Bệnh bạch biến: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị.

Bệnh bạch biến là một bệnh gây mất sắc tố da từng mảng. Các vùng da đổi màu thường lớn dần theo thời gian. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến da ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến tóc và niêm mạc miệng.

Video Tìm hiểu về bệnh bạch biến 

Bình hường, màu sắc của tóc và da được quyết định bởi sắc tố melanin. Bệnh bạch biến xảy ra khi các tế bào sản xuất melanin chết hoặc ngừng hoạt động. Bệnh bạch biến ảnh hưởng đến mọi người, nhưng nó dễ nhận thấy hơn ở những người có làn da sẫm màu. Bệnh không lây nhiễm và không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể khiến bạn căng thẳng hoặc mất tự tin.

Điều trị bạch biến có thể khôi phục lại màu sắc cho vùng da bị ảnh hưởng nhưng không ngăn ngừa bệnh tái phát.

Triệu chứng bệnh bạch biến

Các dấu hiệu của bệnh bạch biến bao gồm:

  • Da mất màu, loang lổ, thường xuất hiện đầu tiên trên bàn tay, mặt và da xung quanh vùng hở trên cơ thể và bộ phận sinh dục
  • Tóc, lông mi, lông mày hoặc râu trắng hoặc bạc sớm.
  • Mất màu ở niêm mạc miệng và mũi 

Bệnh bạch biến có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xuất hiện trước 30 tuổi.

Tùy thuộc vào loại bạch biến, bệnh có thể ảnh hưởng đến

Các thể bạch biến. Nguồn ảnh: FitpageCác thể bạch biến. Nguồn ảnh: Fitpage

  • Gần như tất cả bề mặt da. Lọại này được gọi là bạch biến toàn thể.
  • Nhiều bộ phận trên cơ thể. Loại này phổ biến nhất, được gọi là thể lan tỏa, các mảng bạch biến thường có tính đối xứng.
  • Chỉ một bên hoặc một phần cơ thể. Loại này được gọi là bạch biến thể đoạn, có xu hướng xảy ra ở lứa tuổi trẻ hơn, tiến triển trong 1 hoặc 2 năm rồi dừng lại.
  • Một hoặc vài vùng trên cơ thể. Loại này được gọi là bạch biến khu trú.
  • Mặt và tay. Loại này được gọi là bạch biến thể ở các cực, vùng da bị ảnh hưởng là ở mặt, tay, và xung quanh các lỗ trên cơ thể, chẳng hạn như mắt, mũi và tai.
Rất khó để dự đoán bệnh sẽ tiến triển như thế nào. Đôi khi các mảng bạch biến ngừng hình thành mà không cần điều trị. Trong hầu hết các trường hợp, mất sắc tố lan rộng và cuối cùng ảnh hưởng đến toàn bộ da trên cơ thể. Đôi khi, da có thể trở lại màu sắc bình thường.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ

Hãy đi khám bác sĩ nếu các vùng da, tóc hoặc niêm mạc của bạn bị mất màu. Bệnh bạch biến không có thuốc chữa, nhưng việc điều trị có thể ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình mất sắc tố da và đưa màu da trở về bình thường.

Nguyên nhân bệnh bạch biến

Bệnh bạch biến xảy ra khi các tế bào sản xuất sắc tố (tế bào hắc tố) chết hoặc ngừng sản xuất melanin - sắc tố tạo nên màu da, tóc và màu mắt. Bệnh làm cho các mảng da liên quan trở nên sáng hoặc trắng hơn. Hiện nay chưa biết rõ nguyên nhân khiến các tế bào sắc tố này ngừng hoạt động. Nó có thể liên quan đến:

  • Các bệnh tự miễn
  • Gen di truyền
  • Một yếu tố kích hoạt, chẳng hạn như căng thẳng, cháy nắng nặng hoặc chấn thương da (như tiếp xúc với hóa chất)

Các biến chứng

Những người bị bệnh bạch biến có thể làm tăng nguy cơ:

  • Áp lực về tâm lý
  • Cháy nắng
  • Những vấn đề về mắt
  • Mất thính lực

Chẩn đoán bệnh bạch biến

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh và khám da toàn thân có thể bằng một loại đèn đặc biệt. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm sinh thiết da và xét nghiệm máu cho người bệnh.

Điều trị bệnh bạch biến

Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào tuổi của người bệnh, vị trí, mức độ da bị tổn thương, tiến triển và ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống của bệnh nhân.

Thuốc và quang trị liệu có thể giúp phục hồi hoặc làm đều màu da, mặc dù kết quả khác nhau và không thể dự đoán trước. Bên cạnh đó cũng có một số phương pháp điều trị có tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thử các sản phẩm kem bôi làm đều da hoặc trang điểm.

Nếu người bệnh và bác sĩ quyết định điều trị bệnh bằng thuốc, trị liệu hoặc phẫu thuật, thì quá trình này có thể mất nhiều tháng để đánh giá hiệu quả của nó. Và bệnh nhân có thể phải thử nhiều phương pháp khác trước khi tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với người bệnh. 

Ngay cả khi điều trị thành công trong một thời gian, thì kết quả có thể không kéo dài hoặc các mảng mất sắc tố mới có thể xuất hiện. Bác sĩ có thể kê một loại thuốc bôi ngoài da như một liệu pháp duy trì để giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.

Điều trị bằng thuốc

Không có loại thuốc nào có thể ngăn chặn quá trình bạch biến - sự mất đi của các tế bào sắc tố (tế bào hắc tố). Nhưng một số loại thuốc, được sử dụng hoặc kết hợp với quang trị liệu có thể giúp khôi phục một số vùng da.

  • Thuốc chống viêm: Bôi kem chứa corticosteroid lên vùng da bị ảnh hưởng có thể làm cho màu sắc da trở lại bình thường. Cách này có hiệu quả nhất khi bệnh bạch biến vẫn còn ở giai đoạn đầu. Loại kem này hiệu quả và dễ sử dụng, nhưng người bệnh có thể không thấy những thay đổi màu sắc da trong vài tháng. Các tác dụng phụ có thể gặp như: mỏng da hoặc xuất hiện các vệt rạn da.

Các dạng thuốc nhẹ hơn có thể được kê đơn cho trẻ em và những người có vùng da lớn bị đổi màu

Thuốc viên hoặc thuốc tiêm corticosteroid có thể là một lựa chọn khi bệnh đang ở giai đoạn tiến triển.

  • Thuốc ức chế miễn dịch: Thuốc mỡ ức chế calcineurin như tacrolimus (Protopic) hoặc pimecrolimus (Elidel) có thể có hiệu quả đối với người bệnh có vùng nhỏ da bị giảm sắc tố, đặc biệt là trên mặt và cổ. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo về mối liên quan giữa những loại thuốc này với bệnh ung thư hạch và ung thư da.

Trị liệu

Quang trị liệu

Nguồn ảnh: professionbeautyQuang trị liệu

Quang trị liệu với tia cực tím B (UVB) dải hẹp đã được chứng minh là có thể ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh. Nó có thể hiệu quả hơn khi được sử dụng cùng corticosteroid hoặc chất ức chế calcineurin. Người bệnh sẽ cần trị liệu 2-3 lần một tuần. Có thể mất từ một đến ba tháng trước khi bệnh nhân nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trên da và có thể mất 6 tháng hoặc lâu hơn để có hiệu quả tốt nhất.

Với cảnh báo của FDA về nguy cơ có thể bị ung thư da khi sử dụng các chất ức chế calcineurin, hãy trao đổi với bác sĩ về những biến chứng và lợi ích của việc sử dụng các loại thuốc này với quang trị liệu.

Đối với những người không thể đến bệnh viện để điều trị, các thiết bị cầm tay cho liệu pháp tia cực tím B dải hẹp có sẵn để sử dụng tại nhà. Hãy nói chuyện với bác sĩ về phương pháp này nếu bạn muốn.

Thiết bị quang trị liệu cầm tay. Nguồn ảnh: pinterestThiết bị quang trị liệu cầm tay. Nguồn ảnh: pinterest

Các tác dụng phụ có thể xảy ra của liệu pháp tia cực tím bao gồm mẩn đỏ, ngứa và rát. Những tác dụng phụ này thường hết trong vài giờ sau khi điều trị.

Kết hợp psoralen và quang trị liệu.

Psoralen. Nguồn ảnh: SciELOChilePsoralen. Nguồn ảnh: SciELOChile

Phương pháp điều trị này kết hợp một chất có nguồn gốc thực vật gọi là psoralen với liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu) để trả lại màu sắc cho các mảng mất sắc tố. Sau khi dùng psoralen bằng đường uống hoặc thoa lên vùng da bị tổn thương, có nghĩa là người bệnh đang tiếp xúc với tia cực tím A (UVA). Cách điều trị này, mặc dù hiệu quả, nhưng khó thực hiện hơn và đã được thay thế bằng liệu pháp UVB dải hẹp.

Loại bỏ màu da còn lại (khử sắc tố). Liệu pháp này có thể là một lựa chọn nếu bệnh bạch biến lan rộng và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Một chất khử màu được áp dụng cho các vùng da không bị tổn thương. Điều này dần dần làm sáng da để hòa hợp với các vùng da bị bạch biến. Liệu pháp này được thực hiện 1 hoặc 2 lần một ngày trong 9 tháng hoặc lâu hơn.

Các tác dụng phụ có thể gặp: mẩn đỏ, sưng tấy, ngứa và da rất khô. 

Phẫu thuật

Nếu quang trị liệu và thuốc không hiệu quả, một số người bệnh có thể cần phẫu thuật. Các kỹ thuật sau đây nhằm làm đều màu da bằng cách phục hồi màu sắc da:

  • Ghép da: Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ chuyển những vạt da lành có sắc tố đến những vùng da bị mất sắc tố. Phương pháp này được áp dụng khi các mảng bạch biến nhỏ.

Các biến chứng có thể xảy ra như: nhiễm trùng, sẹo, đốm màu,…

  • Ghép phồng da: Bác sĩ sẽ tạo ra các vết phồng rộp trên da có sắc tố của người bệnh, sau đó cấy phần ngọn của mụn nước lên vùng da bị bạch biến.

Những biến chứng có thể xảy ra bao gồm sẹo, vùng da không thể trở lại màu bình thường. Và tổn thương da do hút có thể gây ra một mảng bạch biến khác.

  • Cấy ghép tế bào gốc: Bác sĩ sẽ lấy một số mô trên da lành có sắc tố, đưa các tế bào vào một dung dịch và sau đó cấy chúng lên vùng da bị bạch biến đã được chuẩn bị sẵn. Kết quả của quy trình tái tạo sắc tố này có thể quan sát được trong vòng 4 tuần.

Những biến chứng có thể xảy ra bao gồm sẹo, nhiễm trùng và da không đều màu.

Phương pháp điều trị tiềm năng trong tương lai

Các phương pháp điều trị đang được nghiên cứu bao gồm:

  • Thuốc kích thích các tế bào hắc tố. Thuốc này được cấy dưới da để thúc đẩy sự phát triển của tế bào hắc tố.
  • Thuốc giúp kiểm soát tế bào hắc tố. Prostaglandin E2 đang được thử nghiệm như một cách để phục hồi màu da ở những người bị bệnh bạch biến không phổ biến hoặc lan rộng. Nó được dùng dưới dạng gel bôi da.

Các biện pháp điều trị tại nhà.

Nếu bạn bị bệnh bạch biến, các biện pháp điều trị tại nhà sau đây có thể giúp chăm sóc và cải thiện làn da của mình:

Bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời và các nguồn tia UV. 

Nguồn ảnh: churchviewmedicalpracticeBảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời

Sử dụng kem chống nắng, với chỉ số SPF ít nhất là 30. Bôi kem chống nắng nhiều lần và thoa lại sau mỗi 2 giờ - hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đang bơi hoặc đổ mồ hôi. Bạn cũng có thể tìm chỗ râm hoặc mặc quần áo chống nắng và không sử dụng giường tắm nắng, đèn chiếu nắng.

Bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời giúp ngăn ngừa da sạm màu do bị cháy nắng. Kem chống nắng cũng giảm tình trạng rám nắng và làm mờ các mảng bạch biến.

Che kín vùng da bị bạch biến. Các sản phẩm trang điểm và kem nền có thể giúp giảm sự khác biệt về màu da. Bạn có thể cần thử nhiều loại mỹ phẩm trang điểm hoặc kem nền để tìm ra loại phù hợp với màu da bình thường của mình. Nếu bạn sử dụng kem dưỡng nhuộm màu da, hãy chọn loại có chứa dihydroxyacetone, vì chất này đã được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận.

Đừng xăm mình: Những tổn thương trên da chẳng hạn như do hình xăm, có thể khiến một mảng bạch biến mới xuất hiện trong vòng 2 tuần.

Dùng thuốc thay thế

Các nghiên cứu cho thấy loại thảo mộc Ginkgo biloba có thể phục hồi màu da bình thường ở những người bị bạch biến. Các nghiên cứu cũng khác cho thấy axit alpha-lipoic, axit folic, vitamin Cvitamin B-12 kết hợp với chiếu đèn có thể khôi phục màu da cho một số người bị bạch biến.

Cũng giống như các phương pháp điều trị khác, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử các liệu pháp thay thế thuốc để đảm bảo rằng chúng không ảnh hưởng đến các phương pháp điều trị khác mà bạn đang sử dụng.

Đối phó và hỗ trợ

Sự thay đổi về ngoại hình do bệnh bạch biến có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng và mất tự tin. Các phương pháp tự chăm sóc này có thể giúp bạn đối phó với bệnh bạch biến:

  • Kết nối tốt: Hãy tìm bác sĩ da liễu - một bác sĩ chuyên về chăm sóc da để hiểu rõ về bệnh bạch biến.
  • Tìm hiểu về tình trạng của bạn: Tìm hiểu càng nhiều về bệnh bạch biến và các phương pháp điều trị có thể giúp bạn quyết định các bước điều trị tiếp theo.
  • Truyền đạt cảm xúc của bạn: Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang cảm thấy chán nản hay tự ti. Họ có thể giới thiệu bạn đến một nhà tâm lí học – chuyên gia giúp đỡ những người bị trầm cảm.
  • Nói chuyện với những người khác: Hỏi bác sĩ về liệu pháp tâm lý hoặc các nhóm hỗ trợ cho những người bị bạch biến.
  • Tâm sự với những người thân: Tìm kiếm sự quan tâm và hỗ trợ từ gia đình và bạn bè.

Bạn cần làm gì khi đi khám?

Người bệnh có thể bắt đầu bằng cách đến gặp bác sĩ da liễu. Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn chuẩn bị cho cuộc hẹn 

Bạn có thể làm gì

  • Xem lại tiền sử gia đình: Tìm hiểu xem trong gia đình bạn có ai bị bệnh bạch biến, bệnh tuyến giáp hoặc bệnh tự miễn không.
  • Liệt kê thông tin cá nhân có liên quan, chẳng hạn như các vấn đề áp lực căng thẳng gần đây, thay đổi lối sống, cháy nắng và phát ban.
  • Liệt kê các loại thuốc, vitamin và chất bổ sung nào bạn đang dùng, bao gồm cả liều lượng.
  • Ghi lại những câu hỏi bạn muốn hỏi bác sĩ.

Một số câu hỏi cơ bản cần xem xét bao gồm:

  • Nguyên nhân có khả năng nhất gây ra các triệu chứng của tôi là gì?
  • Những nguyên nhân có thể khác là gì?
  • Tôi có cần bất kỳ xét nghiệm nào không?
  • Tình trạng này là tạm thời hay lâu dài?
  • Có những phương pháp điều trị nào và bạn đề xuất phương pháp nào?
  • Những tác dụng phụ nào tôi có thể gặp khi điều trị?
  • Tôi có thể làm bất cứ điều gì để phòng bệnh, chẳng hạn như tránh nắng vào những thời điểm nhất định hoặc mặc một loại kem chống nắng cụ thể?
  • Bạn có thể giới thiệu một sản phẩm để che đi các mảng bạch biến không?
  • Bạn có tài liệu nào mà tôi có thể mang về nhà không? Bạn giới thiệu những trang thông tin nào cho tôi?

Trả lời các câu hỏi của bác sĩ

  • Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi, chẳng hạn như:
  • Bạn bắt đầu nhận thấy những mảng sáng trên da từ khi nào?
  • Bạn có bị cháy nắng hoặc phát ban da trước khi nhận ra các mảng này không?
  • Bạn có nhạy cảm với ánh sáng mặt trời không?
  • Các mảng đổi màu có ngứa hoặc gây ra bất kỳ triệu chứng nào khác không?
  • Bạn đã bao giờ thay da này trước đây chưa?
  • Có ai trong gia đình bạn bị bệnh bạch biến, bệnh tuyến giáp hoặc bệnh tự miễn không?
  • Nghề nghiệp của bạn là gì, sở thích của bạn là gì? Bạn có tiếp xúc với bất kỳ hóa chất độc hại nào không?
  • Tình trạng này có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn không?
  • Bạn có đang dùng bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào không?

Bạn có thể làm gì trong thời gian chờ đợi

Trong khi chờ gặp bác sĩ, hãy hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và sử dụng kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF ít nhất là 30. Nếu bạn cảm thấy tự ti về những thay đổi trên da của mình, hãy trang điểm hoặc dùng kem nền để che đi các mảng bạch biến.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!