Chuột rút ở chân vào ban đêm: Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách điều trị

Chuột rút ở chân là tình trạng co thắt các cơ ở chân không kiểm soát được và có thể gây đau đớn. Hiện tượng này thường xuất hiện ở cơ bắp chân, mặc dù có thể xuất hiện ở đùi hoặc bàn chân.

Video Vì sao ban đêm thường hay bị chuột rút ?

Trong phần lớn trường hợp, các động tác kéo giãn cơ đơn giản có thể giúp giảm bớt sự co thắt ở các cơ bị chuột rút. Ngoài ra một số phương pháp điều trị và phòng ngừa khác có thể đem lại hiệu quả. Nếu bạn thường xuyên bị chuột rút cơ thì bạn nên đi khám.

Chuột rút là gì?

Chuột rút thường gặp nhất ở cơ vùng bắp chân.

Chuột rút ở chân vào ban đêm xảy ra khá phổ biến. Theo một báo cáo trên tạp chí Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (American Family Physician), có tới 60% người lớn và 7% trẻ em gặp chuột rút ở chân vào ban đêm.

Chuột rút ở chân là tình trạng co thắt các nhóm cơ ở chân không tự chủ, và thường gặp nhất ở bắp chân. Cơ căng tức, gây ra cảm giác khó chịu hoặc đau đớn từ mức độ vừa đến nặng.

Chuột rút chân về đêm cũng có thể dẫn đến các vấn đề khác. Chúng có thể khiến bạn thức giấc và phá vỡ chu kỳ thức - ngủ của bạn, dẫn đến bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn ngủ vào ngày hôm sau. Bên cạnh đó những cơn chuột rút có thể khiến bạn rất khó đi vào giấc ngủ, và rối loạn giấc ngủ theo thời gian.

Mọi người có thể nhầm lẫn chứng chuột rút chân về đêm với hội chứng chân không yên. 

Trong khi một số nguồn dữ liệu cho rằng sự thiếu hụt khoáng chất gây ra chuột rút, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy điều này là đúng. Nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung khoáng chất, chẳng hạn như canxi, magiê hoặc vitamin B-12, không làm giảm chứng chuột rút ở chân vào ban đêm ở phần lớn các trường hợp.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến bạn có nhiều khả năng gặp chứng chuột rút hơn.

Mỏi cơ bắp

Một đánh giá về chuột rút dựa trên các nghiên cứu có sẵn cho thấy rằng mỏi cơ là nguyên nhân chính. Các vận động viên có khả năng gặp chuột rút ở chân sau khi thực hiện các hoạt động cường độ cao hơn bình thường.

Hoạt động quá sức, chẳng hạn như tập vận động với cường độ mạnh trong thời gian dài, có thể khiến một số người bị chuột rút nhiều hơn vào cuối ngày. 

Hay đứng trong thời gian dài vào ban ngày – là đặc điểm thường gặp trong nhiều công việc, có thể làm mỏi cơ. Các cơ bị mỏi vào ban ngày và có thể gặp chuột rút nhiều hơn vào ban đêm. 

Không hoạt động trong ngày

Bạn có thể dễ bị chuột rút chân về đêm hơn nếu bạn ít vận động vào ban ngày.

Một giả thuyết phổ biến khác là ngồi trong thời gian dài, chẳng hạn như khi làm việc trên bàn, có thể khiến các cơ ngắn lại theo thời gian. 

Việc ít hoạt động thể chất dẫn đến ít kéo căng cơ trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ bị chuột rút, và chúng thường xảy ra vào ban đêm.

Bạn có thể dễ bị chuột rút chân về đêm hơn nếu bạn ít vận động vào ban ngày, nguồn: https://www.biolectra.comBạn có thể dễ bị chuột rút chân về đêm hơn nếu bạn ít vận động vào ban ngày, nguồn: https://www.biolectra.com

Những người không kéo giãn cơ hoặc tập thể dục thường xuyên có nhiều nguy cơ gặp chuột rút ở chân về đêm. Vì cơ bắp của họ có thể co ngắn hơn, làm tăng nguy cơ chuột rút hoặc co thắt. 

Vị trí cơ thể

Ngồi hoặc nằm theo một số tư thế nhất định trong thời gian dài khiến hạn chế lưu lượng máu đến chân, chẳng hạn như gác chân này lên chân kia hoặc bắt chéo chân, có thể dẫn đến chuột rút.

Bạn nên ngủ ở tư thế duỗi thẳng hơn để xem liệu điều này có làm giảm chuột rút vào ban đêm hay không. 

Tuổi cao

Khi tuổi tác tăng lên, bạn cũng có thể dễ bị chuột rút ở chân vào ban đêm. Theo một đánh giá được công bố trên tạp chí BMC Family Practice, có tới 33% những người trên 50 tuổi bị chuột rút về đêm kinh niên.

Thai kỳ

Cũng có thể có mối liên hệ giữa việc mang thai và chuột rút ở chân vào ban đêm. Điều này có thể là do nhu cầu dinh dưỡng tăng lên hoặc sự thay đổi hormone trong cơ thể khi mang thai. 

