Estrogen có trong cơ thể của cả nam và nữ nhưng lượng estrogen ở phụ nữ nhiều hơn. Chúng được sản xuất ở buồng trứng, tuyến thượng thận và các mô mỡ.
Các loại estrogen
Estrone
Hoạt tính của estrone đứng thứ hai trong ba loại estrogen của cơ thể và là loại estrogen chủ yếu có ở phụ nữ tuổi mãn kinh. Chúng có thể được chuyển hóa thành các dạng estrogen khác khi cần thiết.
Estradiol
Estradiol là loại estrogen phổ biến nhất, có cả trong cơ thể của nam và nữ.
Tuy nhiên, lượng estradiol nên được kiểm soát ở mức vừa phải. Quá nhiều estradiol có thể dẫn đến mụn trứng cá, mất ham muốn tình dục, loãng xương và trầm cảm. Ở nồng độ rất cao, estradiol có thể làm tăng nguy cơ ung thư tử cung và ung thư vú. Tuy nhiên, nồng độ estradiol thấp khiến tăng cân, tăng yếu tố nguy cơ tim mạch.
Estriol
Nồng độ estriol tăng trong thời kỳ mang thai giúp tử cung phát triển và tạo thuận lợi cho cuộc sinh nở. Nồng độ estriol đạt đỉnh tại thời điểm ngay trước khi sinh.
Chức năng
Estrogen đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan sau:
Buồng trứng: Estrogen kích thích sự phát triển của nang trứng.
Âm đạo: Trong âm đạo, estrogen duy trì độ dày của thành âm đạo, duy trì pH acid. Ngoài ra còn có tác dụng bôi trơn âm đạo.
Tử cung: Estrogen tăng cường và duy trì độ dày của lớp nội mạc tử cung, có vai trò trong hoạt động tiết dịch của tuyến niêm mạc tử cung.
Vú: Giúp phát triển tuyến vú, đồng thời ức chế sự tiết sữa – vai trò này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cai sữa sau sinh.
Nồng độ estrogen
Nồng độ estrogen ở mỗi cá nhân là không giống nhau. Trong cùng một cơ thể, nồng độ của chúng cũng dao động tùy theo mỗi giai đoạn của cuộc đời người phụ nữ. Sự biến đổi của nồng độ estrogen đôi khi có thể tạo ra những biến đổi trên cơ thể như thay đổi tâm trạng trước kỳ kinh nguyệt hoặc bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh.
Các yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ estrogen bao gồm:
- Mang thai, cuối thai kỳ và thời kỳ cho con bú
- Dậy thì
- Thời kỳ mãn kinh
- Tuổi lớn hơn
- Thừa cân và béo phì
- Chế độ ăn kiêng khắt khe hoặc chứng chán ăn tâm lý
- Chế độ tập luyện, làm việc quá vất vả
- Sử dụng một số loại thuốc, bao gồm steroid, ampicillin, thuốc chứa estrogen, phenothiazin và tetracyclin
- Bệnh di truyền như hội chứng Turner
- Huyết áp cao
- Bệnh tiểu đường
- Suy buồng trứng nguyên phát
- Suy tuyến yên
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Khối u của buồng trứng hoặc tuyến thượng thận
Mất cân bằng estrogen
Sự mất cân bằng nồng độ estrogen đưa đến nhiều hệ lụy:
- Kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh
- Chảy máu bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt
- Làm nặng các triệu chứng mãn kinh, tiền mãn kinh
- Bốc hỏa, đổ mồ hôi trộm
- Khối u ở vú và tử cung
- Thay đổi tâm sinh lý, rối loạn giấc ngủ
- Tăng cân, chủ yếu ở hông, đùi và eo
- Giảm ham muốn tình dục
- Khô teo âm đạo
- Mệt mỏi
- Tính khí thất thường
- Trầm cảm, lo lắng
- Khô da
Ở nam giới, nồng độ estrogen quá cao có thể dẫn đến:
- Vô sinh
- Rối loạn cương dương
- Ngực lớn hơn, hay còn gọi là nữ hóa tuyến vú
Nam giới có nồng độ estrogen thấp có thể làm giảm ham muốn tình dục, tăng mỡ bụng.
Ứng dụng của estrogen
Nếu gặp tình trạng thiếu hụt estrogen, bạn có thể cần bổ sung chúng.
Các sản phẩm chứa estrogen bao gồm:
- Estrogen tổng hợp
- Estrogen sinh học
- Premarin, chứa estrogen chiết xuất từ nước tiểu của ngựa cái đang mang thai
Liệu pháp estrogen
Liệu pháp estrogen (hay còn gọi là liệu pháp hormone thay thế) là phương pháp giúp điều trị các triệu chứng xuất hiện ở phụ nữ thời kì tiền mãn kinh.
Người ta có thể sử dụng estrogen đơn thuần, hoặc dạng phối hợp cả estrogen và progestin để điều trị bệnh.
Hormone được bào chế dưới rất nhiều dạng, thuận tiện cho việc sử dụng như: dạng viên uống, xịt mũi, miếng dán, gel bôi da, thuốc tiêm, kem bôi âm đạo hoặc vòng.
Liệu pháp này rất hữu ích trong việc làm giảm các triệu chứng như:
- Bốc hỏa
- Khô, rát âm đạo
- Đau khi giao hợp
- Tâm trạng thay đổi thất thường
- Rối loạn giấc ngủ
- Lo âu
- Giảm ham muốn tình dục
Thêm vào đó, liệu pháp estrogen còn giúp giảm nguy cơ loãng xương – tình trạng hay xuất hiện ở phụ nữ tuổi mãn kinh .
Tuy nhiên, cần chú ý đến các tác dụng không mong muốn như :
- Đầy hơi
- Đau ngực
- Đau đầu
- Chuột rút
- Khó tiêu
- Buồn nôn
- Chảy máu âm đạo
- Tăng giữ nước, dẫn đến phù
Một số loại liệu pháp hormone cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đông máu, ung thư tử cung và ung thư vú. Bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố nguy cơ để quyết định xem bạn có phù hợp với liệu pháp hormone hay không.
Ngoài ra, người ta cũng áp dụng liệu pháp estrogen trong điều trị một số bệnh như:
- Suy buồng trứng nguyên phát
- Các vấn đề buồng trứng khác
- Một số loại mụn
- Một số dạng ung thư tiền liệt tuyến
- Dậy thì muộn như trong hội chứng Turner
Nồng độ cao estrogen làm tăng nguy cơ và tăng sự tiến triển của ung thư vú. Do đó để ngăn chặn tiến triển của ung thư, người ta sử dụng một số phương pháp làm giảm hoạt tính của estrogen.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng liệu pháp hormon. Biện pháp này chống chỉ định với người có tiền sử gia đình bị ung thư vú hoặc bị bệnh tuyến giáp.
Chuyển giới
Estrogen kết hợp với thuốc kháng androgen có thể được kê cho người có mong muốn chuyển giới (từ nam thành nữ).
Estrogen có tác dụng giúp cơ thể phát triển các đặc điểm sinh dục phụ của nữ giới như phát triển ngực, giúp da dẻ mịn màng, giảm sự hình thành lông.
Liệu pháp estrogen chỉ là một phần của phương pháp trị liệu. Do đó, nếu có nhu cầu chuyển giới, cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn phương pháp phù hợp nhất.
Kiểm soát sinh đẻ
Có hai loại thuốc tránh thai: thuốc tránh thai tổng hợp: chứa cả estrogen và progestin; thuốc tránh thai chỉ chứa progestin.
Cơ chế của thuốc là ngăn chặn sự rụng trứng bằng cách kiểm soát nồng độ các hormon sinh sản sao cho chúng không bị dao động trong suốt chu kì kinh nguyệt.
Ngoài ra, thuốc làm cho chất nhầy ở cổ tử cung trở nên đặc quánh khiến tinh trùng khó di chuyển vào buồng tử cung để gặp trứng.
Người ta cũng sử dụng thuốc tránh thai với mục đích khác như: giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt và điều trị mụn trứng cá nội tiết.
Tuy nhiên, thuốc tránh thai có các tác dụng phụ là có thể làm tăng nguy cơ:
- Đau tim
- Đột quỵ
- Hình thành cục máu đông
- Thuyên tắc mạch phổi
- Buồn nôn và ói mửa
- Đau đầu
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Thay đổi cân năng
- Căng và sưng vú
Theo nghiên cứu, các tác dụng không mong muốn trên hay gặp ở những phụ nữ trên 35 tuổi hoặc phụ nữ hút thuốc lá. Sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Nguồn thực phẩm chứa estrogen
Trong tự nhiên, có nhiều loại thực phẩm chứa phytoestrogen – chất có cấu trúc giống estrogen.
Một số nghiên cứu cho rằng phytoestrogen có thể ảnh hưởng đến nồng độ của estrogen trong cơ thể. Tuy nhiên, không có đầy đủ bằng chứng để khẳng định điều này.
Các loại thực phẩm chứa phytoestrogen có thể kể đến như:
- Rau cải
- Đậu nành và một số thực phẩm chứa protein đậu nành
- Các loại quả mọng
- Các loại hạt và ngũ cốc
- Hoa quả
- Rượu
Người ta cho rằng dùng các thực phẩm trên có thể giúp kiểm soát cơn bốc hỏa và các tác động khác của thời kỳ mãn kinh, nhưng điều này không nhận được sự đồng tình của các nhà khoa học. Bởi thực tế cho thấy, sử dụng trực tiếp các thực phẩm trên không mang lại hiệu quả cao bằng dùng chúng ở dạng đã qua bào chế (thực phẩm chức năng).
Thực phẩm chức năng
Tương tự như cac thực phẩm tự nhiên ở trên, thực phẩm chức năng cũng chứa phytoestrogen. Nhưng dùng thực phẩm chức năng, chúng ta có thể kiểm soát được lượng estrogen đưa vào để điều trị các triệu chứng thời kỳ mãn kinh. Các loại thảo mộc, thực phẩm chức năng giàu estrogen có thể kể đến như:
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chính xác những loại thảo dược này ảnh hưởng như thế nào đến estrogen và hoạt động của estrogen trong cơ thể, cũng như chưa kiểm định được độ an toàn của chúng khi sử dụng lâu dài. Vì thế cần nhiều nghiên cứu hơn để làm sáng tỏ.
Do đó, trước khi dùng bất cứ loại thực phẩm chức năng hay loại thuốc nào, cần thăm khám và hỏi ý kiến của bác sĩ.
Xem thêm: