽ được kiểm tra nồng độ TSH định kỳ vài tháng một lần cho đến khi chúng trở lại bình thường hoặc khi bác sĩ đánh giá rằng tình trạng của bạn đã ổn định.
Bạn có thể phải điều trị nếu mức TSH của bạn rơi vào độ I hoặc độ II và bạn thuộc các nhóm nguy cơ sau:
- Trên 65 tuổi
- Mắc bệnh tim mạch
- Bị loãng xương
- Có các triệu chứng gợi ý bị cường giáp
Điều trị khi có biến chứng
Nếu bạn đang gặp các triệu chứng liên quan đến tim mạch hoặc xương do cường giáp cận lâm sàng, thuốc chẹn beta và bisphosphonat có thể hữu ích đối với bạn.
Những điều bạn có thể làm tại nhà
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những tác động tiêu cực của tình trạng này đến mật độ xương có thể được giảm nhẹ bằng cách bổ sung đủ lượng canxi mỗi ngày.
Bạn có thể bị giảm cân một chút nếu bạn mắc cường giáp cận lâm sàng, do tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ dẫn đến mức chuyển hóa năng lượng cơ bản (BMR) cao, nhu cầu calo để duy trì cân nặng sẽ cao hơn.
Tiên lượng
Cường giáp cận lâm sàng là tình trạng mức TSH thấp nhưng mức T3 và T4 bình thường. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng của cường giáp cận lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định một loạt các xét nghiệm máu để chẩn đoán.
Vì tình trạng này có thể do nhiều bệnh lý khác nhau gây ra, nên phương pháp điều trị bạn nhận được sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của nó. Nếu nồng độ TSH có thể trở lại bình thường một cách tự nhiên hoặc thông qua việc sử dụng thuốc, tiên lượng của bạn sẽ rất tốt.
Xem thêm:
- Cường giáp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh
- Cường giáp cận lâm sàng: Khi nào cần điều trị và điều trị như thế nào?
- Triệu chứng cường giáp ở nam giới và nữ giới, biện pháp điều trị
- Chế độ ăn cho người bị cường giáp: Thực phẩm nên ăn và thực phẩm nên tránh
- Các phương pháp tự nhiên chữa bệnh cường giáp: thực phẩm, chất bổ sung...