Đây thường là hậu quả của sự tắc nghẽn ở một hoặc nhiều động mạch vành. Sự tắc nghẽn có thể tiến triển dần do sự tích tụ của các mảng xơ vữa, chủ yếu được tạo thành từ chất béo, cholesterol và các chất thải tế bào hoặc do một cục máu đông đột ngột hình thành trên chỗ tắc nghẽn.
Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức nếu nghĩ rằng bản thân hoặc ai đó có thể đang bị nhồi máu cơ tim.
Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim cấp là gì?
Video Dấu hiệu triệu chứng của nhồi máu cơ tim và những cách điều trị hiệu quả
Triệu chứng cổ điển của nhồi máu cơ tim thường là đau ngực và khó thở, các triệu chứng khác khá đa dạng, bao gồm:
- Nặng ngực hoặc tức ngực
- Đau ở ngực, lưng, hàm dưới và các khu vực khác của cơ thể kéo dài hơn vài phút hoặc biến mất và quay trở lại.
- Khó thở
- Đổ mồ hôi
- Buồn nôn, nôn
- Cảm giác như sắp ngất xỉu, lo lắng, hồi hộp
- Nhịp tim nhanh
Cần lưu ý là không phải tất cả những người bị nhồi máu cơ tim đều gặp phải các triệu chứng giống nhau hoặc mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng như nhau. Đau ngực là triệu chứng phổ biến nhất ở cả phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên, phụ nữ có nhiều khả năng có các triệu chứng “không điển hình” hơn, chẳng hạn như:
- Khó thở
- Đau hàm
- Đau lưng trên
- Cảm giác lâng lâng
- Buồn nôn, nôn
Trên thực tế, một số phụ nữ từng bị nhồi máu cơ tim cho biết các triệu chứng của họ giống như các triệu chứng của bệnh cúm.
Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp?
Tim là cơ quan quan trọng trong hệ tuần hoàn của cơ thể, hệ thống này bao gồm tim và hệ mạch máu. Động mạch đưa máu giàu oxy đến các cơ quan. Các động mạch vành đưa máu giàu oxy đến cơ tim. Khi các động mạch này bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp do sự tích tụ của mảng xơ vữa, lưu lượng máu đến tim sẽ bị giảm đáng kể hoặc ngừng hoàn toàn. Điều này gây ra nhồi máu cơ tim.
Những ai có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp?
Các chất béo trong thức ăn hàng ngày là nguyên nhân chính của tình trạng nhồi máu cơ tim. Những người ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn và chiên qua dầu, cũng như một số thực phẩm thịt và sữa có chứa chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe, có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Béo phì làm tăng nguy cơ này.
Theo một nghiên cứu, việc thay thế 2% nguồn calo tiêu thụ từ tinh bột bằng chất béo chuyển hóa làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim. Ngoài ra, máu cũng chứa chất béo được gọi là triglyceride, có tác dụng lưu trữ năng lượng dư thừa từ thực phẩm ăn. Khi mức triglyceride trong máu cao gây ra nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Cùng với đó, nếu có lượng lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) cao trong máu thì nguy cơ có thể còn cao hơn. Điều này là do cholesterol LDL có thể dính vào thành động mạch và tạo ra mảng xơ vữa, một mảng cứng ngăn chặn dòng chảy của máu trong động mạch.
Để giảm cholesterol và chất béo không lành mạnh trong cơ thể thường cần duy trì ăn một chế độ ăn uống cân bằng có chứa ít thực phẩm chế biến sẵn. Ngoài ra khi cần thiết có thể dùng các thuốc statin theo chỉ định của bác sĩ.
Các yếu tố nguy cơ đi kèm khác:
Ngoài chế độ ăn uống, các yếu tố sau cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch:
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp tác động xấu lên thành động mạch và đẩy nhanh sự tích tụ của mảng xơ vữa.
- Đái tháo đường: Lượng đường trong máu cao ảnh hưởng xấu tới các mạch máu và cuối cùng dẫn đến bệnh mạch vành.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và dẫn đến các tình trạng tim mạch, hô hấp khác.
- Tuổi: Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng lên theo tuổi tác. Nam giới có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn sau 45 tuổi và phụ nữ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn sau 55 tuổi.
- Giới tính: Nam giới có tỷ lệ nhồi máu cơ tim cao hơn cũng như tuổi mắc thấp hơn so với nữ.
- Tiền sử gia đình: Nguy cơ nhồi máu cơ tim cao hơn nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm. Nguy cơ đặc biệt cao nếu gia đình có các thành viên nam mắc bệnh tim trước 55 tuổi hoặc nữ trước tuổi 65.
- Căng thẳng: Mặc dù bằng chứng cho điều này vẫn còn hạn chế, nhưng căng thẳng cũng có thể là nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp tính. Giảm lo lắng hoặc căng thẳng mãn tính có thể giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và các vấn đề về tim khác theo thời gian.
- Lười hoạt động thể chất: Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giữ cho trái tim khỏe mạnh bằng cách giúp duy trì trọng lượng cơ thể vừa phải, cũng như giảm huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu.
- Sử dụng ma túy: Việc sử dụng một số loại chất kích thích bao gồm cocaine và amphetamine, có thể gây hiện tượng co mạch, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
- Tiền sản giật: Nếu có tiền sử bị tiền sản giật, hoặc huyết áp cao khi mang thai, có thể có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề về tim sau này trong cuộc sống.
Nhồi máu cơ tim cấp được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán có bị nhồi máu cơ tim hay không, bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng và các dấu hiệu sinh tồn quan trọng như huyết áp. Sau đó, bác sĩ sẽ khám toàn diện và chú ý hơn tới tim.
Bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm khác nhau nếu nghi ngờ rằng người bệnh bị nhồi máu cơ tim. Điện tâm đồ (EKG) được chỉ định để đo hoạt động điện của tim.
Xét nghiệm máu cũng được sử dụng để đánh giá một số protein có liên quan đến tổn thương tim, như Troponin.
Bác sĩ có thể tiến hành chụp mạch vành để xác định vị trí tắc nghẽn trong động mạch vành.
Nhồi máu cơ tim cấp điều trị như thế nào?
Các cơn nhồi máu cơ tim cần được can thiệp ngay lập tức, vì vậy hầu hết các phương pháp điều trị đều được tiến hành trong phòng cấp cứu. Điều trị có thể bao gồm dùng thuốc để giải quyết cục máu đông, giảm đau hoặc làm chậm nhịp tim.
Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một thủ thuật xâm lấn tối thiểu gọi là can thiệp mạch vành qua da (PCI), trước đây được gọi là nong mạch bằng stent. Quy trình này được sử dụng để tái thông các động mạch cấp máu cho tim. Trong quá trình can thiệp, bác sĩ sẽ đưa một ống dài và mỏng qua động mạch để tiếp cận chỗ tắc nghẽn. Sau đó làm phồng một quả bóng nhỏ gắn vào ống thông để lòng động mạch rộng ra như cũ, cho phép lưu thông máu trở lại.
Ngoài ra, bác sĩ có thể đặt một ống lưới nhỏ gọi là stent tại vị trí tắc nghẽn. Stent có tác dụng giữ trạng thái lòng mạch thông thoáng không bị co hẹp lại sau khi đã nong.
Ngoài can thiệp, người bệnh có thể phải phẫu thuật ghép bắc cầu động mạch vành (CABG). Trong đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ khôi phục lưu lượng máu bằng cách tạo cầu nối động mạch bắc cầu qua vị trí mạch vành bị tắc tới nơi cơ tim đang thiếu máu để máu có thể di chuyển vòng qua chỗ tắc nghẽn. CABG đôi khi được thực hiện ngay sau cơn nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, quá trình này được thực hiện vài ngày sau cơn nhồi máu cơ tim để tim có thời gian hồi phục.
Một số loại thuốc khác nhau cũng có thể được sử dụng để điều trị cơn nhồi máu cơ tim:
- Thuốc chống đông, ví dụ như aspirin, thường được sử dụng để ngăn hình thành cục máu đông mới và cải thiện lưu lượng máu qua các động mạch bị thu hẹp.
- Thuốc tiêu huyết khối thường được sử dụng để làm tan cục máu đông.
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu, như clopidogrel, có thể được sử dụng để ngăn hình thành cục máu đông mới và cục máu đông tiến triển to lên.
- Nitroglycerin có thể được sử dụng làm giãn mạch vành, tăng lượng máu nuôi tim.
- Thuốc chẹn beta làm giảm huyết áp và giúp cơ tim được thư giãn. Điều này có thể giúp hạn chế mức độ nghiêm trọng của tổn thương cơ tim.
- Thuốc ức chế men chuyển cũng có thể được sử dụng để giảm huyết áp và giảm gánh nặng cho tim.
- Thuốc giảm đau có thể được sử dụng để giảm đau, tránh gây stress ảnh hưởng xấu đến tim.
- Thuốc lợi tiểu có thể giúp giảm cung lượng tim, giúp giảm bớt khối lượng công việc của tim.
Xử trí sau cơn nhồi máu cơ tim
Cơ hội hồi phục sau cơn nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào mức độ tổn thương ở tim và tốc độ xử trí cấp cứu. Người bệnh càng được điều trị sớm, càng có nhiều khả năng sống sót và ít di chứng.
Phục hồi là một quá trình lâu dài và có thể mất vài tuần hoặc vài tháng sau khi xuất viện. Sau khi bị nhồi máu cơ tim, người bệnh sẽ có nguy cơ cao tái phát hoặc mắc bệnh tim mạch khác trong tương lai.
Ví dụ: nếu cơ tim bị tổn thương rộng, tim không còn đủ khả năng bơm đủ lượng máu đi khắp cơ thể, lâu dần sẽ dẫn đến suy tim. Tổn thương tim cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về van và xuất hiện nhịp tim bất thường.
Nguy cơ bị một cơn nhồi máu cơ tim khác cũng sẽ cao hơn. Trên thực tế, người ta ước tính rằng 1/5 số người đã từng bị nhồi máu cơ tim sẽ có nguy cơ nhồi máu cơ tim lần thứ 2 trong vòng 5 năm.
Nhiều người cũng gặp phải tình trạng đau ngực sau khi bị nhồi máu cơ tim, đặc biệt là sau khi ăn một bữa ăn lớn hoặc tham gia vào các hoạt động thể chất. Hãy đi khám ngay nếu có xuất hiện cơn đau ngực. Bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc hoặc bài tập để giúp giảm các triệu chứng. Các bài tập cũng đóng vai trò quan trọng trong thay đổi lối sống, giúp tăng cường sức khỏe cho hệ thống tim mạch.
Theo dõi và dự phòng tái phát
Để ngăn ngừa tái phát nhồi máu cơ tim, người bệnh cần tái khám chuyên khoa tim mạch để được tư vấn về chế độ ăn uống và luyện tập. Ngoài ra cũng cần trao đổi với bác sĩ về những lo lắng của mình trong quá trình hồi phục. Vì nhiều người từng bị nhồi máu cơ tim thường lo lắng và trầm cảm nên việc tham gia nhóm hỗ trợ hoặc bác sĩ tâm lý sẽ giúp cải thiện tình hình.
Hầu hết mọi người có thể tiếp tục các hoạt động bình thường sau một cơn nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, sẽ cần một khoảng thời gian cũng như điều chỉnh để trở lại với bất kỳ hoạt động thể chất cường độ cao nào. Bác sĩ sẽ giúp lập một kế hoạch cụ thể để phục hồi.
Làm thế nào để có thể ngăn ngừa nhồi máu cơ tim cấp?
Có nhiều bước có thể thực hiện để ngăn ngừa cơn nhồi máu cơ tim, ngay cả khi đã từng bị nhồi máu cơ tim.
Một Bbiện pháp quan trọng để giảm nguy cơ là thực hiện một chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch.
- Các loại ngũ cốc
- Rau
- Trái cây
- Thịt nạc
Giảm đường, giảm thực phẩm chế biến sẵn trong chế độ ăn uống của mình:
Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và cholesterol cao.
Tập thể dục vài lần một tuần cũng sẽ cải thiện sức khỏe tim mạch. Nếu bị nhồi máu cơ tim gần đây, cần xin tư vấn của bác sĩ trước khi bắt đầu một kế hoạch tập luyện thể thao.
Điều quan trọng nữa là phải ngừng hút thuốc. Bỏ thuốc lá sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ nhồi máu cơ tim và cải thiện cả sức khỏe tim mạch và phổi. Đồng thời cần tránh tiếp xúc với khói thuốc.
Những điểm cần nhớ
Nhồi máu cơ tim cấp, là một tình trạng cấp cứu y khoa xảy ra khi dòng máu đến tim bị ngưng đột ngột, cần được xử trí hoặc đi khám cấp cứu.
May mắn thay, có nhiều cách để ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến tình trạng này và giảm thiểu những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
Việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống không chỉ có thể thúc đẩy quá trình hồi phục sau cơn nhồi máu cơ tim mà còn có thể ngăn ngừa cơn nhồi máu cơ tim tái phát trong tương lai.
Xem thêm: