7 dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim

Người bệnh có thể bị nhồi máu cơ tim mà không cảm thấy đau ngực. Chứng suy tim và các bệnh tim khác không có triệu chứng giống nhau tùy mỗi người, đặc biệt là phụ nữ.

Video Dấu hiệu triệu chứng của nhồi máu cơ tim và những cách điều trị hiệu quả

Không phải tất cả các cơn nhồi máu cơ tim đều giống nhau

Người bệnh có thể bị nhồi máu cơ tim mà không cảm thấy đau ngực. Chứng suy tim và các bệnh tim khác không có triệu chứng giống nhau tùy mỗi người, đặc biệt là phụ nữ.

Tim là cơ quan quan trọng có chức năng bơm máu đi khắp cơ thể. Cơn nhồi máu cơ tim (thường được gọi là đau tim) xảy ra khi cơ tim không được nhận đủ máu (gây thiếu oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi cơ tim). Thiếu máu cơ tim khiến cho các bộ phận bị ảnh hưởng có thể bị tổn thương hoặc chết. Hậu quả rất nguy hiểm và có thể gây chết người. 

Các cơn nhồi máu cơ tim xảy ra đột ngột, nhưng chúng thường là hậu quả của bệnh tim lâu năm. Trên thành các động mạch của cơ thể và đặc biệt là động mạch vành sẽ tích tụ các mảng xơ vữa. Đôi khi một phần của mảng xơ vữa (gọi là cục máu đông) bong ra và di chuyển đến vị trí lòng mạch nhỏ hơn, chặn dòng máu đến cơ tim dẫn đến nhồi máu cơ tim.

 

Ít phổ biến hơn, ví dụ căng thẳng, gắng sức hoặc thời tiết lạnh khiến mạch máu co thắt, làm giảm lượng máu đến cơ tim cũng có thể khởi phát cơn nhồi máu cơ tim.

Có nhiều yếu tố nguy cơ góp phần gây ra nhồi máu cơ tim, bao gồm:

  • Tuổi
  • Di truyền
  • Huyết áp cao
  • Mỡ máu (cholesterol) cao
  • Béo phì
  • Ăn kiêng
  • Uống quá nhiều rượu (thường xuyên uống hơn 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hơn 2 ly mỗi ngày đối với nam giới)
  • Căng thẳng kéo dài
  • Ít hoạt động thể chất

Nhồi máu cơ tim là một cấp cứu tim mạch. Điều thực sự quan trọng là lắng nghe cơ thể nếu lo lắng mình bị nhồi máu cơ tim. Tốt hơn hết nên đi khám ngay và dù khám sai còn hơn là không được sự hỗ trợ y tế khi đang lên cơn nhồi máu cơ tim. 

Đau ngực, tức nặng ngực và các triệu chứng khó chịu vùng ngực khác

Hầu hết những người bị nhồi máu cơ tim đều cảm thấy đau hoặc khó chịu ở ngực. Nhưng điều quan trọng cần hiểu là dấu hiệu đau ngực không phải bao giờ cũng xuất hiện.

Đau ngực là một dấu hiệu phổ biến của cơn nhồi máu cơ tim. Cảm giác này được mô tả giống như cảm giác một con voi đang đứng trên ngực người bệnh. 

Một số người không mô tả đau ngực là cơn đau. Thay vào đó, họ nói rằng họ cảm thấy tức hoặc bóp nghẹt trong ngực. Đôi khi cảm giác khó chịu này xuất hiện rầm rộ trong vài phút và sau đó biến mất, cũng có thể cảm giác khó chịu quay trở lại trong hàng giờ hoặc thậm chí một ngày sau đó. Đây đều có thể là dấu hiệu cơ tim không nhận đủ oxy.

Nếu cảm thấy tức ngực hoặc tức nặng ngực, nên gọi cấp cứu 115 ngay lập tức để được hỗ trợ.

Không chỉ đau ngực

Cảm giác đau và tức nặng cũng có thể lan ra ở các vùng khác của cơ thể. Hầu hết mọi người đều mô tả cơn đau tim với cơn đau lan xuống cánh tay trái. Ngoài ra, cơn đau cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác, bao gồm:

  • Trên rốn (thượng vị)
  • Vai
  • Lưng trên
  • Cổ / họng
  • Răng hoặc hàm

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, phụ nữ có xu hướng xuất hiện các cơn đau tim gây đau ở vùng bụng dưới và phần dưới của ngực.

Cơn đau có thể không tập trung ở ngực. Người bệnh có thể cảm thấy như áp lực trong ngực và đau ở các bộ phận khác của cơ thể. Đau lưng trên là một triệu chứng khác mà phụ nữ thường mắc phải hơn nam giới. 

Toát mồ hôi lạnh ban ngày hoặc ban đêm

Toát mồ hôi nhiều hơn bình thường - đặc biệt khi không tập thể dục hoặc hoạt động mạnh - có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của các vấn đề về tim. Việc bơm máu qua các động mạch bị tắc nghẽn khiến tim phải hoạt động nhiều hơn. Do đó, cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn để cố gắng giữ nhiệt độ cơ thể giảm xuống khi gắng sức thêm. Nếu đổ mồ hôi lạnh hoặc da ẩm một cách bất thường, hãy đi khám bác sĩ.

Nguồn: Houston MethodistNguồn: Houston Methodist

Toát mồ hôi vào ban đêm cũng là một triệu chứng phổ biến đối với những phụ nữ gặp các vấn đề về tim. Phụ nữ có thể nhầm triệu chứng này với các dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, nếu thức dậy giữa đêm và ga trải giường ướt đẫm hoặc không thể ngủ do nhiều mồ hôi, đây có thể là dấu hiệu của một cơn nhồi máu cơ tim, đặc biệt là ở phụ nữ.

Mệt mỏi

Mệt mỏi có thể là dấu hiệu nhồi máu cơ tim ít được chú ý đặc biệt ở phụ nữ. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, một số phụ nữ thậm chí có thể cho rằng các triệu chứng đau tim của họ giống như các triệu chứng cúm. 

Một cơn nhồi máu cơ tim có thể gây kiệt sức do tim phải cố gắng bơm máu qua các mạch máu bị tắc nghẽn. Nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức mà không có lý do, đó có thể là dấu hiệu cho thấy có vấn đề bất thường sức khỏe tim mạch. 

Mệt mỏi và khó thở phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới và có thể bắt đầu vài tháng trước khi bị nhồi máu cơ tim. Đó là lý do tại sao việc đi khám càng sớm càng tốt là rất quan trọng khi có những dấu hiệu sớm như mệt mỏi. 

Khó thở

Hoạt động hô hấp và tim mạch có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tim bơm để tống máu lưu thông đến các mô và lấy oxy từ phổi. Nếu tim không thể bơm máu tốt (như trường hợp nhồi máu cơ tim), người bệnh có thể cảm thấy khó thở.

Khó thở đôi khi có thể là triệu chứng đi kèm với tình trạng mệt mỏi bất thường ở phụ nữ. Ví dụ, một số phụ nữ cho biết họ bị hụt hơi bất thường và mệt mỏi khi đang làm các công việc hàng ngày, như việc đi lại trong sân cũng có thể khiến họ kiệt sức và không thể thở được. Đây có thể là một dấu hiệu phổ biến của cơn nhồi máu cơ tim ở phụ nữ.

Choáng váng

Hoa mắt và chóng mặt có thể xảy ra khi bị nhồi máu cơ tim và thường là các triệu chứng phụ nữ gặp phải. Một số người cho biết họ cảm thấy như có thể bị ngất xỉu nếu cố gắng đứng dậy hoặc cố gắng quá sức. Cảm giác này chắc chắn không phải cảm giác bình thường và nên đi khám bác sĩ ngay.

Đánh trống ngực

Tim đập nhanh có thể có cảm giác như tim đang lệch nhịp hoặc có những thay đổi đột ngột trong nhịp tim, cảm thấy như tim đang đập thình thịch. Trái tim luôn duy trì nhịp đập trong giới hạn ổn định, nhất quán để máu di chuyển khắp cơ thể một cách tốt nhất. Nếu tim đập bị lệch nhịp, đây có thể là dấu hiệu bị nhồi máu cơ tim.

Tim đập nhanh do nhồi máu cơ tim có thể tạo ra cảm giác bất an hoặc lo lắng, đặc biệt là ở phụ nữ. Một số người mô tả tim đập nhanh là cảm giác tim họ đập thình thịch ở trên cổ, không chỉ ở ngực. 

Không nên bỏ qua những thay đổi về nhịp tim, bởi vì một khi tim thường xuyên bị mất nhịp, cần phải can thiệp để quay trở lại nhịp bình thường. Nếu đánh trống ngực kèm theo chóng mặt, tức ngực, đau ngực hoặc ngất xỉu, chúng có thể là dấu hiệu khẳng định một cơn nhồi máu cơ tim đang xảy ra.

Đau bụng, buồn nôn và nôn

Nguồn: Moffit CenterNguồn: Moffit CenterNgười bệnh có thể cảm thấy khó tiêu nhẹ và các vấn đề về đường tiêu hóa khác trước khi lên cơn nhồi máu cơ tim. Vì các cơn nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở những người lớn tuổi, độ tuổi hay gặp các vấn đề về tiêu hóa, các triệu chứng này có thể bị bỏ qua hoặc tưởng nhầm là chứng ợ nóng hoặc triệu chứng liên quan đến thực phẩm. 

Nếu trước đó không có tiền sử bệnh lý tiêu hóa, chứng khó tiêu hoặc ợ chua có thể là dấu hiệu cho thấy có bất thường về hệ tim mạch.

Bạn nên làm gì trong cơn nhồi máu cơ tim?

Nếu nghĩ rằng mình đang bị nhồi máu cơ tim, người bệnh hoặc người xung quanh nên gọi cấp cứu ngay lập tức. Tự mình lái xe đến bệnh viện khi lên cơn nhồi máu cơ tim là rất nguy hiểm, vì vậy hãy gọi xe cấp cứu. Mặc dù có thể cảm thấy đủ tỉnh táo để lái xe, nhưng cơn đau ngực có thể trở nên nghiêm trọng đến mức có thể khiến người bệnh khó thở hoặc lơ mơ.

  • Sau khi gọi cấp cứu

Khi gọi cấp cứu, nhân viên y tế trực điện thoại có thể hỏi về các loại thuốc người bệnh đang dùng và tiền sử dị ứng thuốc. Nếu người bệnh hiện không dùng thuốc chống đông máu và không bị dị ứng với aspirin, nhân viên y tế có thể khuyên người bệnh nhai một viên aspirin trong khi chờ chăm sóc y tế. Ngoài ra viên nén nitroglycerin cũng có thể được dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm đau ngực.

Người bệnh cần nhớ/ ghi rõ các loại thuốc mình đang sử dụng, điều này sẽ thuận lợi cho quá trình hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ và người bệnh nhanh được chẩn đoán hơn.

  • Tại bệnh viện

Khi đến bệnh viện, người bệnh sẽ được làm điện tâm đồ (ECG), là phương pháp thăm dò không gây đau để đo hoạt động điện của tim.

Nếu có nhồi máu cơ tim, điện tâm đồ sẽ xuất hiện các sóng điện bất thường. Điện tâm đồ giúp bác sĩ xác định xem cơ tim có bị tổn thương hay không, tổn thương là mới hay cũ, và vị trí nào của tim bị tổn thương. Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu lấy máu làm xét nghiệm. Trong cơ nhồi máu cơ tim, cơ thể sẽ tiết ra một số protein và enzym bất thường tăng lên trong máu.

Sau khi chẩn đoán nhồi máu cơ tim, bác sĩ sẽ thảo luận về các lựa chọn điều trị với người bệnh. Nguy cơ tổn thương tim nghiêm trọng sẽ giảm xuống nếu bắt đầu được điều trị trong vòng vài giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng.

Phòng ngừa tái phát

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 200.000 ca tử vong do bệnh tim và đột quỵ có thể phòng ngừa được. Ngay cả khi có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đã bị nhồi máu cơ tim, vẫn có những điều mỗi người có thể làm để giảm nguy cơ bị đau tim trong tương lai.

Những người đã từng bị nhồi máu cơ tim nên đảm bảo tuân thủ tất cả các loại thuốc do bác sĩ kê. Nếu bác sĩ đã đặt stent để nong mạch vành hoặc mổ phẫu thuật bắc cầu mạch máu cho tim, thì việc dùng thuốc bác sĩ kê là rất quan trọng để ngăn ngừa cơn đau tim tái phát trong tương lai.

Nếu người bệnh cần phẫu thuật vì một bệnh lý khác, bác sĩ có thể yêu cầu ngừng một số loại thuốc tim mạch. Ví dụ thuốc chống kết tập tiểu cầu (chống đông máu) như clopidogrel (Plavix), prasugrel (Effient), hoặc ticagrelor (Brilinta). Luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dừng bất kỳ loại thuốc nào. Việc dừng đột ngột nhiều loại thuốc tim mạch cùng một lúc là không an toàn và có thể làm tăng nguy cơ đau tim.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!