Tác dụng phụ của thuốc

Nhiều loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là chuột rút. Chẳng hạn như:

  • Sucrose sắt tiêm tĩnh mạch
  • Naproxen
  • Teriparatide (forteo)
  • Raloxifene (evista)
  • Levalbuterol (xopenex)
  • Albuterol / ipratropium (combivent)
  • Estrogen liên hợp
  • Pregabalin (lyrica)

Bệnh lý

Một số tình trạng bệnh mạn tính cũng có thể khiến bạn có nguy cơ bị chuột rút ở chân mãn tính, chẳng hạn như:

  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh đái tháo đường
  • Rối loạn sử dụng rượu
  • Suy thận
  • Suy gan
  • Hẹp ống sống thắt lưng
  • Bàn chân bẹt
  • Suy giáp
  • Viêm xương khớp
  • Tổn thương thần kinh
  • Rối loạn thần kinh

Nếu bạn cho rằng những vấn đề trên có thể là nguyên nhân gây ra chuột rút ở chân của bạn, bạn nên trao đổi với bác sĩ để có thêm thông tin hoặc được hướng dẫn. 

Điều trị

Điều trị sớm chứng chuột rút ở chân vào ban đêm có thể giúp bạn được nghỉ ngơi nhiều hơn.

Một số biện pháp tại nhà có thể giúp bạn giảm khó chịu, bao gồm:

  • Nhẹ nhàng kéo giãn cơ bắp
  • Xoa bóp khu vực bị chuột rút bằng tay
  • Sử dụng con lăn bọt để xoa bóp chân
  • Gập và duỗi bàn chân để giúp kéo dài cơ bắp chân
  • Chườm ấm vào vùng bị chuột rút

Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc aspirin sẽ không giúp làm giảm sự xuất hiện của chuột rút vì hiện tượng này không liên quan đến tình trạng viêm. Nhưng những loại thuốc này có thể giúp bạn giảm đau.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để điều trị chuột rút chân mạn tính, bao gồm:

  • Carisoprodol (Soma)
  • Gabipentin
  • Diltiazem
  • Verapamil
  • Orphenadrine

Bạn nên trao đổi với bác sĩ để thảo luận về các loại thuốc này và tác dụng phụ có thể xảy ra.

Ngăn ngừa chuột rút ở chân vào ban đêm

Ngăn ngừa chuột rút ở chân có thể là lựa chọn tốt nhất về lâu dài đối với một số người, mặc dù điều này không phải lúc nào cũng khả thi. 

Tập thể dục nhẹ nhàng

Một số người cảm thấy tần suất chuột rút giảm nếu họ thực hiện một số bài tập nhẹ vào cuối ngày. Điều này có thể bao gồm các hoạt động như đi bộ hoặc dành một vài phút đạp xe tại chỗ trước khi đi ngủ.

Uống nhiều nước

Chất lỏng giúp vận chuyển chất dinh dưỡng và chất thải đến và đi từ các cơ. Bổ sung chất lỏng, đặc biệt là nước trong suốt cả ngày có thể giúp phòng ngừa chuột rút vì cung cấp đủ nước cho các cơ hoạt động tốt. 

Thay giày

Một số người có thể nhận thấy họ ít bị chuột rút hơn khi đi giày hỗ trợ. Nếu bạn không chắc chắn về giày dép hỗ trợ thì bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên về chân. 

Khi nào cần đi khám

Nếu tình trạng chuột rút ở chân của bạn lan sang các cơ khác, bạn nên trao đổi với bác sĩ.

Chuột rút chân về đêm có thể rất khó chịu và gây khó ngủ.

Nếu một người thường xuyên gặp chuột rút và cảm thấy chúng cản trở cuộc sống hàng ngày, và nếu các phương pháp tại nhà không đem lại hiệu quả, bạn nên trao đổi với bác sĩ về các nguyên nhân và cách điều trị có thể xảy ra.

Tương tự như vậy, nếu chuột rút lan sang các cơ khác hoặc trở nên nghiêm trọng, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán đầy đủ.

Trước tiên, bác sĩ sẽ loại trừ các rối loạn khác có các triệu chứng tương tự và sau đó xét nghiệm các nguyên nhân có thể xảy ra khác.

Tóm tắt

Thỉnh thoảng bị chuột rút ở chân vào ban đêm là bình thường và thường không phải là nguyên nhân khiến bạn lo lắng. Các biện pháp điều trị đơn giản tại nhà có thể hữu ích trong thời điểm này, chẳng hạn như gập duỗi cổ chân, duỗi thẳng chân hoặc xoa bóp cơ bị căng. 

Bất cứ ai gặp chuột rút chân thường xuyên vào ban đêm trong thời gian dài nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán đầy đủ. Họ có thể kê đơn thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác để kiểm soát chứng chuột rút ở chân về đêm và giúp một người ngủ ngon hơn. 

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!