Video: Tại sao sốt lại cảm thấy lạnh và đổ mồ hôi
Nhiều triệu chứng khác cũng có khả năng xảy ra khi bị sốt, bao gồm nhịp tim nhanh hơn, thở nhanh hơn, thay đổi trong quá trình trao đổi chất và tăng hoạt động của hệ thống miễn dịch. Hoạt động miễn dịch tăng lên này có vai trò giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Cơ thể vẫn giữ được khả năng điều chỉnh nhiệt độ, vì vậy hầu hết các cơn sốt đều không nguy hiểm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng một số bệnh nhiễm trùng dẫn đến sốt rất nguy hiểm. Ít phổ biến hơn, sốt kèm theo ớn lạnh là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề khác, chẳng hạn như phản ứng với thuốc hoặc ung thư.
Có nhiều bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn gây ra sốt đột ngột kèm theo ớn lạnh. Hãy tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm về lý do tại sao sốt có thể gây ớn lạnh, cách thức và thời điểm điều trị triệu chứng, cũng như khi nào cần liên hệ với bác sĩ.
Tại sao sốt gây ớn lạnh?
Khi một người bị sốt, các cơn co cơ gây run và rùng mình. Mục đích của những cơn co cơ này là để tăng nhiệt độ cơ thể, giúp một người chống lại nhiễm trùng hoặc một căn bệnh khác.
Vùng dưới đồi nằm ở nền não. Nó là một khu vực nhỏ chịu trách nhiệm điều chỉnh nhiệt độ và một số chức năng khác. Vùng dưới đồi đã thiết lập sẵn “điểm điều nhiệt” tối ưu cho cơ thể, khoảng 37ºC (98,6ºF). Khi nhiệt độ cơ thể lệch khỏi mức này, cơ thể sẽ cố gắng tự điều chỉnh trở lại bằng cách ra mồ hôi để giảm nhiệt độ hoặc run rẩy để tăng nhiệt độ.
Khi sốt, điểm điều nhiệt sẽ tăng lên. Đồng nghĩa với việc nhiệt độ cơ thể thấp hơn so với điểm điều nhiệt, vì vậy người sốt sẽ cảm thấy lạnh. Cảm giác lạnh hoặc ở dưới mức nhiệt độ tối ưu mới dẫn đến rùng mình. Sự run rẩy này làm tăng nhiệt độ cơ thể và người sốt có xu hướng mặc thêm quần áo hoặc thực hiện các biện pháp khác để giữ ấm.
Điều trị sốt
Để điều trị sốt, bạn có thể dùng thuốc hạ sốt không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen, aspirin hoặc ibuprofen.
Không bao giờ cho trẻ uống aspirin, vì điều này làm tăng nguy cơ mắc một bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm đến tính mạng được gọi là hội chứng Reye.
Uống nhiều nước giúp ngăn ngừa mất nước. Không cần tắm nước đá, cởi bỏ quần áo hoặc làm bất cứ điều gì khác gây khó chịu. Nếu sốt rất cao và không đáp ứng với thuốc, hoặc nếu một người có các triệu chứng của những bệnh nặng khác - chẳng hạn như cứng cổ, lú lẫn hoặc khó thở - hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu.
Hầu hết các cơn sốt, thậm chí sốt cao đều không nguy hiểm. Điều này là do cơ thể vẫn có khả năng điều chỉnh nhiệt độ và phải đặt nhiệt độ tối ưu cao hơn 37ºC (98,6ºF). Điều trị sốt chỉ là điều trị triệu chứng và sẽ không chữa khỏi được căn nguyên bệnh gây ra sốt. Vì vậy, nhiều bác sĩ cho rằng điều trị sốt không có mục đích y tế. Trên thực tế, có rất ít bằng chứng khoa học ủng hộ điều trị sốt.
Một bài báo năm 2020 lập luận rằng đối với các bệnh nhiễm trùng nhẹ có khả năng tự khỏi, điều trị sốt có lẽ là vô hại. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn - chẳng hạn như COVID-19 - điều trị sốt có thể ngăn chặn phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể, điều này làm chậm quá trình phục hồi và tăng nguy cơ biến chứng lâu dài.
Tuy nhiên, có một số ngoại lệ đối với quy tắc này. Những người có hệ thống miễn dịch kém do bị ung thư, bị HIV hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bị sốt. Ngoài ra, ở trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi, nhiệt độ trực tràng cao hơn 38ºC (100,4ºF) hoặc nhiệt độ miệng trên 37,5ºC (99,5ºF) cần phải đến khám bác sĩ.
Các triệu chứng liên quan ớn lạnh
Một số triệu chứng khác mà một người gặp cùng với sốt bao gồm:
- Run rẩy hoặc rùng mình
- Cảm thấy rất lạnh
- Cảm thấy nóng khi sốt hoặc sau khi uống thuốc hạ sốt
- Các triệu chứng gợi ý nguyên nhân gây sốt, chẳng hạn như ho, đau tai hoặc đau cơ
- Suy kiệt
- nôn mửa hoặc tiêu chảy
Đôi khi, các triệu chứng đi kèm với cơn sốt cung cấp manh mối về nguyên nhân của nó. Ví dụ, một người bị sốt và đau tai có khả năng là bị viêm tai.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng tự chẩn đoán được. Một số trường hợp dị ứng thuốc gây sốt và có thể xuất hiện thêm các triệu chứng giống các bệnh lý khác, chẳng hạn như đau cơ hoặc chảy nước mũi.
Khi nào cần liên hệ với bác sĩ
Điều quan trọng là liên hệ với bác sĩ nếu:
- Một người xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của một căn bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm màng não. Các triệu chứng này có thể bao gồm cứng cổ, lú lẫn hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
- Các triệu chứng của bệnh nhẹ nhưng tiến triển nặng hơn hoặc không khỏi sau một vài ngày.
- Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị sốt.
- Người bị bệnh nặng hoặc suy giảm miễn dịch
- Một người bị sốt mãn tính không rõ nguyên nhân.
- Một người bị sốt sau khi dùng một loại thuốc mới.
Phòng ngừa ớn lạnh
Thông thường, chiến lược tốt nhất để ngăn ngừa sốt là phòng các bệnh nhiễm trùng gây ra chúng. Một số cách hữu ích như:
- Ở nhà khi bị ốm, và không gửi trẻ đang ốm đến nhà trẻ hoặc trường học.
- Hiểu rằng điều trị sốt không ngăn được bệnh lây lan. Nếu một người vẫn bị sốt mặc dù đã dùng thuốc, họ vẫn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
- Tiêm phòng vắc xin đầy đủ
- Thực hành rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm, đặc biệt là trước khi ăn, trước khi chạm vào mặt và sau khi chạm vào người khác.
- Cố gắng tránh tiếp xúc với những người bị bệnh. Nếu không thể làm như vậy, hãy đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay.
- Thực hành tình dục an toàn hơn để giảm lây lan các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
- Ở những khu vực đông người có tỷ lệ COVID-19 cao, hãy đeo khẩu trang trong nhà.
- Thực hành chế biến thực phẩm an toàn, bao gồm sử dụng các dụng cụ khác nhau cho các loại thực phẩm khác nhau, hâm nóng thực phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và rửa tay trước và sau khi chạm vào thịt sống.
Tổng kết
Sốt thường kèm theo ớn lạnh vì đây là phản ứng của cơ thể nhằm cố gắng tăng nhiệt độ cơ thể lên mức tối ưu khi chống lại một số bệnh nhiễm trùng và virus.
Sốt có thể rất khó chịu và có thể gây ra các triệu chứng đau đớn - ngay cả khi nguyên nhân là một bệnh tương đối nhẹ. Tuy nhiên, sốt là phản ứng bình thường của cơ thể đối với nhiễm trùng hoặc bệnh tật và không quá đáng lo ngại. Mặc dù nhiễm trùng gây sốt khả năng nguy hiểm, nhưng bản thân sốt hiếm khi nguy hiểm.
Mọi người nên tập trung vào các chiến lược tự chăm sóc và tạo cảm giác thoải mái, chẳng hạn như ủ ấm, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Uống thuốc hạ sốt giúp làm giảm các triệu chứng và giúp người bệnh dễ chịu hơn.
Hầu hết các cơn sốt sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kèm theo rất nghiêm trọng, trở nên tồi tệ hơn hoặc không khỏi trong vài ngày, hãy liên hệ với bác sĩ.
Xem thêm: