Nguyên nhân gây buồn ngủ
Video Lý do khiến bạn luôn cảm thấy buồn ngủ
Có nhiều nguyên nhân gây buồn ngủ, bao gồm lối sống, sức khỏe tinh thần và các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Do lối sống
Một số nguyên nhân do lối sống có thể làm bạn bị buồn ngủ nhiều hơn như làm việc trong thời gian dài hoặc làm ca đêm. Trong hầu hết các trường hợp, cơn buồn ngủ sẽ giảm dần khi cơ thể thích nghi với lịch trình mới.
Sức khỏe tinh thần
Buồn ngủ cũng có thể là do các vấn đề tinh thần gây ra.
Trầm cảm, căng thẳng hoặc lo lắng nhiều có thể làm tăng cảm giác buồn ngủ. Chán nản cũng là một nguyên nhân gây buồn ngủ. Ngoài ra, một số triệu chứng có thể đi kèm với buồn ngủ là mệt mỏi và thờ ơ.
Do bệnh lý
Một số bệnh lý có thể gây buồn ngủ, phổ biến nhất là bệnh đái tháo đường. Các bệnh lý khác có thể dẫn đến buồn ngủ là những bệnh gây đau mạn tính, rối loạn tâm thần, rối loạn chuyển hóa như suy giáp hoặc hạ natri máu.
Các nguyên nhân gây buồn ngủ khác là tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn (Infectious mononucleosis) và hội chứng mệt mỏi mạn tính (Chronic fatigue syndrome – CFS).
Một số loại thuốc
Buồn ngủ là một trong các tác dụng phụ của nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng histamine, thuốc an thần và thuốc ngủ. Những loại thuốc này đều có cảnh báo trên bao bì là không được lái xe hoặc vận hành máy móc hạng nặng khi đang sử dụng thuốc.
Hãy nhờ bác sĩ tư vấn nếu bạn thấy buồn ngủ kéo dài do dùng thuốc. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc thay thế hoặc điều chỉnh liều lượng thuốc hiện tại.
Rối loạn giấc ngủ
Buồn ngủ quá mức không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ. Có nhiều hội chứng rối loạn giấc ngủ khác nhau, mỗi loại đều có ảnh hưởng riêng đến giấc ngủ.
Trong hội chứng ngừng thở khi ngủ loại tắc nghẽn, tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp trên làm người bệnh ngủ ngáy và có nhiều cơn ngừng thở vào ban đêm, khiến người bệnh bị đau họng khi thức dậy.
Một số rối loạn giấc ngủ khác như hội chứng ngủ rũ, hội chứng chân không yên (Restless leg syndrome – RLS) và rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn (Delayed sleep phase disorder – DSPS).
Các biện pháp khắc phục tình trạng buồn ngủ
Việc giải quyết tình trạng buồn ngủ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó.
Các biện pháp tại nhà
Một số nguyên nhân gây buồn ngủ có thể được giải quyết tại nhà, đặc biệt với các nguyên nhân do lối sống như làm việc kéo dài, nguyên nhân do trạng thái tinh thần như căng thẳng.
Trong những trường hợp này, bạn có thể nghỉ ngơi và thả lỏng cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng nên xác định nguyên nhân gây buồn ngủ của mình, ví dụ như do căng thẳng hay lo lắng, và tìm cách giải quyết chúng.
Đi khám bác sĩ
Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân khiến bạn buồn ngủ bằng cách hỏi về các triệu chứng, ví dụ như chất lượng giấc ngủ và tình trạng thức dậy trong đêm của bạn.
Một số câu hỏi về giấc ngủ mà bác sĩ có thể đưa ra như:
- Thói quen ngủ của bạn
- Thời lượng ngủ của bạn
- Tình trạng ngáy khi ngủ
- Bạn có thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày không
- Bạn có thường xuyên cảm thấy mệt mỏi do buồn ngủ vào ban ngày không
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi nhật ký về thói quen ngủ, thời gian ngủ vào ban đêm trong vài ngày và những việc bạn làm khi cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày.
Bác sĩ cũng sẽ hỏi về tình trạng ngủ gật trong ngày và liệu bạn có thấy sảng khoái khi ngủ dậy hay không.
Nếu nghi ngờ nguyên nhân là do tâm lý, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đi khám chuyên gia tâm lý để giải quyết tình trạng buồn ngủ.
Tình trạng buồn ngủ do tác dụng phụ của thuốc thường có thể chữa khỏi. Bác sĩ có thể thay một loại thuốc khác hoặc thay đổi liều thuốc để làm giảm cơn buồn ngủ của bạn. Tuy nhiên, bạn không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng sử dụng thuốc nếu bác sĩ không cho phép.
Nếu không xác định được nguyên nhân gây buồn ngủ, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm hoặc thăm dò. Hầu hết đều không phải là thủ thuật xâm lấn và không gây đau, ví dụ như:
- Công thức máu toàn bộ (Complete blood count – CBC)
- Xét nghiệm nước tiểu
- Điện não đồ (Electroencephalogram – EEG)
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) sọ não
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ loại tắc nghẽn, RLS hoặc các hội chứng rối loạn giấc ngủ khác, bác sĩ có thể chỉ định đo đa ký giấc ngủ (Polysomnography). Trong thăm dò này, bạn sẽ ngủ ở bệnh viện dưới sự quan sát và chăm sóc của nhân viên y tế.
Các chỉ số huyết áp, nhịp tim, điện tâm đồ, nhịp thở, nồng độ oxy trong máu, điện não đồ và các cử động của cơ thể sẽ được theo dõi suốt đêm để tìm dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ.
Thời điểm cần đi khám
Bạn nên đi khám nếu bạn bắt đầu xuất hiện tình trạng buồn ngủ sau khi:
- Sử dụng một loại thuốc mới
- Dùng thuốc quá liều
- Chấn thương đầu
- Cảm lạnh
Ngăn ngừa tình trạng buồn ngủ
Ngủ đủ giấc mỗi đêm có thể hạn chế tình trạng buồn ngủ. Hầu hết người trưởng thành cần ngủ khoảng 8 tiếng/ngày. Một số người có thể cần ngủ nhiều hơn, đặc biệt là những người bị bệnh.
Hãy đi khám càng sớm càng tốt nếu bạn xuất hiện các vấn đề về tâm lý, dấu hiệu của trầm cảm hoặc cảm giác căng thẳng mà bạn không kiểm soát được.
Kết luận
Tình trạng buồn ngủ sẽ tự biến mất khi cơ thể quen với lịch trình mới hoặc khi bạn bớt căng thẳng, trầm cảm, lo lắng.
Tuy nhiên, nếu cơn buồn ngủ là triệu chứng của một bệnh lý hoặc do rối loạn giấc ngủ, tình trạng này khó có thể tự khỏi được. Trên thực tế, tình trạng buồn ngủ có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không được điều trị kịp thời.
Nếu không được kiểm soát, buồn ngủ có thể gây hạn chế khả năng làm việc và gây nguy hiểm khi lái xe hoặc vận hành máy móc.
Xem thêm: