Ảnh hưởng của nồng độ axit uric với sức khỏe

Axit uric là một sản phẩm chuyển hóa trong cơ thể. Đôi khi, axit uric có thể tích tụ trong các khớp và mô, từ đó gây ra một số bệnh lý, ví dụ như bệnh gút - một dạng viêm khớp.

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về nồng độ axit uric, cũng như giải thích các bệnh lý liên quan tới sự thay đổi nồng độ axit uric trong máu. 

Axit uric tích tụ trong cơ thể như thế nào?

Purin là chất hóa học được cơ thể tổng hợp và có trong một số loại thực phẩm. Khi cơ thể chuyển hóa purin sẽ tạo ra sản phẩm cuối cùng là axit uric. Thận sẽ lọc máu và đào thải axit uric ra khỏi cơ thể qua nước tiểu.

Tuy nhiên, đôi khi axit uric có thể tích tụ trong máu. Tình trạng đó được gọi là tăng axit uric máu. Nó xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc đào thải axit uric kém. 

Quá nhiều axit uric trong máu có thể dẫn đến hình thành các tinh thể trong khớp và mô, gây ra phản ứng viêm và xuất hiện các triệu chứng của bệnh gút.

Nồng độ axit uric ở nam và nữ

Axit uric xuất hiện trong máu là điều bình thường. Tuy nhiên, khi nồng độ axit uric tăng cao hơn hoặc thấp hơn mức cho phép sẽ gây ra các vấn đề cho sức khỏe. Nồng độ axit uric cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.

Hạ axit uric máu hiếm khi xảy ra, nhưng nó cũng có thể xảy ra khi đào thải quá nhiều axit uric ra khỏi cơ thể.

Dưới đây là bảng cho biết mức độ axit uric trong máu thấp, bình thường và cao. Đơn vị tính là miligam trên decilit (mg/dl).

Nồng độ axit uricNamNữ
Thấp< 2.5 mg/dl< 1.5 mg/dl
Bình thường2.5–7.0 mg/dl1.5–6.0 mg/dl
Cao> 7.0 mg/dl> 6.0 mg/dl

Nguyên nhân gây tăng axit uric trong máu

Nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng tăng axit uric trong máu không phải lúc nào cũng rõ ràng. Tuy nhiên, di truyền và các yếu tố môi trường, chẳng hạn như chế độ ăn uống và sức khỏe, đều góp phần làm thay đổi nồng độ axit uric trong máu.

Các yếu tố nguy cơ gây tăng axit uric máu bao gồm:

  • Hội chứng chuyển hóa
  • Uống rượu
  • Nam giới
  • Huyết áp cao
  • Bệnh tiểu đường
  • Chế độ ăn chứa nhiều purin
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu

Các bệnh lý liên quan

Một số bệnh lý và phương pháp điều trị có liên quan đến tình trạng tăng nồng độ axit uric trong máu, đặc biệt là bệnh gút, điều trị ung thư và bệnh thận.

Bệnh gút

Bệnh gút là một dạng của bệnh viêm khớp. Các triệu chứng thường chỉ xuất hiện ở một khớp và tự biến mất. 

Đây là tình trạng axit uric tích tụ trong các khớp và mô, gây sưng, đau, nóng đỏ tại vùng đó. Bệnh gút thường ảnh hưởng đến khớp ngón chân, mắt cá chân và đầu gối.

Điều trị ung thư

Một số phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị, có thể làm chết các tế bào trong cơ thể. Khi tế bào chết, chúng sẽ giải phóng ra purin. Sau đó, cơ thể sẽ phân hủy purin tạo ra sản phẩm là axit uric. Do đó, xét nghiệm axit uric có thể là một phần trong quá trình điều trị ung thư. 

Bệnh thận

Thận có tác dụng lọc chất thải ra khỏi máu, bao gồm cả axit uric.

Bệnh thận sẽ làm hỏng thận và làm giảm chức năng thận. Khi đó, các chất thải bao gồm cả axit uric sẽ bị tích tụ trong máu.

Hội chứng Fanconi

Tình trạng hạ axit uric máu rất hiếm khi xảy ra. Và bệnh phổ biến nhất gây ra tình trạng hạ axit uric máu là hội chứng Fanconi, một bệnh lý thận hiếm gặp. Ở những người mắc hội chứng này, thận không thể tái hấp thu lại một số chất dinh dưỡng vào cơ thể.

Hội chứng Fanconi có thể làm cơ thể thiếu năng lượng, mất nước và gây ra các vấn đề về xương. Một người mắc tình trạng này sẽ có nồng độ axit uric trong máu thấp vì thận đào thải quá nhiều axit uric ra ngoài.

Triệu chứng của tình trạng tăng axit uric trong máu

Một người có nồng độ axit uric trong máu cao hoặc thấp có thể không biểu hiện triệu chứng. Các triệu chứng có thể chỉ xuất hiện sau một thời gian dài kéo dài tình trạng này, có khả năng cao gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Các triệu chứng của bệnh gút, có liên quan đến tình trạng tăng axit uric máu, bao gồm:

  • Đau hoặc sưng khớp
  • Các khớp có cảm giác ấm nóng khi chạm vào
  • Da vùng khớp sáng bóng và đổi màu 

Ngoài ra cũng cần lưu ý đến các triệu chứng của sỏi thận bao gồm:

  • Đau lưng, có thể đau một bên lưng
  • Đi tiểu thường xuyên 
  • Nước tiểu đục, có mùi bất thường hoặc có lẫn máu
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa

Tình trạng hạ axit uric máu ít khi xảy ra hơn. Những người mắc tình trạng này sẽ đi tiểu nhiều hơn bình thường, từ đó có thể gây mất nước nếu họ không uống đủ nước.

Chẩn đoán

Xét nghiệm axit uric qua mẫu máu hoặc mẫu nước tiểu. Nguồn ảnh: forgout.comXét nghiệm axit uric qua mẫu máu hoặc mẫu nước tiểu. Nguồn ảnh: forgout.com

Xét nghiệm axit uric để đo nồng độ axit uric trong máu hoặc nước tiểu.

Một người có thể cần xét nghiệm axit uric nếu họ có các triệu chứng của bệnh gút hoặc sỏi thận hoặc đang điều trị ung thư. Việc xét nghiệm này sẽ không gây bất kì ảnh hưởng nào tới sức khỏe. 

Kĩ thuật viên có thể chỉ lấy một mẫu máu nhỏ bằng kim tiêm hoặc yêu cầu bệnh nhân tự lấy nước tiểu của mình trong 24 giờ. Sau đó, mẫu máu hoặc mẫu nước tiểu sẽ được phân tích để xác định nồng độ axit uric trong đó. 

Đôi khi bệnh nhân cũng cần làm xét nghiệm chọc hút dịch khớp. Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách dùng bơm tiêm chọc vào vùng khớp đang bị sưng để lấy một lượng nhỏ dịch khớp. Sự hiện diện của các tinh thể axit uric trong dịch khớp là dấu hiệu của bệnh gút.

Ngoài ra, bác sĩ có thể hỏi thêm về tiền sử, các triệu chứng hiện tại để có thêm thông tin phục vụ cho chẩn đoán chính xác các bệnh lý liên quan đến nồng độ axit uric.

Bên cạnh đó, một số người có thể có nồng độ axit uric trong máu cao nhưng không biểu hiện triệu chứng. Những trường hợp này thường không cần điều trị gì. 

Điều trị 

Cơ thể sẽ tạo ra axit uric sau phản ứng phân hủy purin. Chế độ ăn quá giàu purin có thể khiến axit uric tích tụ trong máu.

Bạn không thể loại bỏ purin hoàn toàn ra khỏi khẩu phần ăn vì trong nhiều loại thực phẩm vẫn có một lượng nhỏ purin. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tuân theo một chế độ ăn ít purin và thực hiện thêm những phương pháp khác để hạ nồng độ purin trong cơ thể.

Những thực phẩm có hàm lượng purin vừa phải hoặc cao mà bệnh nhân bị gút nên tránh bao gồm:

  • Rượu
  • Thịt ba rọi
  • Gà tây
  • Thịt bê
  • Nội tạng
  • Động vật có vỏ
  • Cá hồi
  • Cá tuyết chấm đen
  • Cá cơm
  • Cá mòi
  • Cá trích 

Ngoài ra, các loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) và thuốc chống viêm chứa steroid sẽ có tác dụng giảm đau và viêm, giúp điều trị các triệu chứng của cơn gút cấp. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị gút cũng nên lưu ý những thứ sau:

  • Tránh uống rượu
  • Duy trì cân nặng vừa phải
  • Bảo vệ các khớp bằng các bài tập nhẹ nhàng, ít va chạm, chẳng hạn như đi bộ, đi xe đạp và bơi lội

Thông thường, một người bị bệnh gút cần xét nghiệm axit uric 6 tháng một lần.

Bạn nên duy trì nồng độ axit uric trong giới hạn cho phép để tránh gây tổn thương khớp và các biến chứng do bệnh gút.  

Kết luận

Tóm lại, axit uric là một chất thải sau quá trình chuyển hóa purin. Chúng có thể gây ảnh hưởng xấu tới khớp và mô nếu tích tụ quá nhiều trong cơ thể. Tình trạng axit uric trong máu cao xuất hiện trong một thời gian dài sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe khác. 

Với một người bị bệnh gút, điều quan trọng là phải giữ được nồng độ axit uric máu trong giới hạn bình thường. Điều này sẽ giúp cải thiện các triệu chứng và giảm nguy cơ bùng phát các cơn gút cấp.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!