Sự khác biệt giữa bệnh tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2: Loại nào nguy hiểm hơn

Tiểu đường, hay còn gọi là đái tháo đường, gồm 2 loại chính: type 1 và type 2. Cả hai loại bệnh tiểu đường đều là những bệnh mạn tính ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu, hay còn gọi là glucose. Glucose là nhiên liệu nuôi các tế bào của cơ thể, nhưng để đi vào tế bào, nó cần một chìa khóa và insulin chính là chìa khóa.

Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 không sản xuất insulin. Bạn có thể coi nó như là không có chìa khóa.

Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 không đáp ứng với insulin như bình thường, sau đó người bệnh thường không sản xuất đủ insulin. Bạn có thể coi nó như một chiếc chìa khóa bị hỏng.

Cả hai loại bệnh tiểu đường đều có thể dẫn đến lượng đường trong máu cao mạn tính. Do đó làm tăng nguy cơ biến chứng tiểu đường.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường là gì?

Nếu không được kiểm soát, bệnh tiểu đường type 1 và type 2 có thể dẫn đến các triệu chứng như:

  • Đi tiểu thường xuyên
  • Cảm thấy rất khát và uống rất nhiều
  • Cảm thấy rất đói
  • Cảm thấy rất mệt mỏi
  • Nhìn mờ
  • Có vết cắt hoặc vết loét không lành

Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2 cũng có thể cáu kỉnh, thay đổi tâm trạng và sút cân.

Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2 cũng có thể bị tê và ngứa ran ở bàn tay hoặc bàn chân của. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), kiểm soát tốt lượng đường máu sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ bị tê và ngứa ran ở người mắc bệnh tiểu đường type 1.

Mặc dù nhiều triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 và type 2 giống nhau nhưng chúng biểu hiện theo những cách rất khác nhau.

Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 sẽ không có triệu chứng trong nhiều năm và các triệu chứng của họ thường phát triển chậm theo thời gian. Một số người mắc bệnh tiểu đường type 2 hoàn toàn không có triệu chứng và không phát hiện ra mình mắc bệnh cho đến khi các biến chứng phát sinh.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 lại xuất hiện nhanh chóng, thường trong vài tuần. Từng được gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên, loại này thường gặp ở thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Tuy nhiên, có thể mắc bệnh tiểu đường type 1 ở những độ tuổi lớn hơn.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh tiểu đường?

Bệnh tiểu đường type 1 và type 2 có thể có tên giống nhau, nhưng chúng là những căn bệnh khác nhau với những nguyên nhân riêng biệt.

Nguyên nhân của bệnh tiểu đường type 1

Hệ thống miễn dịch của cơ thể chịu trách nhiệm chống lại những tác nhân lạ bên ngoài, như vi rút và vi khuẩn có hại.

Ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1, hệ thống miễn dịch nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh của cơ thể với những tác nhân ngoại lai. Hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào beta sản xuất insulin trong tuyến tụy. Sau khi các tế bào beta này bị phá hủy, cơ thể không thể sản xuất insulin.

Các nhà nghiên cứu không biết tại sao hệ thống miễn dịch đôi khi tấn công các tế bào của chính cơ thể. Nó có thể liên quan đến các yếu tố di truyền và môi trường, như tiếp xúc với vi rút. Nghiên cứu về các bệnh tự miễn dịch vẫn đang được tiến hành.

Nguyên nhân của bệnh tiểu đường type 2

Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 bị tình trạng kháng insulin. Cơ thể vẫn sản xuất insulin nhưng không thể sử dụng nó một cách hiệu quả.

Các nhà nghiên cứu không rõ lý do tại sao một số người trở nên kháng insulin và những người khác thì không, nhưng một số yếu tố về lối sống có thể góp phần. Co thể kể tới như việc không hoạt động thể chất và thừa cân.

Các yếu tố di truyền và môi trường khác cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Khi bạn mắc bệnh tiểu đường type 2, tuyến tụy của bạn sẽ cố gắng bù đắp bằng cách sản xuất nhiều insulin hơn. Bởi vì cơ thể bạn không thể sử dụng hiệu quả insulin, glucose sẽ tích tụ trong máu.

Tần suất mắc bệnh ra sao?

Bệnh tiểu đường type 2 phổ biến hơn type 1 rất nhiều.

Theo thống kê, trong số những người mắc bệnh tiểu, có khoảng 5% bị tiểu đường 1, trong khi tiểu đường type 2 chiếm đến 95% 

Tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường tăng dần theo độ tuổi. Số liệu thống kê từ Liên đoàn Tiểu đường thế giới (IDF) cho thấy, cứ mỗi giờ có thêm hơn 1.000 bệnh nhân tiểu đường mắc mớ và cứ mỗi 8 giây có 1 người chết do tiểu đường. IDF chỉ ra, bệnh tiểu đường hiện nay có thể coi là một loại bệnh dịch toàn cầu với 415 triệu người trưởng thành bị bệnh trên toàn thế giới mắc bệnh, chiếm (8,8% dân số thế giới).

Tại Việt Nam, số liệu từ Hội Nội tiết và Đái tháo đường (VADE) cho biết, hiện có tới 3,53 triệu người đang “chung sống” với căn bệnh tiểu đường, và mỗi ngày có ít nhất 80 trường hợp tử vong vì các biến chứng liên quan. Dự báo, số người bắc bệnh có thể tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045.

Với những số liệu nói trên, Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân tiểu đường cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế cả nước mới có chỉ có 29% người bệnh tiểu đường được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71%.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 1 và type 2 là gì?

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường type 1 bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: Những người có cha hoặc mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ tự phát triển bệnh này cao hơn.
  • Tuổi tác: Bệnh tiểu đường type 1 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
  • Địa lý: Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 1 càng tăng khi càng xa đường xích đạo.
  • Di truyền: Sự hiện diện của một số gen làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 1.
    Béo phì, thừa cân là một trong những yếu tố nguy cơ của tiểu đường type 2. (Nguồn type2nation.com)
    Bạn có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 nếu bạn:
  • Bị tiền tiểu đường hoặc lượng đường trong máu tăng nhẹ
  • Thừa cân hoặc bị béo phì
  • Có nhiều mỡ bụng
  • Không hoạt động thể chất
  • Trên 45 tuổi
  • Đã từng mắc tiểu đường thai kỳ 
  • Đã sinh ra một em bé nặng hơn 4kg
  • Có người thân trong gia đình mắc bệnh tiểu đường type 2
  • Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (polycystic ovary syndrome - PCOS)

Làm thế nào để chẩn đoán bệnh tiểu đường type 1 và type 2?

Xét nghiệm chính được sử dụng để chẩn đoán cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2 được gọi là xét nghiệm HbA1C, hay hemoglobin glycosyl hóa.

Xét nghiệm máu này xác định mức đường huyết trung bình của bạn trong 2 đến 3 tháng qua.

Lượng đường trong máu của bạn càng cao trong vài tháng qua, mức HbA1C của bạn sẽ càng cao. Kết quả xét nghiệm được biểu thị dưới dạng %. Mức HbA1C từ 6,5% trở lên đồng nghĩa với mắc bệnh tiểu đường.

Xét nghiệm HbA1C không chính xác đối với những người bị bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm. Nếu bạn có tình trạng này thì bác sĩ sẽ phải sử dụng một xét nghiệm khác.

Điều trị bệnh tiểu đường type 1 và type 2 như thế nào?

Không có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường type 1. Những người bị bệnh tiểu đường type 1 không sản xuất insulin, vì vậy insulin phải được tiêm thường xuyên vào cơ thể.

Một số người dùng thuốc tiêm vào dưới da, như bụng, cánh tay hoặc mông, vài lần mỗi ngày. Những người khác sử dụng máy bơm insulin. Bơm insulin cung cấp một lượng insulin ổn định vào cơ thể thông qua một ống nhỏ.

Kiểm tra lượng đường trong máu là một phần thiết yếu của việc kiểm soát bệnh tiểu đường type 1 vì nồng độ có thể tăng và giảm nhanh chóng.

Bệnh tiểu đường type 2 có thể được kiểm soát và thậm chí đảo ngược chỉ với chế độ ăn kiêng và tập thể dục, nhưng nhiều người cần được hỗ trợ thêm. Nếu thay đổi lối sống là không đủ, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn.

Theo dõi lượng đường trong máu cũng là một phần thiết yếu của việc kiểm soát bệnh tiểu đường type 2. Đó là cách duy nhất để biết liệu bạn có đạt được các mức mục tiêu hay không.

Bác sĩ có thể khuyên bạn nên kiểm tra lượng đường máu ít hơn hoặc hơn. Nếu lượng đường máu cao, bác sĩ có thể đề nghị tiêm insulin.

Chế độ ăn nào được khuyến khích cho bệnh tiểu đường?

Xây dựng kế hoạch dinh dưỡng là một phần quan trọng trong cuộc sống của những người mắc bệnh tiểu đường.

Nếu bạn bị tiểu đường type 1, hãy trao đổi với bác sĩ để xác định lượng insulin bạn có thể cần tiêm sau khi ăn một số loại thực phẩm.

Ví dụ, carbohydrate có thể khiến lượng đường máu tăng nhanh ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1. Bạn sẽ cần phải cải thiện vấn đề này bằng cách dùng insulin, nhưng bạn sẽ cần biết lượn g insulin cần dùng.  

Người bệnh tiểu đường type 2 cần tập trung vào việc ăn uống lành mạnh. Giảm cân cũng là một phần của kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường type 2, vì vậy bác sĩ có thể đề nghị một chế độ ăn ít calo. Nó có nghĩa là bạn phải giảm tiêu thụ mỡ động vật và đồ ăn vặt.

Bệnh tiểu đường có thể ngăn ngừa được không?

Bệnh tiểu đường type 1 không thể ngăn ngừa được.

Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 thông qua những thay đổi lối sống sau:

  • Duy trì cân nặng vừa phải
  • Trao đổi với bác sĩ của bạn để xây dựng một kế hoạch giảm cân lành mạnh nếu bạn bị thừa cân
  • Tăng mức độ hoạt động thể chất của bạn
  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng và giảm lượng thức ăn có đường hoặc thức ăn chế biến quá kỹ

Ngay cả khi không thể tự ngăn ngừa bệnh, việc theo dõi cẩn thận có thể giúp lượng đường máu của bạn trở lại bình thường và ngăn ngừa sự phát triển của các biến chứng nghiêm trọng.

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!