Video Bệnh thiếu máu (Anemia): nguyên nhân và chữa trị
Tùy thuộc vào giới tính và độ tuổi, thiếu máu xảy ra khi nồng độ hemoglobin (HGB) thấp hơn:
- 130 g/L (13 g/dL) ở nam giới
- 120 g/L (12 g/dL) ở nữ giới
- 110 g/L (11 g/dL) ở người lớn tuổi
Triệu chứng của thiếu máu
Khi bị thiếu máu, cơ thể sẽ xuất hiện các dấu hiệu của tình trạng thiếu oxy ở các mô và tổ chức. Triệu chứng có thể xuất hiện tùy theo mức độ thiếu máu và đáp ứng của cơ thể như:
Khi bạn xuất hiện một trong các triệu chứng trên, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Các cách phân loại thiếu máu
Thiếu máu có 4 cách phân loại:
- Theo mức độ thiếu máu
- Theo diễn biến thiếu máu
- Theo nguyên nhân thiếu máu
- Theo đặc điểm dòng hồng cầu
Mỗi cách xếp loại có ý nghĩa và ứng dụng khác nhau trong việc tiếp cận chẩn đoán và tìm nguyên nhân gây thiếu máu. Thông thường, bác sĩ sẽ dựa vào diễn biến và mức độ thiếu máu để đánh giá sơ bộ tình trạng bệnh, từ đó đưa ra xử trí ban đầu phù hợp. Đồng thời, đặc điểm dòng hồng cầu sẽ giúp định hướng nguyên nhân thiếu máu để bác sĩ lựa chọn các biện pháp điều trị triệt để. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguyên nhân của thiếu máu rất khó xác định.
Cùng tìm hiểu sâu hơn về các cách phân loại thiếu máu dưới đây:
Phân loại thiếu máu theo mức độ
Đối với thiếu máu cấp tính, mức độ thiếu máu dựa vào tốc độ mất máu và sự thay đổi huyết động học. Mất > 15% lượng máu (500ml) được xem là thiếu máu cấp tính mức độ nặng.
Đối với thiếu máu mạn tính, mức độ thiếu máu chủ yếu dựa vào giá trị nồng độ hemoglobin trong máu:
- Mức độ 1: 100 g/L ≤ HGB < 120 g/L
- Mức độ 2: 80 g/L ≤ HGB < 100 g/L
- Mức độ 3: 60 g/L ≤ HGB < 80 g/L
- Mức độ 4: HGB < 60 g/L
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), mức độ thiếu máu được chia theo từng đối tượng dựa trên lượng hemoglobin, cụ thể như sau:
Đối tượng | Nồng độ HGB bình thường (g/L) | Nồng độ HGB khi thiếu máu (g/L) | ||
Nhẹ | Vừa | Nặng | ||
Trẻ em 6 – 59 tháng tuổi | ≥ 110 | 100 – 109 | 70 – 99 | < 70 |
Trẻ em 5 – 11 tuổi | ≥ 115 | 110 – 114 | 80 – 109 | < 80 |
Trẻ em 12 – 14 tuổi | ≥ 120 | 110 – 119 | 80 – 109 | < 80 |
Phụ nữ không mang thai ≥ 15 tuổi | ≥ 120 | 110 – 119 | 80 – 109 | < 80 |
Phụ nữ mang thai | ≥ 110 | 100 – 109 | 70 – 99 | < 70 |
Nam giới ≥ 15 tuổi | ≥ 130 | 110 - 129 | 80 – 109 | < 80 |
Phân loại thiếu máu theo diễn biến
Phân loại thiếu máu theo diễn biến bệnh được chia thành 2 loại là thiếu máu cấp tính và thiếu máu mạn tính.
Thiếu máu cấp tính
Thiếu máu xuất hiện nhanh, trong thời gian ngắn, do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Mất máu cấp tính
- Cơn tan máu
- Bệnh bạch cầu cấp (lơ-xê-mi cấp)
Thiếu máu mạn tính
Thiếu máu xuất hiện chậm, từ từ và tăng dần trong nhiều tháng, thường xuất hiện trong các bệnh mạn tính như:
- Bệnh khớp
- Ung thư
- Suy tủy xương
- Rối loạn sinh tủy
Phân loại thiếu máu theo nguyên nhân
Tình trạng thiếu máu có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, chúng thường được xếp vào 3 nhóm nguyên nhân chính:
Do mất máu
Máu bị mất đi do bệnh lý hoặc chấn thương như trong các trường hợp:
- Xuất huyết tiêu hóa
- Trĩ
- Kinh nguyệt kéo dài
- Đái máu
- Tai nạn giao thông
- Phẫu thuật
Do tan máu
Quá trình phá hủy hồng cầu có thể tăng vượt quá khả năng sản xuất của tủy xương vì các nguyên nhân tại hồng cầu (thường là các bệnh lý bất thường hồng cầu có tính di truyền) hoặc các nguyên nhân ngoài hồng cầu (miễn dịch, sốt rét, cường lách, ...).
Do giảm hoặc rối loạn quá trình sinh máu
Các nguyên nhân này là do tủy xương giảm hoặc rối loạn quá trình sinh các tế bào máu (suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, bệnh máu ác tính, ung thư di căn, …) hoặc do cung cấp không đủ các yếu tố tạo máu (thiếu sắt, thiếu axit folic và vitamin B12, thiếu erythropoietin, thiếu axit amin, …).
Phân loại thiếu máu theo đặc điểm dòng hồng cầu
Đây là cách xếp loại thường được sử dụng để giúp tiếp cận và chẩn đoán nguyên nhân gây thiếu máu.
- Dựa vào thể tích trung bình khối hồng cầu (Mean Corpuscular Volume – MCV)
- MCV từ 80 – 100 fl: Hồng cầu có kích thước bình thường
- MCV < 80 fl: Hồng cầu nhỏ, gặp trong thiếu máu thiếu sắt, bệnh Thalassemia, thiếu máu do các bệnh viêm mạn tính, ...
- MCV > 100 fl: Hồng cầu to, có thể gặp trong thiếu máu do thiếu axit folic và vitamin B12, ...
- Dựa vào lượng hemoglobin trung bình hồng cầu (Mean Corpuscular Hemoglobin – MCH) và nồng độ hemoglobin trung bình hồng cầu (Mean corpuscular Hemoglobin Concentration – MCHC) để phân biệt hồng cầu nhược sắc, bình sắc hoặc ưu sắc.
- Dựa vào dải phân bố kích thước hồng cầu (Red cell Distribution With – RDW) để xác định độ đồng đều về kích thước của các hồng cầu.
- Dựa vào chỉ số hồng cầu lưới để xác định thiếu máu có khả năng hồi phục (tủy sản xuất hồng cầu bính thường) hay không hồi phục (tủy không còn khả năng sản xuất hồng cầu). Qua đó, định hướng nguyên nhân thiếu máu tại tủy xương hay ở ngoại vi.
Nguyên tắc điều trị
Mỗi một trường hợp thiếu máu sẽ có phương pháp điều trị riêng, phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ bệnh, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Tuy nhiên, chúng đều có nguyên tắc điều trị chung như sau:
- Cần xác định các tình trạng cấp cứu như mất máu cấp mức độ nặng để truyền máu ngay. Đồng thời, cần tìm nguồn chảy máu và cầm máu càng sớm càng tốt.
- Quá trình điều trị thiếu máu phải kết hợp điều trị nguyên nhân, điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng.
- Mất máu do bệnh mạn tính cần điều trị nguyên nhân kết hợp với bổ sung sắt và bồi dưỡng cơ thể.
- Nếu thiếu máu do thiếu các yếu tố tạo máu, có thể bổ sung các chất qua chế độ ăn, thực phẩm chức năng, các loại thuốc đường uống hoặc đường tiêm theo chỉ định của bác sĩ.
- Trường hợp thiếu máu tan máu cần dùng các phương pháp hạn chế nguyên nhân gây tan máu kết hợp với dùng axit folic.
- Duy trí lượng hemoglobin ≥ 80 g/L (những trường hợp có bệnh lý tim, phổi mạn tính nên duy trì hemoglobin ≥ 90 g/L).
Kết luận
Thiếu máu là một tình trạng phổ biến có thể xảy ra với mọi đối tượng. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh. Hãy đi khám ngay nếu bạn xuất hiện các triệu chứng thiếu máu để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Xem thêm:
- Thiếu máu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
- Thiếu máu: Nguyên nhân, nhu cầu dinh dưỡng và hơn thế nữa
- Thiếu máu thiếu sắt: Triệu chứng, nguyên nhân, biện pháp điều trị và phòng ngừa
- Thiếu máu tan máu: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
- Thiếu máu ác tính: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị