11 điều bạn cần biết về tiểu đường thai kỳ: Triệu chứng, yếu tố nguy cơ, điều trị và phòng ngừa biến chứng

Trong thời kỳ mang thai, một số phụ nữ sẽ gặp tình trạng lượng đường trong máu cao. Tình trạng này được gọi là tiểu đường thai kỳ (gestational diabetes mellitus - GDM). Tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện từ tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ.

Mắc tiểu đường thai kỳ khi đang mang thai không có nghĩa là bạn đã mắc bệnh tiểu đường trước khi mang thai hoặc sẽ mắc bệnh này sau sinh, nhưng tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 trong tương lai.

Nếu không kiểm soát tốt, nó cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường của con bạn và tăng nguy cơ biến chứng cho bạn và con bạn trong khi mang thai và sinh nở.

Các triệu chứng của tiểu đường thai kỳ là gì?

Rất hiếm khi tiểu đường thai kỳ gây ra các triệu chứng. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng, chúng thường nhẹ. Có thể gặp:

Nguyên nhân nào gây ra tiểu đường thai kỳ?

Nguyên nhân chính xác của tiểu đường thai kỳ vẫn chưa được biết, nhưng các hormone có thể đóng một vai trò nào đó. Khi bạn mang thai, cơ thể sản xuất một số lượng lớn hơn một số hormone, đó là:

  • Lactogen nhau thai người (human placental lactogen - hPL)
  • Hormone làm tăng đề kháng insulin

Những hormone này ảnh hưởng đến nhau thai và giúp duy trì thai kỳ của bạn. Theo thời gian, lượng hormone này trong cơ thể bạn tăng lên. Chúng có thể bắt đầu làm cho cơ thể bạn đề kháng với insulin - hormone điều chỉnh lượng đường máu của bạn.

Insulin giúp di chuyển glucose ra khỏi máu và vào tế bào để tạo năng lượng. Trong thời kỳ mang thai, cơ thể bạn tăng kháng insulin hơn, để có nhiều glucose hơn trong máu nhằm cung cấp cho em bé. Nếu tình trạng kháng insulin trở nên quá mạnh, lượng đường máu của bạn có thể tăng lên bất thường. Điều này có thể gây ra tình trạng tiểu đường thai kỳ.

Ai có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ?

Bạn có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn nếu:

  • Trên 25 tuổi
  • Bị cao huyết áp
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
  • Thừa cân trước khi bạn mang thai
  • Tăng trọng lượng lớn hơn bình thường khi bạn đang mang thai
  • Đa thai
  • Trước đó đã sinh một em bé nặng hơn 4kg
  • Đã từng bị tiểu đường thai kỳ
  • Đã bị sẩy thai không rõ nguyên nhân hoặc thai chết lưu
  • Đã được sử dụng glucocorticoid
  • Có hội chứng đa nang buồng trứng (polycystic ovary syndrome - PCOS), tình trạng xạm da “acanthosis nigricans”, hoặc các tình trạng khác có liên quan đến hiện tượng kháng insulin
  • Là người da màu

Tiểu đường thai kỳ được chẩn đoán như thế nào?

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association - ADA) khuyến khích các bác sĩ tầm soát các dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ cho phụ nữ mang thai. Nếu bạn không biết tiền sử mắc bệnh tiểu đường và lượng đường trong máu bình thường khi bắt đầu mang thai, bác sĩ có thể sẽ sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ khi bạn mang thai được 24 đến 28 tuần.

Test glucose

Một số bác sĩ có thể bắt đầu với test glucose. Không cần chuẩn bị cho xét nghiệm này.

Bạn sẽ uống dung dịch glucose. Sau một giờ, bạn sẽ được xét nghiệm máu. Nếu lượng đường trong máu của bạn cao, bác sĩ có thể thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose qua đường miệng kéo dài 3 giờ. Đây được coi là xét nghiệm 2 bước.

Một số bác sĩ bỏ qua test glucose và chỉ thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose trong 2h. Đây được coi là xét nghiệm 1 bước.

Xét nghiệm 1 bước

  1. Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách xét nghiệm lượng đường trong máu lúc đói.
  2. Họ sẽ yêu cầu bạn uống một dung dịch có chứa 75 gam glucose
  3. Họ sẽ kiểm tra lại lượng đường trong máu của bạn sau 1 giờ và 2 giờ.

Họ có thể chẩn đoán bạn bị tiểu đường thai kỳ nếu bạn có bất kỳ kết quả nào sau đây:

  • Mức đường máu lúc đói lớn hơn hoặc bằng 92 mg / dL
  • Mức đường máu sau 1 giờ lớn hơn hoặc bằng 180 mg / dL
  • Mức đường máu sau 2 giờ lớn hơn hoặc bằng 153 mg / dL

Xét nghiệm 2 bước

  1. Đối với bài kiểm tra 2 bước, bạn sẽ không cần phải nhịn ăn.
  2. Họ sẽ yêu cầu bạn uống một dung dịch có chứa 50 gam glucose.
  3. Bác sĩ sẽ xét nghiệm lượng đường trong máu của bạn sau một giờ.

Nếu tại thời điểm đó lượng đường máu của bạn lớn hơn hoặc bằng 130 mg / dL hoặc 140 mg / dL, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm theo dõi lần thứ hai vào một ngày khác. 

Trong lần xét nghiệm thứ hai, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách kiểm tra mức đường huyết lúc đói của bạn.

  1. Họ sẽ yêu cầu bạn uống một dung dịch có 100 g đường trong đó.
  2. Bác sĩ sẽ xét nghiệm lượng đường trong máu của bạn sau 1, 2 và 3 giờ

Bác sĩ có thể chẩn đoán bạn bị tiểu đường thai kỳ nếu bạn có ít nhất hai trong số các giá trị sau:

  • Mức đường máu lúc đói lớn hơn hoặc bằng 95 mg / dL hoặc 105 mg / dL
  • Mức đường máu sau 1 giờ lớn hơn hoặc bằng 180 mg / dL hoặc 190 mg / dL
  • Mức đường máu sau 2 giờ lớn hơn hoặc bằng 155 mg / dL hoặc 165 mg / dL
  • Mức đường máu sau 3 giờ lớn hơn hoặc bằng 140 mg / dL hoặc 145 mg / dL

Bạn có nên lo lắng về tiểu đường type 2 không?

Tiểu đường thai kỳ type 2ADA cũng khuyến khích các bác sĩ sàng lọc phụ nữ mắc bệnh tiểu đường type 2 khi bắt đầu mang thai. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 2, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra tình trạng của bạn trong lần khám tiền sản đầu tiên.

Các yếu tố nguy cơ này gồm:

  • Thừa cân
  • Ít vận động
  • Bị huyết áp cao
  • Có nồng độ HDL - cholesterol máu thấp
  • Có lượng tryglycerid (chất béo trung tính) cao trong máu 
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
  • Có tiền sử tiểu đường thai kỳ, tiền tiểu đường hoặc các dấu hiệu kháng insulin
  • Trước đó đã sinh một em bé nặng hơn 4kg

Tiểu đường thai kỳ gồm những loại nào?

Bệnh tiểu đường thai kỳ được chia thành 2 loại.

Loại A1 được sử dụng để mô tả bệnh tiểu đường thai kỳ có thể được kiểm soát thông qua chế độ ăn uống. Những người bị tiểu đường thai kỳ loại A2 sẽ cần insulin hoặc thuốc uống để kiểm soát tình trạng của họ.

Điều trị tiểu đường thai kỳ như thế nào?

Nếu bạn được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ, kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào lượng đường máu trong suốt cả ngày.

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ khuyên bạn kiểm tra lượng đường máu trước và sau bữa ăn. Họ cũng khuyến nghị kiểm soát tình trạng của bạn bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể tiêm thêm insulin nếu cần. Theo Mayo Clinic, chỉ 10 đến 20% phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cần insulin để giúp kiểm soát lượng đường máu. Hãy hỏi bác sĩ về thời điểm tiêm insulin đúng cách, liên quan đến bữa ăn và tập thể dục để tránh lượng đường trong máu thấp.

Bác sĩ cũng có thể cho bạn biết phải làm gì nếu lượng đường trong máu xuống quá thấp hoặc cao hơn mức bình thường.

Bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?

Video Thực đơn cho người bị tiểu đường thai kỳ sao cho phù hợp? Có được uống nước dừa không?

Một chế độ ăn uống cân bằng là chìa khóa để kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ đúng cách. Đặc biệt, phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cần đặc biệt chú ý đến lượng chất bột, đường, chất đạm và chất béo.

Ăn thường xuyên - thường xuyên hai giờ một lần - cũng có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu.

Carbohydrate

Sử dụng các loại thực phẩm giàu carbohydrate một cách hợp lý sẽ giúp ngăn ngừa sự tăng đột biến của lượng đường trong máu.

Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định chính xác bạn nên ăn bao nhiêu carbohydrate mỗi ngày. Họ cũng có thể khuyên bạn nên gặp một chuyên gia dinh dưỡng để giúp lên kế hoạch ăn uống.

Các lựa chọn carbohydrate lành mạnh bao gồm:

  • Các loại ngũ cốc
  • Gạo lức
  • Đậu như đậu Hà Lan, đậu lăng và các loại đậu khác
  • Rau giàu tinh bột
  • Trái cây ít đường

Chất đạm

Phụ nữ mang thai nên ăn 2-3 khẩu phần protein mỗi ngày. Các nguồn cung cấp protein tốt gồm thịt nạc và thịt gia cầm, cá và đậu phụ.

Chất béo

Chất béo lành mạnh nên đưa vào chế độ ăn uống của bạn bao gồm các loại hạt không ướp muối, dầu ô liu và quả bơ.  

Những biến chứng nào liên quan đến tiểu đường thai kỳ?

Nếu tiểu đường thai kỳ được kiểm soát kém, lượng đường máu của bạn có thể vẫn cao hơn mức bình thường trong suốt thai kỳ. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng và ảnh hưởng đến sức khỏe của con bạn. Ví dụ, khi được sinh ra, em bé có thể có:

  • Trọng lượng sơ sinh cao
  • Khó thở
  • Hạ đường máu
  • Chứng loạn sản vai, khiến vai của em bé bị mắc kẹt trong âm đạo khi chuyển dạ

Em bé cũng có thể có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường cao hơn trong cuộc sống sau này. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải thực hiện các bước để kiểm soát tiểu đường thai kỳ bằng cách tuân theo kế hoạch điều trị được đề nghị của bác sĩ.

Diễn biến của tiểu đường thai kỳ

Lượng đường máu sẽ trở lại bình thường sau khi bạn sinh con. Nhưng mắc tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 sau này trong cuộc sống. Hãy hỏi bác sĩ cách để giảm nguy cơ phát triển bệnh này và các biến chứng liên quan.

Tiểu đường thai kỳ có thể ngăn ngừa được không?

Không thể ngăn ngừa hoàn toàn tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, áp dụng những thói quen lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ phát triển tình trạng này.

Nếu bạn đang mang thai và có một trong những yếu tố nguy cơ của tiểu đường thai kỳ, hãy cố gắng ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Ngay cả hoạt động nhẹ nhàng, như đi bộ, cũng có thể mang lại lợi ích.

Nếu bạn đang có kế hoạch mang thai trong tương lai gần và thừa cân, một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là giảm cân. Giảm một lượng cân nhỏ cũng có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!